Bệnh AIDS trẻ em
Mục lục
- 1 Tình hình nhiễm HIV/AIDS
- 2 Phương thức lây truyền bệnh
- 3 Tác nhân gây bệnh:
- 4 Lâm sàng nhiễm HIV/AIDS trẻ em
- 5 Các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán HIV
- 6 Chẩn đoán
- 7 Chăm sóc, điều trị trẻ bị nhiễm HIV/AIDS
- 8 Phòng bệnh
Tình hình nhiễm HIV/AIDS[sửa]
Ở Việt Nam trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990.
Phương thức lây truyền bệnh[sửa]
Qua đường tình dục[sửa]
Đây là đường lây bệnh chủ yếu trong cộng đồng, nhất là người có nghiện chích ma túy. Nguy cơ cao ở người có cách sống không lành mạnh.
Da và niêm mạc (máu và các chất dịch)[sửa]
Tỷ lệ 0,5 - 1%, nguy cơ tiêm chích 10%, HBV 30%. Nguy cơ cao trong nhóm tiêm chích ma túy (10%), người có bệnh về máu cần chuyền máu nguy cơ (5%), nhân viên y tế nhất là phẩu thuật viên nguy cơ mắc trong suốt đời nghề nghiệp của mình là (0,17-13,9%).
Mẹ sang con[sửa]
Trước sinh, trong khi sinh, sau sinh. 90% trẻ em nhiễm HIV từ mẹ. Nguy cơ nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV không được điều trị trong thai kỳ 13% - 39%.
Mẹ nhiễm HIV được điều trị AZT 6 tháng nguy cơ giảm xuống 66%. Sinh đôi, trẻ sinh trước có nguy cơ cao hơn. Tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV trong thai kỳ:1% ở Mỹ, 0.4 % Pháp, 5 - 25 % trung phi. Trẻ bị nhiễm HIV diễn tiến đến bệnh AIDS nhanh hơn so với người lớn.
Mẹ có nguy cơ cao truyền bệnh cho con:
CD4 ngoại biên (trong máu mẹ) giảm, chuyển dạ kéo dài, vỡ ối sớm, P24 antigen cao trong máu mẹ, nồng độ virus HIV cao trong máu mẹ.
Bệnh mẹ càng nặng nguy cơ càng cao, mẹ nghiện ma túy, nghiện rượu.
Mẹ có thai nguy cơ tiến triển nhanh hơn đến AIDS.
Sữa mẹ: nồng độ virus cao trong máu mẹ là một nguy cơ chuyền bệnh qua đường sữa mẹ.
Tác nhân gây bệnh:[sửa]
Virus HIV
Lâm sàng nhiễm HIV/AIDS trẻ em[sửa]
Biểu hiện lâm sàng[sửa]
Biểu hiện lâm sàng nhiễm HIV/AIDS trẻ em rất thay đổi, khác nhau tùy theo giai đoạn, có giai đoạn không có triệu chứng tạm gọi là giai đoạn tiền triệu (prodrome) và giai đoạn có triệu chứng, AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV.
Diễn biến lâm sàng nhiễm HIV ở trẻ em khác với người lớn, đồng thời cũng khác nhau tùy theo đường lây nhiễm, lây nhiễm dọc từ mẹ sang con, theo đường máu hay theo đường sinh dục.
Giai đoạn tiền triệu[sửa]
Với trẻ lây nhiễm dọc từ mẹ sang con, sau khi đẻ trẻ vẫn bình thường, hoặc chỉ có biểu hiện đẻ thấp cân. Sau nhiễm HIV là giai đoạn virus thâm nhập dòng máu, có thể có một số biểu hiện giống như nhiễm virus khác như sốt nhẹ, đau mỏi cơ, không có gì đặc hiệu. Giai đoạn nhiễm HIV đến khi phát triển những triệu chứng đầu tiên của AIDS khác nhau tùy theo đường lây nhiễm và tùy theo bệnh sẵn có. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy 50% trẻ bị AIDS được chẩn đoán trong năm đầu tiên sau khi sinh và 82% vào lúc 3 tuổi. Nhiều nghiên cứu gần đây chia nhóm trẻ bị lây nhiễm dọc từ mẹ sang con làm hai nhóm nguy cơ:
- Nhóm thứ nhất: khoảng 20%, thời gian ủ bệnh ngắn, triệu chứng bệnh đầu tiên sớm nhất là 1 tháng, trung bình là sau 4,1 tháng.
- Nhóm thứ hai: thời gian ủ bệnh dài hơn, triệu chứng bệnh đầu tiên trung bình sau 6,1 năm, cứ 8% số trẻ trên 1 tuổi thuộc nhóm này trở thành AIDS hàng năm.
Nhìn chung, khoảng cách không có triệu chứng từ khi bị nhiễm HIV đến khi có triệu chứng lâm sàng của bệnh, ở trẻ bị lây nhiễm dọc từ mẹ sang con ngắn hơn ở trẻ bị lây nhiễm do truyền máu và ở trẻ em ngắn hơn so với người lớn.
Giai đoạn có biểu hiện lân sàng[sửa]
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh do HIV là các biểu hiện của nhiễm trùng cơ hội và các bệnh u. Biểu hiện lâm sàng rất thay đổi ở nhiều cơ quan, dễ nhầm với nhiều bệnh.
- Các biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu
Các triệu chứng không đặc hiệu xẩy ra sớm, triệu chứng sớm là hạch to và gan lách to. Các biểu hiện khác là sụt cân, ở giai đoạn muộn có trẻ sụt cân tới 40% cân nặng, sốt kéo dài, tiêu chảy mạn tính, nấm Candida miệng, chàm mạn tính.
- Biểu hiện ở phổi
Là biểu hiện phổ biến trong nhiễm HIV/AIDS trẻ em. Viêm phổi kẽ thâm nhiễm lympho (lymphocytic interstitial pneumonitic-LIP) là biểu hiện phổ biến ở phổi, tới 30-50% trường hợp nhiễm HIV dọc từ mẹ sang con, tiến triển mạn tính ở phổi, trên X quang phổi có đặc điểm hình thâm nhiễm lưới nốt (reticulonodular), nguyên nhân viêm phổi kẻ thâm nhiễm lympho chưa rõ, có thể có vai trò trực tiếp của HIV hay virus Epstein-Barr. Mặc dầu có bất thường trên X quang phổi, song không nghe thấy gì ở phổi. Cần phân biệt viêm phổi kẻ thâm nhiễm lympho với viêm phổi do vi khuẩn, do virus hay do nấm và với viêm phổi do Pneumocystis carinii (PCP).
Ở trẻ em, viêm phổi do Pneumocystis carinii là nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất, chiếm 52% bệnh nhi bị AIDS (theo CDC), cũng không phát hiện được triệu chứng đặc hiệu khi nghe phổi.
Viêm phổi do Cytomegalovirus là nguyên nhân thứ hai phổ biến gây suy thở ở trẻ em bị nhiễm HIV. Bên cạnh nhiễm trùng phổi do virus, trên 50% trẻ bị nhiễm HIV/AIDS có nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, trong đó có viêm phổi do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus. Ở trẻ mới sinh dễ bị viêm phổi do Klebciella. Nhiễm trùng do trực khuẩn lao và các Mycobacterium không điển hình cũng rất hay gặp ở trẻ em. Viêm đường hô hấp do nấm Candida cũng thường gặp ở trẻ bị nhiễm HIV.
Những nhiễm trùng phổi này là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em.
- Biểu hiện ở đường tiêu hóa
Tiêu chảy và khó nuốt là những biểu hiện phổ biến tới 30-40%, tiêu chảy thường kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, gây mất nước và sụt cân. Nguyên nhân tiêu chảy thường do các tác nhân ở ruột như E. coli, Shigella, Salmonella, Campylobacter, Entamoeba histolytica, ngoài ra có thể do Cryptoporida, Isospora belli, Candida, Strongoloides stercoralis. Đa số các trường hợp tiêu chảy này đáp ứng với điều trị. Khó nuốt chủ yếu do bị nhiễm nấm Candida ở miệng, thực quản, đáp ứng điều trị với các thuốc chống nấm.
- Biểu hiện thần kinh
Tỷ lệ bất thường về thần kinh ở trẻ bị nhiễm HIV khá cao, ở Mỹ tới 50-90%. Các biểu hiện này do bản thân nhiễm HIV gây ra, phần khác do nhiễm trùng cơ hội và ung thư gây ra. Mức độ và tiến triển của bệnh não do nhiễm HIV khác nhau, có thể cấp hay bán cấp, tiến triển từ từ, một số trong vài năm, một số trong vài tháng. Biểu hiện thần kinh thường bắt đầu bằng giảm chức năng trí tuệ, rối loạn trí nhớ, kèm các rối loạn vận động như bại, thất điều (ataxia), bất thường về trương lực cơ, bại não, rồi rối loạn cảm giác. Trong hai năm đầu có thể có não bé. Nước não tủy có thể bình thường hoặc tăng ít tế bào và protein. Chụp cắt lớp điện toán thấy hiện tượng teo não với não thất dãn, có hiện tượng vôi hóa ở vùng nền sọ, thùy trán, kèm theo tổn thương chất trắng ở não.
Nhiều biểu hiện nhiễm trùng cơ hội ở não -màng não xảy ra. Có thể thấy viêm màng não do lao, do Cryptococcus, viêm não do virus herpes, cytomegalovirus không phải là hiếm. Nhiễm trùng do toxoplasma cũng có thể gặp, biểu hiện điển hình cấp tính là rối loạn vận động cục bộ. Viêm màng não do Cryptococcus được coi như một dấu hiệu xác định chẩn đoán AIDS, song hiếm gặp.
- Bệnh hạch dai dẵng toàn thân
Bệnh hạch toàn thân xảy ra sớm trong quá trình nhiễm HIV. Biểu hiện lâm sàng là hạch sưng to trên 1 cm, kéo dài trên 3 tháng, nhiều hạch ở nhiều vùng bạch huyết, thường ở bẹn, nách, và các nơi khác, hạch chắc, không đau. Tuy hạch to song không có ý nghĩa tiên lượng, trái lại khi bệnh tiến triển nặng dần thì hạch nhỏ lại dần và biến mất, nên hạch đang to rồi nhỏ lại dần là dấu hiệu tiên lượng nặng, nhưng khi hạch nhỏ dần thì lại thấy sốt, sụt cân, tiêu chảy kéo dài là đang tiến triển thành AIDS đầy đủ.
Nếu hạch xuất hiện trở lại, sau này có thể là hạch của lao, hạch của di căn ung thư hay hạch do bệnh u lympho.
- Biểu hiện ở da
Biểu hiện ở da rất phổ biến ở AIDS trẻ em. Nhiều biểu hiện da có thể chẩn đoán lâm sàng như zoster, nhiễm virus herpes, nấm Candida ở miệng, hậu môn, sinh dục, chooacs lở, mụn nhọt tái diễn, viêm lỗ chân lông, nhiễm papova virus gây các u nhầy ở vùng cổ và thân mình, sẩn ngứa, bạch sản ở rìa lưỡi. Biểu hiện da do sarcoma Kaposi rất hiếm gặp ở trẻ em.
- Các bệnh tự miễn
Nhiều bệnh tự miễn xảy ra ở trẻ bị nhiễm HIV, phản ánh tình trạng hoạt hóa đa clone của tế bào B và tình trạng tăng gamma globulin máu ở trẻ nhiễm HIV. Giảm tiểu cầu tự miễn hay gặp, khoảng 15% gây xuất huyết dưới da, đa số phát hiện thấy kháng thể kháng tiểu cầu và phức hợp miễn dịch trong máu.
Thiếu máu tan máu tự miễn, với nghiệm pháp Coombs dương tính, đòi hỏi phải truyền máu. Bệnh tự miễn ở tim mạch có thể thấy 90% trường hợp nhiễm HIV và ở giai đoạn có triệu chứng. Có thể thấy viêm màng ngoài tim tăng tế bào đơn nhân to, viêm cơ tim, viêm màng trong tim đã thấy trên giải phẩu bệnh.
- Nhiễm trùng cơ hội
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu ở trẻ bị nhiễm HIV là nhiễm trùng cơ hội ở nhiều bộ phận. Nhiều khi nhiễm trùng cơ hội là chỉ điểm của AIDS trẻ em.
- Nhiễm trùng do nấm: Candida, cryptococcus, Aspergillosis, Histoplasma.
- Nhiễm ký sinh trùng: Viêm phổi P. Carinii, Toxoplasma, viêm ruột do cryptosporidium, amip, sốt rét.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Lao, Mycobacterium avium, nhiễm trùng phổi do Stretococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, tụ cầu, Klebsiella. Nhiễm trùng dạ dày-ruột do salmonella, Shigella, E. coli, Campylobacter.
Nhiễm trùng da do chốc lở do tụ cầu, liên cầu.
Nhiễm trùng tiết niệu do E. Coli.
Giang mai, lậu.
- Nhiễm trùng do virus: Cytomegalovirus, Herpes simplex, zona, thủy đậu, sởi, viêm gan virus, Epstein Barr virus.
Điều trị nhiễm trùng cơ hội tốt làm giảm tử vong hàng năm.
- Biểu hiện ung thư
Hai biểu hiện ung thư nói nhiều trong AIDS là sarcom Kaposi và u lympho ác tính, đều rất hiếm gặp trong AIDS trẻ em.
Sarcom Kaposi là một loại ung thư nội mạc mạch (endothelial neoplasma of capillary) ở da, niêm mạc, phủ tạng và hạch. Đó là những mảng màu tím hoặc hồng nâu xuất hiện bất kỳ trên phần nào của cơ thể, phát triển dần thành u. Sarcom Kaposi được xem là một triệu chứng xác định để chẩn đoán AIDS, song rất hiếm gặp ở AIDS trẻ em.
U lympho gặp nhiều trong ung thư trẻ em nói chung, chủ yếu là u lympho không Hodgkin.
Song u lympho cũng ít thấy ở trẻ bị AIDS.
So sánh lâm sàng nhiễm HIV trẻ em và người lớn[sửa]
Điểm nổi bật về sự khác biệt lâm sàng nhiễm HIV ở trẻ em so với người lớn có thể tóm tắc như sau:
- Đường lây truyền ở trẻ em chủ yếu là lây truyền dọc do mẹ truyền cho con.
- Tiến triển lâm sàng nhanh, giai đoạn mang HIV không có triệu chứng rất ngắn, tiến triến thành AIDS đầy đủ nhanh và tử vong sớm.
- Nhiễm trùng cơ hội do vi trùng gây nên phổ biến hơn.
- Rất hay gặp viêm phổi kẽ thâm nhiễm lympho.
- Biểu hiện não phổ biến 30-50%, có sự tương xứng giữa mức độ nặng với tình trạng suy giảm miễn dịch nhiều.
- Viêm tuyến mang tai phổ biến ở trẻ em.
- Hiếm khi thấy có sarcom Kaposi, u lympho ở trẻ em.
- Biến đổi về miễn dịch như giảm số lượng tế bào lympho, tế bào T4 không ổn định, có kháng thể IgG kháng HIV từ mẹ chuyền sang gây khó khăn cho chẩn đoán về mặc sinh học trong giai đoạn sớm.
Phân loại lâm sàng nhiễm HIV trẻ em[sửa]
HIV gây suy giảm miễn dịch, có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy theo từng giai đoạn, cũng như tình trạng suy giảm miễn dịch ở nhiều mức độ khác nhau, nên việc phân loại lâm sàng nhiễm HIV nhằm mục đích phát hiện sớm, để xử lý thích hợp, quản lý bệnh nhân tốt.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC) đưa ra cách phân loại lâm sàng nhiễm HIV mới cho trẻ em dưới 13 tuổi, dựa trên tình trạng nhiễm trùng, tình trạng lâm sàng và tình trạng miễn dịch của trẻ.
Thể N: Không triệu chứng[sửa]
Nhiễm HIV không có triệu chứng lâm sàng
Thể A: Triệu chứng nhẹ[sửa]
Trẻ có 2 triệu chứng của A, không có trong B, C.
Hạch lớn, Gan lớn, Lách lớn, Viêm da mủ, Viêm tuyến mang tai
Nhiễm trùng hô hấp trên tái đi tái lại (viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi).
Thể B: Triệu chứng vừa[sửa]
Có 1 trong A kèm 1 C, hoặc tiêu chuẩn bảng B:
Trẻ bị nhiễm HIV có triệu chứng của Category A kèm với C, hoặc có các biểu hiện trong bảng điều kiện của Category B dưới đây:
Thiếu máu (< 8 g/dL), Bạch cầu giảm (< 1000/mm3), và/hoặc Tiểu cầu giảm (< 100.000/ mm3).
Viêm màng não mũ, viêm phổi, hoặc nhiễm trùng huyết (một đợt)
Nhiễm nấm candida thực quản (> 2 tháng) ở trẻ > 6 tháng tuổi.
Bệnh lý cơ tim (cardiomyopathy).
Nhiễm Cytomegalovirus trước 1 tháng tuổi.
Tiêu chảy, tái đi tái lại hoặc mãn tính
Viêm gan
Herpes simplex, viêm miệng (tái lại 2 đợt trong 1 năm).
Viêm phế quản do hợp bào hô hấp, viêm phổi, viêm thực quản, xuất hiện trước 1 tháng tuổi. Herpes zoster Leiomyosarcoma.
Viêm phổi kẻ lympho bào.
Bệnh lý thận (Nephropathy).
Nocardiosis.
Sốt dai dẳng (> 1 tháng).
Toxoplasmo xuất hiện trước 1 tháng tuổi
Thủy đậu
Thể C: Triệu chứng nặng[sửa]
Có tiêu chuẩn bảng C:
Nhiều đợt nhiễm trùng tái nhiễm trong năm như: nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng xương khớp hoặc áp-xe một cơ quan nội tạng, khoang bụng (bao gồm viêm tai giữa, da niêm mạc, nhiễm trùng do đặt catheter tĩnh mạch).
Candida thực quản và phổi.
Coccidiomycosis lan tỏa ở phổi, hạch bạch huyết ở cổ, rốn phổi.
Cryptosporidiosis hoặc isospsoriasis với tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng.
Bệnh do cytomegalovirus xuất hiện sau 1 tháng tuổi (có biểu hiện ở gan, lách, hạch).
Bệnh lý não (xuất hiện và tiến triễn sau 2 tháng với: chậm phát triển tinh thần kinh, đầu nhỏ theo dõi bằng đo vòng đầu, rối loạn các phản xạ thần kinh và liệt) Herpes simplex với biểu hiện lở loét da niêm mạc kéo dài trên 1 tháng, hoặc viêm phổi, viêm phế quản, viêm thực quản xảy ra bất kỳ lúc nào sau 1 tháng tuổi. Nhiễm Histoplasmo lan tỏa ở phổi, hạch rốn phổi hoặc hạch cổ.
Sarcoma Kaposi.
Lymphoma tiên phát ở não.
Lỵmphoma Burkit, lymphoma tế bào B.
Nhiễm lao lan tỏa, lao ngoài phổi.
Nhiễm Mycobacterium không gây lao lan tỏa (biểu hiện ở phổi, da, hạch rốn phổi, hạch cổ).
Viêm phổi do pneumocystis carinii.
Bệnh não chất trắng nhiều ổ tiến triển (Progressive multifocal leukoencephalopathy).
Nhiễm trùng huyết do Salmonella (không thương hàn) tái diễn.
Nhiễm Toxoplasma ở não khởi phát sau 1 tháng tuổi.
Hội chứng gầy mòn không có bệnh kèm theo ngoài nhiễm HIV bao gồm các dấu hiệu: sụt cân kéo dài > 10% trọng lượng chuẩn, Giảm cân nặng ở trẻ > 1 tuổi so với trọng lượng chuẩn, (khi đường biểu diễn cân nặng của bệnh nhi đi xuống và cắt ít nhất hai đường biểu diễn percentile).
Các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán HIV[sửa]
Các xét nghiệm phát hiện kháng thể[sửa]
Các xét nghiệm sàng lọc[sửa]
Kỹ thuật ngưng kết hạt vi lượng SERODIA-HIV (Microtier-Particle-Agglutination).
Kỹ thuật miễn dịch gắn enzym ELISA (Enzym-Linked-Immunosorbent-Assay).
Kỹ thuật chấm thấm (thử nghiệm nhanh).
Các thử nghiệm khẳng định[sửa]
Thử nghiệm Western-blot.
Thử nghiệm miễn dịch huỳnh quang (Immuno fluorescence assay: IFA).
Thử nghiệm kết tủa miễn dịch phóng xạ (Radio immuno precipitation assay: RIPA).
Có thể thực hiện các kỹ thuật phát hiện kháng thể từ huyết thanh, nước bọt.
Các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên HIV[sửa]
Các kỹ thuật nuôi cấy HIV từ máu, tế bào, tổ chức, bạch cầu lympho, dịch sinh dục, não tủy.
Các kỹ thuật lai ghép phân tử, phản ứng khuyếch đại chuỗi (PCR: polymerase chain reaction).
Phát hiện kháng nguyên p24 bằng kỹ thuật ELISA.
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán xác định trẻ bị nhiễm HIV phải dựa vào các xét nghiệm chứng tỏ sự có mặt của HIV trong máu hoặc tổ chức cơ thể trẻ, bằng cách phát hiện các kháng nguyên hay kháng thể HIV và sự thay đổi miễn dịch khi có bệnh.
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới 1985, có thể nghi ngờ là AIDS trẻ em, khi trẻ có ít nhất 2 triệu chứng chính và 2 triệu chứng phụ sau đây, mà không có nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch nào khác.
Triệu chứng chính
Sụt cân, phát triển chậm bất thường.
Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng.
Sốt kéo dài trên 1 tháng.
Triệu chứng phụ
Hạch to toàn thể, nhiều vùng, kéo dài.
Nhiễm Candida ở hầu, họng tái phát.
Nhiễm trùng tái phát.
Ho dai dẳng.
Chàm hoặc viêm da toàn thân.
Mẹ được xác định có nhiễm HIV.
Theo dõi trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV.
Với trẻ sinh ra ở người mẹ mà huyết thanh dương tính với HIV điều đầu tiên phải xác định là trẻ có bị nhiễm HIV không.
Để chẩn đoán sớm lúc này phải sử dụng các kỹ thuật cấy virus, PCR và tìm kháng nguyên p24 cần tiến hành nhiều lần, lúc sinh, lúc 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tuổi. Với 3 kỹ thuật này, câu trả lời có thể xác định được lúc sinh là 50%, lúc 1 tháng là 75% và lúc 6 tháng là 100%. Hai điều cần tư vấn lúc này là:
Hoãn tiêm phòng BCG, chờ khi có kết quả chẩn đoán xác định.
Ngưng bú mẹ là tốt nhất, để phòng lây nhiễm qua sữa mẹ. Phải thăm khám trẻ định kỳ, lúc sinh, 1 tháng, rồi 3 tháng một lần cho đến 18 tháng tuổi. Nếu trẻ không bị nhiễm HIV: các thông số về miễn dịch, máu đều bình thường, kháng thể IgG-anti HIV từ mẹ chuyền sang con giảm dần từ tháng thứ 7 sau sinh và mất lúc 18 tháng. Nếu trẻ bị nhiễm HIV: các thông số sau đây chứng tỏ sự tiến triển:
- Có bất thường ở công thức máu (thiếu máu, giảm tiểu cầu).
- Tế bào T4 giảm nhanh.
- Tăng gamma globulin máu (đặc biệt là IgA) và tăng beta2-microglobulin.
- Kháng nguyên p24 trong máu dương tính và tăng dần.
- Kháng thể IgG-anti HIV trên 7 tháng không giảm mà tăng thêm.
Về lâm sàng thấy gan- lách to, nhiễm khuẩn tái phát, viêm phổi do Pneumocystic carinii hay viêm phổi kẽ thâm nhiễm lympho, tưa miệng, rồi dần dần xuất hiện các triệu chứng của AIDS thực sự.
Chăm sóc, điều trị trẻ bị nhiễm HIV/AIDS[sửa]
Chăm sóc hỗ trợ[sửa]
Dinh dưỡng[sửa]
Vì HIV tìm thấy trong sữa mẹ, ngay cả trong sữa non, nguy cơ lây nhiễm từ sữa ở mẹ có HIV dương tính cho con là 15-20%, nên thảo luận với người mẹ về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ, tốt nhất là ngưng bú, bú bằng sữa thay thế, tuy vậy ở những bà mẹ nghèo vẫn có thể tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ, vì nguy cơ nuôi nhân tạo dễ bị suy dinh dưỡng và nhiễm trùng. Mặt khác với trẻ đã có chẩn đoán là nhiễm HIV, sữa mẹ làm cho bệnh tiến triển chậm hơn, với trẻ này vẫn có thể bú mẹ. Cần áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
Nên cho thêm vitamin A, C, B. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, với vitamin A liều 60 mg/24 giờ, cho liên tục làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng số lượng tế bào diệt tự nhiên (NK) ở trẻ em.
Chăm sóc hỗ trợ về tinh thần[sửa]
Có ý nghĩa quan trọng. Những trẻ nhiễm HIV vẫn được đến nhà trẻ, mẫu giáo, đi học bình thường vì không có nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường, cần giữ bí mật để trẻ không bị định kiến hoặc xa lánh, chỉ có thầy thuốc, cô giáo, cô nuôi dạy trẻ, người thân trong gia đình biết để phối hợp chăm sóc, theo dõi, dạy dỗ, giúp đỡ trẻ.
Cần tư vấn cho mọi đối tượng để phối hợp chăm sóc tốt. Theo dõi tăng trưởng của trẻ không những chỉ đánh giá sự phát triển, mà còn là biện pháp để đánh giá sự tiến triển của nhiễm HIV. Cần tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, tổ chức nhân đạo, từ thiện với gia đình của trẻ.
Chăm sóc vệ sinh da, mũi -họng, răng miệng[sửa]
Làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ bị nhiễm HIV.
Trẻ phải được theo dõi sức khỏe[sửa]
Thăm khám định kỳ, để phát hiện sớm tiến triển của bệnh, tình trạng miễn dịch và nhiễm trùng.
Dự phòng nhiễm trùng[sửa]
Tiêm chủng[sửa]
Là biện pháp dự phòng quan trọng với trẻ nhiễm HIV, mặc dù đáp ứng tạo kháng thể sau tiêm chủng là kém.
Tuy vậy tổ chức y tế thế giới khuyến cáo vẫn tiêm chủng cho trẻ không có triệu chứng kể cả đã có triệu chứng, chỉ trừ vaccin BCG.
Dự phòng viêm phổi do Pneumocytic carinii.[sửa]
Vì viêm phổi do P. carinii là nhiễm trùng cơ hội phổ biến và nặng, tử vong cao ở trẻ bị nhiễm HIV. Khuyến cáo dự phòng dựa vào tuổi và số lượng tế bào lympho CD4.
- 1-11 tháng, khi tế bào CD4 dưới 1.500/mm3.
- 12- 23 tháng, khi tế bào CD4 dưới 750/mm3.
- 24 tháng đến 5 tuổi, khi tế bào CD4 dưới 500/mm3.
- Từ 6 tuổi trở lên, khi tế bào CD4 dưới 200/mm3.
- Trẻ đã có tiền sử mắc P. Carinii.
Thuốc được lựa chọn là trimethoprim (TMP) 4 mg/kg/ngày và sulfamethoxazol (SMZ) 20 mg/kg/ngày, dùng hằng ngày cho đến khi số lượng tế bào CD4 trên giới hạn đã nêu trên theo tuổi. Không chỉ định điều trị dự phòng P. carinii cho trẻ dưới 1 tháng tuổi, vì ít khi bị viêm phổi P. Carinii và phản ứng phụ của TMP-SMZ dễ xảy ra do chức năng gan chưa trưởng thành.
Tác dụng phụ của TMP-SMZ là giảm bạch cầu trung tính và phát ban. Nếu không dung nạp thuốc thay thế bằng pentamidin khí dung hay tiêm tĩnh mạch.
Dự phòng bệnh nấm do Candida[sửa]
Cần thực hiện chế độ vệ sinh thường quy hàng ngày, vệ sinh răng miệng, ăn uống, vệ sinh da, thân thể, tắm rửa thay quần áo thường xuyên, tránh bị ẩm ướt.
Dự phòng bằng globulin miễn dịch[sửa]
Về lý thuyết, điều trị immunoglobulin cung cấp kháng thể thụ động bảo vệ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu ở Mỹ đã cho immunoglobulin hàng tháng, thấy giảm tần suất mắc các bệnh nhiễm vi khuẩn nhưng không giảm được tử vong.
IGIV (immunoglobuline intravenous) 400 mg/Kg/liều mỗi 4 tuần khi: Giảm gamaglobuline máu, tái phát những đợt nhiễm trùng nặng, thất bại trong thành lập kháng thể, giảm tiểu cầu.
Điều trị đặc hiệu với HIV[sửa]
Các thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn cản nhân lên của virus trong cơ thể, vì vậy làm kéo dài thời gian trở thành AIDS của những người nhiễm HIV.
Chỉ định điều trị[sửa]
- Trẻ nhiễm HIV có triệu chứng lâm sàng.
- Trẻ nhiễm HIV có suy giảm miễn dịch vừa và nặng (dựa vào số lượng CD4).
- Nhiễm HIV có > 5.000 - 10.000 RNA copies/ml.
- Trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV trong 6 tuần đầu.
Thuốc điều trị[sửa]
- Thuốc ức chế men sao chép ngược. Gồm 2 loại:
+ Có cấu trúc giống 1 nucleozid
Zidovudin (AZT,ZDV)
Zidovudin (3 Azido- 3' desoxythymidine) được tổng hợp từ 1964 có tác dụng kháng phân bào. Từ 1984 được sử dụng kháng HIV. Thuốc làm cho quá trình tổng hợp DNA của virus bị ngưng trệ, virus không nhân lên được trong tế bào T4. AZT trước đây được sử dụng như một đơn trị liệu ở cả người lớn và trẻ em, ngày nay vì khả năng kháng thuốc của HIV, nên AZT hầu như chỉ được dùng trong các phát đồ đa hóa trị liệu. Ngoài ra AZT chỉ được dùng đơn lẻ trong phác đồ điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đi qua hàng rào rau thai, giảm nguy cơ truyền bệnh từ mẹ sang con.
AZT có tác dụng phụ khá nặng nề nhất là khi dùng kéo dài: thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, giảm chức năng gan, thận, gây buồn nôn, loét thực quản...
Các thuốc khác có cấu trúc giống nucleozid là:
Didanosin (DDI), Lamivudin (3TC) (Epivir), Stavudin (Zerit,d4T), Zalcitabin (ddC), Abacavir (ABC).
+ Không có cấu trúc 1 nucleozid
Nevirapin (Viramune), Delaviridin, Lovirid là các thuốc có tác dụng ức chế men sao chép ngược.
Thuốc hiện đang được sử dụng rộng rãi có hiệu quả là Nevirapin, đặc hiệu sử dụng trong điều trị phòng lây truyền từ mẹ sang con. Các thuốc này có một số tác dụng phụ giống như các thuốc thuộc loại nucleozid nhưng thường là nhẹ hơn.
- Thuốc ức chế protease
Indinavin (Crixivan), Nelfinavir, Ritonavir (Norvir), Saquinavir (HGC) (Invirase), ngăn chặn sự nhân lên của HIV nhờ tác dụng ức chế protease, một enzym có vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp vỏ glycoprotein của HIV. Các thuốc ức chế protease có những tác dụng phụ thường gặp như tăng bilirubin tự do, sỏi thận, đái máu, tăng transaminase máu, tăng cholesterol, triglycerid, nôn, đau đầu, mất ngủ, tiêu chảy. Dùng kéo dài thường có rối loạn phân bố mỡ, gầy mòn v.v.
Vì vậy thuốc chưa được khuyến cáo ở trẻ em.
Điều trị nhiễm trùng cơ hội[sửa]
Thực tế, chấp nhận được, chi trả được.
Tùy theo nguyên nhân nhiễm trùng cơ hội điều trị thích hợp.
Giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian sống.
Điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ có nhiễm HIV[sửa]
Nguy cơ lây nhiễm HIV từ người mẹ có HIV (+) sang con là 30-40%. Rất khó chẩn đoán trẻ có bị nhiễm HIV hay không trong tháng đầu tiên sau đẻ, vì phải dựa vào các xét nghiệm tìm virus, tìm kháng nguyên p24 và kỹ thật PCR khó thực hiện ở các tuyến bệnh viện. Do đó cần thiết phải điều trị dự phòng sớm cho trẻ sinh ra ở người mẹ đã biết có nhiễm HIV.
Ngay lúc mang thai, để dự phòng lây nhiễm HIV cho con, nên điều trị AZT cho mẹ. Ngay sau khi sinh nên cho ngay AZT 20 mg/kg/ngày chia làm 3-4 lần trong 6 tuần lễ đầu sau sinh. Trong thời gian này tiến hành các xét nghiệm để xác định chẩn đoán. Nếu sau 6 tuần các xét nghiệm tìm HIV đều âm tính thì cho ngừng thuốc.
Nếu sau 6 tuần, các xét nghiệm chứng tỏ trẻ bị nhiễm HIV thì tiếp tục điều trị như phần trên đã trình bày.
- AZT 20 mg/kg/ngày chia 3-4 lần.
- Gamma globulin tĩnh mạch 400 mg, 4 tuần một lần.
- Phòng viêm phổi do P. carinii, bằng TMP, SMZ hoặc pentamidin khí dung.
- Vệ sinh da, ăn uống.
- Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, B, C.
- Điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn nếu có.
Phòng bệnh[sửa]
Đối với cộng đồng[sửa]
Giáo dục phòng bệnh dưới nhiều hình thức, tránh tiêm chích ma túy, mại dâm, rượu chè, chung thủy vợ chồng, sống lành mạnh, kế hoạch hóa gia đình, bao cao su (đơn giản, rẻ, dễ chấp nhận).
Đối với cơ sở y tế[sửa]
An toàn trong truyền máu, vô trùng dụng cụ.
Đối với người đã bị nhiễm HIV[sửa]
Giáo dục sức khỏe chính người bị nhiễm với mục đích: chấp nhận thay đổi hành vi.
Đối với bà mẹ có thai bị nhiễm HIV[sửa]
Phát hiện những phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Chăm sóc, tư vấn cho bà mẹ có thai bị nhiễm HIV.
Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Áp dụng các biện pháp sát khuẩn cho mẹ và trẻ sơ sinh trong quá trình đẻ.
Điều trị dự phòng cho trẻ sơ sinh.
Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được đánh giá là can thiệp y tế có hiệu quả nhất trong phòng chống AIDS hiện nay.
Phát đồ điều trị dự phòng trước đây là:
- AZT uống, 600 mg/ngày trong 6-8 tuần liên tục, từ tuần thứ 32-34 đến khi sinh.
- AZT 2 mg/kg trong giờ đầu và 1 mg/kg trong giờ thứ hai đường tĩnh mạch, khi bà mẹ chuyển dạ đẻ.
- Ngay sau đẻ cho trẻ sơ sinh uống AZT sirô 20 mg/kg/ngày trong 6 tuần.
Hiện nay một phát đồ đơn giản hơn được áp dụng:
- Bà mẹ có thai nhiễm HIV uống 1 liều duy nhất nevirapin 200 mg x 2 viên vào bất kỳ giai đoạn nào của thai nghén, ngay cả lúc chuyển dạ đẻ.
- Ngay sau khi đẻ, trẻ sơ sinh uống sirô nevirapin 20 mg/kg, 1 liều duy nhất.
Phát đồ sau thuận tiện cho việc thực hiện, vì nhiều phụ nữ có thai không đi khám, hoặc được phát hiện nhiễm HIV muộn. Các nghiên cứu thực tế cho thấy nếu phụ nữ nhiễm HIV được điều trị trong thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con giảm từ 25-45% xuống còn 10%.
NGUỒN
Giáo trình Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Huế