Có việc làm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có thể bạn mới tốt nghiệp và đang tìm kiếm công việc đầu tiên của mình, hoặc công việc hiện tại không phù hợp. Dù thế nào đi nữa, bạn đang cần nhanh chóng có việc làm. Quá trình tìm việc có thể khiến bạn nản lòng, chính vì vậy bạn càng phải tập trung và quy củ. Khả năng thành công sẽ lớn hơn nếu bạn biết chủ động tìm kiếm cơ hội, điều chỉnh hồ sơ phù hợp yêu cầu công việc và biết cách gây ấn tượng trong quá trình ứng tuyển.

Các bước[sửa]

Tìm kiếm cơ hội việc làm[sửa]

  1. Tìm kiếm trên mạng. Rất nhiều, nếu không nói là phần đông các công ty và tổ chức đều quảng cáo vị trí công việc trên các trang trực tuyến tuyển dụng và trang trực tuyến của công ty. Nếu bạn đã biết mình muốn làm cho công ty nào, trước tiên hãy kiểm tra trang trực tuyến của công ty đó. Nhiều khả năng bạn sẽ thấy một mục với tiêu đề “Tuyển dụng” hoặc “Cơ hội việc làm”. Nhấn chuột vào mục đó để xem các vị trí công việc đang còn trống.[1]
    • Bạn còn có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm việc làm trực tuyến để mở rộng phạm vi tìm kiếm của mình. Hãy nhập từ khóa và vị trí địa lý vào những trang nổi tiếng như Indeed, Jobs.com, TheLadders, Glassdoor và LinkedIn.[2]
    • Ví dụ, nếu bạn muốn tìm vị trí nhân viên kinh doanh thiết bị y tế tại Hà Nội, các từ khóa của bạn sẽ là “kinh doanh”, “y tế” với vị trí địa lý “Hà Nội”. Bạn cũng có thể sử dụng các từ khóa bằng tiếng Anh để không bỏ sót những cơ hội việc làm tại các công ty nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam.
    • Nếu bạn sinh sống tại Hoa Kỳ, Craigslist cũng là một trang trực tuyến khá tốt để tìm kiếm việc làm. Trang này đặc biệt hữu ích khi bạn cần việc làm ngay lập tức.
  2. Dùng mạng xã hội. Mạng xã hội không chỉ được sử dụng vì mục đích giải trí và giữ liên lạc với bạn bè cũ, mà chúng còn có thể giúp bạn tìm kiếm và ứng tuyển cho các cơ hội việc làm. Khi dùng mạng xã hội để tìm kiếm việc làm, bạn nên cân nhắc chuyển tài khoản thành chế độ “riêng tư”, cũng như tạo một tài khoản mới và chuyên nghiệp để chia sẻ với những nhà tuyển dụng tiềm năng. Những trang trực tuyến sau là công cụ tuyệt vời để kiếm việc làm:[1]
    • LinkedIn: Bạn có thể dùng trang này để tạo dựng hồ sơ trực tuyến chuyên nghiệp. Tại đây, bạn có thể đăng bản tiểu sử, giúp những nhà tuyển dụng tiềm năng hiểu thêm về mình. Bạn cũng có thể đăng tải lý lịch hiện tại để người khác theo dõi.
    • Twitter: Ngày càng có nhiều người sử dụng công cụ này để tìm việc làm. Bạn có thể theo dõi các công ty mà mình quan tâm để xem các bài đăng tuyển dụng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những hashtag thịnh hành như #jobs và #jobhunt để tìm việc trên Twitter (nhiều khả năng chỉ áp dụng với các công việc ở nước ngoài).
  3. Nếu bạn sinh sống tại Hoa Kỳ, hãy tận dụng ngân hàng việc làm tại bang của mình. Bạn có thể sử dụng Internet để tìm kiếm các thông tin tuyển dụng tại tiểu bang nơi mình sinh sống. Mỗi tiểu bang có một trang trực tuyến tổng hợp các vị trí công việc, thường được gọi là ngân hàng việc làm. Tìm ngân hàng việc làm tại bang của bạn và bắt đầu tìm kiếm công việc.[3]
    • Giống như các công cụ tìm kiếm khác, ngân hàng việc làm của tiểu bang cho phép bạn tìm kiếm bằng từ khóa và thành phố.
  4. Bắt đầu tạo dựng quan hệ (hay còn gọi là networking). Networking là cơ hội để bạn củng cố quan hệ với những người có cùng chuyên môn nghề nghiệp và cũng là thời điểm gặp gỡ nhiều người mới. Hãy mạnh dạn, chủ động bắt chuyện với những người có thể giúp ích cho công cuộc tìm việc của bạn. Bạn có thể nói những câu như: “Mình mới bắt đầu với lĩnh vực marketing, không rõ bạn có biết cơ hội nào phù hợp với mình hay không.” Cân nhắc liên lạc với:[4]
    • Giảng viên hoặc giáo sư đã từng dạy ở trường
    • Người sử dụng lao động trước đây
    • Những người ở công ty mà bạn muốn tới làm việc
    • Bất kỳ ai bạn quen có nghề nghiệp tương tự với nghề nghiệp mà bạn mong muốn
  5. Thông báo cho mọi người bạn đang tìm việc. Bạn bè và gia đình sẽ là những người trợ giúp đắc lực khi bạn đang tìm việc. Họ có thể nắm bắt những cơ hội tuyển dụng mà bạn không hề hay biết. Bạn bè của họ cũng có thể quen biết những nhà tuyển dụng tiềm năng. Hãy đảm bảo mọi người trong phạm vi quen biết đều biết bạn đang tìm việc mới.
    • Bạn có thể nói rằng: "Mình đang tìm một việc công việc mới trong ngành xuất bản. Nếu có cơ hội việc làm trong lĩnh vực đó, bạn hãy báo cho mình nhé?"
  6. Tham dự hội chợ việc làm. Hội chợ việc làm hoặc hội chợ nghề nghiệp là cơ hội tốt để gặp gỡ nhiều người mới và tìm hiểu về những nhà tuyển dụng tiềm năng. Các tỉnh thành và các trường đại học thường xuyên tổ chức hội chợ việc làm. Đôi khi các tổ chức tư nhân cũng có thể đứng ra tổ chức hội chợ.[5]
    • Kiểm tra trang trực tuyến của thành phố hoặc trường đại học của bạn để biết thêm thông tin về những hội chợ việc làm sắp tới.
    • Tại hội chợ việc làm, bạn có thể thu thập ấn phẩm quảng cáo và các thông tin khác của những công ty đang tuyển dụng. Ngoài ra, bạn còn có thể trao đổi trực tiếp với người tuyển dụng.
  7. Thực hiện có tổ chức. Một kế hoạch cụ thể sẽ là công cụ hữu ích nhất cho bạn. Hãy lập kế hoạch tìm việc làm. Dành thời gian để lên kế hoạch, đề ra cách thức tìm việc làm. Lên lịch những hoạt động hàng ngày hoặc hàng tuần có liên quan tới quá trình tìm việc của bạn. Trong lịch này, bạn có thể đề ra những công việc như:[6]
    • Xem các bài đăng trực tuyến về cơ hội việc làm
    • Liên lạc với mạng lưới quan hệ của bạn
    • Chỉnh sửa lý lịch và thư xin việc
    • Ứng tuyển một số lượng công việc nhất định mỗi tuần

Điều chỉnh hồ sơ cá nhân[sửa]

  1. Chỉnh sửa sơ yếu lý lịch phù hợp với mô tả công việc. Bản lý lịch là cách thức để bạn liệt kê các kỹ năng và chứng chỉ của bản thân. Quan trọng không kém, lý lịch cũng được sử dụng để nhà tuyển dụng đánh giá liệu kỹ năng của bạn có phù hợp với nhu cầu của họ hay không. Bạn nên dành thời gian chỉnh sửa lý lịch phù hợp với mỗi công việc mà mình ứng tuyển. Tìm từ khóa và chủ đề trong mô tả công việc, đảm bảo những từ đó nổi bật trong lý lịch của bạn.[7]
    • Ví dụ, một công việc có thể yêu cầu “kỹ năng giao tiếp xuất sắc”. Hãy liệt kê những ví dụ chi tiết thể hiện kỹ năng giao tiếp của bạn trong quá khứ.
    • Bạn không phải sửa lại toàn bộ lý lịch cho mỗi lần ứng tuyển. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo làm nổi bật được kỹ năng quan trọng nhất của mình cho công việc đó.
  2. Tạo dựng hồ sơ cá nhân. Mở đầu bản lý lịch với phần giới thiệu khái quát về bản thân với nhà tuyển dụng. Viết một đoạn văn ngắn mô tả các kỹ năng của mình, giúp nhà tuyển dụng biết bạn có những năng lực cụ thể nào để đảm đương công việc. Bạn cũng nên viết ngắn gọn, thể hiện sự chuyên nghiệp.[8]
    • Mô tả những kỹ năng quan trọng nhất của bạn trong một vài câu.
    • Tránh đề cập tới các kỹ năng mơ hồ như “làm việc quy củ”. Sử dụng các thuật ngữ cụ thể như “thương lượng”, “đưa ra quyết định” và “quản lý thời gian”.[9]
  3. Viết thư xin việc. Nhiều công việc chỉ đơn giản yêu cầu một bản lý lịch, nhưng một số khác sẽ cần kèm thêm thư xin việc. Chuẩn bị sẵn một bản nháp thư xin việc để có thể chỉnh sửa phù hợp với từng công việc cụ thể. Một lá thư xin việc tốt nên thể hiện được kinh nghiệm và năng lực của ứng viên. Bạn nên sử dụng những ví dụ cụ thể để mô tả lý do mà mình phù hợp với công việc đang ứng tuyển.[8]
    • Ví dụ, phần mô tả công việc có thể yêu cầu một người biết làm việc nhóm. Bạn có thể viết về thời gian khi còn là thực tập sinh, bạn đã phụ trách tổ chức một dự án có nhiều thực tập sinh khác cùng tham gia.
    • Cố gắng giữ độ dài thư xin việc trong một trang.
  4. Chỉnh sửa cẩn thận. Rà soát lý lịch và thư xin việc của bạn, sau đó kiểm tra thêm một lần nữa. Nhớ sửa lại tất cả các lỗi chính tả hoặc ngữ pháp. Nhờ một người bạn hoặc người thân soát lại hồ sơ giúp bạn. Người khác có thể phát hiện những lỗi mà bạn đã bỏ qua.[7]
  5. Giữ gìn hình ảnh trực tuyến của bạn. Công cuộc tìm việc thời hiện đại chủ yếu được thực hiện trên mạng, vì vậy ấn tượng bạn để lại trên mạng cũng rất quan trọng. Chú trọng xây dựng những tài khoản mạng xã hội tích cực và chuyên nghiệp. Bạn không thể biết được khi nào một nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ xem thông tin của mình.[10]
    • Ví dụ, bạn nên chú trọng tạo dựng tài khoản LinkedIn ấn tượng. Tiêu đề của bạn nên ngắn gọn, ví dụ như “Nhà phân tích nghiên cứu”.
    • Tận dụng không gian cho sẵn để liệt kê kinh nghiệm và năng lực của bản thân.
    • Đừng quên chỉnh sửa tài khoản của bạn.
    • Tài khoản cần bao gồm thông tin liên lạc và một đường dẫn tới bản lý lịch của bạn.

Ứng tuyển công việc[sửa]

  1. Đọc kỹ mô tả công việc. Bước đầu tiên khi ứng tuyển một công việc là tìm hiểu rõ nội dung công việc. Đọc kỹ lưỡng phần mô tả công việc. Tập trung vào các kỹ năng cần có và nhiệm vụ của công việc.[11]
    • Đừng ứng tuyển vào những công việc mà bạn hoàn toàn không đáp ứng đủ điều kiện. Ví dụ, nếu bạn không biết tiếng Tây Ban Nha, đừng ứng tuyển những công việc có ghi “Yêu cầu biết tiếng Tây Ban Nha.”
  2. Làm nổi bật từ khóa. Chú ý những cụm từ được nhấn mạnh trong phần mô tả. Ví dụ, nếu là một công việc thuộc mảng marketing, bạn sẽ thấy những cụm từ như “tiếp thị số”, “SEO”, và “Google Analytics”. Hãy chắc chắn bạn đưa những cụm từ đó vào cả lý lịch và thư xin việc của mình.[12]
  3. Soát lại hồ sơ của bạn. Nhiều công cụ tìm kiếm việc làm và trang trực tuyến của công ty sẽ yêu cầu bạn nộp hồ sơ qua mạng. Trước khi bạn nhấn nút "Nộp", dành thời gian để rà soát tất cả những nội dung mà mình đã viết, bao gồm bản lý lịch và thư xin việc. Bạn cũng nên kiểm tra lại các mục yêu cầu thông tin cá nhân để đảm bảo mọi thông tin đều chính xác.[11]
  4. Thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn. Hy vọng mọi công sức của bạn sẽ đem lại một buổi phỏng vấn. Nếu bạn được gọi tới phỏng vấn, hãy dành thời gian để chuẩn bị. Chuẩn bị đầy đủ các ví dụ giải thích cho thành tích của bản thân trong quá khứ và cách mà bạn có thể hỗ trợ công ty. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Tôi biết anh/chị đang tìm một phương thức mới để tăng doanh số, tôi rất muốn được trình bày với anh/chị ý tưởng của tôi về một chiến dịch marketing trực tiếp.”[13]
    • Ăn mặc chuyên nghiệp.
    • Duy trì giao tiếp qua ánh mắt và nói năng tự tin.
    • Tới đúng giờ.
  5. Gửi thư cảm ơn. Gửi một bức thư cảm ơn ngắn gọn sau buổi phỏng vấn là phép lịch sự chuẩn mực trong kinh doanh. Thông thường, thư cảm ơn sẽ là thư điện tử. Bạn có thể viết: “Cảm ơn vì đã dành thời gian gặp tôi hôm nay. Tôi rất hứng thú khi được tìm hiểu thêm về tổ chức của anh/chị và cũng rất háo hức trước cơ hội được trở thành một thành viên trong đội ngũ của anh/chị.”[14]
    • Bạn cũng có thể gửi thư cảm ơn sau khi ứng tuyển. Bạn có thể nói “Tôi viết thư này để đảm bảo anh/chị nhận được hồ sơ ứng tuyển của tôi. Tôi sẵn lòng cung cấp thêm những tài liệu chứng minh năng lực của tôi nếu anh/chị thấy cần thiết.”

Lời khuyên[sửa]

  • Ứng tuyển nhiều công việc cùng một lúc.
  • Luôn cập nhật lý lịch của bạn.
  • Chú ý những cơ hội mới trong khu vực bạn sinh sống.
  • Sẵn sàng tiếp nhận phản hồi tích cực.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]