Tự giới thiệu trong buổi phỏng vấn việc làm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

“Hãy chia sẻ đôi chút về bạn”. Nếu chuẩn bị đi phỏng vấn, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được yêu cầu trên từ nhà tuyển dụng. Dù có vẻ đơn giản, nếu không chuẩn bị, ứng viên vẫn thường vấp váp với câu hỏi đó. Khi yêu cầu ứng viên tự giới thiệu, nhà tuyển dụng thật sự trông đợi một câu trả lời súc tích nhưng đủ chi tiết để họ có thể hiểu hơn về bạn, cả về mặt cá nhân lẫn chuyên môn. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về cách chuẩn bị, luyện tập và trình bày thành công phần giới thiệu trong một buổi phỏng vấn việc làm.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị phần giới thiệu của bạn[sửa]

  1. Xem lại hồ sơ ứng tuyển. Đọc lại thư giới thiệu và sơ yếu lý lịch, nhớ lại bản thân đã nhấn mạnh những gì trong hồ sơ. Đánh dấu những mục mà bạn đặc biệt muốn đề cập đến hay tóm tắt trong phần giới thiệu của mình. [1]
  2. Xem lại thông báo tuyển dụng. Xác định đâu là những kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và ghi chú lại để có thể kết hợp vào phần giới thiệu của bạn. Đề cập đến những điều này, nhà tuyển dụng sẽ nhớ lại lý do họ đã lựa chọn hồ sơ của bạn và cảm nhận sâu sắc hơn sự phù hợp của bạn với vị trí đó.[1]
  3. Nghĩ về những gì có thể họ sẽ muốn nghe về bạn. Hãy thành thật và là chính mình. Dù vậy, chẳng có gì là sai khi làm nổi bật những khía cạnh mà nhà tuyển dụng hứng thú nhất trong kinh nghiệm làm việc của bạn. Nghĩ về những gì họ muốn nghe cũng sẽ giúp bạn xác định đâu là những điều không nên đề cập đến hoặc chỉ nên lướt qua trong phần giới thiệu. [1]
  4. Tự đặt ra cho mình một vài câu hỏi. Để phát triển phần giới thiệu và xác định những nội dung nên được bao gồm trong đó, hãy tự đặt cho mình một vài câu hỏi. Bạn là ai? Vì sao bạn lại muốn làm việc cho công ty này? Những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc nào giúp bạn đáp ứng được yêu cầu của vị trí đó? Bạn trông đợi sẽ gặt hái được gì trong sự nghiệp? Hãy viết ra câu trả lời và dùng chúng để hỗ trợ việc soạn thảo phần giới thiệu của bạn.[2]
    • Bạn có thể bắt đầu với điều tương tự như: "Tôi vừa tốt nghiệp từ ____ với tấm bằng ____". Nếu là chuyên gia giàu kinh nghiệm, bạn có thể dùng: "Tôi đã làm việc với tư cách là một ____ trong ___ năm". Bạn cũng có thể cung cấp một số thông tin cá nhân, chẳng hạn như: "Tôi là một nhạc sĩ và người yêu nhạc____ cuồng nhiệt".[2]
    • Sau phần mở đầu, hãy nói về kỹ năng của bạn. Chẳng hạn như: "Tôi thành thạo ____ và ____". Tiếp đó, đưa ra ví dụ về dự án mà bạn đã thực hiện, cho thấy rõ kỹ năng của bạn trong lĩnh vực đó. [2]
    • Cuối cùng, đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp và chuyển sang trò chuyện về việc làm thế nào bạn có thể gặt hái được những mục tiêu ấy khi được làm việc ở công ty này. Hãy nói: "Mục tiêu của tôi là ____ và tôi rất háo hức để có thể trao đổi cùng anh/chị cách mà công ty có thể trao cơ hội để tôi ____". [2]
  5. Quyết định cách thức thu hút sự chú ý mà bạn sẽ sử dụng để bắt đầu phần giới thiệu. Hãy sáng tạo và nghĩ về những cách bắt đầu giúp người phỏng vấn nhớ được bạn. Chọn điều gì đó phù hợp với con người của bạn. Chẳng hạn như, nếu thích đọc sách, bạn có thể bắt đầu bằng việc nói rằng một nhân vật văn học nổi tiếng nào đó đại diện cho con người bạn, sau đó giải thích lý do kèm theo danh sách những kỹ năng của bản thân. Hoặc nếu bạn là một tín đồ công nghệ và muốn nhấn mạnh điều đó trong bộ kỹ năng của mình, hãy đề cập đến việc kết quả thu được là gì khi bạn tự Google bản thân và rồi dùng chúng để cung cấp thêm thông tin về bạn cũng như những kỹ năng mà bạn có.[3]
  6. Viết phần giới thiệu. Để đảm bảo rằng mình sẽ nhớ mọi điểm chính, hãy chuyển ghi chú thành đoạn giới thiệu dài (3-5 câu). Viết chính xác những gì bạn định nói. Bắt đầu với việc cung cấp những thông tin căn bản về bản thân (bạn là ai?) và rồi chuyển sang những thông tin chi tiết về kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn. Kết thúc với tuyên bố ngắn gọn về mục tiêu nghề nghiệp lớn của bạn. Phần cuối đặc biệt quan trọng, bởi đó là cơ hội để trình bày với phỏng vấn viên vì sao bạn lại là lựa chọn phù hợp mà không cần khẳng định điều đó một cách quá rõ ràng.[1]
  7. Xem xét những phần có thể đơn giản hóa và/hoặc làm rõ. Điều chỉnh đoạn giới thiệu, xác định đâu là phần có thể cần được giản lược hay làm rõ. Phần giới thiệu nên súc tích nhưng vẫn đầy đủ. Đừng quên rằng nhà tuyển dụng không chờ đợi một phần trình bày kéo dài đến mười phút về bản thân của ứng viên mà chỉ là một cái nhìn tổng quan về việc bạn là ai. [2]

Tập giới thiệu[sửa]

  1. Đọc to phần giới thiệu vài lần. Nhờ đó, bạn không chỉ chuẩn bị bản thân cho việc tự giới thiệu mà còn kiểm tra được những điểm thiếu nhất quán nhỏ hay những điều bị bỏ quên, chưa được đề cập. [2]
  2. Ghi nhớ những điểm chính trong phần giới thiệu. Dù không cần học thuộc lòng toàn bộ những gì đã viết, ít nhất bạn cũng nên ghi nhớ những điểm chính và thứ tự trình bày mong muốn. [2]
  3. Tập giới thiệu cho đến khi bạn có thể nói một cách tự nhiên và có cảm giác như đang trò chuyện. Có công mài sắt có ngày nên kim! Tập giới thiệu vài lần cho đến khi không còn cảm giác đã được luyện từ trước. Có thể bạn cũng sẽ muốn nhờ đến sự giúp đỡ của một người bạn, người sẽ lắng nghe và đưa ra phản hồi về phần giới thiệu này. [2]
  4. Cân nhắc quay lại phần tự giới thiệu. Dù việc quan sát chính mình có thể khiến bạn cảm thấy hơi kỳ quặc, nhưng nghe được mình nói thế nào và thấy được mình trông ra sao khi tự giới thiệu sẽ giúp được nhiều cho bạn. [2]
  5. Làm bản ghi nhớ những điểm trình bày chính. Viết những điểm trình bày chính vào thẻ ghi nhớ và giữ nó bên mình để có thể dễ dàng nhớ lại nội dung trước buổi phỏng vấn. Giữ thẻ này bên mình cũng giúp bạn cảm thấy yên lòng hơn bởi bạn sẽ luôn có thể nhìn vào khi căng thẳng. [2]
  6. Thư giãn. Hít thở sâu và tiến đến buổi phỏng vấn. Bạn đã chuẩn bị vô cùng tốt cho phần giới thiệu này, vì vậy bạn có thể yên lòng rằng bản thân đã sẵn sàng để tạo nên ấn tượng đầu tiên tuyệt vời. Nhưng đừng quên rằng nếu có đôi chút căng thẳng thì cũng không sao cả. Nó sẽ chỉ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thật sự mong muốn công việc đó.[1][4]

Trình bày phần giới thiệu[sửa]

  1. Bước vào cuộc phỏng vấn một cách tự tin. Đừng do dự hay đứng lóng ngóng khi được mời. Hãy đơn giản bước vào phòng một cách tự tin và ngồi trước mặt phỏng vấn viên, trừ khi có chỉ dẫn khác. Trong lúc ngồi, đừng vặn vẹo tay hay rung đùi. Những cử chỉ đó sẽ gửi thông điệp rõ ràng đến nhà tuyển dụng rằng bạn đang căng thẳng. [4]
  2. Bắt tay phỏng vấn viên. Đảm bảo bắt tay chặt (nhưng không quá mạnh) và nhanh gọn. Hai hay ba lần lắc tay là đủ. Đồng thời, hãy cố làm ấm và lau khô tay trước buổi phỏng vấn để phỏng vấn viên không bị choáng bởi đôi tay lạnh cóng, đẫm mồ hôi của bạn. [5]
  3. Mỉm cười và dễ chịu trong lần gặp đầu tiên. Có thể phỏng vấn viên sẽ muốn trò chuyện đôi chút trước khi bắt đầu phỏng vấn. Hãy chỉ mỉm cười và là chính mình. Cho đến khi phỏng vấn chính thức được bắt đầu, đừng lo lắng về việc thảo luận kỹ năng của bạn. [6]
  4. Nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn. Kể cả khi vô cùng căng thẳng, việc duy trì giao tiếp bằng mắt sẽ giúp bạn trông có vẻ tự tin hơn. Đừng nhìn chằm chằm mà chỉ nhìn vào mắt người phỏng vấn khi họ nói với bạn.[6] Nhìn quanh phòng hay nhìn xuống là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang căng thẳng. [4]
  5. Tự giới thiệu ngay. Khi được yêu cầu, đừng do dự. Dù dừng lại đôi chút khi phỏng vấn viên đặt thêm những câu hỏi khó khác hay khi cần sắp xếp suy nghĩ trong lúc đưa ra câu trả lời là hoàn toàn ổn, nhưng việc ngập ngừng trong phần “chia sẻ đôi chút về bản thân” lại hoàn toàn không nên. [4] Ngập ngừng ngay tại giai đoạn đầu này của quá trình phỏng vấn có thể sẽ khiến phỏng vấn viên cảm thấy bạn không có sự chuẩn bị hay đơn giản là không biết rõ đâu là điểm mạnh của mình.
  6. Bám sát những điểm trình bày của bạn. Đừng lan man hay thêm thắt vào phần giới thiệu mà bạn đã chuẩn bị thật kỹ càng trước khi phỏng vấn. Nói dài có thể sẽ khiến bạn bị trùng lắp khi trình bày hoặc nghe có vẻ căng thẳng. Hãy chỉ nói những gì đã được định trước cũng như luyện tập và rồi dừng lại. Phỏng vấn viên sẽ hỏi nếu muốn biết thêm hoặc cần bạn làm rõ điều gì đó. [4]
  7. Duy trì thái độ tích cực. Kể cả khi cảm thấy phần giới thiệu không được tốt như luyện tập, đừng quên rằng bạn được mời phỏng vấn vì đáp ứng yêu cầu của công việc. Đừng tự trách bởi một điều nhỏ nhặt nào đó mà bạn đã lỡ nói hay làm. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì mà bạn đã làm tốt. [4]

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng bao giờ nhai kẹo cao su trong buổi phỏng vấn. Nếu cần làm thơm mát hơi thở trước buổi phỏng vấn, hãy cho nhanh một viên kẹo bạc hà vào miệng. Đảm bảo dùng hết trước khi bắt đầu phải nói.
  • Mang thêm các bản sơ yếu lý lịch dự phòng để đưa cho phỏng vấn viên, nếu cần. Sự chuẩn bị cho thấy bạn là con người đáng tin cậy.
  • Đến sớm 10-15 phút. Điều này cho thấy bạn là người đúng giờ và cũng sẽ cho bạn cơ hội xem lại bản ghi nhớ trước khi phỏng vấn bắt đầu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]