Cho trẻ nhỏ ăn khi trẻ bị tiêu chảy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trẻ em bị tiêu chảy có thể là do viêm nhiễm, bệnh lý, mẫn cảm với thức ăn hoặc một số loại thuốc. Nếu bị tiêu chảy, trẻ sẽ đi tiêu phân lỏng hoặc nước trong nhiều giờ hoặc lâu hơn nữa. Một số dạng tiêu chảy ở mức độ nhẹ và tự khỏi trong vài ngày, số khác có thể kéo dài nhiều ngày. Để đảm bảo trẻ không bị mất nước hoặc suy dinh dưỡng khi bị tiêu chảy, bạn cần cho trẻ uống nhiều chất lỏng và ăn các thức ăn giúp trẻ dễ chịu hơn và duy trì sức khỏe của trẻ.

Các bước[sửa]

Điều chỉnh chế độ ăn của trẻ[sửa]

  1. Chờ đến khi trẻ đi tiêu phân lỏng hơn một lần. Trước khi thay đổi chế độ ăn của con, bạn nên chắc chắn rằng trẻ đi tiêu phân lỏng không chỉ một lần, thông thường hiện tượng này sẽ xảy trong thời gian ngắn. Chỉ một lần đi tiêu phân lỏng không có nghĩa là con bạn bị tiêu chảy; nhưng nhiều lần như vậy trong thời gian ngắn là dấu hiệu rõ rệt cho thấy trẻ đang bị tiêu chảy, và việc thay đổi chế độ ăn của trẻ sẽ có ích.[1]
    • Tăng lượng chất lỏng và thay đổi chế độ ăn của trẻ là hai yếu tố then chốt trong việc điều trị tiêu chảy tại nhà. Điều này sẽ giúp con bạn không bị mất nước và thiếu dinh dưỡng khi trẻ hồi phục khi bị tiêu chảy.
    • Việc điều chỉnh chế độ ăn cũng có thể khiến các bữa ăn trở nên hấp dẫn hơn khi trẻ đang bị tiêu chảy.
  2. Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong cả ngày. Những bữa ăn nhẹ hoặc ăn vặt rải ra suốt ngày thay vì ba bữa ăn chính sẽ giúp trẻ nhẹ bụng hơn và ăn ngon miệng hơn. Bạn có thể chuẩn bị những bát nhỏ thức ăn và cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, đồng thời luôn nhớ cho trẻ uống nhiều chất lỏng kèm các bữa ăn để trẻ không bị thiếu nước.[2]
    • Một số nơi khuyến nghị nên cho trẻ uống chất lỏng trước, sau đó cho ăn thức ăn đặc. Bạn có thể cố gắng cho trẻ uống nhiều nước trước và sau khi ăn để duy trì nước cho cơ thể trẻ.[3]
  3. Cho trẻ ăn những món yêu thích. Có thể con bạn sẽ chán ăn khi bị tiêu chảy, do đó bạn cần tập trung vào các thức ăn mà trẻ thích và chế biến sao cho hấp dẫn để khuyến khích trẻ ăn.
    • Ví dụ, nếu con bạn thích ăn gà, bạn có thể nấu súp mì gà. Món súp khá dễ ăn khi trẻ bị đau bụng, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ không bị thiếu chất dù bị tiêu chảy.
  4. Cho trẻ làm quen trở lại với chế độ ăn bình thường. Nếu chứng tiêu chảy của trẻ tự khỏi sau hai hoặc ba ngày, bạn nên dần dần cho trẻ quay lại với chế độ ăn bình thường. Bạn có thể cho trẻ ăn một hoặc hai bữa chính với một bữa nhẹ hoặc hai bữa ăn vặt. Không buộc trẻ ăn như bình thường ngay sau khi trẻ vừa phục hồi, do cơ thể của trẻ cần thời gian để làm quen lại với các thức ăn đặc.[2]
    • Một số trẻ có thể bị tiêu chảy khi quay trở lại với chế độ ăn bình thường. Hiện tượng này là do ruột của trẻ đang làm quen lại với thức ăn bình thường. Dạng tiêu chảy này sẽ không kéo dài và không giống như chứng tiêu chảy do bệnh lý hoặc viêm nhiễm. Tình trạng này sẽ khỏi trong khoảng một ngày, và trẻ sẽ có thể quay lại ăn như bình thường.

Cho trẻ các thức ăn và đồ uống thích hợp[sửa]

  1. Đảm bảo cho trẻ uống đủ chất lỏng. Mất nước là biến chứng thường gặp của chứng tiêu chảy. Bạn cần cho trẻ uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Cho trẻ uống nước trắng trong vòng một hoặc hai tiếng đầu tiên khi có hiện tượng tiêu chảy, sau đó chuyển sang các loại chất lỏng khác chứa sodium và dưỡng chất, chẳng hạn như sữa. Việc uống quá nhiều nước trắng có thể gây hại, vì nước không chứa bất cứ loại đường và các chất điện giải thiết yếu nào. Trẻ cần uống ít nhất tám ly chất lỏng mỗi ngày để đảm bảo duy trì nước cho cơ thể.
    • Không cho trẻ uống nước quả ép như nước táo hoặc bất cứ loại nước quả nào khác. Nước quả ép nguyên chất sẽ khiến trẻ tiêu chảy nặng hơn. Tuy nhiên, nếu con bạn không thích uống nước trắng, bạn có thể cho vài giọt nước quả vào nước để tạo chút hương vị.
    • Không cho trẻ uống nước ngọt hoặc nước có chứa caffeine như soda hoặc các loại trà chứa caffeine. Những loại nước này có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn.[1]
    • Không cho trẻ uống sữa nếu trẻ có vấn đề với các sản phẩm từ sữa hoặc tiêu chảy nặng hơn sau khi uống sữa. Thay vào đó, bạn nên cho trẻ uống nước pha với dung dịch bù nước như Rehydralyte hay dung dịch uống bù nước của WHO (tổ chức y tế thế giới). Bạn cũng có thể thử cho trẻ uống Pedialyte và Infalyte có bán không cần toa ở các hiệu thuốc hoặc siêu thị. Trẻ lớn hơn có thể uống các loại nước thể thao bù nước như Gatorade.
    • Luôn tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng dung dịch bù nước cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
  2. Chuẩn bị thức ăn nhẹ chứa tinh bột. Hầu hết trẻ em bị tiêu chảy đáp ứng tốt với thức ăn nhẹ chứa tinh bột. Khi nấu ăn, bạn chỉ nên nêm muối và hạt tiêu. Thử cho trẻ ăn các món nướng đơn giản để tránh mùi vị quá đậm của món ăn khiến trẻ sợ và không chịu ăn. Các thức ăn mà bạn nên cho trẻ ăn có thể là:[2]
    • Các món nướng như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá hoặc gà tây nướng
    • Trứng luộc
    • Bánh mì trắng nướng
    • Mì nấu phô mai hoặc cơm trắng
    • Các loại ngũ cốc chế biến như Cream of Wheat (hỗn hợp gồm bột mì), yến mạch, ngô
    • Bánh pancake và bánh quế làm từ bột mì trắng
    • Khoai tây nướng hoặc nghiền
    • Rau củ nấu chín, hấp hoặc áp chảo với ít dầu như cà rốt, nấm, bí ngòi và đậu xanh. Tránh bí vàng, bông cải xanh, ớt, đậu, quả mọng, mận, rau lá xanh và ngô vì các thực phẩm này có thể kích thích đi tiêu và gây đầy hơi.
    • Chuối và hoa quả tươi như táo, lê và đào.
  3. Gọt vỏ và bỏ hạt. Để tăng độ hấp dẫn và dễ tiêu hóa cho trẻ, bạn nên bỏ hết hạt và gọt vỏ mọi loại rau củ và hoa quả trước khi cho trẻ ăn, ví dụ như bí ngòi và đào.[1]
  4. Cho trẻ ăn các loại bánh ăn vặt có hàm lượng muối cao. Các loại bánh mặn tốt cho trẻ em đang bị tiêu chảy, vì lúc này mức sodium trong cơ thể của trẻ hạ thấp do tiêu chảy. Cho trẻ ăn bánh có vị mặn như bánh quy xoắn hoặc bánh quy mặn. Bạn cũng có thể cho thêm muối khi nấu ăn, ví dụ như rắc muối lên gà nướng hoặc khoai tây nướng.[1]
    • Bỏ bánh quy mặn vào bát để trẻ nhấm nháp suốt ngày; như thế trẻ sẽ thích ăn hơn. Nhớ cho trẻ uống nước khi ăn bánh mặn để cân bằng mức sodium và ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  5. Cho trẻ ăn kem que hoa quả và thạch. Các món ăn vặt này là nguồn chất lỏng và có thể giúp duy trì nước cho cơ thể. Cho trẻ ăn kem que chứa nhiều nước và rất ít nước quả. Tránh kem que có thành phần sữa vì sữa có thể kích thích dạ dày của trẻ. Bạn cũng có thể thử cho con ăn kem que Pedialyte.
    • Thạch làm từ hoa quả cũng là một nguồn thức ăn giúp trẻ nạp thêm chất xơ. Chất xơ sẽ giúp phân cứng hơn và hấp thụ nước từ hệ tiêu hóa nhiều hơn.
  6. Bổ sung sữa chua ít béo vào chế độ ăn của trẻ. Sữa chua là môi trường thích hợp cho các lợi khuẩn sinh sôi trong đường tiêu hóa của trẻ.[4] Cố gắng cho trẻ ăn một khẩu phần sữa chua mỗi ngày để giúp trẻ mau hồi phục.
    • Chọn loại sữa chua ít đường, ít béo. Lượng đường và chất béo quá cao sẽ khiến trẻ tiêu chảy nặng hơn.
    • Thử xay hoa quả và sữa chua thành sinh tố. Nếu con bạn không thích sữa chua, có lẽ trẻ sẽ thích sinh tố sữa chua hơn. Thử xay nửa cốc sữa chua với một quả chuối và một nắm quả mọng đông lạnh. Bạn cũng có thể thêm vào nửa cốc đến một cốc nước để cung cấp thêm nước cho trẻ.
  7. Tránh thức ăn nhiều gia vị hoặc nhiều dầu mỡ. Dầu mỡ và gia vị có thể khiến dạ dày trẻ bị kích thích và tiêu chảy nhiều hơn. Không cho trẻ ăn các món nhiều gia vị như cà ri, súp cay hoặc bất cứ món ăn nào có ớt. Bạn cũng nên tránh cho con ăn thức ăn nhiều dầu mỡ như các món chiên xào hay thức ăn đóng gói hoặc chế biến sẵn.[2]
    • Không cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu như xúc xích, bánh ngọt, bánh rán hoặc các thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng đường và chất béo cao.

Đưa trẻ đi khám bệnh[sửa]

  1. Đưa con bạn đến bác sĩ nếu trẻ đi tiêu ra chất nhầy hoặc máu lẫn trong phân. Những dấu hiệu này cho thấy có thể tiêu chảy là triệu chứng của một căn bệnh nghiêm trọng hơn. Chú ý đến máu và chất nhầy trong phân của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra.
    • Bạn cũng nên để ý xem trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng nào khác ngoài tiêu chảy không, ví dụ như nôn, co rút cơ bụng, buồn nôn, đau dạ dày hoặc sốt cao. Đưa trẻ đi khám nếu trẻ có các biểu hiện trên.
  2. Nói với bác sĩ nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ kéo dài quá hai hoặc ba ngày. Hiện tượng tiêu chảy thường khỏi trong vòng hai đến ba ngày, mặc dù phải đợi đến một hoặc hai tuần trẻ mới có thể trở lại chế độ ăn bình thường. Nếu trẻ bị tiêu chảy quá hai hoặc ba ngày và có vẻ như không đỡ, bạn hãy gọi cho bác sĩ để hỏi xem có cần đưa trẻ đi khám không.[2]
    • Có lẽ bạn không cần đưa con đi bác sĩ trừ khi trẻ đi tiêu có máu lẫn trong phân hoặc tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng.
  3. Đưa con bạn đến bác sĩ nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện mất nước nghiêm trọng. Trẻ em bị tiêu chảy rất dễ bị mất nước, nhất là khi không uống đủ chất lỏng. Các triệu chứng cho thấy trẻ bị mất nước bao gồm:[2]
    • Miệng khô và dính
    • Không đi tiểu trong vòng 6 đến 8 tiếng, hoặc ít hơn 3 lần trong vòng 24 tiếng
    • Khóc không có nước mắt
    • Mắt có vẻ trũng xuống
    • Giảm hoạt động
    • Sụt cân
  4. Trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn trong việc điều trị. Bác sĩ có thể xét nghiệm phân của trẻ để xác định liệu có phải tình trạng tiêu chảy là do nhiễm trùng không. Một số test khác cũng có thể được chỉ định để giúp chẩn đoán nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ. Bác sĩ hiếm khi kê toa thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc các căn bệnh có thể gây tiêu chảy. Thuốc kháng sinh thường chỉ được kê toa khi bác sĩ xác định được nguyên nhân tiêu chảy là do vi khuẩn, vì kháng sinh có thể không hiệu quả hoặc gây tác dụng phụ không mong muốn nếu được sử dụng không đúng.[3]
    • Hầu hết các loại thuốc chống tiêu chảy đều không được khuyên dùng cho trẻ em. Bác sĩ thường tránh kê các thuốc này mà thường đề nghị dùng thuốc trị tiêu chảy không kê toa dành cho trẻ em. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyên dùng probiotics để trị tiêu chảy ở trẻ.
    • Nếu con bạn bị tiêu chảy lâu ngày hoặc có các triệu chứng khác kèm theo, bác sĩ tổng quát cũng có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, một chuyên gia về các bệnh dạ dày và ruột.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]