Cách đặt câu hỏi tốt trong hội thảo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Có khi nào các bạn thắc mắc trong các hội nghị khoa học, có những người hình như lúc nào cũng có sẵn câu hỏi, nhưng mình thì không biết hỏi gì. Nhưng đặt câu hỏi trong hội nghị khoa học là một kĩ năng có ích, và kĩ năng đó có thể giúp các bạn có tên tuổi trong trường khoa học.

Hội nghị thường niên (có khi gọi là annual scientific meeting) và seminar là những hoạt động không thể thiếu được trong khoa học. Hội nghị khoa học là môi trường để những người trong 'bộ lạc' gặp nhau và chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những ý tưởng nghiên cứu mới. Seminar cũng là một diễn đàn rất quan trọng trong khoa học, vì đó là nơi để những người quan tâm đến một chủ đề chuyên biệt tụ tập lại với nhau và chia sẻ thông tin. Là nghiên cứu sinh, postdoc, nhà khoa học, ai cũng phải dự hội nghị chuyên ngành và seminar, cho dù chủ đề của seminar chẳng có dính dáng gì đến hướng nghiên cứu mình theo đuổi. Dự hội thảo để cho thấy mình có mặt ('make a presence') và giao lưu cùng các đồng nghiệp.

Nêu câu hỏi trong hội nghị khoa học là để học hỏi, giao lưu (kết bạn), và thiết lập thẩm quyền.

Một hình thức giao lưu rất quan trọng là ... đặt câu hỏi. Mỗi khi bài nói chuyện kết thúc, người chủ tọa thường hỏi diễn đàn có bình luận hay câu hỏi gì cho diễn giả. Trong những dịp như thế, người ta dễ dàng thấy có 3 nhóm khán giả:

(a) nhóm 1 là những người hình như lúc nào cũng có những câu hỏi hay, những câu hỏi mà mình chưa hay đang nghĩ đến;

(b) nhóm 2 là những người "hỏi cho có hỏi", vì câu hỏi chẳng có ý nghĩa gì, hay thậm chí câu hỏi ... lạc đề; những người đặt câu hỏi như thế thường không được đánh giá cao.

(c) nhóm 3 là những người không hỏi gì cả. Dĩ nhiên cũng có lí do tại sao không hỏi (như chẳng có gì để hỏi, do diễn giả trình bày đầy đủ, hay do không có thì giờ), nhưng cũng có những lí do khác (như không biết hỏi gì).

Tôi chú ý thấy các nghiên cứu sinh gốc Á châu – kể cả Việt Nam – thường ít hỏi. Họ có vẻ lắng nghe, nhưng rất ngại đặt câu hỏi cho diễn giả, vì một phần là tiếng Anh chưa thành thạo, nhưng một phần khác là chẳng biết nên hỏi gì và bắt đầu từ đâu. Có những lần nói chuyện ở VN, tôi thấy mình như ... 'độc thoại', vì khán giả không chịu nêu câu hỏi, nhưng tró trêu thay, sau giờ giải lao thì họ đến hỏi rất nhiều!

Bài này sẽ bàn về lợi ích của việc đặt câu hỏi và công thức hỏi có tên là CCMF (context – clarification – methods – future).

Câu hỏi trong hội nghị khoa học. Tựu trung lại, có 4 nhóm câu hỏi, viết tắt là CCMF: C đầu tiên là context; C thứ hai là clarification; M là methods hay methodology; và F là future.

1. Lợi ích của việc đặt câu hỏi[sửa]

Nêu câu hỏi trong hội nghị, nhất là hội nghị quốc gia và quốc tế, có thể đem đến vài lợi ích. Lợi ích thứ nhất là học. Thật vậy, sau khi nghe xong bài nói chuyện, có thể các bạn vẫn còn thắc mắc về một vấn đề nào đó liên quan đến phương pháp hay cách tiếp cận, và nêu câu hỏi là một cách để học từ diễn giả. Nhiều khi nghe diễn giả trả lời, các bạn sẽ học nhiều hơn và có khi 'sáng ra' trong đầu. Có lần tôi cứ thắc mắc về một nghiên cứu loại GWAS (genomewide association study) mà cách họ chọn ngưỡng để theo đuổi những gen thú vị, sau khi nghe diễn giả trả lời và cho thêm tài liệu tham khảo, tôi ra về với một ý tưởng mới. Do đó, lợi ích của việc nêu câu hỏi là học, đúng với tinh thần đi dự hội nghị khoa học.

Lợi ích thứ hai là giao lưu. Như tôi nói ở trên, một trong những mục đích của đi dự hội nghị khoa học là có dịp giao lưu với đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới. Với tôi, mỗi hội nghị là y như ... chạy sô. Sáng sớm thì phải đi họp ban biên tập. Họp xong, đi nhanh về khách sạn ăn sáng để kịp dự phiên họp đầu tiên. Tối về thì phải đi dự các buổi họp của các nhóm 'tập đoàn khoa học' (consortium). Nhưng hội nghị đối với nghiên cứu sinh là một dịp để giao lưu, để làm quen rất tuyệt vời. Làm quen bằng cách đặt câu hỏi. Khi các bạn đặt câu hỏi, và nếu câu hỏi tốt (hay khó), diễn giả có thể sẽ chú ý đến bạn. Có khi diễn giả không trả lời được, và bạn sẵn sàng nói "We can discuss more during the next break" (chúng ta có thể thảo luận thêm trong giờ giải lao). Không chỉ diễn giả chú ý, mà những người dự hội nghị cũng chú ý đến các bạn. Đó cũng là cách mà tôi làm quen với rất nhiều người, trong đó có người sau này trở thành bạn thân.

Lợi ích thứ ba là thiết lập thẩm quyền. Khi bạn đặt một câu hỏi tốt (sẽ đề cập dưới đây), một câu hỏi có suy nghĩ, thì tự câu hỏi đã phản ảnh về nhân tính của bạn. Người có suy nghĩ kĩ lúc nào cũng có câu hỏi tinh vi và 'insightful'; người suy nghĩ hời hợt thì câu hỏi chỉ trên bề mặt của vấn đề. Do đó, khi bạn đặt những câu hỏi loại insightful tức là bạn đã hiểu vấn đề và tự chứng tỏ mình có thẩm quyền (có thể chỉ là thẩm quyền thấp) về vấn đề bạn nêu.

2. Cách đặt câu hỏi tốt CCMF[sửa]

Tựu trung lại, tôi thấy các câu hỏi trong hội nghị có thể tóm tắt thành 4 nhóm, viết tắt là CCMF. C đầu tiên là context; C thứ hai là clarification; M là methods hay methodology; và F là future.

Câu hỏi loại 1: context[sửa]

Câu hỏi loại 1: context -- đặt phát hiện trong bối cảnh nghiên cứu trước

Thỉnh thoảng có những nghiên cứu cho ra những kết quả bất ngờ, những mối liên quan không nằm trong giả thuyết. Trong tình huống đó, câu hỏi loại này thường là đặt kết quả này trong bối cảnh chung của tình hình, và so sánh các kết quả trong y văn. Người đặt câu hỏi loại này thường có kiến thức chuyên sâu trong chuyên ngành. Vài ví dụ về cách đặt câu hỏi so sánh:

  • So sánh với nghiên cứu trước: The data shown in slide 5 are very different from previous data reported by Smith in Nature 2011. I am wondering whether you can entertain us about the difference? (Dữ liệu trong slide số 5 rất khác với nghiên cứu của Smith trên Nature năm 2011. Tôi lấy làm lạ về sự khác biệt, anh có thể giải thích thêm?)
  • So sánh với y văn: To my knowledge, the rate of loss in the normal physiology is about 1% per year, but your data showed that the rate was twice as high. Any idea why there was such a remarkable change? (Theo tôi biết, tỉ lệ mất mát trong điều kiện sinh lí bình thường chỉ 1%, nhưng dữ liệu của anh cho thấy tỉ lệ cao gấp 2 lần. Anh có ý tưởng nào để giải thích sự biến đổi đáng kể này?)
  • Liên kết kết quả nghiên cứu: About 20 years ago, Nordin showed that patients on A has an improvement of 5%; now you showed that those on A and B had even better improvement. Can you elaborate on the possible incremental effect? (Chừng 20 năm trước, Nordin chi ra rằng ở bệnh nhân được điều trị bằng A thì tỉ lệ cải thiện là 5%, nay kết quả của anh cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng A và B thì sự cải thiện còn tốt hơn nữa. Anh có thể nói thêm về sự gia tăng?)
  • Hỏi về ý nghĩa thực tế: Could I ask you a question on slide 7, where you showed the data concerning the distribution of E2 hormone which seemed non-normal. Could you elaborate more on the clinical implication of this non-normality?

Câu hỏi loại 2: clarification[sửa]

Câu hỏi loại 2: clarification – giải thích giả thuyết và ý nghĩa nghiên cứu

Đó là những câu hỏi giúp vấn đề thêm sáng tỏ. Những câu hỏi mà người hỏi muốn diễn giả giải thích thêm ý tưởng đằng sau công trình nghiên cứu, và đặt trong bối cảnh chung. Cũng có thể hỏi về diễn giải dữ liệu: những câu hỏi này cũng thường được đặt ra, vì đứng trước một kết quả, có thể có người có ý này, người có ý kia, cách diễn giải khác nhau.

  • Hỏi về diễn giải: "Your data in slide 10 tend to show that A is actually not different from B? Do you think such an interpretation is reasonable?" (Dữ liệu trong slide 10 của bạn cho thấy A thật ra chẳng khác gì so với B; bạn có nghĩa rằng cách diễn giải như thế là hợp lí?)
  • Hỏi về giả thuyết: I just have question which may be a little bit off the topic: how did you come up with the study's hypothesis which seems unconventional? (Tôi có một câu hỏi có lẽ hơi lạc đề: xuất phát từ đâu mà anh đi đến giả thuyết bất thường này?)
  • Hỏi về nghiên cứu hiện hành và bối cảnh: What makes you think that the present study will fit into the ongoing discussion on the role of genetics in risk assessment?(Tại sao nghiên cứu này phù hợp với những bàn luận chung quanh vai trò của yếu tố di truyền trong việc đánh giá nguy cơ?)
  • Hỏi về ... chi phí: Your study took an expensive approach, I am wondering whether a better and more cost effective approach is available? (Cách tiếp cận của anh đắt tiền, tôi muốn hỏi anh là có một cách tiếp cận nào rẻ hơn và hiệu quả hơn?)

Câu hỏi loại 3: methods và methodology[sửa]

Câu hỏi loại 3: methods và methodology -- phương pháp và phương pháp luận

Đây là những câu hỏi thường hay gặp nhất, có thể là vấn đề chọn nhóm chứng, có thể tiêu chuẩn loại trừ và tiêu chuẩn chọn vào làm ảnh hưởng đến kết quả, và phương pháp đo lường. Nếu kết quả là trái tim, thì phương pháp là cái sườn của một nghiên cứu. Khung sườn phải vững thì kết quả mới được bảo vệ tốt. Có những nghiên cứu với những phương pháp rất tuyệt vời, và trở thành đề tài cho diễn đàn học hỏi. Do đó, rất nhiều câu hỏi thường xoay quanh các vấn đề liên quan đến phương pháp và phương pháp luận. Những câu hỏi loại này rất nhiều, nhưng tự trung lại có thể kể đến:

  • Hỏi về nhóm chứng: Sorry, I was not clear about your control group. How did you select the controls in your study? (Xin lỗi, tôi chưa rõ về nhóm chứng trong nghiên cứu. Anh đã chọn nhóm chứng như thế nào?)
  • Hỏi về giả định và qui trình: My understanding is that your method requires a prior distribution to be specified. May I ask what prior distribution did you use in the study, and why? (Tôi hiểu rằng phương pháp của anh cần có một phân bố tiền định. Vậy anh cho tôi hỏi phân bố tiền định của anh là gì, và tại sao anh chọn phân bố đó?)
  • Hỏi về phương pháp: I may have misunderstood you, but from what you showed, the outcome was a discrete variable, and yet you used linear regression in the analysis. I am wondering (and I would like to have your opinion on) whether such a method is appropriate for the data? (Tôi có thể hiểu lầm chị, nhưng qua những gì chị trình bày, biến chính là biến phân loại, nhưng chị lại dùng phương pháp hồi qui tuyến tính. Tôi ngạc nhiên (và tôi muốn nghe ý kiến của anh) là phương pháp đó có thích hợp với dữ liệu?)
  • Hỏi về chi tiết: Sorry for being dummy, but could you explain your out-of-pocket method in more detail, if possible? (Xin thứ lỗi cho câu hỏi ngu ngu, nhưng nếu có thể anh cho biết thêm vài chi tiết về phương pháp out-of-pocket).

Câu hỏi loại 4: future[sửa]

Câu hỏi loại 4: future – tương lai

Câu hỏi loại này có khi còn được gọi là 'chém gió', vì không có gì cụ thể, nhưng lại là câu hỏi quan trọng vì mang tính chiến lược. Câu hỏi loại tầm nhìn còn giúp cho diễn giả suy nghĩ về nghiên cứu của mình và khả năng ứng dụng trong thực tế:

  • Bất đồng ý kiến: If you don't mind, I would like to come back to your interpretation of the data in Table 2. You postulated that there was an effect of the drug on the time to remission, but I am wondering whether an alternative interpretation is possible. One such interpretation is that the effect of the drug had no effect, and what you saw is actually confounded by patient's severity. Do you think such an interpretation is reasonable. (Nếu anh không phiền, tôi muốn quay lại diễn giải của anh về dữ liệu trong bảng số 2. Anh nói rằng thuốc có ảnh hưởng đến thời gian giảm bệnh, nhưng tôi nghĩ có một cách giải thích khác: đó là những gì anh quan sát là thật ra bị nhiễu bởi độ nghiêm trọng của bệnh. Anh thấy cách hiểu đó có lí không?)
  • Hỏi về tương lai: Well, that is a very nice result. Could you tell us about your future plan? What sort of experiments will you do to connect all the dots? (Chà, đó là một kết quả rất đẹp. Chị có thể cho chúng tôi biết kế hoạch tương lai của chị là gì? Chị sẽ làm thí nghiệm nào để liên kết các kết quả với nhau?)
  • Hỏi về ứng dụng: The results are very significant and highly relevant to patient care. Are you planning to implement these results in clincal setting, and if so, how will you do it? (Kết quả rất đáng chú ý và có ý nghĩa trong việc chăm sóc bệnh nhân. Chị có ý định triển khai kết quả này trong lâm sàng, và nếu có ý định, thì chị sẽ làm như thế nào?)
  • Hỏi về khả năng ứng dụng: I can see that you have made an important discovery, but I am still not clear on the impact of your study. I would appreciate if you could tell us a little bit about the translational aspect of your results? (Tôi thấy anh đã có một khám phá quan trọng, nhưng tôi vẫn chưa rõ ràng về tác động của nghiên cứu. Tôi rất biết ơn nếu anh giải thích một chút về khả năng ứng dụng của nghiên cứu).
  • Tranh luận về khả năng ứng dụng: You concluded that the gene can be used for disease screening, but the graph in slide 10 shows that the magnitude of the relationship was very modest. Do you think the gene, with such a modest effect, is qualified as a screening tool? (Chị kết luận rằng gen đó có thể dùng cho việc tầm soát bệnh, nhưng biểu đồ trong slide số 10 cho thấy tầm ảnh hưởng rất thấp. Chị có nghĩ rằng gen đó với mức độ ảnh hưởng thấp như thế có thể đủ tiêu chuẩn là một công cụ cho tầm soát?)

3. Qui ước[sửa]

Hội nghị là diễn đàn của người có học, và khi đặt câu hỏi mình cũng phải tỏ ra là người có học. Người có học khác với kẻ lưu manh. Người có học tập trung vào vấn đề khoa học, chứ không phải cá nhân diễn giả. Do đó, có vài nguyên tắc văn minh (thực ra qui ước thì đúng hơn) về cách đặt câu hỏi trong hội nghị. Những qui ước này liên quan đến tính lịch sự, ngắn gọn, và thân thiện.

Tự hỏi mình có câu hỏi nào để nêu; nếu không thì im lặng lắng nghe.
(a) Câu hỏi phải ngắn (như 140 mẫu tự trong twitter); nếu quá dài thì đừng hỏi;
(b) Bạn đã biết câu trả lời; nếu biết thì đừng hỏi;
(c) Nếu chỉ để quảng bá kết quả nghiên cứu của mình; đừng hỏi;
(d) Nếu chưa nghe hết bài giảng; đừng hỏi.

Lịch sự[sửa]

Lúc nào cũng tỏ ra lịch sự với diễn giả. Nên nhớ rằng diễn giả cũng chịu áp lực lớn để đứng trên bục, và họ có thể quên, có thể nhớ không hết, có thể có thiếu sót nào đó. Vì thế, người đặt câu hỏi nên tỏ ra cảm thông cho diễn giả, và có thể bắt đầu bằng câu đại khái như "Có lẽ tôi nhớ không kĩ những gì anh nói, nhưng tôi muốn hỏi lại cho chắc ăn là ..." (Perhaps I could not catch what you said earlier, but could I please clarify with you ...).

Ngắn gọn[sửa]

Thông thường phần thảo luận chỉ có 5 phút sau bài nói chuyện, mà có thể có nhiều người muốn hỏi, nên người hỏi phải hỏi ngắn, và đi thẳng vào vấn đề. Để hỏi một câu hỏi ngắn mà có ý nghĩa là không dễ chút nào. Do đó, người hỏi phải suy nghĩ trong đầu cẩn thận câu hỏi nào cần thiết nhất và "burning" nhất để hỏi, chứ không nên phí thì giờ những câu hỏi phi thực tế hay ngoài chủ đề bài nói chuyện. Càng không hỏi theo kiểu giảng bài cho diễn giả, cho dù diễn giả chỉ đáng tuổi học trò mình (vì đó là thái độ thiếu tính chuyện nghiệp, thậm chí thất lễ). Tự hỏi: câu hỏi mình giới hạn trong vòng 140-150 mẫu tự? Nếu yes, thì hỏi; nếu không thì chờ dịp giải lao sẽ hỏi.

Thân thiện[sửa]

Điều đại kị là không được lên lớp diễn giả, vì điều đó gây ấn tượng xấu đến diễn đàn. Trong diễn đàn có những người bậc thầy cô, không nên thể hiện theo kiểu phô trương "ta đây thông minh", "ta có kiến thức", "ta biết hơn người". Những cách thể hiện như thế chẳng giúp gì cho người hỏi, mà còn tạo ấn tượng không tốt ở khán giả. Những câu khen mang tính "cliché" như great talk, beautiful data, comprehensive, hard act to follow, v.v. có thể sử dụng:

  • "Thank you for your lecture/talk/presentation. Those were beautiful data" (cám ơn bài nói chuyện của chị. Những phát hiện/dữ liệu thật là đẹp đẽ).
  • "That was a great talk! Thank you. Now, I would like to bring your attention to the point you raised earlier that ..." (Đó thật là một bài nói chuyện quá hay! Xin có lời cám ơn. Bây giờ tôi muốn quay lại điểm chị nêu lên lúc ban đầu rằng ...)
  • "Thank you for the elegant presentation. You are a hard act to follow. Let me start off by asking you this question ..." (Cám ơn anh về bài nói chuyện lịch lãm. Khó mà theo đuổi anh nỗi. Tôi muốn bắt đầu bằng câu hỏi sau đây ...)
  • "Wow, such a nice and comprehensive lecture! Thank you. Could I bring up one issue that I am hoping that you will comment on ..." (Wow, thật là một bài giảng hay và đầy đủ. Tôi muốn nêu một vấn đề mà tôi hi vọng là anh sẽ cho ý kiến ...)

Tuyệt đối tránh những câu hỏi mang tính tiêu cực hay “kiếm chuyện”. Đó là những câu hỏi mang tính mỉa mai, tức tối, ganh tị, thậm chí tấn công cá nhân. Có những người thích bắt bẽ diễn giả bằng những chi tiết nhỏ như con số không ăn khớp, như tranh cãi về chi tiết nhỏ trong phương pháp phân tích, và muốn xoáy vào đó để làm lu mờ thông điệp chính. Nói chung, những người này không nhiều trong các hội nghị lớn, và ý kiến của họ cũng chẳng ai quan tâm.

Trên đây là những qui ước và cách đặt câu hỏi trong các hội nghị khoa học. Hi vọng rằng qua cái note này các bạn sẽ có thêm vài mẹo để đặt câu hỏi sao tốt trong hội nghị. Để đặt câu hỏi tốt, các bạn cần phải có kiến thức tốt về vấn đề mình quan tâm. Kiến thức giúp các bạn đặt kết quả của nghiên cứu trong bối cảnh chung. Nếu tiếng Anh còn hạn chế, các bạn nên viết xuống câu hỏi và học thuộc lòng, trước khi đứng trước microphone để hỏi. (Mẹo này rất hiệu quả, vì viết xuống giúp mình suy nghĩ logic hơn). Ngoài ra, các bạn cũng cần phải nắm vững phương pháp nghiên cứu, để khi đặt câu hỏi không bị diễn giả xem thường mình.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • Tác giả: GS. TS. NGUYỄN VĂN TUẤN - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Ủy hội Nghiên cứu y khoa và y tế quốc gia Úc
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này