Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/117

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

QUÊN THÂN

Vua Ai Công hỏi đức Khổng Tử; Quả nhân nghe nói có người tính hay quên, lúc dọn nhà, quên mất vợ, có thật không?

Đức Khổng Tử thưa rằng:

- Có người quên như thế cũng chưa lấy gì làm tệ. Còn có người tệ hơn nữa: quên cả đến thân mình.

Vua Ai Công hỏi:

- Thế nào mà lại đến quên cả thân mình nữa?

Đức Khổng Tử nói:

- Ngày xưa vua Kiệt nhà Hạ giàu có cả bốn bể, sang làm đến thiên tử, chỉ vì sao nhãng cơ đồ của tổ tiên, huỷ hoại điển pháp của nước nhà, tin dùng kẻ siểm nịnh, ghét bỏ kẻ trung thành, ngày ngày say đắm sắc dục, săn bắn rượu chè, hoang du vô độ, sau đến nỗi bị ông Thang giết chết mà mất... Thế chẳng phải quên cả thân là gì?"

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Ai Công: vua nước Lỗ.

- Quả nhân: tiếng vua tự xưng với thần dân,

- Kiệt: vua cuối đời nhà Hạ, tàn dân, hại vật đến nỗi mất nước. Hạ: một nhà làm vua bên Tàu hơn bốn trăm năm (205-1818).

- Thiên tử: con giời, chỉ vua thay mệnh giời mà trị thiên hạ.

- Cơ đồ: nền nếp gây dựng.

- Huỷ hoại: làm cho hư hỏng đổ nát.

- Điển pháp: điển: còng việc cũ đáng theo; pháp: chế độ đặt ra để cai trị.

- Siểm nịnh: hót ngon hót ngọt, xui hay, xui dở.

- Sắc dục: say mê đàn bà, con gái.

- Hoang du vô độ: chơi bời phóng túng khống biết thế nào mà kể.

- Thang: vua đầu nhà Thương giết vua Kiệt nhà Hạ.

NHỜI BÀN[sửa]

Dọn nhà không ai dọn vợ. Nhưng thí dụ có kẻ dọn nhà, hoặc quên mất vợ, thì thiên hạ tất lấy làm lạ lùng và buồn cười lắm. Thế mà những kẻ quên thân, rất nhiều và đáng sỉ tiếu, thì lại không mấy người nghĩ đến. Phàm chưng ai đã có một sự đam mê gì, rượu chè, thuốc phiện, giai gái, cờ bạc đến quên cả tính mệnh, cửa nhà, xã hội đều là quên thân rất đáng tiếc. Nhất là những bậc có quyền thế trong tay, mà quên thân, thì lại đáng tiếc hơn nữa! Nên đức Khổng Tử kể truyện vua Kiệt mà chính là có ý muốn cảm hoá cho Ai Công vậy.

Liên kết đến đây