Chẩn đoán dịch tiết âm đạo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dịch tiết âm đạo là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ và hoàn toàn bình thường, cho thấy rằng “cô bé” đang hoạt động bình thường. Âm đạo có chất axit pH tự nhiên với chức năng bảo vệ tránh khỏi sự xâm nhập của vi sinh vật. Âm đạo khỏe mạnh thường xuyên tiết dịch để loại bỏ tế bào chết và vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng trong một số trường hợp, dịch tiết âm đạo có thể là dấu hiệu viêm nhiễm hoặc bệnh tật. Để duy trì sức khỏe vùng kín, bạn cần phân biệt điều gì là bình thường và bất thường trong dịch tiết.

Các bước[sửa]

Tự chẩn đoán dịch tiết âm đạo bình thường[sửa]

  1. Tìm hiểu chức năng của dịch tiết âm đạo. Âm đạo có đường dẫn đặc biệt chứa các tuyến sản xuất một lượng nhỏ chất dịch hằng ngày. Mục đích của quá trình này là để thu thập toàn bộ tế bào chết và mầm bệnh tiềm ẩn và loại bỏ chúng ra khỏi âm đạo. Ngoài ra, dịch tiết còn duy trì cân bằng vi khuẩn và nấm men bảo vệ khỏi tình trạng viêm nhiễm.
    • Nói cách khác, hầu hết dịch tiết âm đạo là tốt cho sức khỏe. Đây là vũ khí bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
    • Phụ nữ sẽ tiết dịch 80 phút một lần trong lúc ngủ. Đây là chức năng sinh lý bình thường (dương vật của nam giới cũng cương lên 80 phút một lần trong khi ngủ).
  2. Tìm hiểu dịch tiết âm đạo bình thường. Dịch tiết bình thường trong suốt hoặc trắng sữa và có mùi nhẹ. Dịch có thể ở dạng lỏng hoặc đặc hay nhầy, nhưng độ đặc phải mịn và không bị vón cục.[1]
    • Phụ nữ tiền mãn kinh có thể tiết lượng dịch thông thường mỗi ngày bằng 1 thìa nhỏ có màu trắng hoặc trong suốt.[2] Tuy nhiên, lượng dịch và đặc điểm của dịch tiết âm đạo của từng người có thể khác nhau.
  3. Tìm hiểu lý do thông thường khiến cho dịch tiết thay dổi. Có nhiều nguyên nhân làm cho dịch tiết âm đạo có dạng, mùi hoặc trông hơi khác thường. Nếu lo ngại về hiện tượng này, bạn nên đọc danh sách kiểm tra nhanh này để xem mình có đang hay đã gặp phải hiện tượng nào dưới đây hay không. Đây là những hiện tượng phổ biến nhưng hoàn toàn bình thường khiến cho dịch tiết thay đổi:
    • Rụng trứng: Trong thời điểm rụng trứng, lượng dịch tiết thường nhiều hơn. Dịch có màu trong suốt, đàn hồi, và trơn. Lý do là để tạo điều kiện cho tinh trùng dễ dàng vào bên trong và thụ tinh.[3]
    • Kinh nguyệt: Dịch tiết đặc và có màu trắng ngay trước và sau thời gian có kinh nguyệt.[2]
    • Mang thai và sau khi sinh: Phụ nữ mang thai thường hay có dịch tiết nhiều và độ đặc thay đổi. Hiện tượng này trở nên rõ ràng hơn trong vài tuần cuối trước khi lâm bồn, khi đó dịch tiết trở nên đặc và nhiều hơn. Sau khi sinh, người mẹ sẽ nhận thấy có dịch tiết với tên gọi “sản dịch.” Dịch này bao gồm máu, cục nhỏ, và mô rời trên thành tử cung hình thành trong thời kỳ mang thai. Theo thời gian, dịch sẽ chuyển sang dạng lỏng, màu hồng và sau đó lượng dịch sẽ giảm đi.[4]
    • Mãn kinh: Lượng dịch tiết âm đạo bình thường sẽ ít đi trong giai đoạn mãn kinh vì nồng độ estrogen giảm thấp.[5]
    • Kích thích tình dục: Dịch tiết lỏng có màu trắng hoặc trong suốt là dấu hiệu của sự ham muốn. Dịch tiết này có tác dụng bôi trơn bảo vệ âm đạo trong lúc quan hệ.[4]
  4. Không nên lo lắng về việc "làm sạch dịch tiết bình thường". Dịch tiết là cách bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm mới thụt rửa âm đạo.
    • Nếu khó chịu với cảm giác ướt át dưới đáy quần, bạn nên mang băng lót nhỏ. Loại này có bán tại cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, và cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra bạn có thể tự làm băng lót bằng vải có sẵn, hoặc mua tại cửa hàng thủ công nếu muốn tiết kiệm chi phí và sử dụng chất liệu tự nhiên.

Tự chẩn đoán dịch tiết bất thường[sửa]

  1. Quan sát màu sắc và kết cấu dịch tiết âm đạo. Nếu có dấu hiệu khác với dịch tiết bình thường, có thể đây là hiện tượng bất thường và triệu chứng viêm nhiễm hoặc thay đổi môi trường âm đạo. Nguyên tắc đó là nếu dịch tiết không trong suốt hoặc trắng, có thể bạn đã gặp phải vấn đề. Các triệu chứng phổ biến của bệnh lý bao gồm: [3]
    • Dịch tiết màu trắng, đặc, vón cục gây ngứa.
    • Dịch màu xanh và có bọt.
    • Dịch tiết màu xám, vàng, nâu hoặc xanh lá cây.
    • Dịch tiết có mùi hôi.
    • Dịch tiết kèm theo cơn đau, ngứa ngáy hoặc nóng rát, chảy máu, v.v...
    • Dịch tiết nhiều hoặc đặc hơn bình thường.
  2. Chẩn đoán dịch tiết. Sau khi kiểm tra dịch tiết, bạn có thể đánh giá nguyên nhân gây nên hiện tượng dịch tiết bất thường. Nếu dịch không có màu sắc và kết cấu bình thường, có thể đó là kết quả của một trong những tình trạng sau đây:
    • Nhiễm khuẩn âm đạo: Đây là nguyên nhân phổ biến gây nên hiện tượng dịch tiết bất thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.[6] Nhiễm khuẩn âm đạo là một dạng viêm âm đạo nhẹ do vi khuẩn có hại gây nên. Về cơ bản, có hai loại vi khuẩn có lợi và có hại, loại có lợi đảm nhiệm vai trò hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại. Trong trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo, sự cân bằng này bị tác động và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi nảy nở.[7] Một số triệu chứng bao gồm dịch tiết có màu xám hoặc vàng, trơn, và có mùi tanh, kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc nóng rát âm đạo. Đa số dịch tiết có mùi là do nhiễm khuẩn âm đạo.[8]
    • Nấm candida âm đạo (viêm nhiễm nấm): Nếu dịch tiết màu trắng nhưng đặc và vón cục (giống như phô mai sữa), đây có thể là dấu hiệu viêm nhiễm nấm. Ngoài sự thay đổi kết cấu và màu sắc, bạn sẽ nhận thấy tình trạng ngứa ngáy và nóng ráng. Viêm nhiễm nấm thường không tạo mùi hôi. Đây là loại viêm nhiễm âm đạo phổ biến thứ hai ở phụ nữ. Chúng thường xảy ra sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh, ở bệnh nhân tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.[8]
    • Bệnh trùng mảng uốn roi đuôi: Dịch tiết có màu xanh lá cây nhạt và ‘sủi bọt’ là triệu chứng của bệnh trùng mảng uốn roi đuôi. Đây là dạng nhiễm trichomonas, ký sinh trùng tế bào đơn lây truyền qua đường tình dục. Đây là bệnh viêm nhiễm phổ biến thứ ba tác động đến dịch tiết âm đạo, gây ngứa ngáy và đau âm đạo.[8]
    • STI (Lây nhiễm qua đường tình dục): Hai dạng lây nhiễm qua đường tình dục chlamydia và bệnh lậu đôi khi chỉ có một triệu chứng duy nhất là dịch tiết âm đạo tăng cường. Đặc điểm dịch tiết có thể thay đổi, nhưng thường là biến màu (ví dụ như xám, vàng, xanh), đặc, và có mùi hôi. Nữ giới cũng cảm thấy đau trong lúc quan hệ, và nhận thấy có vết bẩn hoặc xuất hiện dịch tiết có màu nâu sau khi kết thúc.[8] Nhiễm khuẩn âm đạo, Nấm candida, và Bệnh trùng mảng uốn roi đuôi cũng lây truyền qua đường tình dục.
    • Ung thư âm đạo hoặc cổ tử cung: Lưu ý rằng ung thư âm đạo hoặc cổ tử cung là nguyên nhân hiếm gây nên hiện tượng dịch tiết bất thường.[4]
  3. Xem xét nguyên nhân khác gây nên dịch tiết bất thường. Có nhiều yếu tố tác động đến môi trường vùng kín.
    • Việc sử dụng chất tẩy rửa mới có thể ảnh hưởng đến vùng kín. Các hóa chất có trong thuốc tẩy và nước xả vải, xịt khử mùi vùng kín, kem, dụng cụ thụt rửa, bọt tránh thai hoặc dầu bôi trơn có thể gây kích ứng âm đạo và/hoặc vùng da xung quanh âm đạo. Các loại thuốc như là thuốc kháng sinh có thể làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Một trong những yếu tố này có thể gây nên triệu chứng và làm thay đổi dịch tiết âm đạo. Cân nhắc loại sản phẩm mới dùng gần đầu và thời điểm bắt đầu thay đổi dịch tiết khác thường. Sau khi xác định nguyên nhân tiềm ẩn, bạn có thể loại trừ và quan sát triệu chứng biến mất. Ví dụ, nếu gần đây đổi sang loại chất tẩy quần áo mới, bạn nên tránh một thời gian và sử dụng lại loại cũ. Nếu triệu chứng biến mất, bạn đã tìm ra được thủ phạm! Tuy nhiên, nếu triệu chứng vẫn tiếp tục, ngay cả khi xác định loại hóa chất mới sử dụng, bạn nên đi khám bác sĩ. [4]
    • Bệnh lý hệ thống cũng có thể ảnh hưởng đến cân bằng môi trường âm đạo. Ví dụ, nữ giới bị tiểu đường có nguy cơ cao nhiễm nấm (chẳng hạn như nhiễm nấm men).[9]
    • Một nguyên nhân phổ biến làm dịch tiết âm đạo biến đổi xuất hiện mùi hôi đó là tampon để quên trong âm đạo. Nếu nghi ngờ bỏ sót tampon, bạn nên tự kiểm tra. Rửa sạch tay và ngồi xổm hoặc đặt một chân lên bồn tắm hoặc bồn cầu. Đưa tay vào sâu trong âm đạo và tìm kiếm. Nếu phát hiện có tampon nhưng không tìm thấy dây kéo, bạn dùng ngón cái và ngón trỏ kéo từ từ ra ngoài. Tampo phải còn nguyên; nếu chúng bắt đầu rã và bạn không chắc đã kéo hết ra ngoài hay chưa, bạn cần đi khám bác sĩ để loại bỏ hết phần tampon còn lại bên trong. Lưu ý rằng nếu bạn đã tìm sâu bên trong nhưng không phát hiện tampon, có thể trong cơ thể bạn không có gì cả. Nếu vẫn nghi ngờ có vật thể lạ nằm bên trong nhưng không tìm ra, bạn nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra kỹ hơn.[10]
  4. Tham khảo ý kiến bác sĩ. Sau khi tự kiểm tra, nếu cho rằng dịch tiết là bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ. Việc lưu ý đến bản thân và sự thay đổi là điều rất quan trọng, nhưng bạn không nên ỷ vào kết quả chẩn đoán của mình. Bạn cần đi khám bác sĩ để xác nhận lại, tiến hành xét nghiệm cần thiết, và tham gia điều trị.[4]
    • Trừ trường hợp ngoại lệ đó là bạn đã từng bị nhiễm nhấm (Nấm candida âm đạo) và có thể tự chẩn đoán dựa trên kinh nghiệm của mình. Thuốc diệt nấm có bán sẵn tại quầy thuốc và bạn có thể dùng tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm nhiễm vẫn tái diễn, bạn cần đi khám bác sĩ.

Khám bệnh và xét nghiệm[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Bạn nên đến phòng khám ngay khi phát hiện dịch tiết âm đạo bất thường. Chuẩn bị thông tin liên quan đến màu sắc, độ đặc, và tần suất tiết dịch.
    • Nếu đang có kinh nguyệt, bạn nên đi khám bác sĩ sau khi chu kỳ kết thúc nếu có thể. Tuy nhiên, trong trường hợp triệu chứng khá nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt, ngay cả khi đang có kinh nguyệt.
    • Nếu đến bệnh viện mới và không tiếp xúc với bác sĩ trước đây, bạn cần chuẩn bị đầy đủ thông tin về sức khỏe của bản thân.
  2. Trao đổi với bác sĩ về những tình trạng hoặc hành vi có liên quan. Ví dụ, nếu cho rằng đang mang thai hoặc vừa mới quan hệ không an toàn (không dùng bao cao su), bạn cần thông báo cho bác sĩ biết.
  3. Khám sức khỏe tổng quát, bao gồm kiểm tra vùng chậu.[4] Tùy thuộc vào triệu chứng, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra vùng chậu một phần hoặc toàn phần. Kiểm tra toàn phần bao gồm kiểm tra bên ngoài và trong vùng chậu:
    • Kiểm tra bên ngoài — Bác sĩ sẽ kiểm tra miệng âm đạo và nếp gấp âm hộ. Cụ thể là bác sĩ sẽ kiểm tra dịch tiết bất thường, u nang, mụn cóc sinh dục, kích ứng, hoặc các tình trạng khác.
    • Kiểm tra bên trong (a) — Kiểm tra bên trong bao gồm hai phần: khám mỏ vịt và khám bằng hai tay. Trong lúc khám bằng mỏ vịt, bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt bằng kim loại hoặc nhựa được bôi trơn vào trong âm đạo. Mỏ vịt tách thành âm đạo ra. Bạn sẽ không cảm thấy đau đớn nhưng hơi khó chịu. Nếu đau thì nói cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ điều chỉnh kích thước hoặc vị trí mỏ vịt. Nếu có viêm nhiễm âm đạo, bác sĩ sẽ hoãn tiến hành xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) vì tình trạng lây nhiễm sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả. Khi đó bạn chỉ nên thực hiện xét nghiệm Pap sau khi hết viêm nhiễm âm đạo. Trong xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ dùng que dẹt hoặc bàn chải nhỏ phết một ít tế bào trong tử cung và xét nghiệm để phát hiện tế bào ung thư hoặc tiền ung thư nếu có. Mẫu dịch tiết trong tử cung có thể lấy từ âm đạo để xét nghiệm STI. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đo độ pH âm đạo và lấy mẫu dịch tiết để xét nghiệm.[11]
    • Kiểm tra bên trong (b) — Trong đợt kiểm tra này, bác sĩ sẽ đưa một hoặc hai ngón tay đeo găng có bôi trơn vào trong âm đạo và đồng thời dùng tay kia ấn nhẹ phần bụng. Đây là kỹ thuật kiểm tra kích thước, hình dạng, và vị trí tử cung, buồng trứng, và ống dẫn trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của bạn. Ví dụ, tử cung phình to có thể là bạn đang mang thai hoặc u xơ tử cung, còn cảm giác đau ở các phần phụ khác (buồng trứng/ống dẫn trứng) có thể là dấu hiệu viêm nhiễm, u nang hoặc hiện tượng khác.[11]
    • Trong khi kiểm tra vùng chậu, bác sĩ cũng sẽ khám trực tràng bằng cách đưa ngón tay đeo găng vào trực tràng để kiểm tra khối u hoặc bất thường khác. [12]
  4. Gửi mẫu đến phòng xét nghiệm. Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm. Phần xét nghiệm dịch tiết âm đạo quan trọng nhất đó là xét nghiệm kính hiển vi. Trong xét nghiệm này, kỹ thuật viên sẽ trộn dung dịch nước muối đẳng trương với mẫu dịch tiết âm đạo và nhỏ hỗn hợp lên lam kính để xét nghiệm. Bước này có thể thực hiện trong phòng khám, vì thế kết quả sẽ có ngay lập tức.[13]
    • Kỹ thuật viên sẽ xét nghiệm lam kính cẩn thận ở mức năng lượng vừa và cao để phát hiện vi khuẩn trichomonas, vi khuẩn gây bệnh, và nấm men. Trichomonas là trùng roi có thể nhận diện thông qua chuyển động theo đường xoắn đặc trưng. Vi khuẩn gây bệnh là những vi khuẩn bất thường có mặt trong mẫu xét nghiệm và có thể là bệnh nhiễm khuẩn âm đạo. Cuối cùng, nấm men có thể được phát hiện trên lam kính với hình chạc và xác định là nhiễm nấm. Sự hiện diện của nấm có thể được tìm thấy thông qua xét nghiệm Pap.[13]
  5. Chờ đợi kết quả. Bạn cần xác định thời gian có kết quả xét nghiệm để gặp bác sĩ nhằm tiến hành điều trị nếu cần thiệt.[11]

Lời khuyên[sửa]

  • Ngâm nước nóng không pha xà phòng đôi khi có thể giúp ích cho triệu chứng của dịch tiết nếu bạn không bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]