Thay chậu cho hoa lan

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có thấy những đóa hoa lan ẩn chứa một điều gì đó thật kỳ diệu không? Những cuống hoa tao nhã và cánh hoa lộng lẫy quả là hài hòa với khu rừng cổ xưa, nhưng chúng cũng có thể sinh trưởng tốt khi trồng trong nhà mà không cần chăm sóc nhiều. Việc thay chậu cho hoa lan sẽ giúp bộ rễ không bị chen chúc để hoa có thể tiếp tục khoe sắc trong những năm tiếp theo. Bạn hãy học cách xác định thời điểm cây lan cần thay chậu và cách chuyển cây sang chậu mới mà không làm hỏng bộ rễ.

Các bước[sửa]

Tìm hiểu cây lan của bạn[sửa]

  1. Xác định thời điểm cần thay chậu. Thời điểm lý tưởng để thay chậu cho lan là ngay sau khi kết thúc đợt nở hoa và cây bắt đầu mọc chồi mới.[1] Tuy nhiên, bạn không cần phải thay chậu sau mỗi lần như vậy; công việc này chỉ nên thực hiện không nhiều hơn 18-24 tháng một lần. Nếu bạn không biết chắc lần thay chậu gần nhất là bao giờ và có vẻ như cây phát triển quá lớn so với chậu thì có lẽ đã quá ngày cần thay chậu. Bạn hãy chú ý các dấu hiệu sau đây để biết đã đến lúc cần thay chậu cho cây chưa:
    • Nhiều rễ cây mọc đâm ra ngoài chậu. Nếu bạn nhìn thấy rễ cây – không chỉ một hay hai sợi – thò ra khỏi chậu thì nghĩa là cây lan của bạn cần nhiều không gian hơn, và đã đến lúc bạn cần thay chậu lớn hơn cho nó.
    • Một số sợi rễ bị thối rữa. Nếu thấy rễ cây sũng nước và giá thể (vật liệu trồng cây) không còn khả năng thoát nước tốt, bạn sẽ phải thay chậu mới cho lan.
    • Cây mọc vượt ra khỏi thành chậu. Nếu những nhánh cây mọc kềnh càng vươn ra khỏi thành chậu thì nghĩa là nó đang cần nhiều không gian hơn.
  2. Không thay chậu cho lan trừ khi thực sự cần thiết. Việc quá hăng hái thay chậu có thể làm tổn hại chu kỳ sinh trưởng của cây. Chỉ nên thay chậu khi cây có biểu hiện rõ rệt các triệu chứng trên. Nếu thấy cây vẫn phát triển khỏe mạnh và vừa với chậu đang trồng, bạn hãy lùi lại thời điểm thay chậu một năm nữa. Cây mọc hơi chật chội một chút còn hơn là thay chậu quá sớm.[1]
  3. Tìm loại giá thể thích hợp. Khi bạn đã biết thời điểm cần thay chậu cho lan, một việc quan trọng nữa là xác định loại giá thể trồng lan. Nhiều loài lan trồng trong nhà là thực vật biểu sinh (sống trên loài thực vật khác) hơn là mọc trên mặt đất, tức là chúng không sinh trưởng trên đất.[2] Các loài lan này sẽ chết nếu bạn trồng xuống đất thông thường.
    • Hỗn hợp vỏ cây linh sam, rêu nước, than củi và xơ dừa là giá thể thích hợp cho nhiều loài lan. Các loài lan thông dụng nhất sẽ phát triển tốt trong hỗn hợp sau:[3]
      • 4 phần vỏ cây linh sam hoặc xơ dừa
      • 1 phần than củi
      • 1 phần đá trân châu
    • Nếu không biết chính xác cây lan của bạn thuộc loại gì, bạn có thể mua hỗn hợp trồng lan đóng gói sẵn là an toàn nhất cho loài lan biểu sinh. Hỗn hợp này có bán tại nhiều vườn ươm và các trung tâm làm vườn.
    • Nếu trồng địa lan (cây sống trên đất), bạn sẽ cần loại đất tơi xốp và giữ nước tốt. Đất trồng lan cần có tỷ lệ cao đá trân châu và vỏ bào.[4] Hỏi vườn ươm về hỗn hợp đặc thù thích hợp với giống lan của bạn.
  4. Xác định kích cỡ chậu cần dùng. Khi thay chậu cho lan, bạn cần chậu to hơn chậu cũ chỉ khoảng 2,5 cm. Cây cần không gian lớn hơn, nhưng không nên quá rộng – nếu không, cây lan sẽ tập trung vào phát triển rễ và không ra hoa trong nhiều tháng sau. Bạn có thể dùng chậu nhựa, chậu đất sét hoặc gốm phù hợp với kích thước của cây lan.
    • Đảm bảo chậu mới phải có lỗ thoát nước. Nếu chậu không thoát nước tốt, cây lan sẽ bị thối rữa.[1]
    • Một số loài lan có bộ rễ có khả năng quang hợp. Nếu trồng lan hồ điệp, bạn nên cân nhắc dùng chậu thủy tinh hoặc chậu nhựa trong để ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua.
    • Nếu định chọn chậu lớn hơn, bạn có thể lót thêm các mảnh vụn đất nung xuống đáy chậu. Như vậy hỗn hợp giá thể ở giữa chậu vốn thường ẩm ướt sẽ thoát nước hiệu quả hơn.

Chuẩn bị giá thể trồng cây[sửa]

  1. Đong lượng giá thể cần thiết cho vào xô hoặc bát to. Đổ hỗn hợp vào chậu mới, sau đó đặt vào một chiếc chậu khác lớn gấp hai lần chậu trồng cây. Để chuẩn bị giá thể trồng lan, bạn sẽ phải ngâm nước một đêm. Việc này sẽ giúp giữ đủ độ ẩm để cung cấp cho cây lan.[5]
  2. Ngâm hỗn hợp giá thể với nước nóng. Tiếp đó đổ nước nóng đầy xô đựng giá thể. Không dùng nước lạnh, vì hỗn hợp giá thể sẽ không hấp thụ tốt. Đảm bảo giá thể phải ở nhiệt độ phòng trước khi trồng lại cây vào chậu.
  3. Lọc hỗn hợp giá thể. Bạn có thể dùng rây làm bếp (sau đó cần rửa kỹ) hoặc một mảnh vải thưa để lọc. Lọc hết nước sao cho chỉ còn lại giá thể ướt. Xả lại nước ấm để loại bỏ bụi đất.
  4. Nhấc cây lan ra khỏi chậu cũ. Cẩn thận nhấc cây lan ra, tách riêng từng sợi rễ. Nếu rễ cây còn kẹt trong chậu, bạn hãy dùng kéo hoặc dao đã khử trùng để cắt. Điều quan trọng là dụng cụ phải thật sạch, vì hoa lan thường dễ bị bệnh.
    • Bạn có thể khử trùng dụng cụ cắt cây bằng cách xoa cồn tẩy rửa.
  5. Loại bỏ giá thể cũ và rễ đã chết. Dùng tay và kéo sạch để cắt tỉa rễ. Bỏ hết giá thể cũ - than củi, vỏ bào, rêu và những thứ tương tự. Dùng kéo cắt hết các rễ bị thối rữa, cẩn thận kẻo làm hỏng các phần khỏe mạnh của cây.
    • Các rễ mềm và rũ có lẽ đã chết, do đó bạn nên loại bỏ.
    • Dùng ngón tay tách từng sợi rễ để gỡ rối.
  6. Chuẩn bị chậu mới. Nếu dùng chậu đã từng trồng cây trước đó, bạn cần rửa sạch bằng nước sôi để khử chất độc và tiêu diệt các mầm bệnh tiềm tàng. Nếu chậu rộng và sâu, bạn nên lót một lớp vụn đất nung hoặc hạt xốp đóng gói để giúp tăng độ thoát nước. Nếu bạn dùng chậu nông thì không cần bước này.

Thay chậu cho cây lan[sửa]

  1. Đặt cây vào chậu mới. Đặt phần rễ ra trước hướng xuống dưới đáy chậu, phần rễ mới hướng về thành chậu, nơi có nhiều không gian cho rễ mọc. Phần rễ phía trên đặt ngang với độ sâu như ở chậu cũ. Như vậy nghĩa là chồi mới của cây ở trên mặt chậu, và phần lớn bộ rễ nằm bên dưới.
  2. Nhấn hỗn hợp giá thể vào chậu. Rải hỗn hợp giá thể xung quanh bộ rễ. Lắc chậu và vỗ vào thành chậu để hỗn hợp giá thể lắng chặt xung quanh bộ rễ, dùng tay ấn nhẹ để khỏi làm tổn hại rễ cây. Đảm bảo không có túi khí lớn nào. Phần rễ cây không được lấp kín sẽ không thể phát triển khỏe mạnh.
    • Bạn nên rải hỗn hợp giá thể dần dần từng ít một. Dùng tay ấn nhẹ xung quanh bộ rễ, sau đó rải thêm và cứ thế tiếp tục.
    • Tiếp tục như vậy cho đến khi cho giá thể vào đầy chậu.
  3. Đảm bảo cây có thể đứng thẳng khi thay chậu xong. Cắm cọc để chống cho cây đứng thẳng hoặc kẹp và thành chậu sao cho cây không bị ngã đổ hoặc mọc xiêu vẹo.
  4. Tiếp tục chăm sóc hoa lan như trước. Đặt cây lan ở nơi có nhiệt độ vừa phải và dưới bóng râm một phần.

Lời khuyên[sửa]

  • Phủ báo cũ hoặc vải nhựa lên chỗ làm việc.
  • Nếu thấy khó nhấc cây ra khỏi chậu, bạn có thể cân nhắc đập vỡ chậu.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn chọn chậu có lỗ thoát nước dưới đáy. Nếu nước đọng lại và bị úng, rễ cây có thể bị thối rữa.
  • Không ngẫu hứng thay giá thể của cây lan. Nếu bạn nghĩ rằng một loại giá thể nào đó tốt hơn cho cây, hãy tìm hiểu và chờ đến lúc thích hợp hẵng thay chậu.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Chậu
  • Giá thể trồng lan
  • Nước
  • Dao
  • Dụng cụ cắt tỉa cây
  • Hạt xốp đóng gói hoặc vụn đất nung
  • Kẹp cây và cọc

Nguồn và Trích dẫn[sửa]