Ứng xử với bạn đời từng lừa dối

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có hàng trăm lý do để người ta lừa dối bạn đời hoặc người yêu. Nhưng cho dù là lý do gì, sự thiếu chung thủy bao giờ cũng gây tổn thương và có thể khiến hai người xa nhau mãi mãi. Nếu người ấy từng lừa dối và tỏ ra ân hận vì những gì anh ấy (cô ấy) đã làm, bạn có thể thực hiện các một số bước để tiếp tục mối quan hệ. Hãy tiếp tục đọc để biết cách ứng xử với người bạn đời từng lừa dối.

Các bước[sửa]

Thiết lập lại lòng tin[sửa]

  1. Hiểu bản chất lừa dối của người ấy. Con người lừa dối vì nhiều lý do khác nhau và không phải lúc nào cũng vì tình dục. Đôi khi người ta lừa dối vì nhu cầu kết nối tình cảm, để cố gắng giải quyết một cuộc khủng hoảng hay mất mát, hoặc để tìm một lối thoát.[1]
    • Đừng mặc nhiên cho rằng đối phương lừa dối chỉ là vì tình dục. Bạn cần biết nguyên do nào anh ấy (cô ấy) đã lừa dối trước khi xử lý sự việc. Thử nói với người yêu những câu như, “Em muốn biết tại sao anh lừa dối em và người đó là ai. Làm ơn trung thực với em và nói cho em biết chuyện gì đã xảy ra.”
  2. Yêu cầu người yêu chấm dứt liên lạc với người thứ ba. Để lấy lại lòng tin, bạn cần chắc chắn rằng người thứ ba phải ở ngoài cuộc. Điều này có nghĩa là bạn cần yêu cầu người yêu cắt đứt mọi ràng buộc với người kia. Việc này có thể khó khăn nếu người thứ ba là đồng nghiệp hoặc họ ở vị trí mà người yêu của bạn gặp gỡ hàng ngày. Như vậy có lẽ thậm chí người yêu của bạn phải tìm một công việc khác để đảm bảo rằng không còn sự tiếp xúc nào giữa hai người họ nữa.[2]
    • Nếu người yêu của bạn từ chối cắt đứt liên lạc với người kia, có thể đó là dấu hiệu rằng anh ấy (cô ấy) không có ý muốn chấm dứt cuộc tình đó. Nếu gặp phải trường hợp này, có lẽ bạn không có khả năng hàn gắn mối quan hệ.
    • Nếu người thứ ba tiếp tục theo đuổi dù người yêu của bạn đã cắt đứt với họ, hai bạn có thể xin lệnh cách ly để đảm bảo họ không đến gần.
  3. Đối thoại với người yêu khi bạn đã sẵn sàng. Chắc hẳn bạn vô cùng đau khổ khi biết rằng người yêu có mối quan hệ ngoài luồng. Trong trường hợp này, có lẽ bạn cần một thời gian để trấn tĩnh trước khi có thể nói chuyện với người yêu về việc đã xảy ra. Trao đổi với người yêu về cuộc tình của họ với người thứ ba là điều quan trọng để bạn tiếp tục mối quan hệ, nhưng đừng nghĩ rằng bạn phải nói chuyện ngay. Bạn cứ thong thả và chỉ nói chuyện khi đã sẵn sàng.[2]
    • Nếu người yêu của bạn cố nài ép bạn phải nói chuyện, bạn hãy nói những câu như, “Em hiểu ý tốt của anh, nhưng hiện giờ em rất buồn và không thể nói về chuyện đã xảy ra. Anh có thể chứng tỏ tình yêu của anh bằng cách để em thời gian yên tĩnh được không?”
  4. Đặt giới hạn cho các mối quan hệ bên ngoài hôn nhân. Nếu bạn đời của bạn đã từng lừa dối, có khả năng là người đó sẽ ngoại tình lần nữa. Bạn có thể giúp bạn đời ngăn chặn cuộc tình ngoài luồng trước khi tình cảm đó thực sự phát triển bằng cách thiết lập ranh giới cho các mối quan hệ bên ngoài. Nói cách khác, bạn cần đảm bảo đối phương hiểu việc gì có thể chấp nhận và việc gì không. Bạn cũng nên đảm bảo bạn đời của bạn hiểu rằng có một số thông tin không được phép tiết lộ để tránh trường hợp tình bạn phát triển thành tình cảm nam nữ.[3]
    • Ví dụ, bạn đời của bạn không nên nói chuyện với đồng nghiệp về bạn hoặc những rắc rối trong hôn nhân của hai người. Hai vợ chồng cần thảo luận với nhau để lên danh sách những đề tài có thể và không thể chấp nhận khi trò chuyện với đồng nghiệp.
  5. Yêu cầu người yêu cho bạn biết họ đang ở đâu suốt ngày. Để lấy lại lòng tin, người yêu của bạn cần hiểu rằng họ đã làm bạn mất niềm tin. Vì vậy bạn cần phải biết người yêu mình đang ở đâu vào bất cứ lúc nào. Nghe có vẻ không công bằng cho người yêu của bạn, nhưng điều này là cần thiết nếu họ quyết tâm lấy lại lòng tin ở bạn.[4]
  6. Nói chuyện về cuộc tình ngoài luồng của người yêu, nhưng nên đặt giới hạn. Lên lịch mỗi tuần 30 phút để nói về chuyện đó thay vì rải ra hỏi suốt tuần. Không đòi người yêu tiết lộ những chi tiết có thể khiến bạn đau lòng khi nghe, như chuyện về tình dục chẳng hạn.
  7. Tha thứ tùy theo điều kiện của bạn. Người yêu của bạn có thể vô cùng hối hận và năn nỉ bạn tha thứ, nhưng bạn không nhất định phải tha thứ ngay. Việc bạn cần thêm thời gian để chữa lành vết thương trước khi tha thứ là điều bình thường. Để người yêu bạn hiểu điều đó, bạn hãy cho họ biết rằng bạn vẫn còn rất đau buồn nên chưa thể tha thứ được, và bạn cần thêm thời gian.[2]
    • Nói những điều như, “Em hiểu rằng anh muốn xin lỗi, em cũng muốn anh biết lỗi nhưng em vẫn chưa sẵn sàng tha thứ cho anh.”
  8. Tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn. Một mình đối mặt với sự lừa dối của bạn đời hay người yêu quả là khó khăn. Nếu cảm thấy khó vượt qua việc này một mình, bạn hãy tìm sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn có giấy phép và chuyên xử lý các vấn đề hôn nhân và gia đình. Chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề tình cảm và thiết lập những cuộc đối thoại có tính xây dựng hơn.
    • Cần nhớ rằng chuyên gia tư vấn hôn nhân sẽ không đưa ra giải pháp tức thời. Thiết lập lại lòng tin cần phải có thời gian.[1]

Xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn[sửa]

  1. Khuyến khích bạn đời cởi mở hơn với bạn. Việc chia sẻ tình cảm với bạn đời nhiều hơn và khuyến khích họ cũng đáp lại như thế sẽ giúp củng cố mối dây liên kết giữa hai người. Tạo thói quen tâm sự với nhau mỗi ngày. Một số câu hỏi mở để bạn tâm sự với bạn đời có thể là:
    • “Anh còn nhớ hồi trước mình từng đi dạo quanh đây và trò chuyện không, dắt cả chó theo cùng nữa? Tối nay chúng ta thử làm lại việc đó được không… Anh nghĩ thế nào?”
    • “Sự việc hôm qua giữa hai chúng ta không được tốt lắm, em muốn thử cách khác – chúng ta có thể bắt đầu lại không? Lần này em sẽ bình tĩnh và kiên nhẫn lắng nghe hơn. Em cũng muốn cho anh biết điều gì là tốt cho em và em cũng muốn biết anh đang mong chờ điều gì.”
  2. Quan tâm đến nhu cầu của nhau. Để cải thiện mối quan hệ, cả hai cần học cách hiểu những mong muốn của nhau. Nói chuyện là cách tốt nhất để biết người yêu của bạn cần gì và cho họ biết mong muốn của bạn.
    • Nếu không biết chắc bạn đời mong muốn hoặc cần điều gì, tốt nhất là bạn hãy hỏi và lắng nghe. Nếu vẫn chưa chắc chắn, hãy đặt thêm câu hỏi. Ví dụ, bạn có thể nói những câu như, “Em nghĩ điều anh cần ở em là ________. Có phải ý của anh là vậy không?”[5]
  3. Đánh giá cao về nhau. Bày tỏ sự trân trọng nhau qua những lời khen ngợi chân thành là một phần quan trọng cho một mối quan hệ tốt đẹp. Đảm bảo rằng bạn và người yêu nhận thức được tầm quan trọng của việc khen ngợi nhau, và cả hai phải biết cách làm điều đó. Những lời khen thích hợp không chỉ cần chân thành và cụ thể, mà còn phải là những câu với chủ ngữ là “tôi” thay vì chủ ngữ là đối phương.[6]
    • Ví dụ, nếu người kia dọn dẹp căn bếp, bạn đừng nói “Anh dọn bếp giỏi lắm”. Thay vào đó, bạn hãy nói, "Em cảm ơn anh vì đã dọn bếp”. Dùng câu có chủ ngữ là mình thay vì đối phương có thể giúp người kia biết bạn cảm thấy thế nào, không chỉ là nhận biết điều gì.
  4. Yêu cầu bạn đời cam kết thay đổi. Nếu đã quyết định tiếp tục mối quan hệ với bạn đời hay người yêu, bạn nên yêu cầu họ hứa không tiếp tục các kiểu hành vi tương tự vốn có thể dẫn đến quan hệ ngoài luồng. Yêu cầu đối phương nói rõ ràng hoặc thậm chí viết ra những kiểu hành vi đó và cam kết thay đổi.[4]
  5. Đặt ra các hậu quả nếu bạn đời của bạn lại “say nắng” lần nữa. Vì có khả năng là người kia có thể lừa dối lần nữa, hai người nên trao đổi với nhau để đặt ra các điều kiện nếu chuyện đó lặp lại. Những hậu quả này có thể là ly hôn, không được nuôi con hoặc các hậu quả khác. Bạn có thể cần viết những thỏa thuận này ra và tham khảo luật sư để hợp pháp hóa.[7]
  6. Biết khi nào cần chấm dứt mối quan hệ. Nếu sự việc không cải thiện dù bạn đã cố gắng hết sức và đã được chuyên gia tư vấn giúp đỡ, có lẽ bạn phải chấp nhận rằng mối quan hệ này không thể cứu vãn. Dấu hiệu cho thấy mối quan hệ không thể hàn gắn bao gồm:
    • xung đột liên miên
    • không có khả năng kết nối với bạn đời
    • không thể thông cảm hoặc nhận sự thông cảm từ bạn đời
    • đau khổ và giận dữ không thể lắng dịu qua thời gian
    • không thể tha thứ[8]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu thấy khổ sở với những cảm xúc do sự lừa dối của bạn đời gây nên, bạn hãy cân nhắc nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần để xử lý những cảm xúc đó.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu đối phương thường xuyên lừa dối hoặc tiếp tục phạm lỗi lần thứ hai dù đã tỏ ra hối hận, có lẽ bạn đang quan hệ với một tay chơi hoặc một người nghiện sex. Nếu là vậy, bạn cần chấm dứt mối quan hệ đó và tiếp tục bước đi, bằng không bạn sẽ có nguy cơ tiếp tục bị tổn thương tình cảm vì người yêu có tính lăng nhăng.[9]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây