Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/145
VỢ XẤU
Vợ Hứa Doãn là Nguyễn thị nhan sắc kém lắm. Khi Hứa Doãn mới lấy về, làm lễ cưới xong, trông thấy vợ xấu, muốn lập tức bỏ đi thẳng, bèn hỏi Nguyễn thị rằng:
- Đàn bà có "tứ đức", nàng được mấy đức?
Nguyễn thị thưa: Thiếp đây chỉ kém có "Dung" mà thôi. Rồi liền hỏi:
- Kẻ sĩ có "bách hạnh", dám hỏi chàng được mấy hạnh?
- Hứa Doãn đáp: Ta đây đủ cả bách hạnh.
- Nguyễn thị nói: Bách hạnh thì "Đức" là đầu, chàng là người hiếu sắc, không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ bách hạnh được?
Hứa Doãn nghe nói, có sắc thẹn. Tự bấy giờ, hai vợ chồng bèn yêu mến, kính trọng nhau suốt đời.
THẾ THUYẾT
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Hứa Doãn: Người đời nhà Tống có tài văn chương thi đỗ Tiến sĩ, làm quan, chính sách rất hay, lòng dân cảm phục.
- Nhan sắc: sắc đẹp ngoài mặt.
- Tứ đức: bốn đức của đàn bà: 1) hạnh (tính hạnh), 2) ngôn (nhời ăn cách nói), 3) dung (dáng điệu vẻ người), 4) công (việc làm ăn).
- Kẻ sĩ: nói người có học thức.
- Bách hạnh: trăm nết hay.
- Đức: việc làm mà trong lương tâm được yên thoả sung sướng.
- Hiếu sắc: ưa thích say mê gái đẹp.
NHỜI BÀN[sửa]
Thường tình người ta, tự xưa đến nay, ai cũng thích đẹp, chuộng đẹp. Xem như câu đức Khổng Tử nói: “Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc" thì đủ rõ. Tuy vậy, cái đẹp có hạn, cái nết vô cùng. Thế gian, những kẻ đem cái đẹp mà thờ người, mua chuộc lòng người, đến khi cái đẹp kém xuân, thường phải người ta cư xử ra tình phụ bạc. Đến như cái nết thì êm đềm thấm thía, cảm hoá được người, khả dĩ làm cho người ta càng biết, càng thân yêu, càng kính phục, vì thế mà thường được trọn vẹn suốt đời.
Vợ Hứa Doãn đây nhanh trí khôn ngoan lắm thật. Chỉ một câu nói mà làm cho tan hết được nỗi bất tình của chồng và khiến cho chồng suốt đời phải yêu vì cái duyên lặn vào bên trong. Thế chẳng phải là "cái nết đánh chết được cái đẹp" hay sao.
Nhưng được những người như vợ Hứa Doãn rất là hiếm vậy. Ở đời kể đã được mấy tay có thể lấy đức mà thay sắc hay thường khi đã xấu người lại thêm xấu cả nết nữa.