Chữa lành sẹo lồi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sẹo lồi là khối da nhô lên sau chấn thương do cơ thể hình thành quá nhiều mô sẹo.[1] Sẹo lồi mặc dù không nguy hiểm nhưng cực kỳ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Sẹo lồi rất khó chữa lành, do đó, bạn nên ngăn ngừa ngay từ đầu. Tuy nhiên, có một số phương pháp trị liệu sẵn có mà bạn có thể áp dụng để giảm, thậm chí loại bỏ sẹo lồi.

Các bước[sửa]

Tìm phương pháp trị liệu[sửa]

  1. Nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm Cortisone. Đến bệnh viện tiêm Cortisone, với mỗi đợt tiêm cách nhau 4-8 tuần, có thể làm giảm kích thước sẹo lồi và giúp da bằng phẳng trở lại. Tuy nhiên, Cortisone đôi khi có thể khiến sẹo lồi đậm màu hơn.[2]
    • Interferon là dạng thuốc tiêm đang được nghiên cứu trong điều trị sẹo lồi mà bạn có thể lựa chọn.[3]
  2. Áp dụng liệu pháp làm lạnh (Cryotherapy) để điều trị sẹo lồi. Cryotherapy là liệu pháp giúp điều trị sẹo lồi hiệu quả, giúp giảm đáng kể kích thước sẹo lồi. Với phương pháp này, nitơ lỏng sẽ được thoa lên sẹo lồi để đóng băng các tế bào dư thừa. Liệu pháp làm lạnh Cryotherapy chỉ mất vài phút và thường do bác sĩ tiến hành. Bạn nên áp dụng thêm nhiều phương pháp khác, mỗi phương pháp cách nhau vài tuần nếu muốn loại bỏ hoàn toàn sẹo lồi.[4]
  3. Hỏi bác sĩ da liễu về liệu pháp bắn laser. Bắn laser cho sẹo lồi là phương pháp tương đối mới và chưa được nghiên cứu nhiều như các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, đây vẫn là phương pháp giúp chữa lành hoặc thu nhỏ sẹo lồi đầy hứa hẹn. Mỗi loại tia laser sẽ càng phát huy tác dụng nếu phù hợp với loại da và loại sẹo lồi. Bạn nên hỏi bác sĩ da liễu để biết mình có phù hợp với phương pháp laser hay không.[5]
  4. Cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi. Bác sĩ không muốn loại bỏ sẹo lồi bằng phẫu thuật vì bạn rất có nguy cơ bị thêm nhiều mô sẹo tại vị trí phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phẫu thuật là phương pháp hữu ích hoặc cần thiết.
    • Nếu phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi, bạn nên đảm bảo tuân theo hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật để ngăn ngừa sẹo lồi mới hình thành.
  5. Trao đổi với bác sĩ về xạ trị. Xạ trị nghe có vẻ cực đoan nhưng là phương pháp hiệu quả giúp chữa lành sẹo lồi trong hơn một thế kỷ nay, đặc biệt khi kết hợp chung với phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác. Mặc dù xạ trị có thể tăng nguy cơ ung thư nhưng một nghiên cứu gần đây đã cho thấy đây vẫn là lựa chọn an toàn nếu được thực hiện một cách cẩn trọng (bảo vệ các mô dễ bị ung thư).[6]
    • Phương pháp xạ trị thường được tiến hành cho bệnh nhân ngoại trú tại bệnh viện, dưới sự giám sát của chuyên gia xạ trị.

Điều trị sẹo lồi tại nhà[sửa]

  1. Áp dụng các liệu pháp tại nhà một cách cẩn thận trong điều trị sẹo lồi. Các liệu pháp an toàn giúp thu nhỏ sẹo lồi là tạo áp lực (miếng dán silicon) và thoa chất chữa lành. Không nên dùng lực để loại bỏ hoặc thu nhỏ sẹo lồi bằng cách cắt, mài hoặc ép sẹo bằng dây hoặc dây chun hay áp dụng bất kỳ phương pháp gây tổn thương da nào khác. Nếu xử lý sẹo lồi một cách thô bạo, bạn không những có nguy cơ hình thành thêm nhiều mô sẹo tại vị trí cũ mà còn rất dễ bị nhiễm trùng. [7]
  2. Dùng Vitamin E cho sẹo lồi. Vitamin E được chứng minh giúp liền sẹo, ngăn ngừa sẹo lồi và thu nhỏ sẹo lồi đã hình thành trên da. Bạn có thể thoa dầu hoặc kem Vitamin E lên vết sẹo 2 lần mỗi ngày, vào mỗi buổi sáng và tối trong vòng 2-3 tháng. [8]
    • Bạn có thể mua dầu vitamin E tại cửa hàng thực phẩm an toàn hoặc các tiệm tạp hóa lớn.
    • Bạn cũng có thể mua viên nang Vitamin E, cắt, ép dầu ra và dùng dầu để thoa lên sẹo. Mỗi viên nang có thể dùng được vài lần.
  3. Sử dụng miếng dán gel silicon để điều trị sẹo lồi và ngăn ngừa sẹo mới hình thành. Miếng dán gel silicon hoặc "dán sẹo" có thể tự dính, tái sử dụng và được dán lên vùng da bị tổn thương để ngăn sẹo hoặc dán trực tiếp lên sẹo và sẹo lồi để giảm kích thước và làm mờ sẹo. Bạn có thể dán miếng silicon lên da bị thương hoặc sẹo lồi ít nhất 10 tiếng một ngày và trong nhiều tháng.[9]
    • Ví dụ về sản phẩm thương mại của miếng dán gel silicon là "ScarAway" có bán tại nhà thuốc hoặc trực tuyến.
  4. Thoa thuốc mỡ tại chỗ để chữa lành sẹo lồi. Có nhiều thuốc thoa tại chỗ giúp thu nhỏ và chữa lành sẹo lồi. Thành phần hoạt chất trong các thuốc này là silicon. Bạn có thể tìm thuốc có mác "Kem liền sẹo" hoặc "Gel liền sẹo" và sử dụng theo hướng dẫn.[10]

Ngăn ngừa sẹo lồi[sửa]

  1. Hiểu tầm quan trọng của việc ngăn ngừa sẹo lồi. Cách đối phó với sẹo lồi tốt nhất là tránh hình thành sẹo ngay từ đầu. Người đã có sẹo lồi hoặc rất dễ bị sẹo lồi nên đặc biệt cẩn thận khi bị tổn thương để ngăn ngừa sẹo lồi hình thành.
  2. Chăm sóc vết thương để ngăn nhiễm trùng và tạo sẹo. Bạn nên chú ý các vết thương trên da, dù là nhẹ nhất và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vết thương. Thoa kem kháng sinh, dán băng cho các vết thương hở và thay băng thường xuyên.
    • Mặc quần áo rộng để tránh chà xát lên vết thương và ngăn ngừa kích ứng nặng thêm.
    • Miếng dán gel silicon được đề cập ở trên cũng có thể ngăn ngừa sẹo lồi hiệu quả.
  3. Tránh tổn thương da nếu dễ bị sẹo lồi. Xỏ khuyên và thậm chí là xăm lên da có thể hình thành sẹo lồi ở một số người. Nếu có tiền sử bị sẹo lồi trước đó hoặc có thành viên trong gia đình đã từng bị sẹo lồi, bạn nên tránh xỏ khuyên và xăm trên da hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi xỏ khuyên hoặc xăm.

Hiểu biết về sẹo lồi[sửa]

  1. Tìm hiểu sẹo lồi hình thành như thế nào. Sẹo lồi là vết sẹo có thể hình thành tại bất cứ nơi nào bị tổn thương trên cơ thể. Sẹo lồi hình thành khi cơ thể sản xuất collagen dư thừa (một loại mô sẹo) ở nơi bị thương. Tổn thương da có thể lớn và thấy rõ giống như vết mổ hay vết bỏng hoặc chỉ nhỏ như vết cắn hoặc mụn. Sẹo lồi thường bắt đầu phát triển khoảng 3 tháng sau khi bị thương, và bắt đầu lớn dần trong vài tuần, thậm chí hàng tháng.[11]
    • Xỏ lỗ tai và xăm có thể dẫn đến sẹo lồi ở một số người.
    • Sẹo lồi thường hình thành trên ngực, vai và lưng trên.
  2. Tìm hiểu hình dạng sẹo lồi. Sẹo lồi thường nhô lên trên da, có độ dai cùng bề mặt mịn và sáng bóng. Hình dạng sẹo lồi thường y hệt hình dạng tổn thương da lúc đầu, tuy nhiên về sau có thể phát phình to hơn vùng da bị thương. Sẹo lồi có thể thay đổi màu sắc từ bạc sang màu thịt, đỏ rồi đến nâu đậm.
    • Sẹo lồi nói chung không đau nhưng có thể gây ngứa hoặc bỏng rát ở một số người.
    • Sẹo lồi không nguy hiểm, tuy nhiên bạn nên đi khám bác sĩ để tránh nhầm lẫn với vấn đề về da nghiêm trọng.
  3. Biết bạn có nguy cơ dễ phát triển sẹo lồi hay không. Một số người có nguy cơ dễ bị sẹo lồi hơn những người khác. Bạn cũng có khả năng hình thành thêm nhiều sẹo lồi về sau nếu đã từng bị sẹo lồi trước đó. Nếu biết mình có nguy cơ bị sẹo lồi, bạn nên đặc biệt chăm sóc những tổn thương trên da để ngăn sẹo lồi hình thành.[12]
    • Người da sẫm màu có nhiều khả năng bị sẹo lồi hơn.
    • Người dưới 30 tuổi có nguy cơ bị sẹo lồi cao hơn, đặc biệt là thanh thiếu niên tuổi dậy thì.
    • Phụ nữ mang thai thường dễ bị sẹo lồi.
    • Người có tiền sử sẹo lồi trong gia đình cũng có nguy cơ bị sẹo lồi cao.
  4. Khám bác sĩ nếu có sẹo lồi đáng nghi. Nếu nghi ngờ, bạn nên nhờ bác sĩ khám sẹo lồi để tránh bệnh nghiêm trọng hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán trực quan sẹo lồi. Tuy nhiên trong những trường hợp khác, bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết mô và kiểm tra để loại trừ ung thư.
    • Hầu hết các phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả thường do bác sĩ tiến hành và bạn cần điều trị sớm nếu muốn chữa lành sẹo lồi.
    • Sinh thiết da là quá trình đơn giản, trong đó bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô da nhỏ và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết da được tiến hành tại bệnh viện trong thời gian bạn đến khám.[13]

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn khám bác sĩ nếu bạn thấy mảng da lạ mọc lồi lên hoặc vết sẹo cũ bắt đầu thay đổi. Đây có thể chỉ là sẹo lồi vô hại nhưng đồng thời cũng là một vấn đề nguy hiểm nào đó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]