An ủi người vừa mất đi anh chị em

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mất đi anh chị em là một trải nghiệm đau đớn và đau lòng. Nếu một người nào đó mà bạn quen biết vừa mới trải qua sự mất mát này, bạn nên tìm hiểu xem liệu bạn có thể làm gì để an ủi và hỗ trợ người đó khi họ cần. Bằng cách trò chuyện, thể hiện cử chỉ, và thấu hiểu rõ diễn biến của quá trình đau buồn, bạn có thể cung cấp cho người bạn hoặc người thân yêu sự giúp đỡ cần thiết để tồn tại và hồi phục sau sự ra đi của anh chị em.

Các bước[sửa]

Hành động để giúp đỡ người đang đau buồn[sửa]

  1. Đề nghị được chạy việc vặt thay họ. Không may mắn thay, sự hối hả của cuộc sống hằng ngày vẫn tiếp diễn khi bạn mất đi người thân yêu. Bạn có thể giúp họ bằng cách chăm lo cho nhu cầu mỗi ngày của họ. Hãy hỏi xem liệu bạn có thể đi chợ thay họ, mua hoa cho tang lễ, hoặc bất kỳ điều gì khác. Cử chỉ đơn giản như thế này sẽ giúp bạn an ủi và hỗ trợ người khác trong thời điểm khó khăn.
  2. Chuẩn bị đồ ăn. Mang thức ăn nấu sẵn cho người đang đau buồn sẽ là hành động an toàn nhất. Nó sẽ thể hiện sự quan tâm và mong muốn xoa dịu nỗi đau của bạn bằng cách cho phép người đó tập trung năng lượng vào gia đình thay vì suy nghĩ xem họ sẽ nấu món gì cho bữa tối.
  3. Giúp đỡ với việc sắp xếp. Nếu người đó phải làm một số công việc nào đó cho tang lễ, cho họ hàng, hoặc cung cấp phương tiện vận chuyển cho mọi người, bạn nên giúp họ thực hiện chúng.[1] Những nhiệm vụ này có thể là gánh nặng khá lớn khi người đó đang cố gắng đối phó với sự mất mát của mình. Mặc dù bạn sẽ không thể làm mọi việc cho người đó, ví dụ như trò chuyện với người tổ chức tang lễ hoặc cung cấp chỗ ở cho họ hàng người đó, bất kỳ một sự trợ giúp nào mà bạn có thể cung cấp sẽ làm vơi bớt gánh nặng cho họ.
  4. Giúp người đó ngừng suy nghĩ.[2] Thỉnh thoảng, người đó sẽ muốn tạm ngừng suy nghĩ về chuyện đã xảy đến cho anh chị em của họ. Bạn có thể đưa họ đi xem phim, đi dã ngoại, hoặc cùng nhau thực hiện bất kỳ một hoạt động vui vẻ nào. Nó không cần thiết phải đắt tiền hoặc công phu; cử chỉ tốt và sự bầu bạn mới là điều quan trọng nhất.
  5. Luôn có mặt khi họ cần. Bạn bè hoặc người thân yêu của bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ hoàn toàn sau cái chết, nhưng nỗi đau của họ sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để xử lý. Nếu bạn muốn cung cấp sự an ủi bằng hết khả năng của mình, bạn cần phải hiểu rằng có lẽ sẽ phải tốn nhiều tháng hoặc nhiều năm để đối phó với mất mát. Bạn nên đề nghị giúp đỡ người đó vào lúc đầu, và tiếp tục duy trì lời đề nghị trong tương lai. Thông thường, nhiều người sẽ bắt đầu giảm thiểu sự giúp đỡ của mình sau một khoảng thời gian. Nếu bạn thật sự muốn trợ giúp người đó, bạn nên quan tâm đến nhu cầu và nỗi đau của họ cho đến khi nó tan biến.[3]

Trò chuyện với người đang đau buồn[sửa]

  1. Hỏi xem bạn có thể giúp gì. Tránh giả định rằng bạn biết rõ yếu tố có thể giúp người đó cảm thấy tốt hơn. Có lẽ họ đã biết rõ điều mà bạn có thể thực hiện để giúp đỡ họ và nêu lên câu hỏi về nó không phải là điều sai trái. Hành động này sẽ thể hiện rằng bạn luôn sẵn sàng có mặt bên họ trong quá trình đau buồn khi mất đi anh chị em của mình.[3]
    • Ví dụ, bạn có thể nói rằng "Mình thật sự rất lấy làm tiếc cho mất mát của bạn. Bây giờ mình có thể giúp được gì cho bạn hay không?".
  2. Lắng nghe. Bạn nên cho người đó biết rằng bạn sẽ luôn có mặt khi họ cần người để trò chuyện. Chia sẻ cảm xúc sẽ giúp họ xử lý cái chết của anh chị em mình. Nếu người đó muốn bày tỏ một loạt các cảm xúc đau đớn của mình, hãy là người biết lắng nghe một cách cảm thông hết mức có thể.
    • Có thể người đó sẽ muốn trò chuyện về mối quan hệ của họ với anh chị em của mình khi còn sống. Đây là biện pháp khá tốt để ghi nhớ về người đã mất.
    • Tránh bộc lộ quá nhiều cảm giác và trải nghiệm riêng của mình. Có lẽ bạn đã từng phải trải qua mất mát tương tự, nhưng bạn không nên tạo thêm gánh nặng cho người đó với quá khứ của bạn. Người đó có thể đang muốn có cơ hội để giải tỏa cảm xúc của bản thân.
  3. Thừa nhận sự mất mát. Trở nên thẳng thắn sẽ chứng tỏ rằng bạn quan tâm và không ngần ngại khi phải bàn bạc về tình huống.[4] Bạn không cần phải đi vào chi tiết, đặc biệt nếu người đó chưa thể cho bạn biết thông tin một cách cởi mở, nhưng bằng cách xác nhận sự kiện đang diễn ra, bạn đang cho họ thấy sự sẵn sàng của bạn trong việc tham gia cùng họ vào thời điểm khó khăn này.
    • Ví dụ, bạn có thể nói "Tôi đã nghe về sự mất mát của bạn. Tôi rất lấy làm tiếc".
  4. Giúp người đó hiểu rằng nỗi đau của họ là hoàn toàn hợp lý. Mất đi anh chị em có thể là trải nghiệm khá mạnh mẽ. Phản ứng bằng sự buồn bã và đau buồn cùng cực là hoàn toàn phù hợp. Giúp người đó hiểu rằng phản ứng mạnh mẽ trong cảm xúc là điều "bình thường" và "dễ hiểu" sẽ là cách tuyệt vời để hỗ trợ họ.[5]
    • Ví dụ, hãy nói rằng "Bạn hoàn toàn có thể cảm thấy buồn bã trong lúc này. Tôi hiểu. Tôi cũng sẽ có cảm giác tương tự như bạn".
    • Bạn cũng có thể cho họ biết nếu họ sở hữu cảm giác đau đớn cụ thể nào đó (như cảm giác tội lỗi) do họ là người anh chị em của người đã mất là điều dễ hiểu. Đây là những cảm xúc tự nhiên, ngay cả khi chúng có thể dẫn đến suy nghĩ lầm lạc.
  5. Nhờ người thân và bạn bè của người đó giúp đỡ họ. Không may mắn thay, đôi khi, mất đi anh chị em thường bị lấn áp bởi mất đi một đứa con. Thỉnh thoảng, bậc phụ huynh sẽ trở thành "trung tâm của sự chú ý" sau khi sự kiện này xảy đến. Người anh chị em còn sống thường sẽ bị xem như "kẻ bị lãng quên".[6] Nếu bạn nghĩ rằng bạn bè hoặc người thân yêu của bạn đang bị xem nhẹ, bạn nên trò chuyện với anh chị em, cha mẹ, hoặc bạn bè của họ về việc cung cấp sự hỗ trợ.
    • Ví dụ, bạn có thể nói "Tôi đang lo lắng cho [tên người đó]. Tôi nghĩ [cô ấy hoặc anh ấy] đang vô cùng đau khổ trước mất mát và cần được giúp đỡ".
    • Bạn nên có ý thức hơn với nỗi đau của người khác. Tránh bàn về chủ đề này trước mặt người thân đang đau buồn nếu bạn là người ngoài cuộc. Trò chuyện với bạn bè thân thiết khác của người đó sẽ tốt hơn.
  6. Lịch sự đề nghị người đó đến gặp chuyên viên tư vấn nếu phù hợp. Đau buồn là cảm giác bình thường, nhưng đôi khi, sự mất mát này có thể dẫn đến tình trạng Rối loạn Căng thẳng Sau Chấn thương, nếu mất mát có liên quan đến chấn thương tâm lý.[7] Nếu người đó trông như thật sự đang gặp khó khăn trong việc đối phó với mất mát, bạn nên nói với họ rằng trò chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp ích cho họ.
    • Ví dụ, bạn có thể nói theo kiểu "Chắc hẳn bạn rất gần gũi với anh chị em của bạn. Có bao giờ bạn suy nghĩ về việc trò chuyện với chuyên gia có thể giúp bạn thấu hiểu những gì mà bạn đang phải trải qua hay không?".
  7. Không nên nói câu nói có ý tốt nhưng vô ích. Khi nỗ lực an ủi người đó nhưng lại không biết phải làm gì, bạn có thể sẽ tìm đến với câu nói phổ biến. Tuy nhiên, lời nói có ý tốt nhưng "xáo rỗng" hoặc "theo khuôn mẫu" có thể khiến người đó cảm thấy tệ hại hơn. Thay vì an ủi họ, loại câu nói này sẽ chỉ xem nhẹ nỗi đau trước mắt và cố gắng thúc đẩy sự chấp nhận ở mức độ không phù hợp. Ví dụ, bạn cần tránh một vài câu nói sau:
    • "Bạn sẽ sớm ổn thôi".
    • "Thời gian chữa lành mọi vết thương".
    • "Ít ra thì bạn vẫn còn người thân khác".
    • "Mọi chuyện xảy ra là có lý do".

Thấu hiểu sự đau buồn[sửa]

  1. Xác định năm giai đoạn của sự đau buồn. Có năm giai đoạn theo sau mất mát mà người đang đau buồn phải trải qua.[8] Bạn nên ghi nhớ mọi bước để có thể xác định xem liệu bạn của bạn đang ở bước nào và cố gắng giúp đỡ họ trong từng giai đoạn cụ thể. Bạn cần nhớ rằng mỗi người mỗi khác và một vài người sẽ không trải qua giai đoạn đau buồn theo đúng thứ tự và có thể sẽ quay về với giai đoạn đã qua trước khi đạt được sự chấp nhận.
    • Phủ nhận là giai đoạn đầu tiên. Phủ nhận sự thật về mất mát là phản ứng thông thường. Người đó sẽ trông như không hề nhận ra cái chết của anh chị em mình. Có thể họ vẫn chưa thể tiếp nhận nó.
    • Tiếp đến là tức giận. Một khi sự thật về mất mát đã được tiếp nhận, cảm giác tức giận là trải nghiệm tự nhiên. Người đó sẽ nổi giận với người anh chị em đã mất của mình, với bản thân, hoặc với người khác.
    • Giai đoạn thứ ba là thương lượng. Hành động này diễn ra như là khao khát muốn thay đổi tình hình, ví dụ như mong ước rằng họ đã thực hiện một điều gì đó khác đi.
    • Buồn rầu là bước thứ tư. Ở giai đoạn này, con người sẽ bắt đầu khóc than cho mất mát của mình và nói lời chia tay với người quá cố. Đây là bước quan trọng trong quá trình đau buồn.
    • Chấp nhận là bước cuối cùng. Sau mọi bước kháng cự lại mất mát, chấp nhận là giai đoạn mà cuối cùng, con người cũng đi đến quyết định. Nó sẽ không phải là niềm vui, nhưng là sự bình tĩnh hơn so với các bước trước đó.
  2. Chú ý đến vấn đề cụ thể trong việc mất đi người anh chị em. Sự đau buồn khi mất đi người thân yêu đã đủ tồi tệ, nhưng mất đi anh chị em thường sẽ hình thành cảm giác đau khổ cụ thể. Ví dụ, người đó có thể cảm thấy tệ hại về cách đối xử của mình với người quá cố trong quá khứ. Người đó cũng có thể sẽ có cảm giác "dằn vặt" vì họ vẫn còn sống. Khi trò chuyện với người bạn hoặc người thân của bạn và giúp họ thực hiện một số công việc, bạn nên chú ý đến vấn đề này. Nếu bạn nhận thấy rằng người đó đang có cảm giác tương tự, bạn nên trấn an họ rằng họ không phải là người có lỗi.[5]
  3. Cho họ có thời gian. Đau buồn không có mốc thời gian cụ thể và thời gian không nhất thiết sẽ chữa lành mọi vết thương.[9] Bạn có thể hy vọng người đó dần dần sẽ cảm thấy tốt hơn, nhưng họ có thể sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Con người phản ứng khác nhau với mất mất. Bạn nên tránh thúc giục một người nào đó tiến bước. Hãy cho phép họ đau buồn và hồi phục với tốc độ riêng của mình. Nếu bạn có cảm giác như bạn đang mất kiên nhẫn, tốt nhất là bạn nên lùi lại và để người khác giúp đỡ bạn của bạn hơn là trút mọi cảm giác của bản thân lên họ.
  4. Bạn nên nhớ rằng người đang đau buồn có thể sẽ cần có không gian riêng. Họ hoàn toàn được phép ở một mình. Có lẽ họ muốn dành toàn bộ thời gian và năng lượng cho việc suy nghĩ về người quá cố và xử lý mọi cảm xúc mà họ đang có. Nếu người bạn hoặc người thân của bạn nói rằng họ cần không gian riêng, bạn nên cố gắng thông cảm cho họ. Hãy nói với họ bạn sẽ luôn có mặt nếu họ cần người để trò chuyện hoặc ở bên họ.[10]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu người đó muốn khóc, hãy để họ khóc trước mặt bạn. Đừng cố gắng giúp họ vui vẻ lên, chỉ cần có mặt bên họ.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn nghĩ rằng người đó muốn tự sát, bạn không nên để họ một mình. Bạn nên liên lạc với gia đình họ và thông báo mọi việc. Bạn cũng có thể đề nghị gọi điện thoại cho nhà tâm lý học để người đó có thể trò chuyện.
  • Không nên cố gắng so sánh sự ra đi của người thân trong gia đình bạn với sự mất mát của người khác. Có lẽ bạn có ý tốt nhưng hành động này sẽ không giúp ích được gì cho bạn.
  • Bạn cũng phải nhớ quan tâm đến nhu cầu của mình. Nếu bạn cảm thấy rối ren, bạn nên tìm đến một người nào đó trong hệ thống hỗ trợ của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]