Chỉnh răng không cần niềng răng với mắc cài truyền thống

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Người ta thường nói nụ cười đẹp với hàm răng thẳng hàng là vật trang sức tuyệt vời nhất, tuy nhiên không phải ai cũng tự tin với hàm răng của mình. Mặc dù niềng răng được coi là phương pháp tốt nhất để chỉnh răng thẳng hàng, nhưng nhiều người không thích dụng cụ niềng răng bằng kim loại truyền thống vì lý do thẩm mỹ. May mắn là bạn còn có các cách khác để chỉnh răng thẳng mà không phải đeo niềng răng kiểu có mắc cài truyền thống; điều này tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn.

Các bước[sửa]

Ngăn ngừa răng mọc lệch[sửa]

  1. Không nằm sấp khi ngủ. Răng mọc chen chúc, mọc chồng lên nhau và hướng vào trong thường do tác động của áp lực nhẹ và thường xuyên lên răng. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là tư thế nằm sấp khi ngủ. Khi đó mặt phải chịu trọng lực, do đó gây áp lực lớn lên răng. Áp lực này càng tăng nếu bạn đặt cánh tay hay vật cứng dưới mặt khi nằm sấp ngủ. Cố gắng nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ dù đây không phải là tư thế bạn thích để ngăn ngừa tình trạng răng dần dần mọc lệch vào trong.[1]
  2. Tránh tì tay lên mặt khi thức. Với nhiều người ngồi ở bàn giấy làm việc hoặc học tập trong thời gian dài, vấn đề này là kết quả thường thấy của một tư thế không đúng. Khi bạn chồm người tới trước và đặt tay lên mặt, tư thế này sẽ tạo ra áp lực liên tục lên một bên hàm. Áp lực này dần dần sẽ đẩy răng vào trong, từ đó dẫn đến răng mọc lệch ở một bên mặt.[1]
    • Để tránh tình trạng này, bạn cần chỉnh lại tư thế bằng cách ngồi đặt trọng tâm lên mông thay vì dồn vào thắt lưng. Việc điều chỉnh phần dưới cơ thể sẽ giúp phần trên cơ thể có tư thế tốt hơn, nhờ đó tránh tình trạng mỏi cổ khiến bạn muốn tựa mặt lên bàn tay.
  3. Ngừng mút ngón tay và các cố tật về răng miệng khác. Ngoài việc tạo áp lực liên tục vào trong khiến răng mọc lệch, bạn còn có thể làm răng mọc lệch khi tạo áp lực lên miệng và hướng ra ngoài. Mút ngón tay cái là tật thường thấy nhất ở trẻ nhỏ; tuy nhiên, nhiều trẻ vị thành niên và người lớn cũng có những thói quen gây ra áp lực hướng ra ngoài. Uống nước bằng ống hút, cắn đầu bút và thổi kẹo cao su cũng gây áp lực tương tự như mút ngón tay, khiến răng mọc lệch ra ngoài. Bạn nên cố gắng từ bỏ bất cứ thói quen nào gây áp lực hướng ra ngoài lên hàm răng.[2]
    • Nếu không thể ngừng dùng ống hút, ít nhất bạn cũng nên để ống hút đúng vị trí hướng về phía sau miệng và không tì lên răng.
  4. Trám các lỗ hổng do mất răng. Ở trẻ nhỏ, việc rụng răng sữa và thay bằng răng vĩnh viễn là hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên việc mất răng vĩnh viễn ở người lớn có thể gây ra nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng răng mọc lệch. Người lớn có thể mất răng do các vấn đề về răng miệng, nhổ răng, chấn thương, hoặc răng vĩnh viễn không mọc sau khi răng sữa đã rụng. Khoảng trống do chiếc răng bị mất sẽ khiến những chiếc răng còn lại phải chịu nhiều áp lực hơn, do lực được phân phối không đều khi nhai. Điều này có thể khiến răng dịch chuyển và mọc lệch. Việc khép lỗ hổng bằng niềng răng, cầu răng, cấy ghép răng và gắn răng giả sẽ giúp ngăn chặn những chiếc răng còn lại không bị dịch chuyển và mọc lệch.[3]
    • Sự di chuyển của răng vể phía lỗ hổng của răng bị mất cũng là kết quả của tiến trình tự nhiên gọi là "mesialization", có nghĩa là các răng có xu hướng di chuyển về phía trước.
  5. Nhổ răng khôn đúng lúc. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy rằng việc để răng khôn mọc ra thay vì nhổ đi không làm các răng khác mọc chen chúc, nhưng điều này không đúng với tất cả mọi người. Nếu răng khôn của bạn mọc lên chệch khỏi vị trí đúng của nó, hoặc hàm răng của bạn đã sẵn chật chội, những chiếc răng khôn sẽ nhanh chóng khiến những chiếc răng khác bị lệch đáng kể.[1]
    • Việc khám răng thường xuyên và hình ảnh X-quang răng miệng sẽ cho biết khả năng điều này có xảy ra hay không, và bạn nên nhổ răng khôn theo lời khuyên của nha sĩ. Việc trì hoãn chỉ dẫn đến đau đớn (do viêm nhiễm hoặc khó nhai) và tăng khả năng răng mọc lệch.

Tìm bác sĩ chỉnh răng[sửa]

  1. Nghĩ xem bạn không thích điểm gì ở hàm răng của mình. Trước tiên bạn phải biết bạn thích hình dạng hàm răng của mình thay đổi như thế nào để mô tả với bác sĩ chỉnh răng. Một số cách điều trị chỉ xử lý được các vấn đề răng miệng nhất định, vì vậy việc biết rõ bạn muốn hàm răng của mình trông như thế nào sau khi điều trị là điều then chốt.
  2. Tìm các bác sĩ chỉnh răng được chứng nhận chuyên khoa trong vùng bạn ở. Có sự khác biệt giữa nha sĩ (dentist) và bác sĩ chỉnh răng (orthodontist): ngoài chuyên khoa răng, bác sĩ chỉnh răng còn được huấn luyện chuyên khoa về sự phát triển phức tạp của răng và hình dạng của mặt. Điều quan trọng là bạn cần gặp bác sĩ chỉnh răng (không phải nha sĩ) để xác định phương pháp điều trị. Một điều không kém quan trọng là bác sĩ chỉnh răng cần phải có giấy chứng nhận chuyên khoa để bạn biết chắc chắn là họ được cấp phép điều trị toàn diện ở mức cao nhất.[4]
    • Trong các trường hợp phức tạp, bác sĩ chỉnh răng có thể cần sự giúp đỡ của bác sĩ phẫu thuật miệng hoặc bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt để lập phác đồ điều trị tối ưu.
  3. Hẹn gặp bác sĩ chỉnh răng để thảo luận về phương pháp điều trị. Bạn có thể tự tìm hiểu một số điều căn bản, nhưng bác sĩ chỉnh răng là người duy nhất có thể cho bạn biết chính xác các phương án điều trị liên quan đến các dụng cụ chỉnh nha. Đôi khi niềng răng là lựa chọn duy nhất cho nhu cầu của bạn. Nếu không thuộc trường hợp này, việc thảo luận về các phương pháp khác và nghe lời khuyên của bác sĩ là điều cần thiết. Một số câu hỏi có thể giúp ích là:[5]
    • Phác đồ điều trị mà bác sĩ đề nghị bao gồm những gì và những hệ quả gì sẽ xảy ra nếu bạn không chọn một trong những lựa chọn đó ngay bây giờ?
    • Chi phí điều trị sẽ là bao nhiêu và có các lựa chọn nào trong phương thức thanh toán?
    • Việc tái khám sẽ như thế nào sau khi điều trị?
    • Bác sĩ có cung cấp tài liệu tham khảo hoặc hình ảnh “trước và sau khi điều trị” không?
  4. Tham khảo ý kiến thứ hai. Bạn nên nghe hai hoặc ba ý kiến trước khi quyết định chọn một phương án điều trị, đặc biệt khi phải nhổ răng hoặc nếu trường hợp của bạn thuộc loại phức tạp. Nhiều bác sĩ chỉnh răng thúc giục thân chủ niềng răng ngay cả khi có các lựa chọn khác, nhưng các chuyên gia đều cho rằng thông thường không chỉ có “một cách duy nhất đúng”. Việc gặp một vài bác sĩ chỉnh răng sẽ giúp bạn tìm ra người mà bạn cảm thấy thoải mái và có chi phí hợp lý.
  5. Quyết định chọn một bác sĩ chỉnh răng và thực hiện các thủ tục ban đầu. Khi đã chọn một bác sĩ mà bạn tin tưởng, một cuộc hẹn sau buổi tư vấn sẽ được sắp xếp. Trong buổi khám này bác sĩ sẽ lấy khuôn răng của bạn, và bạn sẽ được chụp X-quang toàn hàm. Bác sĩ sẽ xem xét khuôn răng và hình chụp X-quang để xác định chính xác cần phải làm gì để cải thiện nụ cười của bạn và giải thích chi tiết các phương án điều trị khác nhau.[6] Từ các thông tin này, bạn có thể cân nhắc các phương án và chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất[sửa]

  1. Cân nhắc phương pháp niềng răng không mắc cài trong suốt. Niềng răng không mắc cài là phương pháp sử dụng các khay được làm theo mẫu khuôn răng của bạn và được đeo vào hàm răng để dần dần chỉnh thẳng lại. Hàm răng của trẻ em vẫn còn phát triển, do đó niềng răng không mắc cài thích hợp nhất cho thiếu niên hoặc người lớn vì răng miệng không còn thay đổi nhiều. Cách điều trị này thông thường cũng thích hợp cho các bệnh nhân có các vấn đề như răng chen chúc (mức độ nhẹ đến trung bình) hoặc có vấn đề về khoảng cách giữa các răng, không dùng cho những người có khớp cắn ngược, khớp cắn sâu nghiêm trọng hoặc các vấn đề phức tạp hơn. Thời gian điều trị niềng răng không mắc cài thông thường từ 10-24 tháng, và chi phí khoảng từ 35 triệu đến 150 triệu tùy thuộc thời gian điều trị. Bạn cần lưu ý một số điểm:[7]
    • Một ưu điểm của niềng răng không mắc cài trong suốt là khay dùng để chỉnh răng có thể tháo lắp dễ dàng, giúp bạn dễ làm sạch răng và duy trì vệ sinh răng miệng.
    • Một ưu điểm khác là niềng răng không mắc cài khó thấy hơn các kiểu niềng răng truyền thống. Nếu bạn băn khoăn về tính thẩm mỹ của dụng cụ niềng răng truyền thống thì đây là lựa chọn tốt.
    • Phương pháp niềng răng không mắc cài trong suốt đòi hỏi bệnh nhân phải tuyệt đối tuân theo yêu cầu đeo niềng răng. Việc đeo niềng răng không đủ có thể khiến thời gian điều trị kéo dài.
  2. Hỏi về niềng răng mặt trong. Niềng răng mặt trong tương tự như niềng răng truyền thống, ngoại trừ là chúng được lắp ở mặt trong răng. Hai phương pháp này đều sử dụng các mắc cài kim loại để dần dần chỉnh thẳng răng và thường được đeo từ 6-24 tháng, tùy vào độ phức tạp của từng trường hợp. Phương pháp điều trị này thích hợp cho người từ 10 tuổi trở lên có vấn đề về khoảng cách giữa các răng, mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng. Cũng như niềng răng không mắc cài, phương pháp niềng răng mắc cài mặt trong là lựa chọn tốt cho những người cần kín đáo, vì mắc cài mặt trong khó nhìn thấy. Tuy nhiên phương pháp này đắt hơn phương pháp niềng răng mắc cài truyền thống, chi phí vào khoảng 80 triệu đến 120 triệu, tùy vào độ phức tạp và thời gian điều trị. Bạn cũng cần nhớ:
    • Một lý do khiến chi phí cao như vậy là vì vật liệu niềng răng được làm bằng vàng để thích ứng tốt với hình dạng bên trong hàm răng.
    • Ban đầu có thể khá khó chịu và bạn cần một thời gian để điều chỉnh. Nhiều người bị kích ứng do sự tiếp xúc giữa mắc cài và lưỡi.
    • Khó khăn tạm thời khi nói hoặc nói đớt là tình trạng rất phổ biến khi niềng răng mắc cài mặt trong.
  3. Sử dụng phương pháp nong xương hàm trên. Còn được gọi là dụng cụ nong chỉnh răng, dụng cụ nong xương hàm trên được dùng để nong rộng hàm trên, giúp răng hàm trên và răng hàm dưới khít với nhau hơn. Dụng cụ này gồm ốc nong gắn vào răng bằng các khâu, và hàm trên sẽ được nong rộng ra khi vặn ốc. Sự giãn rộng giúp cải thiện tình trạng răng mọc chen chúc nhờ tạo thêm khoảng trống cho răng di chuyển tự nhiên đến đúng vị trí. Phương pháp này hiệu quả nhất khi áp dụng cho trẻ em và thiếu niên dưới 15 tuổi vì xương hàm trên của trẻ vẫn còn mềm. Ốc nong thường có giá khoảng 7-12 triệu đồng, tùy thuộc thời gian điều trị. Bạn cần nhớ:[8]
    • Khi việc nong hàm đã hoàn tất, dụng cụ nong hàm được để trong miệng khoảng 3 tháng để ổn định răng và hàm trên (có cấu trúc xương yếu hơn sau khi nong) trước khi được lấy ra.
    • Khi gắn dụng cụ nong hàm trên, bệnh nhân cần thường xuyên đến bác sĩ chỉnh hình răng để bác sĩ dùng khóa vặn ốc, giúp dần dần mở rộng hàm trên.
    • Liệu pháp nong xương hàm trên đôi khi có thể rất đau, và nhiều trường hợp gây trở ngại khi nói chuyện, đồng thời có thể bị kích ứng trong miệng.
  4. Chọn dụng cụ cố định răng. Dụng cụ cố định răng có thể gắn cố định hoặc tháo lắp được, thiết kế cho cung hàm trên và cung hàm dưới để niềng và chỉnh răng thẳng hàng. Thông thường bộ cố định răng được dùng để duy trì vị trí của răng sau khi điều trị bằng niềng răng với mắc cài truyền thống hoặc niềng răng không mắc cài; tuy nhiên bộ dụng cụ này đôi khi cũng được dùng để chỉnh lại các lệch lạc nhỏ cho bệnh nhân mọi lứa tuổi.[9]
    • Bộ cố định răng thường có giá từ 3 triệu đến 10 triệu, tùy vào độ phức tạp và thời gian điều trị.
    • Bộ cố định răng loại cố định được gắn vào mặt trong của răng, vì vậy sẽ không bị nhìn thấy.
    • Bộ cố định răng loại tháo lắp được có thể dễ dàng làm sạch để duy trì vệ sinh răng miệng.
  5. Chọn phục hình răng bằng mặt dán sứ veneer. Mặt dán sứ, hay còn gọi là laminate sứ là các mão sứ được chụp lên răng thật. Mặt dán sứ là lựa chọn lý tưởng cho người răng thưa, răng gãy, răng chen chúc hoặc xỉn màu. Bác sĩ chỉnh răng sẽ mài một lớp mỏng của men răng và dán một loại sứ đặc biệt lên mặt răng. Thủ thuật thường được hoàn thành chỉ trong một lần, do đó có kết quả tức thời.
    • Mặt dán sứ rất đắt, thông thường có giá khoảng 8 triệu đồng một răng.
    • Phương pháp mặt dán sứ thường chỉ áp dụng cho người lớn, vì kích cỡ của mặt dán sứ phụ thuộc vào hình dạng của mặt răng mà trẻ em và thiếu niên vẫn còn đang phát triển.
  6. Tìm hiểu về phương pháp chỉnh sửa răng. Phương pháp chỉnh sửa răng được thực hiện bằng cách mài bớt một phần men răng hoặc dùng xi măng có màu tương tự như màu răng thật để chỉnh sửa răng. Phương pháp này chỉ thực hiện ở người lớn vì răng sau khi chỉnh sửa sẽ là vĩnh viễn, do đó không phù hợp cho trẻ em và thiếu niên. Được coi là một công việc mài giũa hoàn thiện, phương pháp chỉnh sửa răng chỉ dùng để mài ngắn răng hoặc sửa chữa các răng lệch lạc nhẹ, răng sứt hoặc nứt.[10]
    • Phương pháp chỉnh sửa răng được thực hiện trong một lần với chi phí khoảng 100 ngàn đến 4 triệu đồng một răng, tùy từng trường hợp.
    • Bạn cũng cần nhớ rằng việc chỉnh sửa răng bằng vật liệu composite không bền và có thể phải làm lại sau một thời gian.

Lời khuyên[sửa]

  • Ở Mỹ, bạn có thể tìm bác sỉ chỉnh răng ở gần nơi bạn ở qua trang: https://www.americanboardortho.com/portal/public/
  • Nếu bác sĩ chỉnh răng cung cấp cho bạn bộ cố định răng để đeo vào ban đêm sau khi đã hoàn thành liệu trình điều trị, bạn cần đảm bảo đeo mỗi đêm đúng theo thời gian bác sĩ khuyến nghị. Răng có xu hướng quay trở lại vị trí ban đầu, do đó việc ngưng đeo sớm hoặc đeo không đủ thời gian có thể khiến răng dịch chuyển trở lại.[11]
  • Nếu bạn lo lắng về chi phí chỉnh hình răng thì hãy nhớ rằng một số chương trình nha khoa học đường có các dịch vụ sửa chữa răng do các sinh viên thực hiện dưới sự giám sát hoặc do đội ngũ giảng dạy ở trường đại học thực hiện với chi phí thấp.[10]

Cảnh báo[sửa]

  • Không cố gắng tự dùng phương pháp chỉnh răng tại nhà. Các phương pháp “tự làm lấy” rất không an toàn. Hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo về các phương pháp chỉnh răng “tự làm lấy” vì có thể gây tổn thương vĩnh viễn, mất răng, nhiễm trùng và răng mọc lệch lạc thêm.[12]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]