Bắt đầu chế độ ăn không chứa men

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chế độ ăn không chứa men là phương pháp được khuyến nghị để chống lại các triệu chứng do nhiễm nấm Candida gây ra. Không phải ai cũng cho rằng phương pháp này hiệu quả nhưng ít nhất nó cũng mang đến kết quả tích cực cho nhiều người. Vì vậy, bạn có thể áp dụng thử. Lý thuyết được đưa ra đó là nấm men phát triển quá mức gây ra sự mất cân bằng nấm men tự nhiên trong cơ thể. Loại bỏ thực phẩm chứa men khoảng 6 tuần có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng và giảm nhiễm nấm. Người dễ bị nhiễm nấm men có thể thấy việc giảm lượng thực phẩm chứa men trong chế độ ăn tổng thể là rất hữu ích.

Các bước[sửa]

Đánh giá vấn đề[sửa]

  1. Đánh giá triệu chứng. Dấu hiệu thường gặp nhất khi nhiễm nấm men là cảm giác ngứa, bỏng rát và các mảng trắng ở miệng hoặc vùng sinh dục. Tuy nhiên, một số trường hợp còn gặp các triệu chứng khác như trầm cảm, đau đầu, mệt mỏi, đau bụng và khó tiêu.
    • Nhiễm nấm men vùng miệng hoặc sinh dục thông thường, tái phát có thể là dấu hiệu nhạy cảm với nấm men. Mặc dù nhiễm nấm men có thể được điều trị bằng thuốc kê đơn nhưng bạn vẫn cần xác định nguyên nhân tiềm ẩn.
    • Một số trường hợp nhiễm nấm men sẽ không phản ứng với thuốc kê đơn và bạn có thể cần áp dụng chế độ ăn không chứa men để khôi phục lại sự cân bằng nấm men. Vì không mang rủi ro cao nên chế độ ăn không chứa men là phương pháp phổ biến cho người bị nhiễm nấm men dai dẳng.
  2. Tham khảo ý kiến bác sĩ. Bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán vì nhiều trong số các triệu chứng nhiễm nấm men thường chung chung và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Sự phát triển quá mức của nấm men Candida có thể đo lường được nhưng việc chẩn đoán chỉ dựa trên triệu chứng thường mang tính suy đoán và không chắc chắn.
    • Nếu được chẩn đoán nhiễm nấm men, bạn có thể được kê đơn thuốc kháng nấm (uống khoảng 6 tuần) để uống đồng thời với chế độ ăn không chứa men vì thuốc có thể giúp tiêu diệt nhiễm trùng nấm. Một số thuốc kháng nấm thích hợp gồm có: Diflucan (Fluconazole), Lamisil (Terbinafine HCL), Nystatin, Sporanox.
    • Nhiều bác sĩ chăm sóc sức khỏe truyền thống không tin rằng[1] chế độ ăn không chứa men sẽ hữu ích nên bạn cũng đừng bất ngờ nếu bác sĩ không quan tâm đến thực phẩm mà bạn lựa chọn. Sự thay đổi chế độ ăn thường khó đo lường được (và tùy vào từng người) nên bằng chứng thể hiện tính hữu ích có thể bị hạn chế do một số lý do thực tiễn.
  3. Chuẩn bị thay đổi chế độ ăn. Dù trong một thời gian ngắn hay dài thì việc thay đổi chế độ ăn cũng có thể trở thành một vấn đề lớn nếu bạn không chuẩn bị tinh thần. Trước khi bắt đầu bất kỳ một chế độ ăn giới hạn nào, bạn cũng cần biết mọi thông tin về chế độ ăn và chuẩn bị thật đầy đủ. Đây là chìa khóa hàng đầu để thành công. Bạn nên chuẩn bị tinh thần trước và tìm người hỗ trợ.
    • Nên nhớ rằng những ngày đầu tiên sẽ rất tồi tệ do cơ thể chuyển đổi để thích ứng với chế độ ăn mới. Khi áp dụng chế độ không chứa men, sự cân bằng vật chất trong cơ thể sẽ mất đi trước khi trở về với mức cân bằng.
    • Đừng tự thưởng cho mình thông qua chế độ ăn. Thay vào đó, hãy thưởng cho bản thân trong những hoàn cảnh khác như cho phép bản thân dành tiền bạc hoặc thời gian cho những thứ bạn yêu thích. Giống như bất kỳ chế độ ăn giới hạn nào, việc "gian lận", dù là nhỏ nhất, cũng có thể khiến triệu chứng tái phát.

Thử áp dụng chế độ ăn 4-6 tuần[sửa]

  1. Xác định những thực phẩm cần loại bỏ. Việc xác định giới hạn trước khi áp dụng một loạt thói quen ăn uống mới là vô cùng cần thiết.
    • Tránh xa thực phẩm chứa men như hầu hết các loại bánh mì, thực phẩm đã qua xử lý và bánh nướng.
    • Đường ở mọi hình thức (bao gồm sucrose, glucose và fructose) cũng cần loại bỏ vì nấm men ăn và phát triển nhờ đường.
    • Ngũ cốc tinh chế, sản phẩm chứa mạch nha và đồ lên men (giấm, đậu nành, gừng, bia và rượu vang), bao gồm đồ uống chứa cồn (dù chứa men hay cacbon-hydrat hoạt động nhanh kích thích sự phát triển của men).
    • Ngoài ra, cần tránh tiêu thụ chế phẩm từ sữa động vật, giống như hầu hết các loại phô mai. Một ngoại lệ duy nhất đó là sữa chua chứa men sống.
    • Tránh tiêu thụ bất kỳ loại nấm nào.
    • Các chuyên gia khuyến nghị nên tránh tiêu thụ cả các chất kích thích như cà phê, sôcôla, hắc trà,… vì chúng tạo ra đường trong cơ thể, từ đó khiến men có cơ hội phát triển. Tương tự, nên tránh tiêu thụ cả chất tạo ngọt nhân tạo và thức ăn cay.
  2. Xác định những thực phẩm có thể ăn. So với việc xác định thực phẩm cần tránh, việc lập danh sách những thực phẩm có thể ăn được sẽ dễ dàng hơn nhiều. Bạn nên bổ sung nguồn thực phẩm đa dạng và tìm cách chế biến thực phẩm sao cho kích thích được cảm giác thèm ăn. Đặc biệt, chế độ ăn nên bao gồm nhiều loại rau tươi, thịt (protein) tươi, và hạn chế tiêu thụ hoa quả tươi cùng chế phẩm từ sữa (do hàm lượng đường cao), và ngũ cốc phức hợp. Những thực phẩm bạn có thể ăn được và có thể dùng chế biến các món ăn yêu thích gồm có:
    • Thịt tươi, gà và cá.
    • Trứng.
    • Đậu Garbanzo và đậu lăng.
    • Quả bơ.
    • Quả óc chó, hạt điều, hạt dẻ, hạt Mắc-ca và dừa.
    • Gạo lứt (không phải gạo trắng) và bánh gạo.
    • Tất cả các loại rau (rau tươi và đông lạnh), bao gồm tỏi và hành tây.
    • Hoa quả không bị dập (ngoại trừ dưa hấu và nho).
    • Sữa (giới hạn 125 ml mỗi ngày) hoặc sữa gạo/sữa đậu nành.
    • Sữa chua nguyên chất với men sống.
    • Phô mai tươi ít béo, không đường.
    • Bỏng ngô làm tại nhà.
    • Khoai tây chiên không chứa MSG (bột ngọt).
    • Trà thảo mộc.
  3. Xác định những món ăn nhẹ bạn có thể ăn được. Bạn có thể ăn những món ăn này mỗi tuần (nhưng chỉ được một món một tuần) để không làm mất đi sự cân bằng trong một phần ăn và không ảnh hưởng đến chế độ ăn nếu trở thành thói quen. Những món nhẹ bao gồm: [2]
    • Mì ống từ ngũ cốc nguyên hạt.
    • Sốt cà chua.
    • Phô mai Camembert hoặc Feta.
    • Cá ngừ đóng hộp ngâm nước suối (khác với cá ngừ tươi - cũng thường được chấp nhận).
    • Gia vị.
  4. Áp dụng chế độ ăn này trong 4-6 tuần. Sau 4-6 tuần, tình trạng nhiễm nấm men sẽ biến mất và triệu chứng cũng thuyên giảm. Nếu bạn vẫn không cảm thấy khỏe mạnh sau khi áp dụng chế độ ăn trong 4-6 tuần, đó có thể là do nhiễm nấm men không phải là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra triệu chứng vì thời gian 4-6 tuần là đã đủ dài để cơ thể khôi phục lại cân bằng.
    • Và giống như bất kỳ loại dị ứng nào, loại bỏ thực phẩm chứa men ra khỏi chế độ ăn trong một thời gian nhất định là cách hoàn hảo để kiểm tra tình trạng nhạy cảm. Tuy nhiên, trong khi một số bệnh dị ứng thường có phản ứng rõ rệt như phát ban trên da hay lên cơn suyễn, triệu chứng nhạy cảm với men có thể khó dám chắc. Cần nhớ rằng việc tin tưởng cảm giác của bản thân là rất quan trọng.
  5. Dần dần bổ sung lại thực phẩm vào chế độ ăn sau vài tuần. Sau khi tình trạng nhiễm nấm men biến mất và bạn muốn ăn lại một số thực phẩm, bạn có thể dần dần tiêu thụ chúng trở lại và không lo bệnh tái phát.
    • Tuy nhiên, nếu nhạy cảm với nhiễm nấm men nói chung, cơ thể bạn sẽ vẫn phản ứng với nồng độ men cao hoặc môi trường tạo men. Do đó, bạn cần thật tỉnh táo khi dần bổ sung một số thực phẩm chứa men trở lại vào chế độ ăn và cảnh giác với các phản ứng tiêu cực. Bằng cách này, bạn có thể xác định liệu cơ thể nhạy cảm với thực phẩm chứa men hay nhạy cảm với thực phẩm nào khác trong giai đoạn ngừng tiêu thụ.
    • Một số trường hợp sẽ dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng men nên áp dụng chế độ ăn không chứa men sẽ giúp bạn thấy khỏe hơn. Bạn có thể áp dụng thử và xem liệu có hiệu quả không.

Thay đổi chế độ ăn lâu dài[sửa]

  1. Thay đổi thái độ. Bạn cần nhớ rằng bản thân sẽ cần tiêu thụ thực phẩm tươi hoàn toàn - không thực phẩm lên men, không đồ nướng, không nấm và không ăn thực phẩm có khả năng khiến nấm men phát triển. Mặc dù còn nhiều thứ khác nữa nhưng việc chuẩn bị tinh thần sẵn sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn hơn đối với một loại thực phẩm mới. Thay vì nghĩ rằng "Tôi không thể ăn thứ này", hãy tập nghĩ rằng "Tôi chọn không ăn món này".
    • Đừng nghĩ thức ăn là để thỏa mãn cơn thèm mà hãy nghĩ đó là năng lượng cho cơ thể và lựa chọn những món có lợi cho sức khỏe. Bạn cần chuẩn bị tinh thần để cảm thấy thoải mái hơn đối với những thực phẩm có lợi, đồng thời ghi nhớ hậu quả của những thực phẩm cần được loại bỏ.
  2. Loại bỏ men khỏi chế độ ăn. Nếu nghĩ chế độ ăn không chứa men sẽ tốt hơn cho cơ thể, bạn nên dần loại bỏ men khỏi chế độ ăn mãi mãi. Thay vì nghĩ về những thực phẩm được và không được ăn, bạn hãy tạo ra một chế độ ăn giúp cơ thể hoạt động tốt nhất.
    • Chế độ ăn không chứa gluten cũng dần trở nên phổ biến hơn đối với nhiều người, nhưng thực chất, một vài trong số các trường hợp này lại có thể là bị dị ứng men do hai loại dị ứng này thường xuất hiện triệu chứng giống nhau. Nếu đang thử chế độ ăn không gluten nhưng không hiệu quả hoàn toàn, bạn nên nghiên cứu xem hai chế độ ăn này khác nhau ở đâu.
  3. Tìm bạn đồng hành. Sự hỗ trợ từ nhiều người sẽ giúp bạn kiên trì theo đổi chế độ ăn và cùng nhau khỏe mạnh. Ngay cả khi không thể ăn những món giống nhau, việc động viên và nhắc nhở nhau món ăn nào nên tránh thực sự sẽ hữu ích hơn bạn nghĩ. Cách này giúp bạn có động lực hơn và ăn uống có trách nhiệm hơn.
    • Lên thực đơn bữa ăn trước có thể bạn tuân thủ chế độ ăn tốt hơn. Hai người sẽ tốt hơn là một vì sẽ có người hỗ trợ khi một trong hai dần bỏ cuộc. Mặt khác, chuẩn bị thức ăn cùng nhau cũng là một cách tạo động lực.
    • Ăn cùng nhau cũng là một tương tác xã hội tích cực. Dĩ nhiên không phải ai cũng có thời gian ăn cùng với mọi người nhưng cố gắng ăn cùng nhau thường xuyên sẽ giúp tạo ra sự khác biệt. Dù chỉ là ăn bữa tối hàng ngày với vợ/chồng hay ăn trưa một lần mỗi tuần với đồng nghiệp cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
  4. Trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng. Nếu thực sự nghiêm túc về việc thay đổi chế độ ăn, bạn nên lên kế hoạch về bữa ăn mà bạn vừa thích và vừa tốt cho cơ thể. Chuyên gia có thể giúp bạn biết nên kết hợp thực phẩm như thế nào để đáp ứng nhu cầu.
    • Mỗi người sẽ thấy có cách thiết kế bữa ăn khác nhau để mang lại hiệu quả tốt nhất. Vì vậy, bạn có thể trao đổi với chuyên gia để thực sự thoải mái khi bắt đầu một chế độ ăn mới mà không cảm thấy căng thẳng hay bức bối. Nên nhớ rằng ăn món ăn tốt cho cơ thể cũng cần phải khiến bạn thấy vui vẻ. Cơ thể sẽ mất một thời gian không quá dài để thích ứng. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp xác định xem bạn cần ăn gì để thấy thỏa mãn.

Lên thực đơn[sửa]

  1. Lên thực đơn bữa sáng phù hợp. Một số người cho rằng bữa sáng chỉ cần ăn tạm thứ gì đó, còn một số khác lại nghĩ bữa sáng là bữa ăn quan trọng và thiết yếu nhất trong ngày nhằm cung cấp đủ calo để bắt đầu ngày mới. Vì vậy, bạn cần xác định được khuynh hướng và sở thích của bản thân, từ đó lên thực đơn phù hợp. Có thể cân nhắc những lựa chọn sau cho bữa sáng:
    • Một miếng hoa quả.
    • Cháo - yến mạch hoặc ngũ cốc.
    • Bánh mì không chứa men hoặc bánh gạo.
    • Trứng với cà chua và quả bơ.
    • Phô mai tươi.
  2. Lên thực đơn bữa trưa và bữa tối mà bạn thực sự thấy thích. Bạn cần mang thức ăn đi làm? Bạn nấu ăn cho nhiều người? Bạn thích ăn một bữa nhẹ hay một bữa ăn đầy đủ? Trước hết, bạn cần xác định bản thân thực sự muốn một bữa ăn như thế nào. Sau đó, có thể cân nhắc những món sau cho bữa trưa hoặc bữa tối:
    • Súp đậu lăng.
    • Bất cứ loại thịt nào với nhiều loại rau củ.
    • Rau củ xào với gạo lứt.
    • Thịt gà với phô mai tươi.
    • Salad khoai tây.
    • Bánh mì kẹp sốt Hummus với bánh mì tròn.
    • Bánh mì kẹp bơ cắt lát với bánh mì bột chua.
  3. Ghi lại những ý tưởng vừa nghĩ ra để có thể tự thiết lập danh sách món ăn. Bạn sẽ có thể áp dụng một số ý tưởng thường xuyên và cũng có cho mình nhiều lựa chọn cho bữa ăn. Lên ý tưởng sẵn sẽ giúp bạn kết hợp và sáng tạo bữa ăn dễ dàng hơn.
    • Bạn có thể tìm kiếm các công thức mới cho bữa ăn không chứa men vì trên mạng thường có nhiều người đăng và trao đổi về các ý tưởng mới. Đôi khi, khi tìm kiếm thông tin, bạn sẽ nhớ ra về nguyên liệu mà đã lâu chưa sử dụng. Ví dụ, món xào từ cải thìa, cà rốt, mầm cải Brussel hay cải xoăn cũng có thể tạo ra một bữa ăn hoàn toàn khác biệt.
    • Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin về một vài nguyên liệu yêu thích và điều chỉnh nếu cần thiết. Nên nhớ rằng bạn có thể sử dụng sữa đậu nành thay sữa thường, dùng nước cốt chanh thay giấm, miễn là công thức chế biến đơn giản.

Lời khuyên[sửa]

  • Tập trung vào thực phẩm bạn có thể ăn thay vì thực phẩm không thể ăn. Có rất nhiều món ăn ngon, tốt cho sức khỏe mà bạn có thể thưởng thức.
  • Chuẩn bị món ăn nhẹ lành mạnh để đề phòng trường hợp thấy đói và tránh tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và cảm thấy bức bối về chế độ ăn giới hạn của mình.
  • Dành thêm thời gian để chuẩn bị bữa ăn trong ngày.
  • Triệu chứng có thể trở nặng trong vài ngày đầu tiên. Điều này là bình thường và được gọi là giai đoạn "thích nghi với chế độ ăn". Triệu chứng sẽ dần thuyên giảm sau vài ngày.
  • Phải đảm bảo ăn đủ thức ăn! Chế độ ăn là lối sống, không phải là thử thách. Bạn cần thực sự thưởng thức thực phẩm mà cơ thể cần và có thể sử dụng.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu không chắc nên và không nên ăn gì, đặc biệt là nếu bạn mắc các vấn đề sức khỏe khác.

Cảnh báo[sửa]

  • Thuốc kháng nấm có thể gây tác dụng phụ. Trong trường hợp đó, đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]