Chăm sóc Hoa lan

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Hoa lan từ lâu đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp. Được trồng bởi những người đam mê sự tao nhã và quyến rũ của chúng, chúng còn được ưa chuộng dùng làm hoa cài áo hoặc vòng đeo tay tại nhiều vũ hội và sự kiện đặc biệt. Trong nhiều dịp, từ đám cưới cho đến hội nghị, cành lan tô điểm vẻ yêu kiều cho các bàn tiệc.

Với hơn 750 giống, hơn 30.000 giống lai và mỗi năm lại xuất hiện thêm nhiều giống du nhập, người yêu hoa lan có vô vàn sự lựa chọn. Thực tế, hoa lan mọc ở khắp các châu lục trừ Nam Cực, do đó người trồng lan có thể chọn giữa lan bản địa và lan du nhập tùy thuộc vào tính sẵn có và sự phù hợp. Trong khi người yêu lan thật sự có thể (và nên) dành nhiều thời gian nghiên cứu hết các cuốn sách hướng dẫn trồng và chăm sóc hoa lan, thì những người lần đầu tiên trồng cần phải có điểm khởi đầu. Trong bài viết này, bạn sẽ học các kỹ thuật chăm sóc lan cơ bản, nhìn chung là dễ trồng. Một khi bạn đã nắm được những điều cơ bản này, nếu bạn vẫn thấy niềm đam mê hoa lan của mình tăng lên, bạn sẽ có thể tìm hiểu thêm các giống lan khó trồng hơn khi bạn có được sự tự tin.

Các bước[sửa]

Chọn Hoa lan[sửa]

  1. Tìm loại lan phù hợp cho ngôi nhà của bạn. Việc chăm sóc lan đúng cách bắt đầu bằng việc lựa chọn loại cây phù hợp với môi trường cụ thể của bạn. Những loại lan được đề cập trong bài viết này đều phù hợp cho trồng trong nhà vì khả năng thích ứng của chúng với hầu hết các điều kiện, dễ trồng, dễ tìm, và hoa đẹp. Nếu sau đó bạn vẫn muốn thử sức với các giống khó trồng hơn, chúng tôi khuyên bạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu cụ thể của các giống lan thanh nhã và kiêu kỳ hơn. Một số điều cần lưu ý khi lựa chọn lan bao gồm:

    • Lan sẽ có đủ không gian khi trưởng thành không? Hoặc nó sẽ cần phải di chuyển đến nơi khác không? Một số loại lan có thể rất to lớn khi trưởng thành và tốt nhất nên đặt trong nhà kính.
    • Bạn có thể đáp ứng được các yêu cầu về nhiệt độ mà cây lan cần không? Lan có thể được chia thành ba loại theo yêu cầu về nhiệt độ––mát, trung bình và ấm áp, có nghĩa lan đòi hỏi mức nhiệt độ nhất định tối thiểu về ban đêm để phát triển tốt.
    • Bạn có nhà kính hoặc phòng ấm nếu cần đến không? Nhiều loại lan sẽ phát triển mạnh nhất trong một môi trường như vậy hơn là chỉ đơn giản trồng cây ở trong nhà hay ngoài hiên. Nếu bạn không có, hãy ưu tiên trồng các loại lan thích mọc trong nhà (xem danh sách dưới đây).
  2. Mua cây đang ra hoa. Tốt nhất bạn nên mua các cây đã có hoa, bởi vì có thể phải mất đến năm năm để cây giống đơm hoa. Trừ khi bạn cực kỳ kiên nhẫn, hoặc đã có một nhà kính đầy hoa lan, thì có thể bạn không muốn chờ đợi lâu như vậy.
  3. Xem xét các điều kiện trồng cây. Chọn lan dựa trên các điều kiện trồng trong nhà của bạn. Điều này quan trọng bởi vì mỗi loại lan có yêu cầu khác nhau tùy thuộc vào nguồn gốc của loài. Hãy luôn đọc nhãn kèm theo hướng dẫn để đảm bảo cây phù hợp với điều kiện trong nhà và khu vườn của bạn. Dưới đây là một số loài lan phổ biến thường phát triển tốt trong môi trường nhà ở thông thường:
    • Phalaenopsis: Thường được gọi là lan hồ điệp, loại lan này thanh nhã để sử dụng trong nhà. Những cành hoa dài nhiều màu sắc của chúng vẫn tươi trong nhiều tháng. Hoa bắt đầu nở vào mùa đông hoặc đầu xuân. Loại lan này thường cần ít ánh sáng hơn Cattleya (Cát lan) (xem phần tiếp theo) và phát triển tốt ở hầu hết các điều kiện trong nhà.

    • Cattleya (Cát lan hay Lan hoàng hậu): Đây là loài lan dễ nhận biết nhất vì chúng được dùng làm hoa cài áo và hoa có thể tươi từ hai đến sáu tuần. Chúng thường nở hoa mỗi năm một lần vào mùa xuân hoặc mùa thu, nhưng cần gấp đôi lượng ánh sáng so với hoa hồ điệp để phát triển tốt trong nhà.

    • Dendrobium (Lan hoàng thảo): Loại lan đẹp này cho ra những cành hoa dài, duyên dáng đặc trưng có màu trắng, màu oải hương hoặc pha trộn giữa hai màu này, trong suốt mùa thu và mùa đông. Hoa của chúng có thể nở khoảng ba đến bốn tuần, và chúng là một trong những cây dễ chăm sóc nhất.

    • Paphiopedilum (Lan hài): Tên thông dụng cho loài lan này là Lan hài bởi vì cánh hoa thứ ba của chúng bị biến đổi tạo thành một chiếc túi trông giống như chiếc hài phụ nữ. Túi này có chức năng bẫy côn trùng để buộc chúng phải lên leo qua nhị lép, đồng thời lấy hoặc phụ phấn cho hoa. Lá của chúng rất đẹp với màu xanh hoặc xanh đốm trắng. Loài lan này cần ánh sang chói nhưng không cần ánh nắng mặt trời trực tiếp. Tốt nhất là trồng chúng ở cửa sổ hướng đông, tây hoặc nam (đối với bắc bán cầu). Tán lá của chúng phải cứng và hơi dựng đứng một cách tự nhiên, chứ không rủ xuống. Nhiệt độ phòng là lý tưởng cho chúng phát triển.

Tưới nước và Bón phân[sửa]

  1. Học cách tưới nước cho lan. Họ lan là một trong họ cây ra hoa lớn nhất, và như vậy có rất nhiều phân họ, hoặc biến thể, và chúng yêu cầu phải được tưới nước theo cách khác nhau. Cách có thể làm chết khô một loài lại có khả năng làm ngập úng loài khác. Nói chung, tưới nước cho lan năm đến mười hai ngày một lần tùy thuộc vào loại lan bạn trồng, nhiệt độ là bao nhiêu và thời gian trong năm—– tưới nhiều hơn vào mùa hè, ít hơn vào mùa đông. Trong khi chuyên gia vườn ươm hoặc người trồng hoa có thể cung cấp thông tin cụ thể cho bạn, thì đây là hướng dẫn chung để giúp bạn xác định khoảng thời gian tưới nước tốt nhất cho cây:
    • Duy trì độ ẩm vừa phải cho những loại lan dưới đây (không được tưới ướt):
      • Paphiopedilum
      • Miltonia
      • Cymbidium
      • Dontoglossum.
    • Duy trì độ ẩm vừa phải trong giai đoạn phát triển nhưng hãy để chúng khô ráo giữa các lần tưới nước khi chúng ngừng phát triển cho những loại lan dưới đây:
      • Cattleya
      • Oncidium
      • Brassia
      • Dendrobium
    • Giữ các loại lan sau gần như khô ráo giữa các lần tưới nước:
      • Phalaenopsis
      • Vanda
      • Ascocenda
    • Hãy cẩn thận để tránh làm ướt lá khi bạn tưới nước cho cây. Nếu chúng bị ướt, hãy nhẹ nhàng lau khô chúng bằng bông lau hoặc khăn giấy.
  2. Duy trì môi trường. Lấy giò hoa a khỏi chậu trang trí, đặt nó vào trong bồn rửa chén hoặc trong bồn tắm. Cho phân bón vào trong bình tưới, và tưới toàn bộ phần rễ của cây. Chờ nước hoàn toàn ráo trước khi đặt nó lại vào trong chậu trang trí. Không bao giờ ngâm nó trong nước, vì như thế cây sẽ chết.
    • Lưu ý: Hoa lan biểu sinh không mọc trên đất giống như địa lan, mà sống trong vỏ quả dừa, vỏ cây hoặc nút bần. Hoặc, chúng có thể được trồng trong giỏ gỗ hoặc trên mảng gỗ. Rễ của chúng mọc từ trên, chứ không phải từ dưới như các loại thực vật trên cạn thông thường.
  3. Bón phân cho lan. Nhìn chung, đối với hầu hết các loại phân bón chỉ nên bón mỗi tháng một lần. Hãy tìm các loại phân bón có chứa nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K), cộng thêm các nguyên tố vi lượng như sắt (Fe). Hãy sử dụng các loại phân bón có tỷ lệ phần trăm nitơ cao khi chồi mới sắp mọc lên, và sau đó bón phân có nhiều phốt pho và kali ngay trong mùa. Đừng bón quá nhiều - nó có thể làm hại cho cây.
    • Nếu bạn trồng lan trên vỏ cây, hãy sử dụng phân bón có hàm lượng nitơ cao hơn hẳn (tỉ lệ là 30(N)-10(P)-10(K)). Vi khuẩn trong vỏ cây phân hủy sẽ lấy rất nhiều nitơ.
    • Tưới nước kỹ trước ki bón phân.

Cho Cây vào Chậu[sửa]

  1. Hiểu được nhu cầu khác nhau của các loài lan biểu sinh và địa sinh. Nhiều loài lan là biểu sinh (sống nhờ trên cây hoặc cành cây) và yêu cầu các môi trường sinh trưởng rất khác nhau so với địa lan; thực tế là lan thường bị chết khi được trồng trong đất nếu chúng không phải là một loại địa lan. Lan biểu sinh có rễ to dày sử dụng để bám vào cây hoặc vỏ cây và hấp thu nước và chất dinh dưỡng; những loại rễ khí sinh khác lại treo lơ lửng trong không trung. Lan biểu sinh phát triển tốt nhất trong các hỗn hợp không chứa đất hoặc gắn vào các miếng vỏ cây hoặc nút bần. Lan biểu sinh cần có môi trường sinh trưởng cực kỳ thông thoáng và thoát nước.
  2. Cung cấp môi trường sinh trưởng phù hợp cho loại lan của bạn. Môi trường sinh trưởng phổ biến là vỏ thông, vỏ dừa, rêu nước, rễ cây dương xỉ, đá trân châu, hoặc hỗn hợp có chứa một loại trên. Tuy nhiên, môi trường sống sẽ phụ thuộc vào loại lan––địa lan phải có môi trường được tạo thành chủ yếu từ một nửa là đất mùn và một nửa là những chất như rêu nước, than bùn ẩm hoặc cát có cạnh sắc. Lan biểu sinh phải được trồng trong những hợp chất có chứa rêu nước, vỏ cây nghiền mịn, chất khoáng và than bùn ẩm với tỉ lệ ngang nhau. Cách dễ nhất là mua hỗn hợp trồng đã trộn sẵn phù hợp với loại hoa lan của bạn, và luôn biết yêu cầu cụ thể của loại lan mà bạn sẽ trồng, vì chúng có thể khác nhau đôi chút.
    • Hỗn hợp trồng lan được pha chế thương mại đều có bán sẵn hoặc bạn cũng có thể chuẩn bị bằng cách trộn thêm dễ cây dương xỉ băm nhỏ, đá núi lửa, than, một ít than bùn, vỏ thông hoặc kết hợp các loại trên.
  3. Thay chậu khi cần thiết. Thi thoảng bạn cần phải thay chậu, làm lại hỗn hợp trồng và xem xét sự phát triển của cây. Mùa xuân thường là thời điểm thích hợp để thay chậu lan. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:
    • Lan được trồng trong vỏ cây thường phải được thay chậu từ 18 đến 24 tháng một lần.
    • Chọn kích thước chậu dựa vào kích thước của khối rễ. Hoa lan có xu hướng thích chậu nhỏ. Với chậu quá lớn, lan sẽ tập trung mở rộng bộ rễ, và trong nhiều tháng bạn sẽ không thấy nó phát triển thêm gì mấy, vì vậy hãy chọn chậu nhỏ. Tất cả các loài lan đều thích rễ mọc chật chậu với rễ nhô ra từ phía trên cùng của hỗn hợp trồng (hoặc rễ treo lủng lẳng trên cây đối với loài có rễ khí sinh). Tuy nhiên, vì cây sinh ra nhiều cành và mầm mới nên cuối cùng chúng có thể mọc ra ngoài chậu.
    • Chậu trồng sẽ ảnh hưởng đến cách bạn tưới nước. Lan được trồng trong chậu có lỗ như chậu đất nung (tốt cho hoa lan) sẽ cần được tưới nước thường xuyên hơn so với lan sống trong chậu nhựa.
    • Luôn sử dụng chậu có lỗ thoát nước. Ngâm trong nước sẽ làm thối rễ và cây sẽ chết.
    • Trong những chậu lớn hơn, thời gian ráo nước có thể lâu hơn––điều kiện này sẽ làm hại đến cây lan của bạn. Để khắc phục, hãy sử dụng các chậu đất vỡ lót xuống đáy để tăng độ thoát nước.
    • Nếu sử dụng chậu đất nung, hãy đục to các lỗ thoát nước hoặc đục thêm lỗ ở bên cạnh (gần phía đáy) chậu.
  4. Trồng lại cây theo chủng loại của nó. Cẩn thận trồng lại cây của bạn vào trong một chậu lớn hơn một chút hoặc vào trong chậu phù hợp, sử dụng các hỗn hợp trồng thích hợp đã nói trên đây. Luôn đảm bảo thoát nước tốt.
    • Đối với địa lan: Di chuyển cây ra khỏi chậu ban đầu. Cẩn thận bóc hết hỗn hợp trồng cũ. Đặt cây vào trong chậu sạch, rắc hỗn hợp trồng mới xung quanh rễ. Cố định vị trí của cây bằng cách sử dụng que nhỏ hoặc dụng cụ trồng cây. Hỗn hợp đất trồng phải ở dưới miệng chậu để có chỗ tưới nước. Nên để khoảng cách 12mm là vừa.
    • Đối với lan biểu sinh: Tháo hỗn hợp trồng cũ. Cắt các rễ chết và vứt bỏ chúng. Úp ngược cây lan và bọc hỗn hợp mới xung quanh rễ để tạo nên một bó chắc chắn. Xoay cây lan về vị trí đúng và đặt lại vào trong chậu đã chọn. Cây lan biểu sinh vừa mới thay chậu không nên tưới nước trong khoảng một tuần sau đó, vì rễ cần phải củng cố lại. Sau thời gian này hãy tưới nước tí một để đảm bảo các rễ mới không bị hư hại.
  5. Sau khi thay chậu, hãy giữ ẩm hỗn hợp trồng một cách thích hợp. Điều này đặc biệt quan trọng từ cuối mùa xuân cho đến mùa hè.

Cắt tỉa và Chăm sóc[sửa]

  1. Duy trì hoa. Thời gian hoa nở rộ bắt đầu từ cuối mùa đông, chủ yếu vào tháng Hai và tháng Ba ở Bắc bán cầu. Hoa thường kéo dài được từ bốn đến tám tuần. Khi những bông hoa phai tàn, hãy cắt bớt phía trên các cành đi 12mm nơi nó nhô ra từ tán lá. Đồng thời cũng cắt bỏ lá và mô chết, bao gồm cuống hoa già, lá già, rễ chết, v.v…
    • Trong trường hợp thối do nấm hoặc bệnh, hãy cắt sâu một chút qua phần bị nhiễm nhằm giúp ngăn chặn sự lan rộng của bệnh.
  2. Đừng cắt tỉa hoa lan như cách bạn làm với bụi cây. Nếu bạn cắt một phần của lá hoa lan, phần còn lại của lá có thể sẽ chết, và nếu cắt vào trong túi chứa nước sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến cây lan của bạn.
  3. Sử dụng công cụ vô trùng trong khi cắt tỉa hoa lan. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh từ cây này sang cây kia. Người ta khuyến cáo rằng bạn nên ngâm các công cụ này trong thuốc tẩy giữa các lần sử dụng, hoặc sử dụng lưỡi dao cạo dùng một lần.
  4. Quan sát sự phát triển mới. Nó sẽ ở dạng một mầm mới mọc lên từ thân của mầm cũ. Dưới các điều kiện tiêu chuẩn, mầm mới có thể lớn hơn so với mầm mẹ trước khi nó sẵn sàng ra hoa.
    • Nhiệt độ ban đêm mát mẻ giúp hoa bắt đầu nở. Bằng sự chăm sóc phù hợp với nhu cầu cụ thể của giống lan, cây sẽ phát triển và nở hoa mỗi năm.

Thông gió[sửa]

  1. Giữ nhiệt độ phù hợp. Nhiệt độ từ 18 đến 30ºC là tốt nhất. Trong những khoảng thời gian ngắn, chúng có thể chịu được nhiệt độ từ 16-37ºC nhưng chúng không thích các thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiệt độ lạnh sẽ làm cho lá chuyển thành màu vàng và cuối cùng là rụng. Nếu điều này xảy ra, hãy loại bỏ các lá vàng và tiếp tục chăm sóc cây một cách bình thường.
  2. Đảm bảo lưu thông không khí phù hợp. Không khí lưu thông tốt có thể tạo sự khác biệt lớn cho sức khỏe của cây lan. Nó sẽ giúp cây lan của bạn chữa lành vết thương nếu bị nhiễm nấm hoặc sâu bệnh phải được xử lý. Lưu thông không khí cũng là một phần quan trọng trong công tác phòng chống các loại sâu bệnh bằng cách giữ cho lá và hoa khô ráo.
    • Vào mùa hè, hãy mở cửa sổ để luồng không khí tự nhiên lưu thông không khí. Điều này thúc đẩy sự bốc hơi nước và nhiều carbon dioxide trong lành. Một làn gió nhẹ cũng sẽ giúp hoa lan thu nhận ánh sáng mặt trời mà không thiêu đốt lá.
    • Vào mùa đông (hoặc vào mùa hè, vào những ngày lặng gió), hãy sử dụng quạt nhẹ nhàng khuấy động không khí. Thi thoảng di chuyển quạt xung quanh để chậu cây không bị thổi quá nhiều.

Các Loại Lan Trồng Trong Nhà[sửa]

  1. Danh sách sau đây liệt kê các loài lan thường sống tốt trong nhà, mặc dù cần một vài sự bố trí cầu kỳ, chiếu sáng bổ sung và kiểm soát nhiệt độ:
    • Brassolaeliocattleya "Norman's Bay"
    • 'Cattleya bowringiana
    • Coelogyne cristata
    • Cymbidium devonianum
    • Cymbidium "Touchstone"
    • Dendrobium nobile
    • Epidendrum cochleatum (còn có tên là Encyclia cochleata)
    • Laelia anceps
    • Maxillaria tenuifolia
    • Miltonia clowesii
    • Paphiopedilum callosum
    • Paphiopedilum "Honey Gorse"
    • Pleione formosana
    • Vanda cristata.

Lời khuyên[sửa]

  • Một trong những cách giết chết lan nhanh nhất là ngâm nó trong chậu ngập nước. Tần suất tưới nước phụ thuộc vào loại lan, loại hỗn hợp trồng, điều kiện ánh sáng, đặc điểm chậu trồng và nhiệt độ.
  • Bón phân: Lan cần được bón phân thường xuyên để phát triển và ra hoa đúng vụ, nhưng quá nhiều phân bón có thể nhanh chóng làm hỏng cây. Những loại phân bón tan trong nước được sản xuất riêng cho phong lan đều có bán sẵn tại hầu hết các trung tâm làm vườn và rất dễ sử dụng.
  • Loại lan phát triển trong vỏ cây đòi hỏi phân bón có tỷ lệ nitơ cao hơn, tỉ lệ là 30-10-10 hay 15-5-5. Những loại lan treo và không trồng trong vỏ cây phát triển tốt thậm chí với tỷ lệ phân bón là 20-20-20. Loại phân bón "kích thích nở hoa" có thể được sử dụng trong mùa thu. Loại này có hàm lượng phốt pho cao hơn (số ở giữa), tỉ lệ là 10-30-20.
  • Bón phân dạng hòa tan hàng tháng, theo nồng độ khuyến cáo ghi trên nhãn. Dung dịch phân bón pha loãng có thể được sử dụng để tưới cây hàng tuần trong suốt mùa sinh trưởng. Mỗi tháng, sử dụng nước thường để rửa sạch muối do phân tích tụ lại ra khỏi chậu.
  • Sau khi nở hoa, khi tán lá ngừng phát triển, hãy giảm bớt nước và phân bón cho đến khi cây lại bắt đầu mọc lá mới.
  • Đối với những cây trồng trong chậu đất nung hoặc chậu nhỏ và những cây sống trong hỗn hợp vỏ cây hở thì cần phải tưới nước thường xuyên hơn. Trong những trường hợp này, tưới nước hai lần mỗi tuần là đủ. Phong lan sẽ nghỉ ngơi sau khi ra hoa; nên giảm tưới nước vào thời gian này.
  • Nhìn chung, khi lan đang trong giai đoạn phát triển mạnh, hãy tưới nước mỗi tuần một lần và để chúng hơi khô một chút trước lần tưới nước tiếp theo. Khi tưới, hãy tưới đủ nước để một số còn róc ra từ đáy chậu.
  • Mỗi tuần một lần cho 3-4 viên đá vào chậu. Không được cho nhiều hơn một viên đá vào cây có kích thước nhỏ hơn 15 cm trong một tuần.
  • Nước đặc biệt quan trọng đối với loài lan phalaenopsis, bởi vì chúng không có cơ quan (củ bẹ) để trữ nước. Đừng để phalaenopsis bị khô hoàn toàn. Tưới nước kỹ lưỡng, và không tưới lại cho đến khi cả chậu gần khô. Không được để nước đọng trên lá hoặc ở nách lá, như vậy có thể dễ dàng dẫn đến sâu bệnh và chết cây.

Cảnh báo[sửa]

  • Những loại bệnh phổ biến ở phong lan bao gồm đốm lá, bạc màu cánh hoa, và các loại nấm khác như bệnh thối đen. Một vấn đề phổ biến nữa là cây không ra hoa, thường là do điều kiện phát triển kém, đặc biệt là không đủ ánh sáng và/hoặc phân bón.
  • Các loại sâu bọ thường gặp gồm có rệp sáp, nhện đỏ, rệp son và bọ trĩ. Rệp son thường bám vào mặt dưới của lá, cây bị nhiễm nặng cần được loại bỏ.
  • Bắt hết rệp son và sau đó phòng chống cho các giai đoạn còn non bằng phun hóa chất có thể cứu được các cây bị nhiễm nhẹ. Ốc sên có thể ăn chồi, hoa, lá và cuống mềm.
  • Hoa lan dễ nhiễm một số vấn đề sâu bệnh.
  • Virus hiện nay là một vấn đề không có cách cứu chữa và có thể khó phân biệt với nhiễm nấm. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu không chắc chắn. Nếu cây lan của bạn bị nhiễm virus, hãy vứt bỏ nó ngay lập tức và khử trùng kỹ lưỡng chậu trồng nếu bạn có ý định tái sử dụng nó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này