8 ngộ nhận về tâm lý học
Aristotles (nhà triết học Hy Lạp cổ đại, 384-322 TCN) từng cho rằng, tình cảm có nguồn gốc từ trái tim, và phụ nữ kém thông minh hơn nam giới. Ngày nay, quan điểm phổ biến cho rằng, con người mới tận dụng 10% năng lực trí tuệ của mình và nghe nhạc Mozart từ trong bụng mẹ có thể giúp tất cả trẻ nhỏ đều trở thành thiên tài. Sự thật có đúng như vậy?
Các chuyên gia tâm lý nổi tiếng Mỹ Scott O. Lilienfeld, Steven J. Lynn, John Ruscio và Barry L. Beyerstein đã giải đáp câu hỏi thú vị trong cuốn sách “50 ngộ nhận tâm lý học phổ thông” mới xuất bản của họ.
Mục lục
- 1 Ngộ nhận 1: Phụ nữ và đàn ông trao đổi thông tin hoàn toàn khác nhau
- 2 Ngộ nhận 2: Bùng nổ tốt hơn kìm nén tức giận
- 3 Ngộ nhận 3: Tự ty là nguyên nhân chính dẫn đến những rắc rối tâm lý
- 4 Ngộ nhận 4: Chúng ta mới sử dụng 10% não bộ
- 5 Ngộ nhận 5. Nghe nhạc cổ điển gia tăng chỉ số thông minh của trẻ
- 6 Ngộ nhận 6. Trong tình huống bị đe dọa tính mạng, chung quanh càng đông người, cơ may thoát nạn càng lớn.
- 7 Ngộ nhận 7: Những người béo phì vui vẻ hơn đồng loại gầy còm
- 8 Ngộ nhận 8: Nam giới đặc biệt bị đe dọa hội chứng khủng hoảng tuổi trung niên
- 9 Sự thật trong những ngộ nhận tâm lý khác
- 10 Nguồn
Ngộ nhận 1: Phụ nữ và đàn ông trao đổi thông tin hoàn toàn khác nhau[sửa]
- Chủ yếu dựa trên những thông tin không được kiểm chứng, trong cuốn sách “Bạn chẳng hiểu gì! Phụ nữ và đàn ông nói chuyện” của mình, nhà ngôn ngữ học Deborah Tannen đã khẳng định, phụ nữ và nam giới có những cách thông tin khác nhau. Chuyên gia tâm lý học John Gray còn bước xa hơn: Ông đã so sánh phụ nữ và nam giới như những sinh linh từ hai hành tinh xa xôi. Trong cuốn sách “Đàn ông từ Sao Hỏa, phụ nữ từ sao Kim” của mình, nhà khoa học Mỹ đã đưa ra lập luận: Đàn ông và phụ nữ thông tin về nhu cầu của mình khác nhau hoàn toàn, vì thế việc hiểu nhau là không thể. Không chỉ nói chuyện khác nhau, đại diện của hai giới còn suy nghĩ khác nhau, cảm nhận, quan sát và phản ứng cũng khác nhau.
Sự thật: Những luận điểm trong cuốn sách của John Gray chỉ là những lời nói suông, bởi tác giả không thực hiện bất cứ nghiên cứu nào.
- Liệu có phải phụ nữ nói nhiều hơn nam giới? Trong cuốn sách “Não đàn bà”, bác sĩ tâm lý trị liệu Louann Brizendine khẳng định, mỗi ngày phụ nữ phát ngôn trung bình 20 ngàn từ, trong khi đàn ông chỉ khoảng 7 ngàn từ. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác không xác định khác biệt lớn như vậy.
Sự thật: Chuyên gia tâm lý, GS Janet Hyde đã so sánh kết quả 73 công trình phân tích sự phân tích sự lộng ngôn của chúng ta và kết quả cho thấy, sự cách biệt không đáng kể về mặt thống kê. GS. Matthias Mehl (Đại học Arizony) đã trang bị cho 400 sinh viên máy ghi âm để họ ghi lại tất cả những gì phát ngôn trong ngày. Kết quả cho thấy: Cả nam và nữ sinh viên đều phát ngôn trung bình 16 ngàn từ. Sau khi phân tích 205 công trình nghiên cứu, GS. Hyde đã đi đến kết luận, trong trò chuyện phụ nữ tiết lộ về chủ đề bản thân nhiều hơn một chút so với nam giới. Cuộc “điều tra” nhằm xác định, liệu đàn ông có hay cắt ngang lời người khác hơn phụ nữ cũng khẳng định khác biệt không đáng kể. Việc ngắt lời người khác phản ánh địa vị xã hội, vậy nên trong hành vi này không phải giới tính, mà cấp bậc đóng vai trò lớn hơn. Về mặt khoa học, người ta đã xác nhận khuôn mẫu: so với nam giới, phụ nữ mẫn cảm hơn với những thông tin ngôn từ và giải mã chính xác cảm xúc của người khác.
Ngộ nhận 2: Bùng nổ tốt hơn kìm nén tức giận[sửa]
- Định kiến này tồn tại từ thời Aristotelet. Sự thực một số người cảm thấy thoải mái trong chốc lát sau khi nổi giận. Tuy nhiên, điều đó không có gì liên quan đến trạng thái phấn chấn. Các bác sĩ tâm lý trị liệu dạy cách tự xoay sở với cơn tức giận: Hét to, đấm tay và gối, ném bóng vào tường. Tại Tây Ban Nha có thể giải tỏa tức giận bằng cách đập gậy bejsbol vào xe hơi bãi rác, máy giặt cũ với sự hỗ trợ của âm thanh nhạc rock.
Sự thật: Theo ánh sáng các nghiên cứu khoa học, đó là con đường dẫn đến ngõ cụt. Bày tỏ phẫn nộ với một người cụ thể hoặc xả nó vào đồ vật nào đó chỉ làm cho tức giận tăng lên. Việc thể hiện phẫn nộ chỉ có ý nghĩa một khi gắn liền với nó là nỗ lực giải quyết vấn đề đã gây ra trạng thái căng thẳng.
Ngộ nhận 3: Tự ty là nguyên nhân chính dẫn đến những rắc rối tâm lý[sửa]
- Nhiều chuyên gia tâm lý cảnh báo, tự ty có thể dẫn đến những hậu quả tai hại: Tạo môi trường thích hợp cho bạo lực, tệ nghiện rượu, lạm dụng ma túy, rối loạn dinh dưỡng, học kém, tự ty trong trẻ vị thành niên thậm chí có thể dẫn đến hành động tự tử.
Sự thật: Đa số các công trình nghiên cứu không xác nhận kết luận như vậy. Các chuyên gia tâm lý Đức gồm các giáo sư: Roy Baumeister, Jennifer Campbell, Joachim Krueger và Katheleen Vohs đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ thông qua việc phân tích 15 ngàn công trình khoa học từ khắp thế giới, trong đó họ đã nghiên cứu mối quan hệ giữa bản ngã và từng khía cạnh tâm lý. Kết quả cho thấy: Mặc cảm thua kém người khác không phải nguyên nhân dẫn đến nghiện ngập. Trái lại, nó có thể là nguyên nhân gây trầm cảm. Tự ty cản trở năng lực sáng tạo và kiên trì, cản trở khả năng cảm thấy hạnh phúc đầy đủ và tình cảm ổn định.
Ngộ nhận 4: Chúng ta mới sử dụng 10% não bộ[sửa]
- Quan niệm này có lịch sử đã trên 100 năm. Giáo sư tâm lý William James viết rằng, con người bình thường sử dụng không nhiều hơn trên 10% tiềm năng trí tuệ của mình. Tuy nhiên, GS James chưa hề liên tưởng đến dung lượng não bộ đã tham gia vào nỗ lực tái tạo thông tin. Các chuyên gia thuộc trường phái tư duy tích cực – những người thời gian ngắn sau đó khuynh đảo thế giới đã nhanh nhảu thay 10% tiềm năng này thành 10% não hộ. Tiếp theo nhà báo Lowell Thomas, trong lời nói đầu viết cho cuốn sách “Bí quyết kết bạn và thu phục nhân tâm” của GS. Dale Carnegie đã hùng hồn đúc tượng cho nhầm lẫn trên bằng câu: “Chính CS William James từng khẳng định, chúng ta mới sử dụng 10% não bộ”.
Sự thật: Mô não chỉ chiếm 2-3 % trọng lượng cơ thể con người, song tiêu thụ tới 1 phần 5 năng lượng cung cấp cho cơ thể. Chắc chắn sự tiến hóa không hoang phí để duy trì một cơ quan tốn kém và vô tích sự như vậy. Nhờ các nghiên cứu hoạt động của não bộ, các nhà khoa học đã xác nhận được từng khu vực của não bộ và những chức năng chúng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên ngộ nhận này cũng có mặt tích cực của nó: Nhiều người nỗ lực làm việc trí óc với cường độ cao hơn. Và hy vọng kéo dài tuổi thọ.
Ngộ nhận 5. Nghe nhạc cổ điển gia tăng chỉ số thông minh của trẻ[sửa]
- Quan niệm này đã trở thành phổ biến đầu thập kỷ 90, khi hai nhà khoa học Mỹ, GS. Gordon Shaw và GS Fraces Rauscher mô tả thí nghiệm của mình trên tạp chí chuyên ngành “Nature”. Theo thí nghiệm, so với đối tượng nghe nhạc thư giãn hoặc không nghe gì, những sinh viên sau 10 phút nghe bản sonat của Mozart đã đạt điểm số cao hơn trong trắc nghiệm nghiên cứu năng lực nhận biết không gian. Từ đó họ đã rút ra kết luận đơn giản: Nghe nhạc cổ điển phát huy tác dụng gia tăng trí thông minh.
Sự thật: Những người say mê cái gọi là hiệu ứng Mozart đã tính nhầm thực tế thí nghiệm chỉ đề cập đến một câu và đã nghiên cứu hiệu ứng nghe nhạc cổ điển tức thì. Không hề có hướng dẫn, các bản sonat của Mozart có thể tác động thế nào đến trẻ nhỏ. Mặc dù vậy năm 2008 trên siêu thị ảo Amazon.com người ta đã rao bán vài chục sản phẩm khác nhau, trước hết là các đĩa và băng nhạc được ca ngợi “đảm bảo sự phát triển tốt hơn cho trẻ”. Tuy nhiên, chưa ai xác nhận, âm nhạc tác động có lợi cho trí thông minh của trẻ lứa tuổi nhi đồng, hay trẻ sơ sinh. Âm nhạc duy nhất dẫn đến sự kích thích chốc lát, và tất cả những gì phát huy tác dụng gia tăng hưng phấn, đều cải thiện kết quả trắc nghiệm. Tương tự như tác dụng của ly cà phê với người thích nó.
Ngộ nhận 6. Trong tình huống bị đe dọa tính mạng, chung quanh càng đông người, cơ may thoát nạn càng lớn.[sửa]
- Chúng ta thường cảm thấy mối đe dọa trên đường phố tối, khi không có ai ở gần. Vậy nên cảm giác an toàn do sự hiện diện của người khác mang lại chỉ là ảo giác. Tại đường phố tấp nập ngay tại thủ đo Warszawa giữa tháng Hai vừa rồi viên cảnh sát Andrzej Struj đã bị phần tử lưu manh đâm nhiều nhát dao, khi anh nỗ lực ngăn cản hành động côn đồ của y. Không ai trong số người qua đường ra tay trợ giúp cảnh sát.
Sự thật: Hai chuyên gia tâm lý Mỹ, GS John Darley và Bibb Latane gọi thái độ thờ ơ của đám đông như thế là sự ngu dốt đa nguyên. Một khi không ai phản ứng, có nghĩa, không ai coi tình huống đó là nguy hiểm – các thành viên đám đông rút ra kết luận. Nguyên lý y hệt cũng khiến cho không cánh tay nào giơ lên (một khi không ai có ý kiến, có nghĩa, mọi người đã hiểu) với câu hỏi: “Có ai thắc mắc?” của giảng viên. Ở đây cũng duy trì cơ chế khác: Nhiều nhân chứng, mỗi cá nhân càng kém ý thức trách nhiệm. Sau sự kiện ai cũng có thể phát biểu: Đã xảy ra tai họa, nhưng không phải lỗi của tôi, bởi mọi người trong đám đông có mặt đều có thể ra tay.
GS. Darly và GS Latane đã tiến hành một vài thí nghiệm, nhằm nghiên cứu, sự sẵn sàng giúp đỡ đồng loại thay đổi thế nào. Những người tham gia một trong số trắc nghiệm đã được yêu cầu đến một căn phòng để điền phiếu điều tra. Người phụ nữ chào họ thoắt biến vào căn phòng bên cạnh có chiếc thang và những giá sách đầy ắp. Giây lát sau từ phòng liền kề xuất hiện tiếng người ngã và tiếng kêu: “Cứu! Cái chân tôi!”. Tình huống trong phòng chỉ có một người tham gia, đối tượng hăng hái trợ giúp trong 70% các trường hợp; tình huống cùng lúc có vài ba người – sự hăng hái chỉ thể hiện trong 38% trường hợp!
Ngộ nhận 7: Những người béo phì vui vẻ hơn đồng loại gầy còm[sửa]
- Vòng hai đẫy đà làm chúng ta liên tưởng đến sự vui vẻ và tâm hồn thư thái, song hoàn toàn không có căn cứ.
Sự thật: Chuyên gia tâm lý Mỹ, GS Robert Roberts (Đại học Texas) chính là nhà khoa học đầu tiên phủ nhận đánh giá trên. Ông đã chỉ đạo công trình nghiên cứu với sự tham gia của 1.739 người trên 50 tuổi. Và đã đi đến kết luận: Tình trạng béo phì không làm tính khí xấu đi, song cũng không có tác dụng cải thiện. Thời gian sau, những nghiên cứu do GS. BS Floriany Luppino (Đại học Y Leiden) tiến hành thậm chí còn cho kết quả ngược lại: - Béo phì là nguyên nhân gia tăng 55% nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, trung bình cứ bốn người béo phì, có một là nạn nhân những rối loạn tính khí và tâm trạng bất an. Trong tất cả những người béo phì trên thế giới, chỉ duy nhất… Ông già Noen thực sự vui vẻ và hạnh phúc.
Ngộ nhận 8: Nam giới đặc biệt bị đe dọa hội chứng khủng hoảng tuổi trung niên[sửa]
- Đàn ông tuổi tứ tuần thường chăm lo sắc đẹp nhiều hơn, mua sắm xe thể thao và sẵn sàng bỏ vợ vì thiếu nữ tuổi đầu hai. Nhiều người tỏ ra thông cảm với hành vi ấy, bởi “đó là khủng hoảng tất yếu của tuổi trung niên”.
Sự thật: Ly dị báo trước “khủng hoảng tuổi trung niên” thường diễn ra sớm hơn nhiều. Mọi người thường ly dị trong quãng 5 năm đầu hôn nhân (đàn ông 33 tuổi, phụ nữ 31). Mua sắm xe thể thao không có gì liên quan đến khủng hoảng. Đơn giản nhiều đàn ông mãi sau tuổi 40 mới có thể hiện thực hóa giấc mơ từ thời trai trẻ.
Trong nghiên cứu của Quỹ The MacArthur người ta đã phân tích đời sống của 7200 công dân Mỹ thuộc cả hai giới trong nhóm tuổi 24-75. Trái với khuôn mẫu vẫn tưởng, đối tượng sau tuổi 40 cho rằng, bản thân kiểm soát tốt hơn cuộc sống và việc kiếm tiền tốt hơn thập kỷ trước đó. Hai phần ba số người được hỏi đánh giá hôn nhân của mình như ý hoặc mỹ mãn. Mặc dù vậy, cả hai giới đều e ngại khủng hoảng tuổi trung niên.
Sự thật trong những ngộ nhận tâm lý khác[sửa]
1- Chỉ số thông minh là đặc điểm ổn định
- Không đúng. Nhân tố này thay đổi trong thời thơ ấu, thường cố định ở tuổi trưởng thành: tuy nhiên cũng có trường hợp tăng đến 10 điểm trong thời gian vài ba tháng.
2- Tức giận trong hôn nhân gia tăng xác suất ly dị
- Nguy cơ ly dị gia tăng trước hết bởi sự coi thường và xúc phạm, không phải tức giận.
3- Các vận động viên thể thao không nên “làm chuyện ấy” trước những giải đấu quan trọng.
- Cơ thể không suy nhược vì lý do làm tình, bởi trung bình một cuộc chỉ tiêu hao 50 calo. Thay vào đó – nhờ yêu đương có thể gia tăng nồng độ testosteron trong máu đàn ông, yếu tố tăng cường ý chí ganh đua.
4- Để học sinh lưu ban sẽ giúp chúng làm chủ kiến thức.
- Việc học hai năm một lớp thường không có hiệu quả và có thể làm cho học sinh mất hứng thú học tập.
5- Trong tìm kiếm những giải pháp mới, làm việc tập thể hiệu quả hơn lao động đơn lẻ.
- Kết quả phần lớn các nghiên cứu chứng tỏ, chất lượng các ý tưởng là sản phẩm của lao động tập thể thấp hơn hiệu quả lao động cụ thể.
6- Con người hiện đại có não bộ lớn hơn người cổ đại
- Hoàn toàn ngược lại – chính người cổ đại có bộ não to hơn.
7- Mỗi ngày người trưởng thành bị mất 100 ngàn tế bào thần kinh.
- Tất nhiên, chúng ta mất, song con số thực chỉ bằng 1 phần mười số đó.
8- Trong hôn nhân tính khí càng trái ngược, người trong cuộc càng gắn bó.
- Ngược lại, cá tính giống nhau, quan điểm về các giá trị và quan niệm về cuộc sống giống nhau càng gắn bó vợ chồng.
9- Những người mẹ nói với trẻ bằng ngôn ngữ trẻ thơ sẽ vô tình kìm hãm sự phát triển năng lực ngôn ngữ của trẻ.
- Đa số nghiên cứu suy ra điều ngược lại. Việc nhại trẻ sẽ thúc đẩy sự phát triển khẩu ngữ của trẻ.
10- Những cá nhân thông minh xuất chúng có phong độ thể lực thua kém số đông
- Những người thông minh thường có sức khỏe tốt hơn số đông.
- Những người thông minh hơn và có trình độ văn hóa cao hơn thường có tuổi thọ cao hơn.
11- Đám đông kích động tính hung hãn.
- Hoàn toàn ngược lại, sự tụ tập đông người thỉnh thoảng phát huy tác dụng giảm bớt tính hung hãn, bởi trong tình huống như thế con ngwoif có xu hướng hạn chế mối giao tiếp với nhau.
12- Người khiếm thính có khả năng đọc lời nói người khác qua cử động của khóe miệng.
- Giỏi nhất cũng chỉ có thể hiểu được tối đa 30-50%
13- Tính khí đa số phụ nữ suy sụp trước thời điểm rụng trứng.
- Đa số nghiên cứu không xác nhận hiện tượng như vậy.
14- Chỉ phụ nữ mắc bệnh sợ ăn
- Trên dưới 10% tổng số nạn nhân hội chứng sợ ăn là nam giới.
15- Tâm trạng tất cả nạn nhân trầm cảm đều rất u sầu.
- Có tới một phần ba số nạn nhân trầm cảm không hề buồn rầu, thay vào đó, họ bị mất khả năng cảm nhận thú vị.
16- Tỷ lệ phụ nữ tự tử cao hơn nam giới
- Tỷ lệ phụ nữ quyết định dại dột cao hơn, song tỷ lệ thực hiện có hiệu quả của nam giới cao hơn.
Nguồn[sửa]
- Tri Thức Trẻ, Hải Ninh (theo Psycho số 13/2010)