Các bức họa hé lộ dấu hiệu sớm của suy giảm nhận thức
Các nhà tâm lý tin rằng họ có thể nhận ra được những thay đổi tăng dần xuất hiện trên tác phẩm của các nghệ sỹ đang mắc bệnh Alzheimer.
Họ tin tưởng những dấu hiệu mơ hồ đầu tiên của suy giảm nhận thức có thể được bộc lộ ngay ở những nét vẽ của một họa sỹ trong nhiều năm trước khi họ được chẩn đoán là bị suy giảm nhận thức.
Tuyên bố gây tranh cãi này được nêu ra từ các nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về các họa sỹ nổi tiếng, từ Claude Monet, người mở đường cho trường phái Ấn tượng Pháp, đến Willem de Kooning, họa sỹ thuộc trường phái Biểu hiện. Họ cho rằng, trong khi Monet già đi mà chưa có những dấu hiệu rõ ràng của sự suy giảm trí tuệ thì de Kooning được chuẩn đoán là mắc bệnh Alzheimer từ hơn một thập kỷ, trước khi qua đời vào năm 1997.
TS. Alex Forsythe (ĐH Liverpool) đã phân tích hơn 2.000 bức tranh của bảy họa sỹ nổi tiếng và tìm thấy những gì mà cô tin tưởng là những thay đổi theo chiều hướng tăng dần trong các tác phẩm của những người đang có xu hướng mắc căn bệnh Alzheimer. Những thay đổi này trở nên rõ nét hơn khi các nghệ sỹ bước vào độ tuổi ngoài 40. Theo TS. Forsythe, “nghiên cứu này không chỉ là một công cụ giúp chẩn đoán bệnh mà còn dẫn con người đến những quyết định mới cho nghiên cứu về bệnh mất trí nhớ”.
Forsythe và cộng sự đã dùng phần mềm hình ảnh số để tính toán đặc trưng toán học mà người ta vẫn gọi là fractal, xuất hiện trong các bức tranh do các nghệ sỹ sáng tác trong suốt sự nghiệp của họ như thế nào. Bảy họa sỹ bao gồm: Monet, Pallo Picasso và Marc Chagall - người không có biểu hiện rõ ràng về căn bệnh liên quan đến trí não này, Salvador Dali và Norval Morrisseau - người bị mắc bệnh Parkinson; và de Kooning, James Brooks - người thuộc trường phái Biểu hiện khác và bị phát bệnh Alzheimer vào năm 1985, đúng bảy năm trước khi qua đời.
Các fractal là những dạng thức hình học lặp lại sự khác biệt của chính mình trong những tỷ lệ khác nhau. Chúng vẫn được nhìn thấy trong tự nhiên với sự phân nhánh của cây cối và các dòng sông, và trong những đường viền hiểm trở của bờ biển. Trong các bức họa, các fractal xuất hiện khi những nét cọ li ti cố gắng lặp lại [các chi tiết] trên những quy mô rất lớn tạo thành các dạng thức. Một tác phẩm nghệ thuật với số chiều fractal lớn có một tỷ lệ cao của các mẫu fractal từ tinh xảo đến thô sơ.
Forsythe đã tìm thấy các bức vẽ biểu lộ những chiều fractal trong suốt sự nghiệp một nghệ sỹ, nhưng trong trường hợp của de Kooning và Brooks, kích thước fractal đã thay đổi một cách đột ngột và rõ ràng theo độ tuổi của họa sỹ. Forrsythe nói, “Thông tin này như một dấu vết mà các nghệ sỹ để lại trong các tác phẩm của mình. Họ vẫn vẽ trong phạm vi thông thường của mình nhưng khi có điều gì xảy ra trong não thì nó bắt đầu dẫn đến sự thay đổi một cách nhanh chóng.”
Trong công bố “Bức họa có thể nói với chúng ta những gì: Các phân tích fractal trên những thay đổi về thần kinh của bảy họa sỹ” (What paint can tell us: A fractal analysis of neurological changes in seven artists) trên tạp chí Neurosychology, các nhà nghiên cứu cho rằng các chiều fractal trong tác phẩm của Monet, Picasso và Chagall có xu hướng tăng lên theo độ tuổi. Với trường hợp của Dali và Morrisseau, chiều fractal lên xuống theo hình chữ U ở giai đoạn cuối, lúc đầu thì tăng nhưng sau lại giảm xuống. Kết quả rõ nét nhất có thể thấy ở các bức họa của de Kooning và Brook, nơi các chiều fractal bắt đầu lên cao và giảm sút nhanh chóng từ độ tuổi 40.
Nghiên cứu này đã gây ra những phản ứng nhiều chiều của nhiều nhà khoa học. TS. Richard Taylor, nhà vật lý tại trường ĐH Oregon, miêu tả nó như “một sự chứng minh về sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật” nhưng Kate Brown, một nhà vật lý khác tại Hamilton College ở New York, ít bị cuốn hút và chỉ coi nó như “một công việc hoàn toàn vô nghĩa”.
Thực ra trước công bố này của TS. Forsythe, nhiều nhà khoa học đã tiến hành một số nghiên cứu về những dấu hiệu sớm của bệnh suy giảm trí nhớ qua ngôn ngữ của cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nhà văn và triết học Iris Murdoch. Những dấu hiệu báo trước của căn bệnh suy giảm trí nhớ trong tương lai có ngay từ độ tuổi 20 đã được nhắc đến trong tự truyện của các nữ tu. Đây cũng là những gợi ý để các giáo sư ĐH Arizona (Mỹ) thực hiện nghiên cứu về Reagan và công bố trên tạp chí Journal of Alzheimer’s Disease năm 2015[1].
TS. Richard Taylor là người đi tiên phong trong việc sử dụng các fractal để nghiên cứu và chứng minh điểm của mình qua các bức họa sáng tác vào giai đoạn cuối của họa sỹ Mỹ Jackson Pollock, người nổi danh với phong cách độc đáo “vẽ nhỏ giọt” (drip painting). Ông tin rằng, phương pháp nghiên cứu của Forsythe có thể thực hiện một cách tương tự với những họa sỹ khác, thậm chí có thể giúp các viện bảo tàng tránh mua phải các tranh nhái. Bên cạnh đó, ông cũng còn thấy nhiều tiềm năng ứng dụng khác của nghiên cứu, “hy vọng công trình này có thể được dùng để nghiên cứu về các trạng thái của bệnh suy giảm trí nhớ”.
Ông nói thêm, “Với tôi, thông điệp truyền cảm hứng nhất của công trình này chính là vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật có thể là kết quả của những trạng thái bệnh lý”. Khi de Kooning được chẩn đoán là mắc bệnh Alzheimer, một vài nhà phê bình đã nói rằng ông nên ngừng vẽ, vì lúc phát bệnh thì tác phẩm nghệ thuật của ông cũng thay đổi và trở nên quá đỗi bình thường.
TS. Richard Taylor lý giải, “những tác phẩm quá bình thường như vậy thể hiện sự thanh thản, một trạng thái tâm lý không xuất hiện trong những tác phẩm dự báo thành công trong thời kỳ đầu sáng tác của ông. Tất cả điều đó chứng minh rằng thi thoảng người ta có thể suy nghĩ rất nhiều về nghệ thuật và thi thoảng người ta cũng cần trở lại với bản thể của chính mình, phần ‘tự nhiên’ [của con người]”.
Nhưng TS. Kate Brown không đồng ý với những nhận định này. Là đồng tác giả công bố “Các phân tích Fractal: Xem lại những bức vẽ theo phong cách nhỏ giọt của Pollock” (Fractal Analysis: Revisiting Pollock’s drip paintings) trên Nature vào năm 2006, bà giải thích, đã từng “chạy thử” các bức phác thảo trên máy tính và kết quả cũng cho ra các số chiều fractal tương tự như trên các bức họa theo “phong cách nhỏ giọt” của Pollock. Vì thế, TS. Kate Brown phản bác: “Toàn bộ giả thuyết của ‘chủ nghĩa biểu hiện fractal’ là hoàn toàn sai lầm. Kể từ khi công bố của chúng tôi được xuất bản, phần lớn những luận điểm về các fractal trong tác phẩm của Pollock đã biến mất khỏi các tạp chí vật lý có bình duyệt. Nhưng giờ đây, có vẻ như những điều ‘cuồng tín’ về fractal đã lan đến cả lĩnh vực tâm lý học.”
Chú thích[sửa]
- ↑ http://www.rawstory.com/2015/04/what-ronald-reagans-speech-patterns-can-reveal-about-alzheimers-disease/
Nguồn[sửa]
- Bản gốc: Theguardian
- Bản dịch: Thanh Nhàn dịch