Biết ngày rụng trứng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hiện tượng rụng trứng là một phần trong chu kỳ sinh sản của phụ nữ. Rụng trứng là quá trình trong đó buồng trứng giải phóng một tế bào trứng và sau đó đi vào ống dẫn trứng. Quả trứng này sẵn sàng để thụ tinh trong vòng 12 -24 giờ sau. Trứng đã được thụ tinh sẽ làm tổ trong tử cung và tiết ra một loại hormon ngăn chặn hiện tượng kinh nguyệt xảy ra. Nếu trứng không được thụ tinh trong thời gian 12-24 giờ thì nó sẽ không thể thụ tinh nữa và sẽ bị thải ra theo lớp lót tử cung trong quá trình kinh nguyệt. Việc biết được khi nào mình rụng trứng sẽ giúp bạn có kế hoạch có thai hoặc tránh thai.

Các bước[sửa]

Theo dõi Thân Nhiệt Cơ bản[sửa]

  1. Mua một nhiệt kế đo thân nhiệt cơ bản. Thân nhiệt cơ bản là nhiệt độ thấp nhất của cơ thể trong vòng 24 giờ.[1] Để đo và theo dõi thân nhiệt cơ bản (BBT), bạn cần một nhiệt kế thân nhiệt cơ bản.[2]
    • Nhiệt kế đo thân nhiệt cơ bản có bán ở các hiệu thuốc, kèm với một biểu đồ để giúp bạn theo dõi BBT của mình trong nhiều tháng.
  2. Đo thân nhiệt và ghi chép thân nhiệt cơ bản mỗi ngày trong nhiều tháng. Để theo dõi chính xác BBT của mình, bạn cần đo nhiệt độ mỗi ngày vào cùng một thời điểm: ngay khi vừa thức dậy, thậm chí trước khi ra khỏi giường.[1]
    • Để nhiệt kế BBT cạnh giường. Cố gắng thức dậy và đo nhiệt độ vào cùng một thời điểm mỗi buổi sáng.
    • Thân nhiệt cơ bản có thể đo qua đường miệng, hậu môn hoặc âm đạo. Sử dụng cùng một cách đo mỗi ngày để đảm bảo tránh sai số. Nhiệt độ lấy ở hậu môn hoặc âm đạo có độ chính xác cao hơn.[3]
    • Ghi lại nhiệt độ mỗi sáng vào một mảnh giấy hoặc trên biểu đồ BBT.
    • Bạn cần theo dõi BBT mỗi ngày trong nhiều tháng để xác định được mô hình thân nhiệt.
  3. Tìm thời gian nhiệt độ tăng cao và kéo dài. BBT của hầu hết phụ nữ tăng nửa độ kéo dài ít nhất 3 ngày trong quá trình rụng trứng.[3] Như vậy, bạn theo dõi BBT của mình để xác định thời gian tăng nhiệt độ trong từng tháng, vì nó giúp bạn dự đoán được thời điểm rụng trứng.
  4. Cố gắng dự đoán thời điểm rụng trứng. Sau nhiều tháng ghi chép BBT vào mỗi buổi sáng, bạn nhìn vào biểu đồ và cố xác định thời gian rụng trứng. Khi bạn xác định được chu kỳ tăng nhiệt độ mỗi tháng, bạn có thể đoán được thời điểm rụng trứng bằng cách sau:
    • Tìm xem thời điểm nhiệt độ tăng cao đều đặn vào mỗi tháng.
    • Đánh dấu vào hai hay ba ngày trước khi nhiệt độ tăng cao. Có khả năng bạn rụng trứng vào những ngày này.[3]
    • Ghi chép này cũng có thể giúp ích để cung cấp cho bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng hiếm muộn.[4]
  5. Hiểu hạn chế của phương pháp này. Mặc dù có thể là công cụ hữu ích, nhưng BBT cũng có những hạn chế mà bạn nên biết.[5]
    • Có thể bạn không xác định được quy luật. Nếu không thể xác định được quy luật sau nhiều tháng, bạn cần dùng thêm các phương pháp khác kết hợp với việc theo dõi BBT. Bạn hãy cân nhắc thực hiện thêm một trong những phương pháp khác được bàn đến trong bài viết này.
    • Thân nhiệt cơ bản có thể thất thường do các thay đổi trong nhịp sống hàng ngày như làm ca đêm, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, quá trình di chuyển hoặc uống rượu.
    • Thân nhiệt cơ bản cũng có thể thay đổi khi stress gia tăng, kể cả các kỳ nghỉ lễ hoặc khi bị bệnh, khi đang dùng thuốc hoặc do tình trạng phụ khoa.

Kiểm tra Dịch Nhầy Cổ Tử cung[sửa]

  1. Kiểm tra dịch nhầy cổ tử cung. Ngay sau khi chấm dứt kinh nguyệt, bạn bắt đầu kiểm tra dịch nhầy cổ tử cung vào buổi sáng trước khi làm những việc khác.
    • Lau bằng một mảnh giấy vệ sinh sạch và kiểm tra dịch nhầy bằng cách lấy một ít dịch cho lên ngón tay.
    • Ghi chép dạng và độ sệt của dịch tiết đồng thời ghi chú nếu không có dịch tiết.
  2. Phân biệt các dạng dịch nhầy khác nhau. Cơ thể người phụ nữ hàng tháng sản sinh ra các dạng dịch nhầy cổ tử cung khác nhau khi nồng độ hormon thay đổi, và vài dạng dịch nhầy có thể thuận lợi hơn cho việc mang thai. Dịch tiết âm đạo trong một tháng thay đổi như sau:[6]
    • Trong thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể sẽ tiết ra máu kinh nguyệt, trong đó bao gồm lớp lót tử cung được thải ra cùng với trứng không được thụ tinh.
    • Trong vòng ba đến năm ngày sau khi hết kinh, đa số phụ nữ không có dịch tiết. Mặc dù không phải là không thể, nhưng phụ nữ có rất ít khả năng mang thai vào giai đoạn này.[5]
    • Sau thời kỳ khô ráo, bạn sẽ bắt đầu để ý thấy có dịch nhầy đục ở cổ tử cung.[1] Dạng dịch nhầy này hình thành một nút chặn trên ống cổ tử cung để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, và điều này cũng khiến tinh trùng cũng khó tiến vào. Người phụ nữ cũng khó có khả năng mang thai vào giai đoạn này.[7]
    • Sau thời kỳ có dịch tiết dính, bạn sẽ bắt đầu thấy dạng dịch tiết sệt màu trắng, kem hoặc vàng giống như cream hoặc lotion. Thời kỳ này người phụ nữ có khả năng thụ thai cao hơn, tuy nhiên chưa phải là cao nhất.[7]
    • Sau đó bạn bắt đầu thấy loại dịch nhầy loãng, mỏng và dai như lòng trắng trứng. Nó loãng đủ để bạn có thể kéo căng vài cm trên các đầu ngón tay. Vào ngày cuối cùng hoặc ngày hôm sau của giai đoạn chất nhầy “lòng trắng trứng”, bạn sẽ bắt đầu rụng trứng. Chất nhầy “lòng trắng trứng” này rất thuận lợi cho việc thụ thai và cung cấp dưỡng chất cho tinh trùng, khiến giai đoạn này có khả năng thụ thai cao nhất.[5]
    • Sau giai đoạn này và sau hiện tượng rụng trứng, dịch tiết sẽ trở lại độ sệt dính, màu đục như trước.
  3. Vẽ biểu đồ và ghi chép dịch nhầy âm đạo trong vài tháng. Bạn phải mất vài tháng để theo dõi mới có thể tìm ra được quy luật.[5]
    • Tiếp tục ghi chép trong nhiều tháng. Kiểm tra biểu đồ và cố gắng tìm ra quy luật. Ngay trước khi kết thúc giai đoạn chất nhầy “lòng trắng trứng” là thời điểm rụng trứng.
    • Thực hiện theo dõi dịch nhầy cổ tử cung kết hợp với việc đo thân nhiệt cơ bản (BBT) có thể giúp bạn xác định chính xác hơn về thời điểm rụng trứng nhờ được củng cố bằng hai hình thức dữ liệu.[5]

Dùng Dụng cụ Thử Ngày Rụng Trứng[sửa]

  1. Mua một bộ dung cụ thử ngày rụng trứng (OPK). OPK có bán ở hầu hết các hiệu thuốc và dùng cách kiểm tra nước tiểu để đo nồng độ hormon lutein hóa (LH). Nồng độ LH trong nước tiểu thường thấp nhưng sẽ tăng cao đột ngột trong khoảng 24-48 tiếng ngay trước thời gian rụng trứng.[8]
    • OPK có thể giúp bạn xác định thời điểm rụng trứng chính xác hơn phương pháp theo dõi thân nhiệt cơ bản hoặc dịch nhầy tử cung, nhất là khi bạn có chu kỳ thất thường.
  2. Chú ý chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Hiện tượng rụng trứng thường xảy ra vào giữa chu kỳ kinh (trung bình khoảng 12-14 ngày trước kỳ kinh nguyệt).[8] Bạn sẽ biết còn vài ngày nữa là đến thời điểm rụng trứng khi thấy có dịch tiết loãng giống lòng trắng trứng.
    • Khi bắt đầu thấy dịch tiết này, bạn hãy sử dụng OPK. Vì bộ thử này không có nhiều que thử, nên quan trọng là bạn phải đợi đến thời gian này mới bắt đầu thử. Nếu không, bạn có thể dùng hết các que thử trước khi trứng bắt đầu rụng thực sự.
  3. Bắt đầu thử nước tiểu mỗi ngày. Đọc kỹ hướng dẫn kèm theo bộ que thử. Bạn nên cẩn thận thử nước tiểu mỗi ngày vào cùng một thời gian.[8]
    • Tránh để thiếu nước hoặc uống nước quá nhiều vì như vậy có thể gây ra mức độ LH tăng cao hoặc xuống thấp giả tạo.
  4. Biết đọc kết quả. Nhiều bộ OPK sử dụng que hoặc băng giấy thử nước tiểu để đo nồng độ LH và sẽ hiển thị kết quả bằng những vạch màu.
    • Vạch có màu gần giống màu của vạch đối chiếu sẽ cho thấy độ LH tăng cao, như vậy có nghĩa đây là thời gian có xác suất rụng trứng cao.
    • Vạch có màu nhạt hơn màu của vạch đối chiếu cho thấy rằng bạn chưa đến lúc rụng trứng.
    • Nếu đã thử nhiều lần với bộ OPK mà không có lần nào cho kết quả dương tính, bạn hãy cân nhắc đến một bác sĩ chuyên về hiếm muộn để hỏi ý kiến để ngăn ngừa việc hiếm muộn.
  5. Biết về hạn chế của việc sử dụng OPK. Mặc dù thường cho kết quả chính xác, bạn vẫn có thể bỏ lỡ thời gian rụng trứng nếu không canh đúng thời gian.
    • Vì thế, tốt nhất là bạn nên sử dụng OPK kết hợp với một phương pháp khác như theo dõi thân nhiệt cơ bản hoặc dịch nhầy cổ tử cung, nhờ đó bạn sẽ chắc chắn hơn khi xác định thời gian thử nước tiểu.

Theo dõi Triệu chứng và Thân nhiệt[sửa]

  1. Theo dõi thân nhiệt cơ bản (BBT). Phương pháp theo dõi triệu chứng và thân nhiệt dùng cách kết hợp việc theo dõi những thay đổi của cơ thể và BBT để xác định thời điểm rụng trứng.[9] Theo dõi BBT là phần “thân nhiệt” trong phương pháp theo dõi triệu chứng và thân nhiệt, vì nó đòi hỏi việc theo dõi thân nhiệt cơ bản mỗi ngày.[10]
    • Vì BBT của bạn sẽ giữ ở mức cao trong hai hoặc ba ngày sau khi trứng rụng, việc theo dõi BBT có thể giúp bạn tính toán được thời kỳ trứng rụng trong chu kỳ. (Xem phương pháp Đo Thân nhiệt Cơ bản để biết thêm chi tiết).
    • Sẽ phải mất nhiều tháng theo dõi hàng ngày để có thể lập nên một quy luật về quá trình rụng trứng.
  2. Theo dõi những triệu chứng của cơ thể. Đây là phần “triệu chứng” của phương pháp theo dõi triệu chứng và thân nhiệt, bao gồm việc theo dõi sát những triệu chứng của cơ thể để xác định thời gian rụng trứng.[11]
    • Cẩn thận theo dõi và ghi chép về dịch nhầy cổ tử cung (xem phần kiểm tra dịch nhầy cổ tử cung để biết thêm) và mọi triệu chứng khác xảy ra hàng tháng, ví dụ như độ mềm của vú, hiện tượng chuột rút, thay đổi tính tình, v.v…[12]
    • Bạn có thể in mẫu biểu đồ theo dõi các triệu chứng có sẵn trên mạng hoặc tự làm.
    • Sẽ mất nhiều tháng theo dõi hàng ngày để tìm ra quy luật.
  3. Kết hợp các dữ liệu để xác định thời gian rụng trứng. Sử dụng số liệu BBT và cả bảng theo dõi triệu chứng để xác định thời gian trứng rụng.[13]
    • Lý tưởng nhất là khi các dữ liệu trùng khớp, và bạn có thể xác định được thời gian rụng trứng
    • Khi những dữ liệu không trùng khớp, bạn phải tiếp tục theo dõi hàng ngày theo cả hai phương pháp cho đến khi nào xuất hiện quy luật trùng khớp.
  4. Biết hạn chế của phương pháp này. Phương pháp này có hiệu quả nhất khi sử dụng để biết khả năng thụ thai, và thực sự có những hạn chế nhất định.
    • Một số cặp đôi sử dụng phương pháp này như một cách ngừa thai tự nhiên bằng cách tránh giao hợp trong thời kỳ rụng trứng của người phụ nữ (vài ngày trước và trong thời kỳ rụng trứng). Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến khích sử dụng để tránh thai, vì nó đòi hỏi phải ghi chép thật cẩn thận, tỉ mỉ và đều đặn.[14]
    • Những người dùng phương pháp này để tránh thai vẫn có xác suất 10% có thai ngoài kế hoạch.[14]
    • Phương pháp này cũng có vấn đề nếu bạn trải qua các thời kỳ căng thẳng do stress, khi di chuyển, bị ốm hoặc rối loạn giấc ngủ khiến thân nhiệt cơ bản thay đổi. Làm việc ban đêm hoặc uống rượu cũng dẫn đến kết quả tương tự.[10]

Sử dụng Lịch (hoặc Nhịp Sinh học)[sửa]

  1. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt. Phương pháp này dùng lịch để đếm số ngày giữa các chu kỳ và tính toán thời gian rụng trứng.[15]
    • Hầu hết phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt từ 26 -32 ngày, tuy nhiên chu kỳ của bạn cũng có thể ngắn hơn, khoảng 23 ngày hoặc dài hơn, khoảng 35 ngày.[16] Độ dài của chu kỳ khác nhau nhiều cũng là bình thường. Ngày đầu tiên là ngày bắt đầu của một chu kỳ; ngày cuối cùng là ngày bắt đầu của chu kỳ kế tiếp.
    • Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể thay đổi chút ít tùy từng tháng. Có thể tháng nay chu kỳ của bạn là 28 ngày, nhưng tháng sau chu kỳ lại thay đổi chút ít. Điều này là bình thường.
  2. Theo dõi biểu đồ qua ít nhất 8 chu kỳ. Sử dụng tờ lịch bình thường, đánh dấu ngày đầu tiên của từng chu kỳ (ngày đầu tiên xuất hiện kinh nguyệt).
    • Đếm số ngày giữa các chu kỳ (kể cả ngày đầu tiên).
    • Tiếp tục đếm số ngày trong mỗi chu kỳ. Nếu thấy tất cả các chu kỳ của bạn ngắn hơn 27 ngày, bạn đừng dùng phương pháp này vì có thể nó sẽ cho kết quả không chính xác.[17]
  3. Tính ngày đầu tiên có khả năng thụ thai cao. Tìm chu kỳ ngắn nhất trong mọi chu kỳ đã theo dõi, và lấy số ngày trong chu kỳ đó trừ đi 18.[17]
    • Ghi lại con số đó.
    • Sau đó tìm ngày đầu tiên của chu kỳ hiện tại trên lịch.
    • Bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ hiện tại, đếm ngày bằng con số bạn vừa ghi lại. Đánh dấu ngày vừa tìm được bằng dấu X.
    • Ngày mà bạn đánh dấu X là ngày đầu tiên có khả năng thụ thai cao (không phải là ngày rụng trứng).[18]
  4. Tính ngày cuối cùng có khả năng thụ thai cao. Tìm chu kỳ dài nhất trong tất cả các chu kỳ đã theo dõi, lấy số ngày đó trừ đi 11.[17]
    • Ghi lại con số đó.
    • Tìm ngày đầu tiên của chu kỳ hiện tại trên lịch.
    • Bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ hiện tại, đếm ngày bằng con số bạn vừa ghi lại. Đánh dấu ngày vừa tìm được bằng dấu X.
    • Ngày mà bạn đánh dấu X là ngày cuối cùng có khả năng thụ thai cao và có thể là ngày rụng trứng.[18]
  5. Biết những hạn chế của phương pháp này. Phương pháp này đòi hỏi sự ghi chép cẩn thận và đều đặn, và như vậy có thể xảy ra sai sót của con người.
    • Vì chu kỳ hàng tháng của bạn có thể thay đổi, bạn sẽ khó dùng phương pháp này để xác định chính xác thời gian rụng trứng.
    • Phương pháp này có kết quả tốt nhất khi dùng kết hợp với các phương pháp theo dõi thời gian rụng trứng khác.
    • Cách này khó cho ra kết quả chính xác nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn thất thường.
    • Phương pháp này cũng có vấn đề nếu bạn trải qua các thời kỳ căng thẳng do stress, khi di chuyển, bị ốm hoặc rối loạn giấc ngủ khiến thân nhiệt cơ bản thay đổi. Làm việc ban đêm hoặc uống rượu cũng dẫn đến kết quả tương tự.[19]
    • Dùng phương pháp này để tránh thai đòi hỏi phải theo dõi cẩn thận, tỉ mỉ và đều đặn. Ngay cả khi đã thực hiện như vậy, vẫn có xác suất 18% (hoặc cao hơn) có thai ngoài kế hoạch. Vì vậy, phương pháp này nói chung không được khuyến khích dùng như một biện pháp tránh thai.[20]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu đã giao hợp vào thời gian rụng trứng trong ít nhất 6 tháng mà vẫn không có thai, bạn nên đến bác sĩ sản phụ khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nội tiết sinh sản để được kiểm tra kỹ hơn (nhất là khi bạn trên 35 tuổi). Có một số nguyên nhân khiến khó có thai, bao gồm các vấn đề về ống dẫn trứng, tinh trùng, tử cung hoặc chất lượng trứng, tất cả phải được bác sĩ xác định.
  • Chú ý bất cứ dấu hiệu đau hoặc khó chịu nào xảy ra vào khoảng 5 – 7 ngày sau ngày cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều phụ nữ thường cảm thấy đau ở một bên bụng trong thời kỳ rụng trứng, vì vậy hiện tượng đau này có thể là dấu hiệu rằng quá trình rụng trứng đã bắt đầu.
  • Nếu bị ra máu bất thường giữa hai chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa.
  • Nhiều phụ nữ có thể không rụng trứng vào một số thời điểm trong chu kỳ sinh sản, nhưng việc không rụng trứng kéo dài có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang, chứng biếng ăn, không rụng trứng sau khi dùng thuốc, tình trạng tuyến yên, máu lưu thông kém, stress, bệnh thận, bệnh gan và các tình trạng khác. Nếu lo lắng vì hiện tượng không rụng trứng, bạn hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa hoặc bác sĩ nội tiết.[21]

Cảnh báo[sửa]

  • Những phương pháp này được khuyến nghị để xác định ngày có khả năng thụ thai, không phải để tránh thai. Dùng cách này với mục đích kiểm soát sinh sản có thể dẫn đến mang thai ngoài kế hoạch.
  • Những phương pháp này không ngăn chặn được các bệnh lây qua đường tình dục hoặc truyền nhiễm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/expert-answers/ovulation-signs/faq-20058000
  2. http://www.medscape.com/viewarticle/589936_5
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/basal-body-temperature/basics/what-you-can-expect/prc-20019978
  4. http://www.babycenter.com/chart-basal-body-temperature-and-cervical-mucus
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/fertility-awareness
  6. http://www.glowm.com/section_view/heading/Menstruation%20and%20Menstrual%20Disorders:%20Anovulation/item/295
  7. 7,0 7,1 http://www.fertilityfriend.com/courses/lesson.php?p=1;5;0;0
  8. 8,0 8,1 8,2 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/how-to-get-pregnant/art-20047611
  9. http://americanpregnancy.org/preventing-pregnancy/natural-family-planning/
  10. 10,0 10,1 http://www.contracept.org/symptothermal.php
  11. http://americanpregnancy.org/preventing-pregnancy/natural-family-planning/
  12. http://www.nichd.nih.gov/health/topics/menstruation/conditioninfo/Pages/symptoms.aspx
  13. http://www.medscape.com/viewarticle/589936_7
  14. 14,0 14,1 http://americanpregnancy.org/preventing-pregnancy/natural-family-planning/
  15. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/fertility-awareness
  16. http://www.webmd.com/baby/healthtool-ovulation-calculator
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.plannedparenthood.org/health-info/birth-control/fertility-awareness
  18. 18,0 18,1 http://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/fertility-awareness
  19. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/rhythm-method/basics/what-you-can-expect/prc-20013489
  20. http://www.healthline.com/health/birth-control-rhythm-method#Effectiveness4
  21. http://emedicine.medscape.com/article/253190-overview#a0199

Liên kết đến đây