Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/4

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lấy Của Ban Ngày

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: "Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được." Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói: "Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại". Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắng:

"Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!"


Lời Bàn:

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.


Chú thích:

Long Môn Tử: tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh.

Hiếu lợi: ham tiền của quên cả phải trái.

Lửa tham: lòng tham muốn bốc lên làm ngốt người.

Mờ cả hai con mắt: chỉ để cả vào của muốn lấy, ngoài ra không trông thấy gì nữa.

Thế gian: cõi đời người ta ở.

Thiên phương bách kế: mưu này, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp.

Ban ngày: lúc sáng sủa dễ trông thấy.


<<< Quay lại mục lục

Liên kết đến đây