Chữa ngứa bàn tay và bàn chân ban đêm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chứng ngứa bàn tay và bàn chân (pruritus) có thể là triệu chứng của các căn bệnh khác nhau về da như phát ban do dị ứng, vẩy nến hoặc viêm da.[1] Bệnh này gây đau hoặc rất ngứa, da có thể ráp, đỏ hoặc sưng và phồng rộp. Bạn cũng có thể nhận thấy cơn ngứa tăng lên vào ban đêm. Nếu đang khổ sở vì ngứa bàn tay và bàn chân thì điều quan trọng bạn cần phải làm là đến bác sĩ. Tuy nhiên bạn có thể thử một số liệu pháp để giảm sự khó chịu do ngứa bàn tay và bàn chân.

Các bước[sửa]

Chữa chứng ngứa ban đêm tại nhà[sửa]

  1. Cố gắng không gãi. Hết sức tránh gãi, vì việc này có thể khiến các triệu chứng nặng hơn hoặc gây ra những vấn đề khác, kể cả viêm da.[2]
    • Cắt giũa móng tay có thể giúp bạn tránh gãi.[2]
    • Cân nhắc đi găng tay ban đêm khi ngủ để khỏi gãi.[2]
  2. Duy trì độ ẩm cho da. Việc giữ ẩm da bàn tay và bàn chân trước khi đi ngủ có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa chứng ngứa. Bạn có thể tăng cường độ ẩm bằng cách sử dụng máy tạo ẩm trong nhà.[3]
    • Bôi kem dưỡng ẩm lên da ít nhất mỗi ngày một lần. Thời gian tốt nhất để thoa kem dưỡng ẩm là sau khi tắm, lúc da còn ẩm.[2] Tập trung dưỡng ẩm những vùng da ngứa nhất sau khi tắm và trước khi đi ngủ.[2]
    • Đảm bảo kem dưỡng ẩm phải là loại không mùi và không màu để tránh kích ứng da.[2]
    • Bật máy tạo ẩm trong phòng ngủ để giữ độ ẩm, giúp da không bị khô và ngứa trong khi ngủ.[4]
    • Tránh nhiệt độ quá cao hay quá thấp vốn có thể làm khô da.
  3. Ngâm nước ấm. Việc ngâm mình trong nước ấm có thể xoa dịu làn da bị ngứa và giúp giảm viêm. Bạn có thể cân nhắc dùng thêm yến mạch dạng keo để tăng hiệu quả làm dịu da.[2]
    • Thêm muối nở, bột yến mạch sống hoặc yến mạch dạng keo vào nước; các thành phần này đều có tác dụng làm dịu da.[2]
    • Chỉ ngâm trong bồn tắm 10-15 phút. Da sẽ bị khô khi ngâm quá lâu, và rốt cuộc bạn có thể bị ngứa nhiều hơn.
    • Đảm bảo nước chỉ hơi ấm chứ không nóng. Nước nóng có thể lấy đi chất dầu tự nhiên trên da, khiến da bị khô và thậm chí còn ngứa nhiều hơn.
    • Sau khi ngâm nước ấm, thoa kem dưỡng ẩm lên da trước khi da khô hẳn, tập trung vào bàn tay và bàn chân. Kem dưỡng ẩm sẽ khóa độ ẩm trong da sau khi ngâm nước, giúp giữ ẩm da và giảm khả năng gây ngứa.
  4. Chườm gạc mát hoặc ướt. Chườm gạc lạnh, mát hoặc ướt lên bàn tay và bàn chân khi đi ngủ. Gạc hoặc túi chườm lạnh có thể giúp giảm ngứa và viêm liên quan đến chứng ngứa nhờ tác dụng làm co các mạch máu và làm mát da.[2]
    • Bạn có thể chườm gạc lạnh lên các vùng phát ban theo từng đợt 10-15 phút cho đến khi ngủ thiếp đi.[3]
    • Nếu không có túi đá, bạn có thể dùng túi rau củ đông lạnh với tác dụng tương tự.
    • Không chườm đá trực tiếp lên da. Dùng vải bọc đá hoặc túi đá. Bạn có thể bị bỏng lạnh nếu tiếp xúc trực tiếp với đá quá lâu.
  5. Mặc đồ ngủ rộng và mịn. Ngăn ngừa và giảm ngứa bằng cách mặc đồ ngủ không kích ứng da. Chất liệu mịn có thể giúp bảo vệ da khỏi trầy xước.
    • Mặc đồ ngủ rộng với chất liệu mát, mịn bằng vải cotton hoặc len lông cừu merino để hạn chế gãi và ngăn đổ mồ hôi.[2]
    • Vải cotton là lựa chọn tốt vì đây là chất liệu thoáng khí và mềm mại.[2]
    • Cân nhắc đi tất và găng tay để tránh gãi.
  6. Tạo môi trường mát và thoải mái trong phòng ngủ. Chiếc giường của bạn cần phải dễ chịu, mát mẻ và thoáng khí. Bằng việc kiểm soát những yếu tố như nhiệt độ và ánh sáng, sửa soạn chiếc giường dễ chịu và duy trì lưu thông không khí, bạn có thể ngăn chặn chứng ngứa bàn tay và bàn chân ban đêm.[2]
    • Nhiệt độ 15,5 – 24 độ C là điều kiện tốt nhất khi ngủ.[5]
    • Dùng quạt để lưu thông không khí hoặc mở cửa sổ.[2]
    • Dùng vải trải giường dễ chịu với chất liệu sợi tự nhiên như cotton.[2]
  7. Theo dõi da để phát hiện các triệu chứng viêm da. Khi bị ngứa bàn tay và bàn chân, bạn có thể có nguy cơ cao bị viêm da nông, còn gọi là viêm mô tế bào (cellulitis). Bạn cần gọi ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng nào sau đây:[6]
    • Đỏ
    • Sưng
    • Đau và/hoặc nhức
    • Có cảm giác ấm nóng trên da
    • Sốt
    • Xuất hiện các nốt đỏ, sần và/ hoặc phồng rộp

Ngăn ngừa ngứa bàn tay và bàn chân ban đêm[sửa]

  1. Chăm sóc bàn tay và bàn chân. Rửa tay và chân thường xuyên để hạn chế rủi ro nhiễm nấm và vi khuẩn vốn thường gây ngứa dữ dội. Dùng xà phòng nhẹ dịu đủ để rửa sạch tay chân và ngăn ngừa nhiễm trùng.[2]
    • Đi tất thấm hút tốt bằng chất liệu cotton để khỏi ngứa nếu bàn chân của bạn thường đổ mồ hôi nhiều.
    • Đi găng tay làm bằng sợi tự nhiên như cotton để ngăn ngừa chứng ngứa.
  2. Chọn xà phòng và bột giặt nhẹ hoặc “rất ít gây dị ứng” (“hypoallergenic”). Khi mua xà phòng và bột giặt, bạn hãy chọn các sản phẩm có ghi nhãn là nhẹ dịu, không mùi, không phẩm nhuộm hoặc rất ít gây dị ứng. Các sản phẩm này ít hóa chất độc hại gây ngứa và kích ứng da.[3]
    • Mọi sản phẩm có nhãn “hypoallergenic” đã được thử nghiệm để dành cho da nhạy cảm và sẽ không kích ứng da.[3]
  3. Tránh các dị nguyên và tác nhân kích thích. Chứng ngứa có thể xảy ra do một dị nguyên hoặc một tác nhân kích thích nào đó. Bạn có thể tránh tình trạng ngứa và khó chịu khi đã biết những nguyên nhân gây ngứa.[2]
    • Tác nhân kích thích có thể là một dị nguyên, thức ăn gây dị ứng, mỹ phẩm, yếu tố môi trường, vết đốt của côn trùng, bột giặt hoặc xà phòng mạnh.[2]
    • Nếu có đeo trang sức, chứng ngứa có thể là do dị ứng với các kim loại trong đồ trang sức.[2]
    • Nếu nghi ngờ một tác nhân kích thích nào đó, bạn hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc để xem các triệu chứng có giảm không.[2]
  4. Duy trì nước cho cơ thể. Khi làn da bị khô, não sẽ nhận được tín hiệu cho biết rằng cơ thể cần thêm nước. Điều này là do tình trạng mất nước thường gây ngứa. Bên cạnh đó, cảm giác ngứa có thể xảy ra nếu lớp da bên trong không đủ độ ẩm. Bạn hãy uống nước trong cả ngày và đảm bảo uống một ly nước đầy trước khi đi ngủ.
    • Cố gắng uống ít nhất 8-12 ly nước mỗi ngày. Nếu chán uống nước trắng, bạn có thể cho thêm nước quả vào để tạo hương vị.
    • Bạn cũng có thể ăn các thực phẩm chứa nhiều nước như dưa chuột, anh đào, cà chua, cần tây, ớt xanh, dưa hấu, dâu tây, dưa vàng và bông cải xanh.[7]
  5. Tránh những tác nhân kích thích và dị nguyên đã biết. Chứng ngứa có thể nặng thêm nếu bạn tiếp xúc với các tác nhân kích thích tiềm tàng như các hóa chất hoặc phấn hoa. Một khi đã biết những nguyên nhân gây dị ứng – kể cả thức ăn và bụi bặm – bạn hãy cố hết sức tránh xa những yếu tố đó.
    • Nếu không biết mình bị dị ứng với thứ gì, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được xét nghiệm và tìm ra các chất gây dị ứng.
  6. Tránh các tác nhân gây giãn mạch và đổ mồ hôi nhiều. Một số thức ăn và đồ uống được biết là tác nhân gây giãn mạch - trong đó có cà phê và chất cồn - có thể làm gia tăng chứng ngứa. Tình trạng đổ mồ hôi nhiều cũng khiến chứng ngứa nặng hơn. Với việc tránh các tác nhân gây giãn mạch và các điều kiện gây đổ mồ hôi, bạn có thể hạn chế chứng ngứa và khó chịu.[8]
    • Các tác nhân gây giãn mạch phổ biến là cà phê, cồn, gia vị và nước nóng.[8]
  7. Giảm stress. Cuộc sống căng thẳng có thể khiến tình trạng ngứa nặng thêm. Việc giảm stress có thể hạn chế hoặc chữa lành chứng ngứa.[2]
    • Bạn có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để giảm stress, bao gồm trị liệu, thiền, yoga hoặc tập thể dục.[2]

Dùng các phương pháp điều trị y khoa[sửa]

  1. Đến bác sĩ khám bệnh. Nếu chứng ngứa không thuyên giảm sau 1 tuần hoặc gây khó chịu dữ dội, bạn hãy đến bác sĩ. Bạn có thể được kê toa thuốc uống, kem bôi có steroid hoặc dùng liệu pháp ánh sáng để chữa chứng ngứa.[9]
    • Đến bác sĩ khám nếu: sự khó chịu khiến giấc ngủ bị xáo trộn hoặc cản trở khả năng hoạt động hàng ngày, cảm giác đau trên da, các liệu pháp chăm sóc da ở nhà không có tác dụng, hoặc bạn nghi ngờ da bị nhiễm trùng.[9]
  2. Thoa lotion calamine hoặc kem chống ngứa. Lotion calamine hoặc kem chống ngứa không kê toa có thể giúp giảm các triệu chứng ngứa. Bạn có thể mua các loại kem này ở các hiệu thuốc hoặc trên mạng.[9]
    • Kem thoa chống ngứa không kê toa hydrocortisone có thể giúp giảm ngứa. Nhớ mua loại kem chứa ít nhất 1% hydrocortisone.[9]
    • Tìm kem chống ngứa có chứa camphor, menthol, phenol, pramoxine và benzocaine.
    • Thoa kem chống ngứa lên bàn tay và bàn chân trước khi dưỡng ẩm da.[9] Bác sĩ có thể đề nghị thoa kem lên vùng da tổn thương và sau đó băng lại với băng giữ ẩm để giúp da hấp thụ kem tốt hơn.[9]
    • Sử dụng theo liều lượng được hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.
  3. Uống thuốc kháng histamine không kê toa. Thuốc này giúp trung hòa dị nguyên, giúp giảm ngứa và viêm da. Có nhiều loại thuốc kháng histamine không kê toa khác nhau bán ở hiệu thuốc và trên mạng.[9]
    • Chlorpheniramine có hàm lượng 2mg và 4mg. Bạn có thể uống 4 mg cách mỗi 4-6 tiếng. Không dùng quá 24 mg mỗi ngày.
    • Diphenhydramine có hàm lượng 25mg và 50mg. Bạn có thể uống đến 25 mg cách mỗi 4-6 tiếng. Không dùng quá 300 mg mỗi ngày.
    • Các thuốc này thường có thêm tác dụng an thần giúp bạn dễ ngủ hơn.[9]
  4. Cân nhắc dùng thuốc chống trầm cảm. Có bằng chứng cho thấy thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) có thể giúp giảm chứng ngứa. Nói chuyện với bác sĩ về lựa chọn này nếu các phương pháp điều trị khác không có tác dụng.[9]
    • Các thuốc SSRI thông dụng được dùng để chữa chứng ngứa da là fluoxetine và sertraline.[9]
  5. Thoa thuốc corticosteroid do bác sĩ kê toa lên vùng da ngứa. Nếu các thuốc bôi corticosteroid không kê toa không có hiệu quả giảm ngứa, bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc bôi corticosteroid mạnh hơn hoặc thuốc uống corticosteroid như prednisone.[10]
    • Thuốc uống steroid có thể gây các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng trong thời gian dài.[9]
    • Tiếp tục dưỡng ẩm da trong khi dùng thuốc bôi và thuốc uống corticosteroid. Điều này không những có tác dụng duy trì độ ẩm cho da mà còn có thể giúp ngăn chặn chứng ngứa khi bạn ngưng dùng thuốc steroid.[9]
  6. Dùng kem calcineurin inhibitor (thuốc ức chế calcineurin). Nếu các liệu pháp khác không có tác dụng, bạn hãy dùng kem calcineurin inhibitor để giúp da hồi phục. Các thuốc này, bao gồm tacrolimus và pimecrolimus, có thể giúp dưỡng da tự nhiên và giảm ngứa.[9]
    • Calcineurin inhibitor tác động trực tiếp lên hệ miễn dịch và tiềm ẩn các tác dụng phụ, bao gồm các vấn đề về thận, huyết áp cao và đau đầu.[11]
    • Loại thuốc này chỉ được sử dụng khi mọi cách điều trị khác đều thất bại và chỉ dùng cho người trên 2 tuổi.[12]
  7. Dùng liệu pháp ánh sáng. Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp ánh sáng (phototherapy) để giúp giảm ngứa. Đây là phương pháp điều trị rất có hiệu quả và tương đối đơn giản với việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giới hạn hoặc ánh sáng nhân tạo, mặc dù không phải là không có những yếu tố rủi ro.[13]
    • Đây là phương pháp cho da tiếp xúc với một lượng ánh sáng mặt trời được kiểm soát hoặc tia cực tím A nhân tạo (UVA) và tia cực tím B (UVB) với dải sóng hẹp. Liệu pháp này có thể sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp với việc dùng thuốc.[13]
    • Việc tiếp xúc với ánh sáng tăng rủi ro lão hóa da sớm và ung thư da.[13]

Lời khuyên[sửa]

  • Nói chuyện với bác sĩ da liễu về chứng ngứa của bạn. Cách tốt nhất để điều trị ngứa da là tìm ra nguyên nhân gây ngứa ban đầu và chữa trị căn bệnh đó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]