Chăm sóc mèo sau khi triệt sản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phẫu thuật triệt sản là tác vụ thường kỳ, nhưng bản chất vẫn là quá trình phẫu thuật. Nếu bạn lo lắng về việc làm sao để chăm sóc cho mèo cưng sau khi bị hoạn (mèo cái) hoặc thiến (mèo đực), thì đừng nên sợ hãi! Bạn đã tìm đúng nơi rồi đấy. Dưới đây là các bước mà bạn có thể thực hiện nhằm giúp mèo hồi phục sau phẫu thuật và quay trở lại đời sống khỏe mạnh, hoạt bát của loài mèo.

Các bước[sửa]

Tạo Không gian Phục hồi An toàn[sửa]

  1. Cung cấp không gian thoải mái yên tĩnh cho mèo. Chúng có thể cảm thấy buồn nôn và khó chịu trong vòng 18-24 giờ đầu tiên sau khi gây mê.[1] Có khả năng mèo sẽ táp vào người và động vật khác, vì vậy cung cấp không gian yên tĩnh và biệt lập để chúng nghỉ ngơi là điều rất quan trọng.[2]
    • Bạn cần đảm bảo vẫn có thể quan sát mèo khi chúng đang nghỉ. Chặn kín mọi vị trí khuất nguy hiểm cũng như những địa điểm mà bạn không thể tiếp cận dễ dàng được.
    • Giữ trẻ em và vật nuôi khác tránh xa con mèo. Chúng cần được nghỉ ngơi và hồi phục, và điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu nó liên tục bị gián đoạn hoặc làm phiền bởi tác nhân xung quanh.
  2. Tạo sự thoải mái cho mèo. Bạn nên chuẩn bị ổ nằm tiện nghi cho mèo ngủ. Nếu không có ổ, bạn có thể dùng gối mềm hoặc chăn lót vào trong hộp.
    • Nếu có thể, bạn nên đặt ổ của mèo ở khu vực có sàn gạch hoặc gỗ. Mèo thích làm mát phần bụng bằng cách duỗi thẳng người trên sàn cứng, mát, và điều này có thể giúp làm dịu vết mổ.[3]
  3. Điều chỉnh độ sáng ở mức thấp. Mèo sau khi gây mê thường nhạy cảm với ánh sáng. Bạn nên hạ bớt ánh đèn trong khu vực để ổ của mèo, hoặc tắt ánh sáng đi.[4]
    • Nếu không thể điều chỉnh ánh sáng, bạn có thể chọn loại giường có mái vòm để che bớt ánh đèn chói lên mèo.
  4. Đặt khay vệ sinh sạch sẽ cũng như thức ăn và nước uống gần chỗ nằm của mèo. Để hồi phục sau phẫu thuật, mèo không nên nhảy, leo trèo cầu thang, hoặc cố gắng vươn người dài ra để tìm kiếm đồ ăn.[1]
    • Không dùng đất vệ sinh thông thường ít nhất một tuần sau khi phẫu thuật. Loại đất này có thể lọt vào vết mổ và gây nhiễm trùng, đặc biệt là mèo đực. Bạn nên dùng giấy vụn hoặc giấy báo, đất vệ sinh làm bằng giấy vụn, hoặc gạo hạt dài đổ vào trong khay.[4]
  5. Giữ mèo trong nhà. Không cho mèo ra ngoài ít nhất hai tuần sau khi thiến hoặc hoạn. Bước này giúp vết mổ được sạch sẽ, khô ráo và không bị nhiễm trùng.[5]

Chăm sóc Mèo sau Phẫu thuật[sửa]

  1. Kiểm tra vết rạch của mèo. Việc quan sát vết rạch có thể giúp nắm bắt tình hình và theo dõi tiến trình. Nếu có thể, bạn nên đề nghị bác sĩ thú y cho bạn thấy vết mổ trước khi đưa mèo về nhà.[4] Bạn có thể chụp ảnh vết mổ vào ngày đầu tiên để tiện theo dõi.
    • Mèo cái và mèo đực có tinh hoàn không thụt vào trong bìu dái sẽ có vết rạch trên bụng. Hầu hết mèo đực có hai đường rạch nhỏ trên vùng bìu (dưới đuôi).
  2. Sử dụng vòng cổ "Elizabeth". Bác sĩ thú y có thể cung cấp loại vòng cổ này, hoặc bạn có thể mua ở cửa hàng vật nuôi tại địa phương. Đây là kiểu vòng cổ kéo dài qua mặt của mèo để nó không thể đụng vào vùng bị rạch.[6]
    • Loại vòng cổ này còn có tên gọi vòng cổ “bảo vệ”, “Vòng cổ E,” hoặc vòng cổ “hình nón”.
  3. Cung cấp đồ ăn nước uống cho mèo. Bạn có thể cho mèo uống nước trong đĩa cạn (hoặc đá cục) ngay khi chúng về nhà.[4] Bác sĩ thú y sẽ hướng dẫn cách cho ăn, và bạn nên làm đúng theo trình tự. Nếu không được chỉ dẫn, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
    • Nếu mèo có vẻ cảnh giác và phản ứng nhanh, bạn có thể cho chúng ăn một phần tư khẩu phần thức ăn bình thường khoảng 2-4 tiếng sau khi phẫu thuật.[7] Tuy nhiên, bạn không nên ép buộc mèo ăn hoặc uống nước.
    • Nếu mèo đủ sức ăn uống, bạn có thể cung cấp bữa ăn nhỏ trong 3-6 giờ. Lặp lại bước này cho đến khi con mèo đã ăn một phần đầy thức ăn, và sau đó tiếp tục lịch trình ăn uống bình thường của chúng.[7]
    • Nếu mèo nhỏ hơn 16 tuần tuổi, bạn nên cho chúng ăn bữa nhỏ (khoảng một nửa số lượng bình thường) ngay khi mang mèo về nhà và ổn định sau khi phẫu thuật.[4]
    • Nếu mèo con không ăn sau khi trở về nhà, bạn có thể xịt xi-rô lá phong hoặc ngô lên miếng bông hoặc tăm bông và chà xát lên nướu của chúng.[4]
    • Không cho mèo ăn thực phẩm “đặc biệt”, phần thưởng, hoặc đồ ăn vặt sau khi phẫu thuật. Dạ dày của chúng có thể cảm thấy khó chịu, vì vậy bạn nên giữ chế độ ăn uống của mèo càng đơn giản càng tốt.[5] Không cho mèo uống sữa vì dạ dày của chúng không thể tiêu hóa được.
  4. Để cho mèo nghỉ ngơi. Bạn không nên vuốt ve âu yếm hay chơi đùa với chúng ngay sau khi phẫu thuật. Điều này giúp cho mèo cảm thấy an toàn và được nghỉ ngơi.
  5. Tránh nhấc thân mèo lên trừ khi cần thiết. Bạn có thể dễ dàng làm rách vết mổ của mèo nếu bạn nâng lên hoặc di chuyển cơ thể của chúng quá nhiều. Đối với mèo đực, tránh gây áp lực lên phần bìu (dưới đuôi). Đối với mèo cái (và mèo đực đã phẫu thuật tinh hoàn không tụt vào trong bìu dái), tránh gây áp lực lên vùng bụng.
    • Nếu bạn cần phải nhấc mèo lên, hãy thử cách này: khum chân sau của mèo bằng một tay và dùng tay kia đỡ phần ngực ngay dưới chân trước. Nâng cơ thể của chúng lên thật nhẹ nhàng.[7]
  6. Hạn chế chuyển động của mèo. Trong những tuần tiếp theo sau khi phẫu thuật, bạn cần đảm bảo mèo không chạy nhảy lung tung, chơi đùa, hoặc di chuyển quá nhiều. Điều này có thể gây kích ứng hoặc nhiễm trùng vết mổ.[4]
    • Di chuyển cây cối, hàng rào, và đồ nội thất khác kích thích mèo nhảy lên đó.
    • Giữ mèo trong phòng nhỏ như phòng giặt hoặc phòng tắm, hay trong cũi hoặc thùng khi bạn không thể giám sát nó.
    • Cân nhắc mang mèo lên và xuống cầu thang. Chúng không có khả năng gây tổn hại vết mổ trong khi đi lên và xuống cầu thang, nhưng đây là biện pháp phòng ngừa hợp lý.
    • Bạn cần hiểu rằng mèo đang cảm thấy đau đớn cũng như những con vừa trải qua phẫu thuật có thể cố gắng trốn thoát. Bạn nên thận trọng trong việc giám sát mèo, đặc biệt là trong vòng 24-48 giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật.
  7. Tránh tắm cho mèo. Không nên tắm rửa cho chúng trong vòng 10-14 ngày sau khi phẫu thuật. Nếu không có thể gây kích ứng hay nhiễm trùng vết mổ.[4]
    • Nếu cần, bạn có thể vệ sinh xung quanh vết mổ bằng khăn ẩm (không dùng xà phòng), nhưng không để nước dính vào vết mổ. Không chà xát khu vực vết mổ.[6]
  8. Chỉ cho mèo dùng thuốc giảm đau nếu được bác sĩ thú y chỉ dẫn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho con mèo khi về nhà. Trong trường hợp đó, bạn cần cho mèo sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, ngày cả khi bạn không nhận thấy mèo đang cảm thấy đau đớn. Mèo là loài vật rất giỏi che đậy nỗi đau và không bao giờ thể hiện ra bên ngoài. Không bao giờ cho mèo uống bất kỳ loại thuốc nào nếu không được bác sĩ thú y kê toa.[4]
    • Thuốc dùng cho người, và thậm chí các loại thuốc dành cho loài động vật khác như chó, có thể làm chết mèo! Không cho chúng uống bất kỳ loại thuốc nào, thậm chí là thuốc bán sẵn ở quầy thuốc tây mà bác sĩ thú y chưa xác minh là thích hợp dùng cho mèo. Ngay cả một số loại thuốc như Tylenol có thể gây tử vong cho chúng.[6]
    • Không thoa bất kỳ sản phẩm nào lên vết mổ của mèo, bao gồm cả thuốc kháng sinh hoặc kem khử trùng, trừ khi bác sĩ thú y cho phép sử dụng.[1]

Theo dõi Tình trạng của Mèo[sửa]

  1. Quan sát dấu hiệu nôn mửa. Nếu mèo bị nôn sau khi ăn trong đêm về nhà sau khi phẫu thuật, bạn cần loại bỏ thức ăn ngay. Cho chúng ăn một lượng nhỏ vào sáng hôm sau. Nếu mèo bị nôn một lần nữa, hoặc tiêu chảy, bạn cần liên lạc với bác sĩ thú y.[4]
  2. Kiểm tra vết mổ mỗi buổi sáng và ban đêm. 7-10 ngày sau khi phẫu thuật, bạn nên kiểm tra chỗ rạch của mèo mỗi buổi sáng và buổi đêm. So sánh vết mổ ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật để xác định xem đã lành hay chưa. Liên lạc với bác sĩ thú y nếu bạn phát hiện những dấu hiệu sau đây:[7]
    • Đỏ tấy. Đường rạch ban đầu có thể có màu đỏ hồng hoặc đỏ sáng ở viền xung quanh. Màu đỏ này nên mờ dần theo thời gian. Nếu màu đỏ trở nên đậm hơn hoặc chuyển sang đen, hiện tượng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
    • Bầm tím. Một số vết bầm nhẹ chuyển từ màu đỏ sang màu tím khi lành là hoàn toàn bình thường. Nếu vết bầm lan rộng, tồi tệ hoặc nặng hơn, tuy nhiên, hoặc nếu vết bầm mới xuất hiện, bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
    • Sưng phồng. Xung quanh vết mổ sưng lên là một phần bình thường trong quá trình phục hồi, nhưng nếu vết sưng vẫn chưa xẹp xuống hoặc nặng hơn, bạn nên liên lạc với bác sĩ thú y.
    • Dịch tiết. Bạn có thể thấy lượng rất nhỏ chất dịch màu đỏ sáng xung quanh chỗ rạch khi mang mèo về nhà. Đây có thể là bình thường, nhưng nếu vết mổ tiết dịch hơn một ngày, lượng chất dịch ngày càng nhiều, có lẫn máu, dịch tiết màu xanh lá cây, vàng, trắng, có mùi hôi, thì bạn cần đưa mèo đi khám bác sĩ.
    • Các mép trên vết rạch hở ra. Ở mèo đực, vết rạch bìu sẽ hở, nhưng chỉ nên hở với diện tích nhỏ, và nên khép kín lại nhanh chóng. Mèo cái hay đực đã phẫu thuật phần bụng có thể có hoặc không có vết khâu rõ ràng. Nếu cơ thể mèo có hiện vết khâu, thì nên ở tình trạng nguyên vẹn. Nếu không có mũi khâu rõ rệt, mép vết thương có thể vẫn còn khép kín. Nếu vết mổ bắt đầu hở ra hoặc bạn nhận thấy bất cứ điều gì, bao gồm cả vật liệu khâu nhô ra khỏi vết thương, thì cần đưa mèo đến bác sĩ thú y ngay lập tức.
  3. Kiểm tra nướu răng của mèo. Bộ phận này nên có màu hồng nhạt hoặc đỏ. Khi ấn nhẹ vào nướu và thả ra, màu sắc nên trở lại nguyên vẹn nhanh chóng.[8] Trong trường hợp nướu răng có màu trắng bệch hoặc không trở lại màu sắc bình thường sau khi nhấn vào, thì bạn cần liên lạc với bác sĩ thú y.[2]
  4. Tìm dấu hiệu của cơn đau. Mèo thường không biểu hiện cảm giác đau như con người (hoặc thậm chí là chó). Bạn cần quan sát dấu hiệu khó chịu ở mèo. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu đau đớn, thì mèo cần được giúp đỡ và bạn nên gọi cho bác sĩ thú y. Dấu hiệu đau đớn thường gặp sau khi phẫu thuật ở mèo bao gồm:[9]
    • Ẩn nấp liên tục hoặc cố gắng trốn thoát
    • Trầm cảm hay thờ ơ
    • Chán ăn
    • Có tư thế gập người
    • Cơ bụng căng cứng
    • Gầm gừ
    • Rít lên
    • Lo âu hoặc lồng lên
  5. Theo dõi dấu hiệu cảnh báo khác. Bạn cần chắc chắn rằng mèo đang phục hồi bằng cách quan sát hành vi của nó. Bất cứ điều gì không có vẻ "bình thường" nên biến mất trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật. Nếu nhận thấy hành vi bất thường hoặc các triệu chứng ở mèo, bạn cần liên lạc với bác sĩ thú y ngay lập tức. Sau đây là những dấu hiệu cần chú ý:[4][7]
    • Ngủ lịm trong hơn 24 giờ sau khi phẫu thuật
    • Tiêu chảy
    • Ói mửa sau đêm đầu tiên
    • Sốt hoặc ớn lạnh
    • Chán ăn hơn 24-48 giờ sau khi phẫu thuật
    • Không ăn gì sau 24 giờ (đối với mèo trưởng thành) hoặc 12 giờ (đối với mèo con)
    • Tiểu tiện khó khăn hoặc đau đớn
    • Không đi ngoài hơn 24-48 giờ sau khi phẫu thuật
  6. Liên hệ với bác sĩ thú y cấp cứu. Trong hầu hết các trường hợp, việc liên hệ với bác sĩ thú y thông thường khi phát hiện vấn đề là đủ để giúp mèo hồi phục. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp cho mèo. Gọi bác sĩ cấp cứu hoặc bệnh viện thú y nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu sau đây ở mèo:
    • Bất tỉnh
    • Không phản ứng
    • Khó thở
    • Dấu hiệu đau đớn cùng cực
    • Trạng thái tinh thần bị biến đổi (mèo dường như không nhận ra bạn hay môi trường xung quanh, hoặc hành xử rất bất thường)
    • Bụng sưng phồng
    • Chảy máu
  7. Tiến hành các cuộc hẹn theo dõi. Mèo của bạn có thể không có vết khâu da (chỉ khâu hiện rõ). Tuy nhiên, nếu mèo có vết khâu da, bác sĩ thú y cần phải cắt bỏ trong 10-14 ngày sau khi phẫu thuật.
    • Ngay cả khi cơ thể mèo không có đường khâu, bạn vẫn nên tiếp tục đưa mèo đi khám theo khuyến cáo của bác sĩ.

Lời khuyên[sửa]

  • Giữ mèo tránh xa trẻ nhỏ trong ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật.
  • Sử dụng giấy in báo hoặc đất vệ sinh "không bụi" để dọn dẹp thuận tiện hơn.
  • Giữ mèo đực đã thiến tránh xa mèo cái bình thường ít nhất là 30 ngày sau khi phẫu thuật. Mèo đực vẫn có thể thụ thai cho mèo cái trong vòng 30 ngày sau khi triệt sản.[4]

Cảnh báo[sửa]

  • Không cho mèo ra ngoài ít nhất 7-10 ngày vì có thể làm tổn thương vết mổ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây