Chăm sóc cua ẩn sĩ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cua ẩn sĩ (còn được gọi là ốc mượn hồn) là loài thú cưng rất tuyệt vời. Tuy không nũng nịu như cún con nhưng bước vào thế giới thú vị của ốc mượn hồn, bọn trẻ sẽ học được cách chăm sóc cho một sinh vật sống. Bài viết này sẽ giúp bạn biết thêm về điều kiện sống và chăm sóc loài cua kí cư này.

Các bước[sửa]

Chuẩn Bị 'Crabitat'[sửa]

  1. Hãy chọn bể kính có kích thước phù hợp để làm “crabitat”. “Crabitat” là thuật ngữ dùng để chỉ môi trường nuôi nhốt nhân tạo của cua kí cư. Bể có dung tích 40 hoặc 80 lít là thích hợp cho hai đến bốn chú cua nhỏ. Cua ẩn sĩ là loài sống cộng đồng nên phải có ít nhất một con nữa để tương tác với nó. Một ngôi nhà phù hợp là nơi vừa có thể giữ ẩm vừa có không khí lưu thông. Hồ cá, bể nuôi bò sát hoặc bạn có thể tận dụng bể chứa nước cũ hỏng trên sân thượng. Ngoài ra hồ mica hay thùng nhựa trong cũng phù hợp vì chúng giữ ẩm và nhiệt rất tốt.
  2. Đảm bảo độ ẩm cần thiết cho bể nuôi. Nên trang bị ẩm kế và nhiệt kế cho bể. Chúng sẽ giúp bạn giám sát và duy trì nhiệt độ tốt nhất (24-28°C và độ ẩm tương đối 75-85%). Ốc mượn hồn có vảy và thở qua lớp vảy này khi được làm ẩm, nếu vảy bị khô, chúng sẽ không hô hấp được vì vậy môi trường sống phải có độ ẩm nhất định ít nhất là 75%. Nếu độ ẩm quá thấp, dưới 70% ốc sẽ bị ngộp thở và chết dần qua nhiều tuần, nhiều tháng.
    • Bỏ thêm rong rêu vào bể nuôi là cách để tăng độ ẩm tự nhiên. Rêu vừa giúp giữ ẩm, vừa là thức ăn cho cua. Bạn có thể mua bọt biển xốp bởi chúng giúp giữ ẩm khá tốt. Nhưng bọt biển rất mau dơ, bạn nên thay chúng thường xuyên mỗi hai hay ba tuần.
  3. Đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho bể nuôi. Cua ẩn sĩ là loài động vật nhiệt đới nên chúng thích nghi rất tốt trong môi trường ấm. Giới hạn nhiệt tiêu chuẩn của chúng là 24-29°C. Sự tổn thương về nhiệt đối với loài vật cảnh là không thể hồi phục, nhiệt độ quá thấp sẽ làm chậm sự trao đổi chất của chúng. Bạn nên gắn một máy sưởi ở đằng sau bể để duy trì nhiệt độ và độ ẩm. Nếu bể nuôi thiết kế không đúng cách có thể khiến cua trở nên lờ đờ và thụ động, rụng chân, rụng càng và cuối cùng là chết.
  4. Chuẩn bị chất nền. Chất nền là lớp vật chất bạn rải trên sàn bể. Bạn chỉ nên dùng loại cát cỡ viên đường vì cát mịn hơn có thể lọt vào trong vỏ ốc khi chúng di chuyển và gây hậu quả khôn lường. Sử dụng nước muối đã khử clo để làm ướt chất nền và tạo thành một khối "lâu đài cát" nhất quán. Bạn cũng có thể dùng xơ dừa nén (có bán ở các cửa hàng thủy sinh). Xơ dừa xới cho tơi sau đó rải nước muối lên vừa cung cấp được độ ẩm vừa ngăn chặn được nấm, mốc. Không nên sử dụng sỏi trang trí hồ cá (cua không thể đào hang được) và cát canxi (có thể kết thành khối cứng và gây mùi hôi). Lớp nền của bể nên dày hơn từ 3-5 lần chiều cao của ốc mượn hồn và phải là loại vật liệu thích hợp để cua có thể dễ dàng đào hang, xây động nhằm giảm stress, ẩn náu và lột xác.
    • Nhiều con cua ẩn sĩ lại thích chui vào đám rong rêu ẩm ướt, thậm chí là lột xác trong đó.(không phải rêu Tây Ban Nha hay rêu nhựa - loại để trang trí!)
  5. Giữ cho lớp nền sạch sẽ. Chất nền dơ có thể sản sinh nấm mốc gây hại. Bạn nên thay nền bể 6 tháng một lần. Tuy nhiên, mỗi tháng chúng ta cần kiểm tra xem liệu chất nền có bị nấm mốc, kiến hay mạt phá hoại không. Nếu phát hiện điều bất thường bạn phải thay nền ngay. Bạn có thể "làm sạch theo điểm", tức là chỉ cần dọn phân hay thức ăn thừa mà chú cua làm vương vãi trên nền bể. Không nên vệ sinh bể khi ốc mượn hồn đang trong quá trình lột xác (lúc này chúng sẽ chui xuống cát và ngoi lên sau khi đã hoàn tất việc đổi "nhà"). Khi cua ẩn sĩ lột xác, chúng trở nên rất yếu, vì thế đừng di chuyển chúng trong giai đoạn này.
    • Nếu bạn muốn hoàn hảo hơn nữa, bạn có thể khử trùng cát nền trong lò nướng. Đặt cát vào trong một cái chảo lớn (dùng riêng với chảo nấu ăn để đảm bảo vệ sinh!) và nướng trong lò ở nhiệt độ 120°C trong khoảng 2 tiếng.
    • Mỗi hai đến ba tuần một lần, đun sôi tất cả vỏ ốc và vỏ sò trong bể với nước muối khử clo để đảm bảo vi khuẩn và nấm mốc không sản sinh và gây hại đến cua. Để chúng nguội trước khi đặt lại vào bể nuôi.
  6. Mua đồ chơi cho lũ cua. Cua ẩn sĩ là những “vận động viên leo núi chuyên nghiệp”. Trên thực tế ngoài đời sống hoang dã chúng vẫn thường phải leo lên những tảng đá lớn nhô lên khi thủy triều xuống thấp để tìm kiếm thức ăn. Thỉnh thoảng ốc mượn hồn còn được gọi là "cua cây" vì trên cạn chúng có thể leo lên cây để ăn côn trùng và thực vật. Không nên mua đồ chơi được sơn tránh trường hợp lớp sơn bị bong tróc và cua vô tình nuốt phải sẽ gây nguy hại đến đường ruột. Một số đồ chơi bạn có thể mua:
    • Đồ chơi leo núi là thứ không thể thiếu. Những thứ như khúc gỗ mơ hay gốc cây rất được ưa chuộng, vì gỗ mơ không có chất độc và có nhiều lỗ để lũ cua ẩn sĩ tha hồ bám vào. Bạn có thể đặt nó trong gốc bể, chỉ cần chắc chắn là cua không thể trèo ra ngoài theo lối đó. Ngoài gỗ mơ còn có khối lego và lưới sợi gai dầu, tất cả đều có bán ở cửa hàng sinh vật cảnh.
    • Đồ chơi tự nhiên: Đá và vỏ sò. Rải những thứ có thể dễ dàng tìm được ngoài bãi biển này xung quanh bể sẽ góp phần làm crabitat của bạn trở nên vô cùng sinh động. Ngoài ra ốc mượn hồn cũng có thể ăn vỏ sò. Đừng quên đun sôi tất cả để khử trùng trước khi đặt chúng vào bể cua.
    • Đồ chơi nhựa: Cây nhựa dành cho bò sát cũng phù hợp để cua có thể leo trèo hay trốn vào, nhưng bạn đừng quên đóng nắp hộp nếu không cua sẽ bỏ trốn đi lang thang và chết. Đảm bảo rằng chúng không ăn phải nhựa, nếu có bạn phải loại bỏ ngay càng sớm càng tốt.
    • Đừng bao giờ sử dụng “gỗ thông chẻ đôi” - loại dành cho bò sát vì trong gỗ thông có chất kích thích có thể khiến cua nhiễm độc.
  7. Chuẩn bị cho bầy cua của bạn chỗ trú ẩn. Cua ẩn sĩ cũng như những loài động vật khác, chúng sẽ lẩn trốn khi cảm thấy bị đe dọa. Bạn có thể lấy vỏ dừa, chậu hoa cũ, vỏ sò lớn, v.v… ước lượng làm sao để cua không bị kẹt và hoặc có thể dễ dàng đào nó lên.
  8. Thêm một số loại thực vật sống vào bể của bạn. Cây cảnh là yếu tố không thể thiếu. Cụ thể như cây tre (trừ loại tre phát tài hay còn gọi là "tre may mắn"), cây bắt côn trùng (cây không khí) và cây nhện là những loại cây an toàn. Tuy nhiên cua có thể sẽ ăn chúng bất cứ lúc nào nên bạn nên trồng đến khi cứng cáp hãy đặt vào trong bể.
  9. Cung cấp nước cho ốc mượn hồn. Tất cả các loài ốc mượn hồn đều rất cần nước sạch và nước muối. Bạn nên chuẩn bị hai dĩa nước này vì bầy cua cần cân bằng độ mặn trong vỏ; dĩa nước phải vừa đủ sâu để cua có thể ngâm vỏ (cua C.Perlatus rất thích ngâm mình trong nước). Hãy thiết kế một vùng nước dốc, từ cạn đến sâu, xung quanh có đá hoặc cái gì đó để cua có thể bám vào. Đừng dùng nhựa vì nó khá trơn và cua sẽ gặp khó khăn khi leo dốc.
    • Nếu bạn nuôi một chú cua ẩn sĩ lớn và con còn lại nhỏ hơn thì bạn có thể đặt thêm những hòn đá nhỏ hay một miếng bọt biển tự nhiên trong dĩa nước để dĩa nước đủ sâu cho con cua lớn ngâm mình đồng thời chú cua nhỏ cũng không bị kẹt và chết đuối.
    • Bạn có thể mua nước muối bể cá loại dành cho cá biển (không phải cá nước ngọt). Không nên dùng muối ăn vì các chất chống đông cứng trong đó sẽ gây hại đến cua. Một số nhãn hiệu muối dành cho cua ẩn sĩ lại chính là muối ăn cho nên khi bạn pha nước muối sẽ không có độ mặn đúng. Hãy sử dụng những thương hiệu uy tín chuyên dụng như Instant Ocean, Oceanic, v.v…
  10. Đảm bảo nước đã được khử clo. Trong nước máy có một số chất như chlorine, chloramine và kim loại nặng có thể làm cơ thể ốc mượn hồn bị sưng phồng (dẫn đến đột tử do ngạt thở bất thường). Chưng cất nước sẽ loại bỏ được chlorine nhưng vẫn còn lại chất chloramine, vì thế nếu sử dụng nước máy bạn cần phải kết hợp với máy xử lý nước.
    • Bạn có thể sử dụng nước suối để thay thế nước máy nếu không có điều kiện xử lí. Tuy nhiên hãy chắc chắn là không có gì khác ngoài nước suối. Chẳng hạn nước Dasani có chứa magnesium sulfate (còn gọi là muối Epsom) "để tăng hương vị ", và điều này không tốt cho cua.

Chăm sóc Cua[sửa]

  1. Có rất nhiều loài cua ẩn sĩ bạn có thể mua. Ở Mỹ có sáu loại ốc mượn hồn được bán. Đa số thuộc chi Coenobita. Loài Purple Pincher là dễ nuôi nhất với người mới chơi vì chúng không đòi hỏi quá nhiều chi tiết và sự chăm sóc tỉ mỉ.
    • Loại phổ biến nhất hiện có là Caribbean (Coenobita clypeatus) hay còn gọi là "PP", là viết tắt của từ “purple pincher”. Sở dĩ có tên gọi này là vì chúng có những mảng màu tím trên cơ thể và được tìm thấy lần đầu trên quần đảo Caribbean. Nếu bạn đến một cửa hàng, nhiều khả năng chú cua ẩn sĩ đầu tiên mà bạn thấy là một trong những anh bạn này. Ngoài ra còn có một số loại khác như Rugosus gọi tắt là "Rug" hay "Ruggy" (rugosus), Strawberry (perlatus), Ecuadorian hay "E" (compressus), Cavipe hay "Cav" (cavipes), Komurasaki "Viola" (violascens), Indonesian hay "Indo" (brevimanus).
  2. Cầm chúng thật cẩn thận. Khi mới bắt đầu bạn nên kiên nhẫn với chú cua ẩn sĩ đầu tiên của mình vì nó phải mất ít lâu mới có thể thích nghi với nhà mới. Để yên cua trong bể vài ngày. Khi nào bạn đi ngang qua mà chú cua không rúc vào trong vỏ nữa thì đã đến lúc để chọn một ngày đẹp trời và làm quen với nó. Cầm cua trên tay, để nó tự khám phá và cảm thấy thoải mái với tay của bạn.
    • Một khi mang ốc mượn hồn về nhà chúng sẽ trải qua giai đoạn "căng thẳng" vài ngày có khi đến vài tháng. Trong khoảng thời gian này bạn cần thay thức ăn nước uống thường xuyên và tránh làm phiền chúng. Thậm chí kể cả người chơi cua ẩn sĩ nhiều kinh nghiệm có khi cũng không thể giúp chú cua của mình vượt qua giai đoạn đó, đành nhìn chúng chống chọi với hội chứng Post Purchase Stress (Không quen nơi ở mới), và chết.
  3. Cua ẩn sĩ cần trải qua quá trình lột xác và thay vỏ. Nếu cua của bạn chui xuống dưới nền vài tuần cũng đừng lo lắng. Miễn là không có mùi như cá chết... thì mọi thứ vẫn ổn. Thời gian này bạn không nên quấy nhiễu vì chúng cần được ở một mình nếu không sẽ chết vì căng thẳng. Thường thì sau một thời gian khi cơ thể cua bắt đầu to lớn, bộ xương ngoài bắt đầu chật chội, ốc mượn hồn cần lột xác cũng giống như việc rắn lột da. Tuy nhiên bạn cũng đừng vứt bộ xương cũ đi! Chúng cần ăn lại nó để làm cứng xương ngoài mới của mình.
    • Nếu một con trong số ốc mượn hồn của bạn bị ốm, đừng hoảng sợ. Giữ nó trong bể cách ly với đầy đủ chất nền, nước và thức ăn. Nếu chú cua hành động như thể bị ốm thì có thể là nó sắp lột xác. Bể cách ly này cũng cần được thiết kế với nhiệt độ và độ ẩm thích hợp như đã nói ở trên.
  4. Chuẩn bị vỏ mới cho cua. Khi chúng lớn, hẳn là phải có một cái vỏ đủ to. Luôn để sẵn nhiều vỏ với kích thước tương tự những con cua của bạn rải rác khắp bể. Điều này rất quan trọng. Thỉnh thoảng một tháng hoặc lâu hơn, thay đổi các vỏ khác với phong cách và màu sắc khác nhau.
    • Cua Purple Pincher thích vỏ với lỗ tròn hơn là lỗ bầu dục. Còn đối với ốc mượn hồn Ecuadorian thì thích vỏ có lỗ bầu dục hơn vì chúng có bụng hơi phẳng.
    • Đừng bao giờ mua vỏ sơn màu! Cho dù nhà sản xuất có nói là chúng an toàn nhưng sơn vẫn có thể bong ra và cua sẽ ngộ độc nếu nuốt phải. Nhiều con cua thích chọn vỏ "tự nhiên" hơn là vỏ nhân tạo dù chiếc vỏ tự nhiên không vừa với nó. Xem mục 'Cảnh báo' để biết thêm những loại vỏ cần tránh đặt vào bể nuôi.
  5. Cung cấp một chế độ ăn uống đều đặn và đa dạng. Cua ẩn sĩ được mệnh danh là “lao công của thiên nhiên” vì chúng ăn hầu như mọi thứ. Cẩn thận vì một số thức ăn có chất bảo quản và đồng sunfat có thể gây hại cho cua của bạn. Đừng cho chúng ăn bất cứ thứ gì cay, nóng hoặc có chất bảo quản trong đó.
    • Ốc mượn hồn thích thịt thăn, tôm tươi, tôm khô, trùn huyết, hải sản v.v… Bạn có thể mua chúng ở cửa hàng tạp hóa hoặc nơi bán đồ câu cá tại địa phương.
    • Nếu bạn nấu ăn hãy để dành cho chúng một miếng thịt bò hay thịt gà, không tẩm ướp mà chỉ nướng sơ qua. Nếu không thì cua ẩn sĩ cũng ăn được thịt sống.
    • Nếu bạn có hơn hai mươi chú cua, hãy cho chúng ăn đầu cá. Thường thì những người bán cá ngoài chợ sẽ vui vẻ cho bạn một ít đầu cá vì trước sau gì họ cũng bỏ đi (trừ đầu cá to như cá hồi). Đặt lũ ốc mượn hồn vào một cái bể lớn hay một hộp nhựa (sạch, không có nắp hoặc nắp có lỗ THẬT TO), đổ đầu cá vào, cho thêm một bát nước và để yên vài giờ cho chúng thưởng thức. Hẳn là bạn không muốn làm việc này thường xuyên vì mùi cá rất tanh, nhưng ngược lại, bầy cua rất thích thú và chúng sẽ yêu bạn hơn vì điều đó.
  6. Biết những loại trái cây và rau củ mà cua ẩn sĩ thích. Bên cạnh thịt, cua ẩn sĩ còn rất thích ăn rau, củ, quả và các loại rác thải hữu cơ khác (vì chúng là những nhân vật thu dọn tàn cuộc). Nhớ thay thức ăn cho chúng mỗi ngày hoặc vào cuối ngày vì lũ cua rất thích chôn thức ăn thừa của mình và điều này sẽ gây lộn xộn, phát sinh nấm mốc.
    • Cua ẩn sĩ thích trái cây tươi như dứa, táo, lê, nho, dưa hấu, xoài, đu đủ, dâu tây, chuối, v.v… Bạn nên rửa sạch trái cây trước khi cắt để tránh thuốc trừ sâu.
    • Đặc biệt cua ẩn sĩ sẽ điên đảo khi thấy cơm dừa bào.
    • Ốc mượn hồn cũng ăn bơ đậu phộng tự nhiên trên bánh mì nướng, trứng luộc, vỏ trứng (luộc), bỏng ngô (đơn giản, không muối, không bơ).
    • Tránh bất kì loài thực vật nào thuộc họ Hành (hành, tỏi, v.v…)
  7. Chơi với chúng. Đa số cua ẩn sĩ rất thích được chú ý. Khi chúng thức dậy hãy cẩn thận mang chúng ra khỏi bể. Chơi như thế nào? Chính là leo trèo! Để chúng bò trên khắp áo bạn khi đang xem tivi hay cho chúng bò trên cả hai bàn tay (như một máy chạy bộ dành cho cua). Điều quan trọng là bạn phải cẩn thận không để ốc mượn hồn bị rơi, và đừng để chúng ra khỏi bể quá lâu vì độ ẩm không phù hợp. Rơi từ độ cao 1 m có thể gây tử vong, chính vì sợ bị ngã nên chúng có thể sẽ phản xạ bằng cách kẹp bạn. Giữ cua ẩn sĩ ở một tư thế an toàn và bạn sẽ không bị kẹp.
    • Nhớ rằng lũ cua rất cần độ ẩm. Độ ẩm trong nhà điển hình chỉ khoảng 40% và thậm chí thấp hơn khi sử dụng máy lạnh. Khi giữ một con cua trong độ ẩm thấp, nó sẽ cảm thấy tương tự cảm giác khi chúng ta khi nín thở quá lâu.
  8. Cẩn thận vì cua ẩn sĩ có thể kẹp. Ngoài việc tự vệ, chúng có thể kẹp chẳng vì lí do gì, vì thế hãy phòng thủ. Khi bị kẹp, đừng cố làm chúng thả ra bằng cách phun sương hay để dưới vòi nước đang chảy vì như thế càng làm nó kẹp mạnh hơn. Luôn cẩn thận khi cầm chú ốc mượn hồn. Bạn có thể hạn chế việc bị kẹp bằng cách duỗi bàn tay thẳng và căng để cua không có (nhiều) da để kẹp.

Lời khuyên[sửa]

  • Không nên làm ồn hay gây tiếng động lớn khi cầm chú cua vì điều đó có thể làm nó bị căng thẳng.
  • Nhận nuôi hoặc mua cua trông có vẻ sinh động chứ không lừ đừ. Những con như vậy thường có thể bị bệnh. Tuy nhiên một số chú cua chỉ là bị căng thẳng hay nhút nhát lúc đầu chứ không hẳn là ốm.
  • Nếu bạn ngửi thấy mùi lạ như mùi cá chết thì có thể là có cua chết. Nhưng trước khi tìm kiếm thì hãy nghĩ đến nguyên nhân. Gần đây bạn có cho chúng ăn hải sản sống không? Có khi đến cả tháng sau thức ăn vẫn còn lại đâu đó trong bể. Lũ cua ẩn sĩ rất thích chôn thức ăn. Đó là lý do bạn cần phải thay nền bể mỗi tháng một lần hoặc lâu hơn (trừ khi đó là khoảng thời gian cua lột xác).
  • Nếu một chú cua ẩn sĩ kẹp bạn, điều đó không có nghĩa nó ghét bạn mà chỉ đơn giản nó sợ té hoặc là đang đói bụng. Đặt nó trở lại và chờ một lúc sau hãy nhấc nó lên và nhớ là đừng lắc tay bạn nếu không sẽ làm chú cua cảm thấy sợ và kẹp mạnh hơn. Đảm bảo là nó có nhiều thức ăn trong bể. Đừng trừng phạt những anh bạn bé nhỏ này nếu lỡ bị kẹp vì chúng chỉ làm theo bản năng và không hiểu mình đang làm gì.
  • Cua ẩn sĩ không thể sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Chúng cần một khí hậu nhiệt đới và đại dương để sinh sản. Vì thế trừ khi bạn có một cái bể khổng lồ với thiết kế dành riêng cho mục đích này, nếu không bạn đừng nên hi vọng sẽ nhìn thấy một chú cua ẩn sĩ con.
  • Đừng cho ốc mượn hồn ăn gì nếu đang chuẩn bị lên xe đi một chặng dài. Chứng say xe có thể giết chết chúng.
  • Nếu con bạn có một chú ốc mượn hồn, hướng dẫn chúng đeo găng tay nếu sợ bị kẹp.
  • Nếu bạn cầm cua hãy để tay phía trên mặt bàn, điều này sẽ giúp anh bạn cua đỡ sợ và không véo bạn.
  • Nhúng cua vào nước tầm 1 phút sau đó để ráo nó trong 5 phút nếu như bạn muốn nó sạch hơn.
  • Nếu bạn thấy chú cua bắt đầu ít hoạt động và mắt chuyển sang màu trắng thì có nghĩa là nó sắp lột xác. Đặt nó vào một bể riêng nhưng phải ở một vị trí tốt và bạn cần dùng nước cất phun sương cho nó. Chờ khoảng một đến hai ngày và thú cưng của chúng ta sẽ ổn… Nhưng nên nhớ tuyệt đối không thổi hay chạm vào nó. Làn da mới rất nhạy cảm vì thế đừng chọc phá cho đến khi màu của nó bình thường trở lại. Quá trình này mất tầm một tháng.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn đang cân nhắc việc trang trí bể với gỗ mục, "nội thất" hay vật dụng bằng gỗ, hãy xem xét kĩ. Khá nhiều loại gỗ và cây độc với cua, như Tre May Mắn và cây thường xanh.
  • Cua ẩn sĩ. Vì là cua nên chúng có thể tạo ra một cú kẹp mạnh đầy đau đớn. Luôn để mắt đến lũ trẻ khi chúng cầm một con cua!
  • Đừng làm rơi cua vì nó có thể bị thương hoặc chết.
  • Nếu đội phòng chống côn trùng của địa phương đến nhà bạn định kỳ để xịt thuốc thì đừng để lũ cua bị xịt trúng. Mang chúng sang một phòng khác vài ngày và chèn khăn dưới cửa để ngăn chặn mùi hương. Tuy không phải là bọ hay côn trùng nhưng chúng cũng có họ hàng đủ gần để bị ảnh hưởng ít nhiều nên hãy cẩn thận.
  • Không nên dùng xà phòng để vệ sinh bể nuôi và đồ chơi! Sau khi lấy hết cua và cát ra, bạn có thể dùng dấm trắng để vừa xịt vừa chà rửa. Đun sôi đồ chơi, vỏ ốc (rỗng) và gỗ mơ trong nước muối (để ngăn chặn nấm mốc) và để chúng lên khăn cho ráo nước.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Bể kính hay bể nhựa.
  • Nắp đậy bể (thủy tinh hoặc nhựa).
  • Hai đĩa nước.
  • Nước suối và nước muối (không nên "pha" nước muối bằng muối ăn và nước máy vì lượng clo có thể gây hại đến lũ ốc mượn hồn vì thế nếu bạn có thể, hãy nhỏ thêm vài giọt dung dịch trung hòa nước.
  • Dĩa nước đủ to để cua có thể ngâm mình nhưng không quá sâu vì cua nhỏ có thể bị chết đuối (bạn có thể dùng vỏ sò để đựng nước cho cua nhỏ).
  • Nơi trú ẩn để cua có không gian ở một mình (bạn có thể cắt hình cánh cửa lên gáo dừa rồi úp xuống hoặc chôn nửa chậu hoa xuống cát và làm một chiếc cầu cho cua leo vào).
  • Vỏ dự phòng, ít nhất 3 cái (một nhỏ hơn, một gần bằng và một lớn hơn vỏ cua đang dùng một chút). Đừng sử dụng vỏ sơn vì như đã đề cập, sẽ gây hại cho cua nếu nuốt phải sơn vụn.
  • Chất nền (ít nhất dày 5 cm).
  • Dấm trắng (để rửa bể)(tùy chọn).
  • Thức ăn tươi sống (đồ ăn hộp có thể gây hại đến sức đề kháng của cua).
  • Thứ gì đó để leo (như gỗ mơ hay vài cây cầu nhỏ).
  • Dụng cụ xúc phân (có thể dùng muỗng nhựa).
  • Đồ chơi (mua ở cửa hàng thú y hoặc tiệm thú cưng).
  • Găng tay (chỉ phòng khi chúng kẹp! Hãy cẩn thận với càng của chúng).
  • Nhiệt kế và ẩm kế (dùng đo nhiệt độ và độ ẩm).
  • Máy sưởi bể (nếu nhiệt độ trong nhà bạn thấp hơn 23°C).

Liên kết đến đây