Chữa dây thần kinh bị chèn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tình trạng dây thần kinh bị chèn ép ở cổ, lưng, cánh tay hay các khu vực khác trên cơ thể khiến bạn khá đau, ngoài ra còn ngăn cản bạn không thể tham gia vào các sinh hoạt bình thường hằng ngày. Dây thần kinh bị chèn khi các mô xung quanh như xương, sụn, gân hay cơ bắp bị mắc kẹt hoặc ép bất thường lên dây thần kinh. Cho dù bạn muốn nhờ bác sĩ hay tự điều trị ở nhà thì cũng cần tìm hiểu cách chữa dây thần kinh bị chèn ép để đối phó với triệu chứng đau do nó gây ra.[1]

Các bước[sửa]

Tự Điều trị Tạm thời Dây Thần kinh bị chèn[sửa]

  1. Nhận biết dấu hiệu dây thần kinh bị chèn. Đó là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương theo một cách nào đó khiến nó không thể truyền đầy đủ tín hiệu. Nguyên nhân chèn dây thần kinh bắt nguồn từ bệnh thoát vị đĩa đệm, thấp khớp hay gai xương. Chèn ép dây thần kinh cũng có thể xảy ra trong các tình huống khác hay hoạt động hằng ngày, như khi bị chấn thương, tư thế vận động sai, thao tác lập đi lập lại, chơi thể thao, sở thích riêng, và tình trạng béo phì. Dây thần kinh có thể bị chèn ở bất kì đâu trên cơ thể, dù phổ biến nhất là ở cột sống, cổ, cổ tay và khủy tay.

    • Các nguyên nhân này làm sưng và do đó kéo theo chèn ép dây thần kinh.
    • Chế độ dinh dưỡng kém và tình trạng sức khỏe tổng quát không tốt cũng khiến dây thần kinh bị chèn nặng hơn.
    • Chứng bệnh này có thể trị được hoặc cũng có thể không, tùy vào độ nặng.[2][1]
  2. Để ý các triệu chứng. Thực chất dây thần kinh bị chèn là tình trạng tắc nghẽn trong hệ thống truyền dẫn tín hiệu của cơ thể, do đó triệu chứng của nó thường bao gồm cảm giác tê buốt, hơi sưng, đau nhói, ngứa ran, co thắt cơ và cơ bắp yếu ớt. Ngoài ra dây thần kinh bị chèn cũng có liên quan tới các cơn đau bất chợt ở khu vực chịu ảnh hưởng.
    • Sở dĩ xuất hiện các triệu chứng này vì dây thần kinh không thể gởi đầy đủ tín hiệu qua cơ thể, do bị ép hay tắc nghẽn tại đó.[3]
  3. Tránh sử dụng quá nhiều. Nếu chẩn đoán được mình có dây thần kinh bị chèn ép thì bạn phải biết tự chăm sóc bản thân, tránh sử dụng phần cơ thể đó hoặc dùng ít đi. Việc sử dụng liên tục chỗ cơ bắp, khớp xương hay dây chằng đã gây ra tình trạng chèn ép dây thần kinh sẽ khiến vấn đề thêm trầm trọng. Lý do vì khu vực xung quanh tiếp tục sưng nhiều hơn và siết chặt dây thần kinh. Cách dễ dàng nhất để giảm đau là cho dây thần kinh đó và khu vực xung quanh nó nghỉ ngơi, đến khi chỗ sưng và sự chèn ép gần như đã hết.
    • Bạn nên tránh kéo giãn hay dịch chuyển chỗ có dây thần kinh bị chèn để không siết chặt thêm dây thần kinh đó. Có một số chuyển động làm triệu chứng nặng thêm, và bạn nên tránh làm các thao tác này bất kì khi nào được.
    • Nếu một chuyển động hay tư thế nào đó khiến triệu chứng bệnh và cơn đau trở thêm trầm trọng, bạn phải cô lập vị trí bị tổn thương và tránh thực hiện chuyển động đó.
    • Trong trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay, là chấn thương phổ biến do dây thần kinh bị chèn ép gây ra, bạn nên giữ cổ tay thẳng trong khi ngủ, tránh cong khớp cổ tay để không tạo bất kì lực đè nào.[1]
  4. Ngủ nhiều hơn. Ngủ thêm giờ là cách tự nhiên để cơ thể tự nó khắc phục các khiếm khuyết. Nếu cần bạn nên ngủ nhiều hơn mỗi đêm cho đến khi cảm thấy khỏe hơn hay cơn đau dịu hẳn. Để cơ thể và khu vực chấn thương nghỉ thêm vài giờ sẽ giúp triệu chứng bệnh giảm đi đáng kể.
    • Phương pháp này có liên quan trực tiếp với việc hạn chế sử dụng phần cơ thể chấn thương. Nếu bạn ngủ nhiều thì đương nhiên chuyển động bớt đi, bạn không chỉ hạn chế sử dụng khu vực chấn thương mà còn giúp cơ thể có thêm thời gian lành bệnh.
  5. Sử dụng thiết bị giằng hay nẹp. Có những lúc bạn không thể để chỗ chấn thương nghỉ ngơi theo ý mình vì phải đi làm, đi học hay vì các nghĩa vụ khác. Nếu đúng là vậy thì bạn nên đeo thanh giằng hay nẹp để cố định chỗ chấn thương, như vậy bạn có thể làm những công việc cơ bản như thường ngày vẫn làm.

    • Ví dụ, nếu bạn bị chèn dây thần kinh ở cổ thì nên mang nẹp cổ để giữ cơ cổ đứng yên trong cả ngày.
    • Nếu hội chứng ống cổ tay khiến dây thần kinh bị chèn thì bạn nên đeo nẹp cổ tay hay khủy tay, còn gọi là nẹp gan cổ tay, để tránh chuyển động không cần thiết.[4]
    • Bạn có thể mua dụng cụ nẹp ở hầu hết các tiệm thuốc và nhớ làm theo hướng dẫn sử dụng. Nếu có thắc mắc hay lo lắng gì thì bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn.
  6. Chườm lạnh và nóng. Chèn dây thần kinh thường đi kèm theo triệu chứng sưng, mà sưng thì sẽ chèn ép dây thân kinh nặng hơn. Để giảm sưng và tăng tuần hoàn máu bạn nên chườm luân phiên giữa nóng và lạnh lên khu vực chấn thương, đó còn gọi là thủy liệu pháp. Chườm đá lạnh trong thời gian 15 phút mỗi lần, làm từ 3-4 lần mỗi ngày để giảm sưng. Sau đó bạn dùng đệm làm nóng chườm vào chỗ chấn thương trong 1 giờ, 4-5 đêm một tuần cho đến khi triệu chứng giảm bớt.

    • Ép nhẹ túi nước đá lên trên chỗ chấn thương, có thể dùng túi đá tự làm hay mua ở tiệm. Lực đè sẽ hỗ trợ làm mát, nhưng bạn phải chèn tấm vải mềm giữa túi đá và da để ngăn ngừa phỏng lạnh. Không chườm liên tục quá 15 phút vì nó làm chậm lưu thông máu, ảnh hưởng tới quá trình lành.
    • Sau khi chườm lạnh, bạn dùng bình nước nóng hay đệm làm nóng để kích thích máu lưu thông trở lại, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình lành. Không chườm nóng quá một giờ vì tình trạng sưng có thể xấu đi.
    • Bạn cũng có thể tắm nước nóng hay dội nước nóng vào dây thần kinh bị chèn để thả lỏng cơ tại đây, tăng lưu thông máu.[5]
  7. Mát xa. Tạo áp lực lên dây thần kinh bị chèn để giải trừ lực căng và giảm đau. Bạn nên mát xa toàn thân để thả lỏng toàn bộ cơ bắp, kể cả chỗ bị chấn thương. Ngoài ra mát xa nhẹ nhàng tại khu vực gần chỗ dây thần kinh bị chèn cũng là một giải pháp, giúp giảm đau cục bộ và dây thần kinh mau lành hơn.
    • Bạn cũng có thể tự mình mát xa chỗ chấn thương để giảm đau, bằng cách nhẹ nhàng dùng ngón tay xoa bóp giúp tăng tuần máu và thả lỏng cơ, đó có thể là nguyên nhân gây chèn dây thần kinh.
    • Tránh mát xa các mô sâu bên dưới hoặc mát xa mạnh tay vì lực đè không cần thiết sẽ làm tình trạng chèn ép dây thần kinh xấu đi.[6]
  8. Uống thuốc. Nhiều loại thuốc giảm đau không kê toa rất hữu hiệu với chứng dây thần kinh bị chèn. Bạn nên thử uống các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) như ibuprofen và aspirin để giảm sưng và đau.

    • Nhớ làm theo các hướng dẫn đi theo thuốc và xem kỹ mục cảnh báo. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn không biết chắc về liều lượng hay tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt khi bạn đang có vấn đề khác về sức khỏe hay đang uống thuốc khác.

Đi gặp bác sĩ. Nếu triệu chứng và cơn đau giảm bớt nhưng rồi tái lại sau nhiều tuần hay vài tháng thì bạn nên đi khám bệnh để được hỗ trợ. Cho dù các phương pháp trên đây tỏ ra hữu hiệu trong thời gian đầu, nhưng nếu sau đó chúng không còn tác dụng thì bạn nên tới bệnh viện kiểm tra lại.

    • Bạn cũng nên khám bệnh nếu thường xuyên cảm thấy tê hay đau ở khu vực này bất kể chỉ vận động rất ít, hoặc cơ ở khu vực đó ngày càng yếu dần.
    • Tìm biện pháp điều trị ngay nếu triệu chứng trở nặng hoặc khu vực đó cảm thấy lạnh, trở nên nhợt nhạt hay xanh.

Tự Điều trị Dài hạn Dây Thần kinh bị chèn[sửa]

  1. Thực hiện bài tập ít va chạm. Bạn có thể để dây thần kinh đó nghỉ ngơi những vẫn đảm bảo bơm đủ máu. Tuần hoàn máu tốt, cung cấp đủ ôxi và cơ bắp săn chắc là những yêu tố thúc đẩy dây thần kinh mau lành hơn. Bạn nên tham gia vào các hoạt động hằng ngày một cách thận trọng và khi bạn thấy việc đó là ổn. Thử bơi hay đi tản bộ vì chúng giúp vận động cơ bắp một cách tự nhiên mà gây rất ít áp lực lên khớp xương và dây chằng, là nơi có dây thần kinh bị chèn.
    • Ít vận động có thể khiến cơ bắp mất sức mạnh, kéo dài thêm thời gian lành bệnh của dây thần kinh đó.[7][8]
    • Giữ tư thế phù hợp khi luyện tập hay nghỉ ngơi để giảm sức căng tại chỗ có dây thần kinh bị chèn.
    • Duy trì cân nặng lành mạnh để tránh dây thần kinh bị chèn.
  2. Tăng lượng canxi tiêu thụ. Một trong những yếu tố ẩn sau chứng chèn dây thần kinh là thiếu canxi. Bạn nên bắt đầu ăn thực phẩm chứa nhiều canxi như các sản phẩm làm từ sữa, ví dụ như sữa, phô mai, sữa chua và rau lá xanh như cải bó xôi và cải xoăn. Cung cấp canxi hỗ trợ quá trình lành của dây thần kinh, đồng thời cải thiện tình trạng chung của sức khỏe.
    • Bạn có thể uống viên bổ sung canxi được mua từ các cửa hàng bán thực phẩm sạch hay ở tiệm thuốc và uống đều đặn mỗi ngày. Nhớ uống theo hướng dẫn hoặc nhờ bác sĩ tư vấn nếu bạn không rõ nên uống bao nhiêu canxi. Không bao giờ uống nhiều hơn liều dùng khuyến cáo.
    • Kiểm tra nhãn của các thực phẩm đóng gói sẵn xem chúng có được bổ sung canxi không. Nhiều nhãn hiệu hàng cung cấp sản phẩm bổ sung canxi bên cạnh các loại bình thường.
  3. Ăn thêm thực phẩm chứa kali. Kali là i-ôn chính liên quan đến quá trình trao đổi chất ở tế bào. Vì thiếu kali làm liên kết giữa các dây thần kinh yếu đi nên đôi khi đây là nguyên nhân làm triệu chứng dây thần kinh bị chèn thêm nặng. Tăng lượng kali trong khẩu phần ăn để phục hồi chức năng hoạt động bình thường của dây thần kinh và trị các triệu chứng bệnh.
    • Thực phẩm giàu kali bao gồm mơ, chuối, quả bơ và các loại hạt. Uống sữa gầy và nước cam ép cũng giúp tăng lượng kali hấp thu.
    • Tương tự như canxi, viên bổ sung kali cũng có thể uống theo lịch trình đều đặn bên cạnh chế độ ăn bình thường. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thực phẩm chức năng bổ sung kali, đặc biệt khi bạn có vấn đề khác về sức khỏe (nhất là bệnh thận), hoặc nếu đang uống thuốc khác. Có khả năng họ phải kiểm tra mức kali trong máu trước khi khuyến nghị về lượng kali bổ sung.
    • Chẩn đoán thiếu kali. Để khắc phục tình trạng thiếu kali, bác sĩ sẽ đề nghị chế độ ăn với hàm lượng kali cao hơn sau khi đánh giá nguyên nhân ẩn sau vấn đề này. Bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn nếu nghi ngờ mình thiếu kali.[9][10]

Cùng Bác sĩ Điều trị dây Thần kinh bị chèn[sửa]

  1. Khám với bác sĩ vật lý trị liệu. Nếu bạn có dây thần kinh bị chèn mà không có phương pháp chữa trị nào hiệu quả thì nên cân nhắc đi gặp bác sĩ vật lý trị liệu. Cô ấy có thể hướng dẫn bạn các bài tập hay cách kéo giãn để giúp dây thần kinh tổn thương mau lành hơn. Một số bài tập làm giảm áp lực lên dây thần kinh và giảm đau. Trong khi đó với nhiều động tác kéo giãn, bạn phải tập cùng với một chuyên gia hay bạn tập, do đó bạn không nên tự mình thực hiện.
    • Sau một thời gian bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm cho bạn một số bài tập để tự mình thực hiện. Không tự mình tập bất kì bài tập nào trừ khi họ cho phép bạn làm.
  2. Cân nhắc tiêm steroid gây tê. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu để chữa chèn ép dây thần kinh tọa, nó có thể giảm đau và chữa lành dây thần kinh bị thương. Bác sĩ tiêm một liều steroid vào cột sống, và tuyệt đối chỉ có bác sĩ mới tiêm được. Sau khi đánh giá độ nặng và loại dây thần kinh bị chèn, họ sẽ thảo luận với bạn về việc lựa chọn cách điều trị này.[7]
    • Tiêm steroid gây tê ngoài màng cứng là cách hiệu quả và nhanh chóng giúp giảm đau. Nếu được thực hiện bởi một chuyên gia y khoa thì phương pháp này rất khó gây ra bất kì tác dụng phụ hay mối nguy hiểm nào. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng đôi khi cũng có tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau lưng và chảy máu ở chỗ tiêm.[11]
  3. Thảo luận về khả năng phẫu thuật. Đối với trường hợp đau nhiều hay các phương pháp khác không thể giảm bớt triệu chứng bệnh, phẫu thuật dây thần kinh bị chèn là lựa chọn tốt nhất. Mục đích phẫu thuật là giải trừ áp lực hay loại bỏ khu vực gây chèn ép dây thần kinh. Thông thường phẫu thuật sẽ giải trừ hết triệu chứng ngay sau khi hồi phục. Tình trạng chèn ép có thể tái phát nhưng ít khi xảy ra.
    • Đối với dây thần kinh bị chèn ở cổ tay, họ thường phẫu thuật để cắt đứt mô cơ và loại bỏ áp lực tại khu vực đó.
    • Với trường hợp thoát vị đĩa đệm làm dây thần kinh bị chèn thì bác sĩ khắc phục bằng cách loại bỏ một phần hay tất cả đĩa, sau đó cố định cột sống.[12][7][13]
  4. Cố gắng duy trì kết quả điều trị. Sau khi các triệu chứng đã hết bạn vẫn phải tập thể dục, giữ cân đối vóc dáng cơ thể và tư thế làm việc phù hợp, tránh những yếu tố rủi ro đã thảo luận bên trên. Sự phục hồi của dây thần kinh bị chèn tùy thuộc vào một số yếu tố như mức độ va chạm vào dây thần kinh, duy trì chế độ điều trị và bất kì quá trình trị bệnh nào là nguyên nhân ban đầu dẫn đến chèn ép dây thần kinh.
    • Dây thần kinh ở lưng dễ phục hồi hoàn toàn nhất. Tình trạng đau lưng dưới cấp tính do chèn ép dây thần kinh gây ra thường sẽ hết trong vòng 6 tuần điều trị tập trung ở 90% số bệnh nhân.[7]
  5. Tránh bị chèn dây thần kinh trong tương lai. Đa số các trường hợp chèn dây thần kinh đều phục hồi hoàn toàn, và ở hầu hết các bệnh nhân triệu chứng sẽ giảm dần nếu điều trị đúng cách. Để tránh tái phát chấn thương bạn không nên lập đi lập lại những động tác mà trước đó là nguyên nhân gây ra chèn ép dây thần kinh. Điều quan trọng nhất bạn nên làm là lắng nghe cơ thể. Nếu động tác nào đó gây khó chịu hay làm phát sinh triệu chứng của dây thần kinh bị chèn thì bạn nên dừng lại vào lúc đó, để khu vực khó chịu có thời gian phục hồi.
    • Thảo luận với bác sĩ về kế hoạch và chế độ chăm sóc cho chỗ chấn thương, cân bằng giữa việc sử dụng, nghỉ ngơi và cô lập dây thần kinh mới phục hồi.
    • Việc sử dụng nẹp làm biện pháp ngăn ngừa trước khi dây thần kinh bị chèn cũng là cách hữu ích.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu triệu chứng bất ngờ xuất hiện hoặc xuất hiện sau khi gặp tai nạn thì bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • Thời gian để một dây thần kinh bị chèn phục hồi hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ tổn thương của nó. Vì chấn thương ở dây thần kinh lành từ trên xuống nên có thể mất từ nhiều tuần cho tới vài tháng mới khỏi hoàn toàn.
  • Nếu bạn đau lưng thì nên đi khám bệnh với thầy thuốc hay chuyên viên nắn xương khớp có khả năng điều chỉnh cột sống. Phương pháp này giải phóng áp lực đè lên dây thần kinh để điều trị chấn thương.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây