Cải thiện mối quan hệ với vợ ‐ chồng bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hôn nhân là sự gắn kết tối cao giữa hai cá thể. Cả hai người đã nguyện rằng sẽ yêu thương nhau bất chấp hậu quả sẽ ra sao, nhưng đôi khi mọi việc có thể trở nên khá căng thẳng. Có lẽ là do bạn vừa trải qua một cuộc tranh cãi không hay, bạn cảm thấy rằng cả hai đang trở nên xa cách, hoặc có lẽ là bạn chỉ chạm đến thời điểm mà bạn cần phải cải thiện mối quan hệ của mình. Mối quan hệ tình cảm đòi hỏi bạn phải nỗ lực và cam kết để duy trì tình yêu mạnh mẽ, và hôn nhân cũng không phải là một ngoại lệ. Cùng với một chút nỗ lực, một chút thấu hiểu, và một chút kiên nhẫn, bạn và vợ/chồng bạn có thể cải thiện cuộc hôn nhân của mình, và đừng quên lý do vì sao bạn đã từng thề sẽ yêu thương nhau suốt đời.

Các bước[sửa]

Cải thiện Giao tiếp[sửa]

  1. Lắng nghe vợ/chồng của bạn. Thông thường, cặp đôi đã sống bên nhau trong một khoảng thời gian khá dài thường sẽ không suy nghĩ một cách nghiêm túc về những điều mà đối phương trình bày. Ví dụ, vợ/chồng bạn có thể nói về một hành động nào đó mà bạn đang thực hiện khiến anh ta/cô ta cảm thấy khó chịu, nhưng bạn lại nghĩ rằng điều này không có gì to tát bởi vì cả hai đã chung sống với nhau trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, những thứ nhỏ nhặt sẽ kết hợp với nhau, và khi người bạn đời của bạn cảm thấy rằng họ không có giá trị hoặc không được lắng nghe, bạn sẽ gặp vấn đề to tát hơn liên quan đến sự tin tưởng và sự gần gũi trong tương lai.[1]
    • Bạn có thể bắt đầu bằng việc dành thời gian chất lượng với vợ/chồng bạn. Thời gian chất lượng là thời điểm mà bạn tập trung một cách tuyệt đối và vô điều kiện vào người bạn đời của bạn. Cho dù chuyện gì có xảy ra, bạn cũng dành riêng khoảng thời gian này cho người ấy. Điện thoại reo? Hãy cắt cuộc gọi hoặc tắt máy trước mặt vợ/chồng bạn. Thực hiện điều này như thể bạn thật sự có ý định đó. Và sau đó là … lắng nghe. Ngồi cùng nhau, nhìn nhau, tận hưởng sự có mặt của nhau và tận hưởng khoảnh khắc được ở cùng nhau. Bạn hãy thực hiện điều này ít nhất là một lần mỗi tuần trong vòng 30 – 60 phút. Và khi bạn tiến hành nó, hãy nhớ về lý do vì sao bạn đã chọn kết hôn với vợ/chồng bạn.
    • Nếu người bạn đời của bạn nói rằng họ cảm thấy khó chịu với một điều nào đó, bạn cần phải nhìn nhận câu nói này một cách nghiêm túc. Tìm cách để giải quyết vấn đề, cho dù là một mình hay cùng nhau giải quyết, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn nhìn nhận mối quan tâm của vợ/chồng bạn một cách nghiêm túc.
    • Giải quyết nhu cầu của đối phương. Nếu vợ/chồng bạn nói với bạn về điều mà cô ấy/anh ấy mong muốn trong mối quan hệ tình cảm của cả hai, bạn cần phải nỗ lực để thực hiện nó hoặc cùng nhau tìm cách để thỏa hiệp.
  2. Cởi mở và trung thực với nhau. Sự trung thực là yếu tố vô cùng quan trọng trong mối quan hệ tình cảm, đặc biệt nếu bạn đã kết hôn. Bạn sẽ muốn cảm nhận rằng bạn có thể tin tưởng ở vợ/chồng của bạn, và bạn cũng muốn người ấy cảm thấy tương tự. Tuy nhiên, sự trung thực và cởi mở không chỉ gói gọn trong việc nói sự thật; nó cũng có nghĩa là không che giấu thông tin, và không giấu diếm khi mỗi khi bạn muốn đề cập đến một vấn đề nào đó.[1]
    • Không bao giờ được nói dối người bạn đời. Ngay cả khi nó chỉ là lời nói dối nhỏ nhặt, chẳng hạn như nói rằng một điều gì đó không làm phiền bạn trong khi sự thật lại không như vậy, dần dần hành động này cũng sẽ có thể hình thành sự oán giận hoặc tranh cãi.
    • Cởi mở và cho phép bản thân trở nên yếu mềm trước người ấy. Nói với vợ/chồng bạn về niềm hy vọng và mơ ước bí mật của bạn, về nỗi sợ hãi từ sâu trong thâm tâm của bạn, và về những điều khác mà bạn chôn giấu.
    • Cho phép người ấy mở lòng và trở nên yếu đuối với bạn. Điều này có thể giúp xây dựng niềm tin và nuôi dưỡng cảm giác gần gũi và tình cảm mạnh mẽ hơn.
  3. Tìm cách thỏa hiệp. Thỏa hiệp có thể sẽ khá khó khăn, đặc biệt khi cảm xúc của bạn đang dâng cao sau cuộc tranh cãi. Tuy nhiên, không đáng để bạn cố gắng giành phần đúng về mình trong 30 giây trong khi sự căng thẳng mà hành động này đem lại cho cuộc tranh cãi có thể khiến mối quan hệ của bạn trượt dốc. Bất đồng hoặc thậm chí cãi vã là chuyện bình thường, nhưng bạn cần phải sẵn sằng nhún nhường để có thể thỏa hiệp và hợp tác.
    • Không nên suy nghĩ về cuộc tranh cãi như là một điều gì đó mà bạn cần phải "chiến thắng". Đây là suy nghĩ nguy hiểm vì nó có thể khiến bạn và người bạn đời của bạn chống lại nhau.[1]
    • Bỏ qua các vấn đề không đáng để cãi vã. Ngay cả khi bạn không phải là người làm sai cũng không đáng để bạn phải bước vào sự tranh luận căng thẳng và khó chịu.
    • Sẵn sàng nhường bước. Chỉ bởi vì bạn nghĩ rằng bạn đúng không có nghĩa là tranh cãi thêm về quan điểm của bạn sẽ giúp ích được cho bạn, vì vậy, bạn nên cố gắng ngừng lại trước khi mọi việc “leo thang”.
    • Thỏa hiệp giúp mối quan hệ của bạn mạnh mẽ hơn. Khi cả hai bỏ qua nhu cầu của bản thân, bao gồm nhu cầu cần phải trở thành người nói đúng, bạn có thể hợp tác với nhau để cả hai có thể trở nên tốt hơn.[2]
  4. Sử dụng câu nói bắt đầu từ chủ từ "Tôi". Khi bạn và vợ/chồng bạn có bất đồng, điều quan trọng là bạn cần phải tránh buộc tội hoặc lăng mạ nhau. Một cách mà nhiều cặp vợ chồng thường vô tình làm tổn thương nhau đó chính là sử dụng câu tuyên bố bắt đầu từ chủ từ "anh/cô" thay vì "tôi". Câu nói với từ "tôi" có thể giúp bạn truyền tải cảm xúc của bạn và thúc đẩy cuộc trò chuyện trở nên hữu ích và tích cực hơn, thay vì gây tổn thương cho cảm xúc của đối phương.
    • Câu tuyên bố với chủ từ "anh/cô" truyền tải sự đổ lỗi cho đối phương. Ví dụ "Anh/cô lúc nào cũng đến trễ, và khiến tôi trông như một kẻ ngốc!".
    • Câu tuyên bố với chủ từ "tôi" tái hình thành cuộc trò chuyện theo cách tập trung vào cảm xúc, chứ không phải chú trọng về việc đổ lỗi hoặc tội lỗi của đối phương. Ví dụ, "Khi anh/cô không đến đúng giờ và chúng ta cần phải đi đến một nơi nào đó, tôi cảm thấy như anh/cô không suy nghĩ về cảm xúc của tôi".
    • Lời nói với từ "tôi" có ba thành phần: lời mô tả súc tích và không buộc tội về hành vi khiến bạn khó chịu, cảm xúc của bạn trước hành vi đó, và ảnh hưởng hữu hình, rõ ràng của hành vi cụ thể của chồng/vợ bạn đến bạn.[3]
    • Thành phần liên quan đến hành vi cần phải gắn liền với tình huống thực tế, cảm giác của bạn cần phải liên quan trực tiếp đến hành vi đó, và ảnh hưởng của nó phải có thể giúp bạn xác định hậu quả hoặc hỗ trợ cảm xúc của bạn về vấn đề.[4]
    • Mục tiêu ở đây chính là bạn cần phải càng cụ thể càng tốt và theo sát vấn đề trước mắt. Không nên nói về các vấn đề hoặc cảm xúc không liên quan mà chỉ nên tập trung vào ảnh hưởng hiển nhiên của nó trước tình huống hiện tại.
  5. Không bao giờ được hét vào mặt người ấy. Nhiều người bắt đầu la hét mà không hề nhận ra hành động của mình. Khi tranh cãi, cảm xúc của bạn có thể sẽ dâng cao, và bạn sẽ muốn bàn luận một cách sôi nổi hơn. Tuy nhiên, la mắng vợ/chồng bạn sẽ chỉ đem lại một trong hai kết quả sau: hoặc là người ấy sẽ hét lại vào mặt bạn, hoặc cả hai sẽ cùng mắng chửi nhau. Cho dù là kết quả nào thì nó cũng khiến tình huống này có thể dễ dàng gây tổn thương cho cả hai và khiến mối quan hệ của bạn căng thẳng hơn.[2]
    • La hét và trút hết mọi sự bực tức có thể đem lại cho bạn cảm giác nhẹ nhõm trong thời điểm hiện tại, nhưng cảm xúc của bạn sẽ ngày càng dâng cao hơn.
    • Khi la mắng người khác, bạn thường sẽ nói những điều mà đáng lẽ ra không nên nói, và bạn sẽ không bao giờ có thể rút lại từ ngữ đau lòng đó khi bạn bình tĩnh lại.
    • Tránh nói về điều quan trọng khi bạn (và/hoặc người bạn đời của bạn) đang cảm thấy không vui. Hãy đi dạo, hoặc chỉ đơn giản là tránh mặt trong khoảng 5 hoặc 10 phút, sau đó, hãy tái khởi động cuộc trò chuyện khi cả hai bình tĩnh hơn.

“Hâm nóng” Tình cảm[sửa]

  1. Thay đổi thói quen. Cho dù là bạn đã kết hôn được 2 năm hay 20 năm, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy như thể bạn và người bạn đời của bạn bị mắc kẹt trong lối sống nhàm chán. Thói quen được hình thành bởi vì chúng khá thuận tiện và chúng khiến bạn có thể dễ dàng điều khiển cuộc sống hằng ngày, nhưng sự nhàm chán và thói quen trong mối quan hệ có thể dần dần phá hoại tình cảm của bạn mà bạn thậm chí không hề nhận ra.[5]
    • Nếu tối nào bạn cũng thường ăn ở nhà, bạn có thể hẹn hò với người ấy. Nếu bạn thường ăn riêng, bạn có thể nấu một bữa ăn cho người ấy và cùng nhau dùng bữa.
    • Hãy thực hiện một hành động thú vị nào đó mà bạn và vợ/chồng của bạn không thường làm. Nó không nhất thiết phải quá điên rồ, nhưng nó cần phải thúc đẩy cả hai tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ và cảm thấy hào hứng.
    • Tiến hành một kỳ nghỉ lãng mạn cùng nhau, hoặc chỉ đơn giản là lên kế hoạch cho một ngày vui vẻ và thú vị - ngay cả khi điều này chỉ đơn giản có nghĩa là cùng nhau đi hội chợ hoặc đến công viên giải trí.
  2. Tán tỉnh với nhau. Khi bạn và vợ/chồng bạn còn đang hẹn hò, chắc hẳn là cả hai thường xuyên tán tỉnh nhau. Vậy thì tại sao bạn lại dừng lại? Hầu hết mọi cặp vợ chồng đều cảm thấy khá thoải mái với nhau, và đây là một điều tốt. Nhưng mặt trái của vấn đề này chính là bạn quên mất cách để bộc lộ sự quyến rũ của mình, thường là bởi vì bạn đã không hành động như vậy trong nhiều tháng (hoặc thậm chí nhiều năm).[6]
    • Nhìn vào mắt nhau.
    • Mỉm cười với người ấy và cười khúc khích.
    • Sử dụng ngôn ngữ cơ thể lãng mạn, và bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người ấy.[7]
    • Đứng đối diện với nhau, tránh khoanh tay, và nghiêng người về phía đối phương khi trò chuyện.
  3. Tăng cường tiếp xúc thể chất. Tiếp xúc thể chất là yếu tố rất quan trọng của quá trình gần gũi. Tiếp xúc thể chất khiến bạn cảm thấy được khao khát, và có thể khiến bạn thoải mái và gần gũi hơn với người bạn đời của mình. Nếu cả hai bạn đã quá thân mật và thực hiện rất nhiều hành động tiếp xúc thể chất, hãy tiếp tục. Nếu bạn đánh mất phần này trong mối quan hệ của mình, bạn nên nỗ lực để đem nó trở về với cuộc sống của cả hai.[5]
    • Tiếp xúc thể chất không chỉ có nghĩa là về mặt tình dục (mặc dù nhiều người xem tình dục là một phần lành mạnh của hôn nhân). Nó có thể có nghĩa là nắm tay, rúc vào nhau, âu yếu, hôn, hoặc bất kỳ một hành động nào khác giúp thể hiện tình cảm.
    • Người bạn đời của bạn chắc hẳn cũng sẽ muốn nhận được nhiều sự tương tác về mặt thể chất tương tự bạn, nhưng có lẽ là người ấy quá nhút nhát hoặc lo lắng rằng bạn không muốn.
    • Không nên quá căng thẳng về vấn đề này, bạn chỉ cần khơi gợi nó. Vợ/chồng của bạn sẽ trân trọng điều này, và nó sẽ giúp cả hai cảm thấy gần gũi với nhau hơn.
    • Cần nhớ rằng cảm xúc thường đi kèm với hành động. Nếu bạn nỗ lực hết mình và cố gắng tạo nên một buổi tối lãng mạn cho đối phương, cảm xúc lãng mạn sẽ được hình thành.[2]
  4. Dành thời gian cho sự thân mật. Nếu bạn đã kết hôn trong một vài năm, chắc hẳn cả hai bạn sẽ thường cảm thấy rối ren trong việc cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình. Vấn đề này thậm chí sẽ càng khó khăn hơn nếu bạn có con. Nhưng dành thời gian cho sự thân mật mà không có các yếu tố gây xao nhãng (lũ trẻ, điện thoại/email công việc, v.v) có thể giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc đem lại ngọn lửa cho mối quan hệ của bạn, đặc biệt nếu bạn ưu tiên thực hiện nó từ tuần này sang tuần khác.[8]
    • Dành thời gian cho nhau, đặc biệt là cho sự tiếp xúc thể chất, thường đây sẽ là yếu tố dẫn dắt đến giai đoạn quan hệ tình dục và sẽ khiến cả hai gần gũi với nhau hơn.
    • Nếu cần, bạn có thể lập thời gian biểu cho việc gần gũi và/hoặc quan hệ tình dục. Nhiều chuyên gia khuyên rằng ngay cả khi bạn chỉ dành riêng 30 phút cho sự thân mật cũng có thể tạo nên điều kỳ diệu cho mối quan hệ của bạn.
    • Gửi con cho người trông trẻ, hoặc nếu chúng đủ lớn để có thể ở một mình, bạn có thể cho chúng tiền để đi xem phim hoặc đi mua sắm. Hành động này sẽ giúp bạn có được khoảng thời gian riêng tư với vợ/chồng bạn.
    • Tắt điện thoạt khi cả hai đang gần gũi nhau. Không có điều gì hủy hoại tâm trạng hơn là khi người bạn đời của bạn bị kéo vào cuộc điện thoại liên quan đến công việc trong nhiều giờ.
    • Thân mật không phải chỉ là hành động mà bạn thực hiện một lần duy nhất. Bạn cần phải cố gắng hết sức để dành thời gian thực hiện điều này một lần mỗi tuần, hoặc nhiều lần trong tuần, hoặc bất kỳ khi nào mà bạn và vợ/chồng bạn cần đến nó.
  5. Truyền đạt sở thích trong chuyện “chăn gối”. Điều này liên quan đến việc trở nên thành thật và cởi mở trong quá trình giao tiếp với nhau. Một vài người cảm thấy sợ hãi khi phải trình bày ham muốn của mình với đối phương, ngay cả khi người đó là vợ/chồng họ. Tuy nhiên, bạn không cần phải xấu hổ trước sở thích của mình. Bạn có thể trò chuyện với người bạn đời của bạn về điều mà bạn thích hoặc ảo tưởng của bạn trong vấn đề tình dục, và hỏi về sở thích của người ấy. Và cho dù là bạn hoặc vợ/chồng bạn ham muốn điều gì, hãy nhớ tôn trọng nhu cầu của nhau.[6]
    • Cảm giác như thể đối phương không thể đáp ứng nhu cầu của bạn có thể khiến bạn trở nên không thỏa mãn trong tình dục, và dần dần sẽ khiến quá trình này trở thành như công việc phải làm hằng ngày.
    • Cách tốt nhất để cả hai có thể tận hưởng chuyện chăn gối đó chính là trao đổi với nhau về điều mà cả hai thích hoặc không thích.
    • Sẵn sàng cùng nhau khám phá hoạt động mới mẻ trong chốn phòng the để cả hai có thể đáp ứng nhu cầu của nhau. Ngoài ra, nhìn chung, thử qua điều mới lạ có thể cung cấp cho bạn một tia sáng trong mối quan hệ của bạn, và bạn sẽ nhận thấy rằng cả hai đều có thể tận hưởng thói quen mới.
    • Tôn trọng nhu cầu của người ấy không có nghĩa là bạn phải đặt mình vào tình huống khó chịu. Bạn hoàn toàn có thể xây dựng ranh giới cho bản thân và yêu cầu người bạn đời của bạn tôn trọng chúng.
  6. Xem xét tìm gặp nhà trị liệu dành cho cặp đôi. Nhiều người nghĩ rằng trị liệu cho cặp đôi chỉ dành riêng cho những người đang trên bờ vực của việc ly hôn. Tuy nhiên, điều này không phải là sự thật. Phương pháp trị liệu này có thể giúp bạn và vợ/chồng bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp với nhau, và tìm cách để cảm thấy gần gũi hơn, và giải quyết bất kỳ một vấn đề nào phát sinh trong cuộc hôn nhân của bạn.[6]
    • Gặp gỡ nhà trị liệu không phải là điều xấu hổ hoặc sỉ nhục. Trị liệu dành cho cặp đôi có thể giúp ích cho bạn và người bạn đời của bạn trong bất kỳ một giai đoạn nào của mối quan hệ.
    • Nếu bạn hoặc người ấy cảm nhận được sự giảm thiểu trong ham muốn hoặc không cảm thấy ham muốn trong chốn phòng the, nhà trị liệu có thể sẽ khuyên bạn đến gặp bác sĩ để xem liệu cả hai có đang gặp phải bất kỳ một tình trạng bệnh lý nào hay không.
    • Đôi khi, một số loại thuốc cụ thể có thể làm giảm ham muốn tình dục hoặc khả năng thực hiện hành vi tình dục. Trong một số trường hợp khác, sự sụt giảm trong ham muốn có thể xuất phát từ nguyên nhân về mặt cảm xúc.
    • Hãy cởi mở và thành thật với nhà trị liệu và với bác sĩ của bạn để giải quyết bất kỳ một vấn đề nào phát sinh trong quá trình gần gũi mà bạn đang gặp phải.

Củng cố Sự gắn kết trong Hôn nhân[sửa]

  1. Bày tỏ sự biết ơn đối với những điều nhỏ nhặt. Nguy cơ to tát nhất của mối quan hệ tình cảm lâu dài đó chính là không biết quý trọng nhau. Cho dù là bạn yêu thương và trân trọng vợ/chồng bạn như thế nào, bạn có thể sẽ quá quen thuộc với nhau đến nỗi bạn quên rằng bạn cần phải trân trọng những gì mà người bạn đời đã làm cho bạn. Nếu bạn cố gắng bộc lộ lòng biết ơn của mình, người ấy cũng chắc chắn sẽ thực hiện điều tương tự.[9]
    • Nói cảm ơn khi vợ/chồng bạn làm một điều gì đó cho bạn, cho dù là nấu ăn, sửa chữa tủ đồ bị hỏng, hoặc chỉ đơn giản là đón bạn tại siêu thị.
    • Cho người bạn đời của bạn biết rằng bạn cảm kích việc nhỏ nhặt mà người ấy thực hiện sẽ khiến người ấy cảm thấy được trân trọng, và vợ/chồng bạn sẽ muốn tiếp tục thực hiện điều tốt đẹp cho bạn (và ngược lại) trong tương lai.
  2. Dành thời gian để chú ý đến người ấy. Một khía cạnh khác của vấn đề không biết quý trọng đó chính là quên mất phải dành cho nhau những lời khen ngợi. Bạn có thể nghĩ rằng người bạn đời của bạn biết rõ tình yêu mà bạn dành cho họ, và điều này có thể đúng. Nhưng không có gì có thể đem lại nụ cười trên môi của bạn như là được nghe rằng một người nào đó cảm thấy bạn thật hấp dẫn và đáng khao khát, vì vậy, hãy cố gắng khiến đối phương cảm thấy đặc biệt càng thường xuyên càng tốt.[9]
    • Bạn không cần phải cố gắng quá mức để chú ý đến người bạn đời của mình. Bạn có thể khen ngợi bộ trang phục hấp dẫn mà vợ/chồng bạn đang mặc, hoặc kiểu tóc mới của người ấy, bất kỳ một sự cải thiện nào của người ấy sau khi tiến hành thói quen tập thể dục mới, v.v.
    • Cố gắng khen ngợi nỗ lực của người ấy trước mặt người khác. Khoe về thành tựu của vợ/chồng bạn khi họ quá nhút nhát để thực hiện điều này có thể khiến họ cảm thấy được yêu thương.[10]
  3. Hẹn hò với vợ/chồng bạn. Khi mối quan hệ phát triển, bạn sẽ cảm thấy khá khó khăn để dành thời gian cho việc hẹn hò, hoặc để đi chơi và có một buổi tối lãng mạn với nhau. Điều này đặc biệt có thể sẽ càng khó khăn hơn nếu bạn có con. Nhưng dành thời gian hẹn hò với nhau sẽ đem lại sự hào hứng và niềm đam mê mà bạn đã từng một thời cảm nhận khi cả hai đang trong giai đoạn hẹn hò, và sự khao khát đó rất quan trọng trong việc duy trì một cuộc hôn nhau lâu dài.
    • Cam kết dành thời gian riêng cho nhau. Hãy thuê người trông trẻ cho con của bạn, hoặc bạn có thể cho chúng đến ngủ nhờ tại nhà một người bạn.
    • Lựa chọn một nhà hàng lãng mạn. Nếu bạn đã có sẵn một nơi yêu thích nào đó hoặc nếu bạn có thể tái hình thành buổi hẹn hò đầu tiên của bạn thì sẽ càng tốt hơn.
    • “Diện” quần áo đẹp. Bạn nên cố gắng tạo ấn tượng cho vợ/chồng bạn như thể cả hai vẫn đang còn trong thời kỳ hẹn hò và chưa kết hôn.
    • Sau bữa tối, hãy cùng nhau đi dạo hoặc đi xem phim. Tập trung vào việc tạo nên một buổi tối thân mật với nhau.
  4. Bảo đảm rằng bạn thật sự hài lòng. Ngoài việc thỏa mãn trong nhu cầu tình dục, bạn cần phải cảm thấy như thể cuộc sống của bạn có ý nghĩa và rằng bạn đã đạt được một điều gì đó. Tuy sẽ khá ngạc nhiên nhưng các chuyên gia đã đồng ý rằng sở hữu mục tiêu và thành tựu cá nhân cho riêng mình có thể củng cố cuộc hôn nhân của bạn.[9]
    • Khi bạn cảm thấy như thể mục tiêu cá nhân của bạn đã hoàn tất, bạn sẽ dễ có thể cống hiến bản thân mình cho vợ/chồng bạn.
    • Nếu bạn rất chú trọng vào sự nghiệp, hãy dành thời gian cho nghề nghiệp của bạn. Nếu bạn là một họa sĩ, bạn có thể theo đuổi lĩnh vực hội họa. Nếu bạn là một vận động viên, bạn có thể rèn luyện bản thân để có thể sẵn sàng cho một cuộc thi chạy marathon.[11]
    • Cho dù là mục tiêu và thành tựu của người bạn đời của bạn là gì, điều quan trọng là bạn cần phải sở hữu mục tiêu riêng của mình. Bạn và vợ/chồng bạn có thể ủng hộ nhau, và hãy nhớ ăn mừng thành quả của nhau.

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn nhớ bày tỏ tình cảm. Hôn hoặc ôm người vợ/chồng bạn và nói với người ấy rằng bạn rất yêu người ấy.
  • Tôn trọng người bạn đời của bạn. Không bao giờ được thực hiện một hành động nào đó có thể phản bội lòng tin của đối phương, chẳng hạn như nói dối hoặc lừa dối.
  • Hãy tử tế với bạn bè của vợ/chồng bạn, và cố gắng xã giao với họ. Mỗi khi bạn gặp họ, bạn có thể chào hỏi và trò chuyện đôi chút. Tình bạn có thể là yếu tố khá quan trọng đối với vợ/chồng bạn, vì vậy, gặp gỡ bạn bè của người ấy sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc củng cố mối quan hệ của cả hai.
  • Nếu bạn cảm thấy ghen tuông, đừng “làm lố”. Bạn nên nói chuyện riêng với người bạn đời của mình, và nhớ nói một điều gì đó chẳng hạn như: "Anh à, anh biết là em yêu anh và tin tưởng anh, nhưng em không thể nào ngăn bản thân không cảm thấy ghen tuông với anh và cô gái đó. Em xin lỗi". Vợ/chồng bạn sẽ hiểu bạn và giải thích cho bạn biết rõ về tình huống để bạn không còn cảm thấy ghen.
  • Đi chơi cùng nhau. Hãy hẹn hò với nhau, cho dù là tại một nhà hàng sang trọng hay là tại một chiếc xe bán bánh hot dog. Điều quan trọng là bạn cần phải dành thời gian đi chơi và trò chuyện với nhau.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây