Chữa lành lợi sau khi nhổ răng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chiếc răng sau khi được nhổ đi sẽ để lại vết thương ở lợi và xương ổ răng. Nếu không được chăm sóc đúng mức, vết thương có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và đau đớn. Việc biết cách thực hiện các biện pháp đề phòng trước và sau khi nhổ răng sẽ giúp cho quá trình chữa lành diễn ra suôn sẻ.

Các bước[sửa]

Chăm sóc lợi sau khi nhổ răng[sửa]

  1. Cắn chặt vào miếng gạc. Sau khi nhổ răng cho bạn, nha sĩ sẽ đặt một miếng gạc lên vết thương để cầm máu. Nhớ cắn chặt miếng gạc để tạo lực ép giúp máu ngừng chảy. Nếu máu vẫn chảy nhiều, có thể bạn cần chỉnh lại miếng gạc cho đúng vị trí của vết thương.[1]
    • Không nói chuyện, vì điều này có thể khiến miếng gạc lỏng ra, làm chậm quá trình hình thành cục máu đông.
    • Nếu miếng gạc bắt đầu ướt sũng, bạn có thể thay gạc khác; tuy nhiên đừng thay nhiều lần quá mức cần thiết, và không nhổ nước bọt, vì điều này cản trở quá trình đông máu.
    • Không dùng lưỡi hoặc ngón tay chạm vào chỗ mới nhổ răng, đồng thời tránh xì mũi, hắt xì hoặc ho vào lúc này. Việc tăng áp lực có thể khiến vết thương chảy máu lại. Tránh đặt bàn tay lên chỗ nhổ răng để vùng tổn thương khỏi ấm lên.
    • Lấy gạc ra sau 30-45 phút và soi gương để kiểm tra xem vết thương còn chảy máu không.
  2. Uống thuốc giảm đau. Chỉ dùng thuốc giảm đau do nha sĩ kê toa. Nếu nha sĩ không kê toa thuốc giảm đau, bạn có thể uống thuốc giảm đau không kê toa. Uống thuốc kháng sinh do nha sĩ chỉ định.[1]
    • Uống liều thuốc giảm đau đầu tiên càng sớm càng tốt, trước khi thuốc tê hết tác dụng. Tốt nhất là bạn cần uống đúng liều lượng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh theo toa bác sĩ.
  3. Sử dụng túi chườm đá. Chườm túi nước đá lên mặt, bên ngoài nơi răng bị nhổ. Đá lạnh giúp cầm máu và giảm sưng nhờ làm co các mạch máu. Chườm túi đá khoảng 10-20 phút, sau đó nghỉ 30 phút. Luôn nhớ bọc khăn hoặc vải bên ngoài túi đá, không đặt đá trực tiếp lên da. Bạn có thể chườm đá trong khoảng 24-48 tiếng đầu tiên sau khi nhổ răng. Sau 48 tiếng, hiện tượng sưng sẽ giảm và đá không còn tác dụng giảm đau nữa.[2]
    • Bạn có thể dùng túi ni lông có khóa kéo để đựng đá xay hoặc đá viên nếu không có túi chườm đá.
    • Tránh đặt bàn tay lên chỗ nhổ răng, vì như vậy bạn sẽ làm vùng tổn thương nóng lên.
  4. Sử dụng túi trà. Trà có chứa a-xít tannic, có tác dụng giúp hình thành cục máu đông bằng cách làm co mạch máu. Túi trà có thể giúp cầm máu. Nếu thấy máu chảy ri rỉ đến 1 tiếng đồng hồ sau khi nhổ răng, bạn hãy đặt một túi trà ẩm lên chỗ nhổ răng và cắn chặt xuống để tạo sức ép lên chỗ chảy máu. Giữ như vậy khoảng 20-30 phút. Uống trà lạnh có thể cũng giúp ích, nhưng đặt túi trà trực tiếp lên vết thương sẽ có kết quả tốt hơn.[3]
  5. Súc miệng bằng nước muối ấm. Súc miệng vào sáng hôm sau ngày nhổ răng. Bạn có thể pha nước muối ấm bằng cách hòa 1 thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm 240 ml. Súc miệng chậm và nhẹ nhàng để không tạo áp lực. Chỉ dùng lưỡi đưa qua đưa lại từ bên này sang bên kia nhiều lần, sau đó nhẹ nhàng nhổ nước muối ra để tránh động chạm đến chỗ máu đông.[2]
    • Súc miệng nước muối 4-5 lần một ngày trong nhiều ngày sau khi nhổ răng, nhất là sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
  6. Nghỉ ngơi nhiều. Việc nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp huyết áp ổn định, tạo điều kiện cho máu đông và chữa lành lợi. Không tham gia bất cứ hoạt động thể chất nào ít nhất trong 24 tiếng sau khi nhổ răng, và gối cao đầu hơn một chút khi nằm để đảm bảo máu hoặc nước bọt không gây sặc.[3]
    • Thử gối đầu trên hai chiếc gối, đồng thời không nằm nghiêng về phía chiếc răng bị nhổ để máu không bị ứ đọng do tăng nhiệt độ.
    • Không gập người xuống hoặc nâng nhấc vật nặng.
    • Luôn ngồi ở tư thế thẳng.
  7. Đánh răng. 24 giờ sau khi nhổ răng, bạn nên nhẹ nhàng chải răng và lưỡi, nhưng không đưa bàn chải đến gần vị trí chiếc răng bị nhổ. Thay vào đó, bạn hãy súc miệng nước muối một cách nhẹ nhàng như mô tả ở trên để tránh làm tổn hại cục máu đông. Thực hiện động tác này trong 3-4 ngày tiếp theo.[2]
    • Bạn có thể duy trì việc dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng như thường lệ, nhưng tránh dùng chỉ nha khoa gần vị trí nhổ răng. Dùng nước súc miệng kháng khuẩn hoặc nước súc miệng do nha sĩ kê toa để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  8. Sử dụng gel chlorhexidine. Bạn có thể dùng gel chlorhexidine bôi lên vết thương vào hôm sau ngày nhổ răng để vết thương mau lành hơn. Điều này cũng có thể ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào gần vết thương, đồng thời giúp giảm đau và bớt khó chịu.[4]
    • Không bôi gel trực tiếp vào hốc răng đã nhổ. Chỉ bôi vào vùng lợi xung quanh vị trí chiếc răng đã nhổ.
  9. Chườm gạc ấm sau 24-48 tiếng. Điều này sẽ giúp tăng lưu thông máu, đẩy nhanh quá trình chữa lành, giảm sưng và bớt khó chịu. 36 tiếng sau khi nhổ răng, bạn hãy chườm khăn ấm và ướt lên mặt, bên ngoài vùng tổn thương theo từng đợt với 20 phút chườm, 20 phút nghỉ.[5]
  10. Chú ý chế độ ăn. Bạn cần đợi cho thuốc tê tan hết trước khi thử ăn. Bắt đầu bằng thức ăn mềm, nhai bên hàm răng lành. Bạn cũng có thể muốn ăn món lạnh và mềm, ví dụ như kem, để làm dịu đau và cung cấp chất dinh dưỡng. Tránh những thức ăn cứng, giòn hoặc nóng; tránh dùng ống hút vì có thể làm bật cục máu đông ra khỏi lợi.[2]
    • Ăn đều đặn và không bỏ bữa.
    • Ăn thức ăn nguội hoặc lạnh, không bao giờ ăn thức ăn ấm hoặc nóng.
    • Ăn thức ăn mềm và hơi lạnh như kem, sinh tố, bánh pudding, thạch, sữa chua và súp. Những thức ăn này rất thích hợp, đặc biệt là ngay sau khi nhổ răng, vì chúng giúp làm dịu sự khó chịu sau thủ thuật nhổ răng. Đảm bảo không ăn các thức ăn quá lạnh hoặc cứng, không nhai bên hàm có răng đã nhổ. Những thức ăn phải nhai mạnh (như bánh ngũ cốc, quả hạch, bắp rang, v.v…) có thể gây đau và khó ăn, thậm chí làm vết thương bị tổn thương thêm. Dần dần chuyển chế độ ăn từ thức ăn lỏng sang đặc hơn và cuối cùng là thức ăn cứng sau vài ngày.
    • Tránh dùng ống hút. Uống bằng ống hút sẽ tạo lực hút trong miệng, có thể dẫn đến chảy máu. Nhấp từng hớp hoặc húp bằng thìa để tránh sự cố này.
    • Tránh thức ăn cay, dính, thức uống nóng, các sản phẩm có chứa caffeine, cồn, nước ngọt.
    • Tránh hút thuốc lá/ rượu bia trong ít nhất 24 tiếng sau khi nhổ răng.

Hiểu về quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng[sửa]

  1. Biết rằng có hiện tượng sưng. Lợi và miệng sẽ bị sưng do phản ứng với việc nhổ răng, và có lẽ sẽ đau. Hiện tượng này là bình thường và sẽ giảm sau 2-3 ngày. Trong thời gian đó, bạn có thể dùng túi đá áp lên má để làm dịu đau, giảm sưng và viêm.[1]
  2. Biết rằng có hiện tượng chảy máu. Sau khi nhổ răng, sẽ có nhiều máu chảy ra từ các mạch máu nhỏ li ti bên trong lợi và xương. Máu sẽ không chảy ồ ạt hoặc quá nhiều, tuy nhiên trong vài trường hợp, nha sĩ có thể khâu vết thương để giúp vết thương mau lành. Khi đó các miếng gạc sau phẫu thuật sẽ được đặt vào giữa các răng mà không đặt trực tiếp lên vết thương. Hỏi bác sĩ phẫu thuật và chỉnh lại gạc nếu cần thiết.[1]
  3. Không đụng chạm vào cục máu đông. Cục máu đông sẽ hình thành trong 1-2 ngày đầu, và điều cực kỳ quan trọng là bạn không nên đụng vào hoặc cậy ra. Sự đông máu là bước đầu tiên cần thiết trong quá trình chữa lành, và việc khuấy động hoặc cậy cục máu đông có thể khiến vết thương lâu lành, thậm chí gây nhiễm trùng và đau đớn.[6]
  4. Biết rằng lớp tế bào biểu mô sẽ hình thành. Trong 10 ngày sau, các tế bào ở lợi sẽ sinh sôi nhanh và hình thành một lớp biểu mô để lấp chỗ trống của chiếc răng đã bị nhổ. Điều quan trọng là không cản trở quá trình này khi vết thương đang hồi phục.[7]
  5. Biết về quá trình lắng đọng xương. Sau khi lớp biểu mô hình thành, các tế bào tạo xương ở tủy xương sẽ được kích thích. Quá trình này thường bắt đầu dọc theo thành bên của hốc răng đã nhổ và dần dần tiến vào giữa.[8] Chỗ trống của chiếc răng đã nhổ sẽ được khép kín hoàn toàn. Quá trình lắng đọng xương khép kín hốc răng có thể mất đến một năm, nhưng lợi sẽ che phủ hốc răng chỉ trong hai tuần, và bạn không có gì phải lo lắng vì nó sẽ hoàn toàn lành lại.

Chăm sóc lợi trước khi nhổ răng[sửa]

  1. Báo cho bác sĩ phẫu thuật răng miệng biết về tình trạng trước đó của bạn. Bạn cũng nên báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang uống. Những điều này có thể khiến cuộc phẫu thuật trở nên phức tạp và gây rắc rối trong hoặc sau phẫu thuật.
    • Bệnh nhân tiểu đường sau khi chữa răng thường lâu lành hơn vì bị chảy máu lâu hơn. Bạn cần duy trì mức đường huyết gần như bình thường để giúp mau lành hơn sau khi nhổ răng, đồng thời báo cho bác sĩ biết về tình trạng tiểu đường của bạn và kết quả xét nghiệm đường huyết gần đây. Nha sĩ sẽ xác định mức đường huyết của bạn có an toàn để nhổ răng hay không.[9]
    • Bệnh nhân cao huyết áp nên lưu ý rằng một số thuốc trị huyết áp có thể khiến lợi bị chảy máu. Các biến chứng có thể xảy ra nếu bạn không ngừng thuốc trước khi làm phẫu thuật nhổ răng. Báo cho bác sĩ biết về các thuốc bạn đang uống hoặc uống gần đây.[10]
    • Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc làm loãng máu như warfarin và heparin nên báo cho bác sĩ biết trước khi nhổ răng, vì nhóm thuốc này sẽ cản trở quá trình đông máu.[11]
    • Bệnh nhân đang uống thuốc ngừa thai chứa estrogen có thể gặp biến chứng về đông máu. Báo với bác sĩ nếu bạn đang uống thuốc ngừa thai.[12]
    • Một số loại thuốc dùng dài ngày sẽ làm khô miệng, dẫn đến nhiễm trùng sau khi nhổ răng. Bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi phẫu thuật. Ngoài ra cũng nên tham khảo bác sĩ trước khi thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng thuốc đang uống.
  2. Hiểu rằng hút thuốc có thể gây rắc rối. Hút thuốc là một yếu tố gây ra các bệnh về lợi.[13] Hơn nữa, cử động khi hút thuốc có thể làm bật cục máu đông vốn cần thiết cho quá trình chữa lành lợi. Thuốc lá cũng có thể kích thích vết thương nhạy cảm và cản trở quá trình hồi phục.[14]
    • Nếu bạn là người hút thuốc thì hãy nghĩ đến việc cai thuốc lá trước khi nhổ răng.
    • Nếu không định bỏ thuốc lá, bạn cần lưu ý rằng bệnh nhân không nên hút thuốc ít nhất 48 tiếng sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thói quen nhai hoặc “nhét” thuốc lá không nên dùng thuốc lá trong ít nhất 7 ngày.[15]
  3. Tham khảo bác sĩ tổng quát. Việc báo cho bác sĩ tổng quát biết về cuộc phẫu thuật trước khi nhổ răng có thể giúp bạn tránh được các vấn đề tiềm tàng xảy ra do thuốc bạn đang uống hoặc do tình trạng bệnh lý của bạn nếu có.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu cảm thấy có cơn đau bất thường sau khi nhổ răng một tuần, bạn hãy đến nha sĩ.
  • Không uống cà phê trong ít nhất 6 tiếng sau khi nhổ răng, vì cà phê có thể làm giảm tác dụng của thuốc tê.
  • Nếu cơn đau tăng lên sau 2 ngày, bạn cần đến nha sĩ ngay lập tức. Chứng đau này có thể là biểu hiện của tình trạng khô hốc răng.
  • Hiện tượng chảy máu nhẹ và nước bọt chuyển màu sẽ xảy ra trong khoảng 12-24 giờ đầu sau khi nhổ răng. Nếu máu chảy nhiều và không ngừng trong 3-4 tiếng sau phẫu thuật, bạn cần đến nha sĩ ngay lập tức.[2]
  • Nếu thấy có các mảnh xương sắc nhọn, còn gọi là mảnh xương rời (bone sequestra) còn sót lại sau phẫu thuật, bạn cần báo cho nha sĩ. Việc hình thành lại xương là bình thường, nhưng các mảnh xương chết bị vỡ sau phẫu thuật có thể gây đau, và bạn cần phải loại bỏ chúng. Trao đổi với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng nếu bạn nghi ngờ có những mảnh xương chết còn sót lại sau khi nhổ răng.[16]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]