Điều trị trầm cảm bằng magie

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nghiên cứu cho rằng trầm cảm và thiếu hụt magie có sự liên quan với nhau. Thiếu hụt magie có thể gây kích động, lo âu và nhiều cảm xúc của bệnh trầm cảm.[1] Mắc những triệu chứng này có thể là dấu hiệu thiếu hụt magie và bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán. Ngoài ra, còn có nhiều cách kiểm soát bệnh trầm cảm tại nhà bằng cách sử dụng magie.

Các bước[sửa]

Tiếp nhận Chẩn đoán[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng bệnh trầm cảm. Trầm cảm là rối loạn tâm lý khiến bạn mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày và cảm thấy buồn dai dẳng. Bệnh trầm cảm cần được điều trị và nhiều trong số các phép điều trị đó có thể kéo dài. Bạn có thể chỉ bị trầm cảm một lần hoặc nhiều lần trong đời. Bước đầu tiên để đối phó với bệnh là tiếp nhận chẩn đoán chuyên nghiệp từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý được cấp giấy hành nghề. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trầm cảm là:[2][3]
    • Cảm giác tuyệt vọng, buồn bã hoặc trống rỗng
    • Cáu kỉnh hoặc bức bối, thường là vì những điều nhỏ nhặt
    • Tức giận
    • Mất hứng thú đối với các hoạt động và các mối quan hệ đầy ý nghĩa
    • Rối loạn giấc ngủ do mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
    • Thiếu năng lượng và mệt mỏi, ngay cả khi không làm gì
    • Thay đổi thói quen ăn uống
    • Cảm giác lo lắng, bồn chồn hoặc kích động không có nguyên nhân
    • Cảm thấy tội lỗi không lý do hoặc vì một thứ không đáng
    • Ám ảnh về những thất bại trong quá khứ, tự trách móc bản thân vì những thứ không đáng trách
    • Khó tập trung, khó đưa ra quyết định hoặc khó ghi nhớ
    • Vấn đề về thể chất không có nguyên do, ví dụ như đau đầu
  2. Xác định nguyên nhân. Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến trầm cảm. Xác định nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương án chăm sóc và điều trị cụ thể. Bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân hoặc tác nhân góp phần gây trầm cảm, lo lắng. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu có triệu chứng trầm cảm để lên kế hoạch điều trị cụ thể cũng như xác định nguyên nhân chính xác.
    • Trầm cảm trong thời gian ngắn có thể là do thay đổi hormone, chuyển mùa, stress kéo dài, các mối quan hệ không lành mạnh, dùng thuốc chữa bệnh hoặc lạm dụng thức uống chứa cồn.
    • Trầm cảm tái phát và kéo dài có thể trở nên nghiêm trọng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Các yếu tố góp phần gây trầm cảm kéo dài có thể là tình trạng mất cân bằng hóa học trong não, trầm cảm do di truyền, thay đổi trong cuộc sống hoặc những sự kiện gây chấn động.[4][5]
  3. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trầm cảm là rối loạn nghiêm trọng không nên xem nhẹ. Nếu bạn không tìm kiếm sự giúp đỡ, bệnh có thể gây ra các vấn đề về cảm xúc, sức khỏe, hành vi và ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống. Nếu có triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên trao đổi sớm với chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Triệu chứng nghiêm trọng gồm có: [6]
    • Cơ thể mệt mỏi hoặc đau đớn như đau đầu, đau lưng hoặc đau nhức cơ bắp
    • Hoảng loạn, lo lắng hoặc cảm giác vô cùng bất an
    • Các vấn đề trong mối quan hệ, rắc rối trong gia đình, khó khăn trong công việc hoặc ở trường học
    • Bị cô lập khỏi xã hội
    • Lạm dụng rượu bia hoặc chất kích thích
    • Tự hành hạ bản thân, ví dụ như cắt tay
    • Cảm giác muốn tự tử - Gọi ngay cho cấp cứu 115 nếu có suy nghĩ muốn tự tử

Tăng cường Tiêu thụ Magie[sửa]

  1. Tiếp nhận xét nghiệm máu. Trầm cảm có thể là do thiếu hụt magie. Vì đây là bệnh có thể dễ dàng xét nghiệm nên bạn có thể yêu cầu bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu để xác định thiếu hụt magie. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách tăng tiêu thụ maige. Một số rối loạn ở thận và dạ dày có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ magie. Ở một số quốc gia như Mỹ, đa số người dân đều không bổ sung đủ lượng magie cần thiết mỗi ngày như được khuyến nghị. [7]
    • Triệu chứng thiếu hụt magie gồm có lo lắng, mất ngủ, cáu kỉnh, lú lẫn, nhịp tim thay đổi bất thường, thở gấp, kích động, buồn nôn, mệt mỏi, co thắt cơ, hạ huyết áp, nôn mửa và co giật.[7]
    • Lượng magie có thể bị tiêu hao do tiêu thụ quá nhiều cà phê, soda, muối, đồ uống chứa cồn hoặc thuốc lợi tiểu. Nồng độ magie cũng có thể hạ thấp do đổ mồ hôi quá nhiều, chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt và căng thẳng kéo dài. [8]
  2. Ăn thực phẩm giàu magie. Magie có trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là rau lá xanh. Để giúp tăng nồng độ magie, bạn cần tăng dung nạp lượng magie hàng ngày thông qua thực phẩm. Nguồn magie dồi dào đến từ nhiều nguồn thực phẩm từ thực vật khác nhau và bạn có thể kết hợp vào các công thức nấu ăn hàng ngày.
    • Thực phẩm giàu magie gồm có đậu phụ, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám, bột mì nguyên cám, bột yến mạch, gạo lứt, yến mạch, sôcôla và bột cacao.
    • Rau lá xanh giàu magie gồm có rau mù tạt, cải cầu vồng, củ dền, rau cải, cải rổ và rau bina (cải bó xôi).
    • Nên ăn nhiều loại hạt như hạt Brazil, hạt thông, hạt óc chó đen, lạc, hạnh nhân, hồ trăn và hạt điều. Ngoài ra, bạn có thể ăn hạt bí đỏ để tăng cường magie.
    • Có nhiều loại thảo mộc, gia vị và rong biển giúp bổ sung magie, ví dụ như rong biển Agar, mù tạt khô, thìa là, bột cần tây, xô thơm, húng quế, hạt cây thìa là, ngải giấm, hạt hoa anh túc, rau mùi, kinh giới ô và nghệ.[9]
  3. Uống nước khoáng. Nước khoáng chứa nhiều thành phần có ích mà nước thường không có. Uống ít nhất 2 lít nước khoáng mỗi ngày giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể và bổ sung đến 25% nhu cầu magie được khuyến nghị mỗi ngày. Bạn nên đọc thông tin trên sản phẩm nước khoáng để biết sản phẩm chứa bao nhiêu magie. Lượng magie trong mỗi lít nên nằm ở mức 20-110 mg.
    • Nghiên cứu cho thấy khả năng hấp thụ magie từ nước khoáng tự nhiên sẽ cao hơn khi uống trong bữa ăn thay vì uống giữa các bữa ăn.[10][11]
  4. Uống thực phẩm chức năng bổ sung magie. Magie gluconat, magie lactat và magie citrat là những dạng magie được khuyến nghị nên bổ sung. Magie dạng này được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn. Trung bình, người trưởng thành nên bổ sung ít nhất 350 mg magie mỗi ngày. Trẻ nhỏ chỉ nên bổ sung 130-240 mg magie mỗi ngày.
    • Không cho trẻ nhỏ, người có vấn đề về thận hoặc người bị rối loạn tiêu hóa uống thực phẩm chức năng bổ sung nếu không được sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ.
    • Phụ nữ mang thai cần tăng cường bổ sung magie. Ngoài ra, người đang phục hồi sau phẫu thuật hoặc sau khi bị bệnh, người đang trải qua huấn luyện thể thao cũng nên tăng cường magie. Nếu muốn uống thực phẩm chức năng bổ sung magie, bạn nên hỏi bác sĩ về liều chính xác được khuyến nghị mỗi ngày. [12]
  5. Nhận thức tác dụng phụ. Thực phẩm chức năng bổ sung magie có thể gây tác dụng phụ khi dùng với một số thuốc chữa bệnh. Người đang dùng thuốc chữa bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn uống thực phẩm chức năng. Tác dụng phụ điển hình khi tăng dung nạp magie gồm có đau bụng, tiêu chảy, huyết áp hạ quá thấp, buồn nôn, rối loạn nhịp tim, lú lẫn, nôn mửa, liệt đường hô hấp, hạ nhịp tim, thiếu hụt các khoáng chất khác, hôn mê, ngừng tim và một số trường hợp có thể bị tử vong. [12]

Kiểm soát Trầm cảm bằng cách Thay đổi Lối sống[sửa]

  1. Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục mang đến lợi ích về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Tập thể dục giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng và tăng sự tự tin. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp cải thiện các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường và viêm khớp. Chỉ một buổi tập cũng có thể cải thiện triệu chứng trầm cảm trong nhiều giờ và theo thời gian, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm đáng kể số lần bị trầm cảm. Bạn và bác sĩ có thể lên kế hoạch tập luyện để kiểm soát trầm cảm. Một số cách để đảm bảo rằng bạn tập thể dục đủ đó là:
    • Tập ít nhất 2 tiếng mỗi tuần đối với các bài tập cường độ vừa như đi bộ nhanh, giãn cơ, đi bộ chậm hoặc bơi lội. Ngoài ra, nên tập khoảng 1 tiếng mỗi tuần đối với bài tập cường độ cao như đạp xe, bài tập sức mạnh cường độ cao hoặc tập thể thao.
    • Nghe nhạc hoặc nghe đọc sách để giúp bản thân cảm thấy hứng thú, có động lực hơn khi tập luyện. Bạn cũng có thể tìm bạn tập chung để kiên trì hơn. Bên cạnh đó, có thể kết hợp việc tập thể dục với các bài tập thú vị như nhảy Zumba.
    • Tránh tập thể dục 3-4 tiếng trước khi đi ngủ. Sử dụng năng lượng vào buổi tối có thể làm thay đổi, rối loạn thói quen khi ngủ và khiến bạn lo lắng hơn.[13][14]
  2. Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ sẽ làm tăng sản sinh hormone gây căng thẳng dẫn đến trầm cảm và lo lắng. Trầm cảm có liên quan đến chứng thiếu ngủ, do đó ngủ đủ giấc có thể giúp giảm triệu chứng trầm cảm. Bạn nên tạo thời gian biểu cho giấc ngủ để có thể ngủ ngon hơn.
    • Không nằm trên giường quá lâu nếu không ngủ được. Nên ngồi dậy và đi lại xung quanh vài phút rồi trở lại giường. Bạn có thể làm một việc gì đó để cảm thấy thư giãn hơn như đọc sách, nghe nhạc, tắm nước ấm hoặc thiền.
    • Phải đảm bảo rằng ga giường tạo cảm giác thoải mái và chăn nệm gối có thể nâng đỡ cơ thể. Ngoài ra, bạn chỉ nên đắp chăn đủ ấm. Điều chỉnh nhiệt độ phòng đến khi cảm thấy mát mẻ để dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
    • Không xem tivi, sử dụng thiết bị điện tử, làm việc, ăn uống hoặc tập thể dục trước khi ngủ. Ngoài ra, tránh tiêu thụ các sản phẩm chứa caffeine, nicotine, cồn và đường trong vòng 4-6 tiếng trước khi ngủ. Những sản phẩm này có tính kích thích khiến bạn tỉnh ngủ. Ăn trước khi ngủ còn làm tăng nguy cơ béo phì, từ đó dẫn đến chứng trầm cảm hoặc khiến triệu chứng trầm cảm trở nặng hơn.
    • Ánh sáng từ màn hình tivi hoặc thiết bị điện tử có thể làm chậm quá trình sản sinh melatonin khiến bạn khó ngủ.[15][16]
  3. Tránh các hoạt động gây căng thẳng. Những tình huống căng thẳng có thể gây trầm cảm, lo lắng và nhiều vấn đề cũng như bệnh tật khác. Càng lớn tuổi thì bạn sẽ càng khó cảm thấy thư giãn sau một sự kiện căng thẳng. Vì vậy, nên tập thiền hoặc tham gia các hoạt động giúp tịnh tâm như Yoga hoặc Thái Cực Quyền và dành thời gian cho các hoạt động vui nhộn. Ngoài ra, có thể giảm căng thẳng bằng cách: [17]
    • Tập hít thở chậm ở một không gian yên tĩnh
    • Dồn năng lượng để nghĩ về những điều tích cực trong cuộc sống
    • Sắp xếp lại thứ tự ưu tiên công việc hàng ngày để loại bỏ những việc không cần thiết
    • Tìm kiếm niềm vui, những điều hài hước vì nghiên cứu cho thấy chúng giúp bạn đương đầu với căng thẳng
    • Nghe những bản nhạc tạo cảm giác thư giãn hoặc xem chương trình tivi hay một bộ phim yêu thích
  4. Tránh xa chất kích thích và đồ uống chứa cồn. Chúng là những tác nhân kích thích triệu chứng trầm cảm và khiến triệu chứng trầm trọng hơn nếu sử dụng kéo dài. Qua thời gian, việc sử dụng chất kích thích và đồ uống chứa cồn có thể khiến bệnh trầm cảm khó điều trị. Phụ thuộc vào đồ uống chứa cồn được cho là có liên quan đến tình trạng lo lắng tăng cao.[18]
    • Hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa cồn xuống mức một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới. Tránh xa các chất kích thích.
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa khi cần giúp đỡ bỏ rượu bia hoặc chất kích thích.
  5. Cân nhắc tâm lý trị liệu. Nếu gặp khó khăn trong việc hiểu được tâm trạng hoặc hành vi của bản thân, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý học, nhân viên tư vấn hoặc các chuyên gia dịch vụ sức khỏe tâm thần khác. Họ có thể tiến hành tâm lý trị liệu để giúp bạn học cách kiểm soát cuộc sống và đối đầu với những tình huống căng thẳng, bực bội bằng những kỹ năng phù hợp, đặc biệt là khi bạn bị lo âu và trầm cảm. Có thể yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia tâm lý trị liệu hoặc chỉ định bác sĩ mà bạn thích.
    • Bác sĩ có thể giới thiệu bạn tham gia một nhóm hỗ trợ - một hình thức khác của tâm lý trị liệu.[19]

Thử Áp dụng Phép điều trị Thay thế[sửa]

  1. Thử dùng thảo dược St John’s Wort. St. John’s Wort là thảo dược có thể có ích đối với trầm cảm mức độ nhẹ và vừa. Có thể mua thảo dược ở dạng chiết xuất lỏng, trong viên nang mềm, viên nén hoặc ở dạng thành phần trong trà. Nên trao đổi với bác sĩ để biết thảo dược ở dạng nào là tốt nhất trong trường hợp của bạn và liệu sử dụng thảo dược St. John's Wort có an toàn hay không.
    • Thực phẩm chức năng được tiêu chuẩn hóa tới mức hypericin đậm đặc 0,3% (hypericin là một trong các hoạt chất của thảo dược này). Thực phẩm chức năng nên được uống 3 lần mỗi ngày, mỗi liều 300 mg. Có thể uống 3-4 tuần để thảo dược thấm vào cơ thể, do đó cũng sẽ mất 3-4 tuần để thấy được tác dụng.
    • Không ngừng uống St. John’s Wort ngay lập tức. Làm như vậy sẽ gây tác dụng phụ khó chịu. Thay vào đó, bạn nên giảm từ từ lượng thảo dược tiêu thụ mỗi ngày.
    • Người mắc rối loạn giảm chú ý và rối loạn lưỡng cực không nên dùng St. John’s Wort. Bên cạnh đó, người đang uống thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, an thần, thuốc dị ứng hoặc phụ nữ mang thai/đang cho con bú cũng không nên dùng thảo dược này. [20] Tránh ăn bưởi và uống nước ép bưởi khi đang dùng thảo dược St. John's Wort.
  2. Uống dầu cá. Dầu cá chứa axit béo omega-3 có tác dụng hỗ trợ chức năng não. Nồng độ hóa chất não gọi là EPA và DHA (hai chất cũng có trong dầu cá) trong máu người bị trầm cảm có thể hạ thấp. Do đó, bạn nên ăn cá hoặc hải sản vài lần mỗi tuần để tăng dung nạp omega-3. Nên ăn cá hồi, cá mòi, cá trích, sò, hàu, cá ngừ trắng đóng hộp. Ngoài ra, có thể sử dụng dầu cá dạng thực phẩm chức năng không kê đơn.
    • Không nên dùng dầu cá như phương thuốc duy nhất để chữa trầm cảm. Mặc dù vậy, dầu cá vẫn rất có ích khi dùng hỗ trợ cho thuốc kê đơn và các phép điều trị khác.
    • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn sử dụng thực phẩm chức năng hoặc tăng tiêu thụ omga-3.
    • Tránh ăn hải sản sống, động vật có vỏ, cá kình, cá thu và cá mập. Những loài động vật biển này chứa hàm lượng thủy ngân cao.[21]
  3. Tăng cường vitamin C. Nghiên cứu cho thấy thiếu hụt vitamin C có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi và trầm cảm. Để tránh điều đó, bạn nên tăng cường bổ sung vitamin C mỗi ngày. Có thể ăn những thực phẩm giàu vitamin C hoặc uống thực phẩm chức năng. Bổ sung vitamin C qua nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên như ớt chuông đỏ hoặc xanh, cam, bưởi, chanh, rau bina (rau chân vịt), bông cải xanh, mầm cải Brussel, dâu tây, phúc bồn tử, cà chua, xoài, đu đủ và dưa vàng.
    • Đối với thực phẩm chức năng, bạn có thể uống 2-3 liều vitamin C, tức tổng cộng 500 mg mỗi ngày. Lưu ý tổng lượng vitamin C từ thực phẩm và thực phẩm chức năng nên nằm dưới mức 2000 mg mỗi ngày. Vitamin C liều cao có thể gây tiêu chảy.
    • Hút thuốc có thể gây tiêu hao vitamin C nên người hút thuốc cần bổ sung thêm 35 mg mỗi ngày.
    • Hỏi bác sĩ trước khi muốn dùng thực phẩm chức năng nếu bạn đang uống thuốc chữa bệnh, sử dụng thảo dược hoặc các thực phẩm chức năng khác.[22]
  4. Thử bổ sung 5-Hydroxytryptophan (5-HTP). Hóa chất này được tạo ra trong cơ thể, có nguồn gốc từ tryptophan và trở thành serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh điều khiển tâm trạng. 5-HTP có thể hỗ trợ giấc ngủ, tâm trạng, cải thiện tình trạng lo lắng, chán ăn và đau đớn.
    • 5-HTP có thể hiệu quả tương tự như một số thuốc chống trầm cảm SSRI (như Prozac và Zoloft) được dùng để điều trị cho người bị trầm cảm mức độ nhẹ và vừa.[23]
  5. Trao đổi với bác sĩ về việc kết hợp các phương pháp. Một số phương pháp điều trị sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp cùng nhau nhưng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách kết hợp nào là phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân và để tránh những tương tác tiêu cực.
    • Có thể trao đổi với bác sĩ về một số loại thực phẩm chức năng khác để điều trị trầm cảm như Rhodiola và SAMe (S-adenosyl methionine).

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23950577
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/basics/definition/con-20032977
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/basics/symptoms/con-20032977
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/basics/causes/con-20032977
  5. http://healthtools.aarp.org/health/depression/causes
  6. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/basics/complications/con-20032977
  7. 7,0 7,1 https://ods.od.nih.gov/factsheets/Magnesium-HealthProfessional/
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16542786
  9. http://lpi.oregonstate.edu/mic/minerals/magnesium#food-sources
  10. http://waterstories.nestle-waters.com/health/meet-daily-requirements-magnesium/
  11. http://www.lifeextension.com/magazine/2007/2/report_water/page-01
  12. 12,0 12,1 https://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/magnesium
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression-and-exercise/art-20046495
  14. http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/exercising-to-relax
  15. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/sleep/art-20048379
  16. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/basics/complications/con-20024293
  17. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/stress-symptoms/art-20050987
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/basics/lifestyle-home-remedies/con-20032977
  19. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/psychotherapy/basics/definition/prc-20013335
  20. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/329.html
  21. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/expert-answers/fish-oil-supplements/faq-20058143
  22. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-answers/benefits-vitamin-c/faq-20058271
  23. https://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/5hydroxytryptophan-5htp

Liên kết đến đây