Chuẩn bị trước cho mùa dị ứng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thời tiết ấm áp là điều kiện lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời, nhưng đối với nhiều người, đó cũng là dấu hiệu sự bắt đầu của các triệu chứng dị ứng. Để chuẩn bị cho mùa dị ứng, bạn nên đi khám bác sĩ để trao đổi thêm về phương án hành động. Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm da để xác định yếu tố dị ứng và đưa ra khuyến nghị dựa trên kết quả. Bạn cũng có thể dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ dị nguyên, tiến hành các bước giảm tiếp xúc với dị nguyên ngoài trời, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn và lối sống. Bằng cách tự chuẩn bị trước, bạn sẽ ít căng thẳng hơn khi mùa dị ứng đến.

Các bước[sửa]

Tiếp nhận sự giúp đỡ[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ về thuốc chữa dị ứng. Nếu lo lắng về phản ứng của cơ thể với dị nguyên hoặc triệu chứng dị ứng khiến bạn không thoải mái, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp bạn đối phó với mùa dị ứng sắp đến.[1]
    • Có nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) giúp chữa dị ứng nhưng tốt nhất bạn nên trao đổi trước với bác sĩ về các triệu chứng gặp phải. Bác sĩ có thể khuyến nghị dùng thuốc không kê đơn hoặc kê đơn thuốc mạnh hơn nếu cần thiết.
    • Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để tiêm chống dị ứng, giúp bạn bớt nhạy cảm với dị nguyên hơn trong nhiều năm. Đây là phương pháp điều trị lâu dài.[2]
  2. Yêu cầu xét nghiệm da. Có nhiều dị nguyên có thể gây ra triệu chứng dị ứng. Nếu không biết chắc bản thân dị ứng với thứ gì thì xét nghiệm da là cách tốt nhất. Bạn nên yêu cầu bác sĩ tiến hành xét nghiệm da để xác định dị nguyên.[3]
  3. Hỏi bác sĩ về thuốc xịt mũi corticosteroid. Nếu thuốc xịt mũi OTC không giúp giảm nghẹt mũi trong mùa dị ứng, bạn hãy hỏi bác sĩ về thuốc xịt mũi corticosteroid dạng kê đơn. Loại này mạnh hơn nhiều và giúp giảm nghẹt mũi nếu các loại thuốc xịt mũi khác chưa đủ tác dụng.[3]
  4. Cân nhắc liệu pháp châm cứu để chữa dị ứng. Nếu không muốn dùng thuốc hoặc thuốc không có tác dụng, bạn có thể cân nhắc liệu pháp châm cứu. Nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu là phương pháp tiếp cận hiệu quả trong điều trị dị ứng. [4]

Chuẩn bị nhà cửa[sửa]

  1. Đeo khẩu trang khi dọn dẹp. Nếu bị dị ứng với bụi, bạn nên đeo khẩu trang y tế để tránh hít phải bụi và các hạt mịn khác khi dọn dẹp nhà cửa. Khẩu trang y tế có bán ở hầu hết các hiệu thuốc và cửa hàng bách hóa lớn.
  2. Thay vỏ gối và ga giường thường xuyên. Để giảm lượng mạt bụi trong ga giường, bạn nên thay và giặt ga giường một lần mỗi tuần. Giặt ga giường và bao gối trong nước nóng ở nhiệt độ 54°C hoặc cao hơn. Nên dùng ga giường từ chất liệu tổng hợp thay vì bằng vải len để giảm lượng dị nguyên. [5]
  3. Hút bụi một lần mỗi tuần. Dùng máy hút bụi có bộ lọc HEPA để hút bụi trên sàn nhà và thảm. Máy hút bụi có bộ lọc HEPA giúp loại bỏ nhiều dị nguyên khác nhau, từ đó có thể cải thiện triệu chứng dị ứng. Đối với thảm trải nhà, bạn nên đem giặt hơi, đặc biệt là nếu ở nhà có thú nuôi.[5]
    • Đừng quên di chuyển nội thất trong nhà để hút bụi ở cả những vị trí này.
  4. Lau sạch cửa sổ và cửa lưới. Cửa lưới có thể tích tụ nhiều bụi bẩn và các hạt khác, bao gồm dị nguyên. Bạn cũng nên lau sạch nấm mốc hoặc cặn đóng trên bệ cửa sổ.[5]
    • Trong mùa dị ứng, nên đóng cửa sổ và cửa chính để giảm lượng dị nguyên vào nhà. Có thể bật điều hòa để làm mát không khí trong phòng.
  5. Dùng máy lọc không khí sử dụng hệ thống tạo ion. Ozone (O3) tiêu nhiều nhiều loại nấm, mốc, vi khuẩn gây độc ở nồng độ cao. Vì không thể lọc hoàn toàn không khí nên sẽ tốt hơn nếu bạn dùng máy lọc hút ion tích điện âm (hầu hết các dị nguyên) thay vì hút khí O3.[6]
    • Có nhiều máy lọc không khí đi kèm hệ thống tia UV hiệu quả trong việc tiêu diệt nấm mốc.
  6. Dọn dẹp khu vực ẩm ướt, nơi có điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nấm mốc. Dọn sạch phòng tắm và nhà bếp vì đây là những khu vực dễ có nấm mốc. Có nhiều cách vệ sinh những khu vực này, ví dụ như dùng:[7]
    • Giấm trắng tinh khiết. Đổ giấm vào bình xịt và xịt lên những nơi ẩm ướt, ấm và tối có thể xuất hiện nấm mốc. Để khoảng 15-30 phút rồi lau sạch.
    • Dung dịch thuốc tẩy trắng và nước theo tỉ lệ 1:9. Xịt dung dịch lên nơi dễ xuất hiện nấm mốc và để 15-30 phút trước khi lau sạch.
    • Hỗn hợp dầu cây trà và nước. Pha 30 ml dầu cây trà với 2 cốc nước ấm và lắc đều. Xịt hỗn hợp lên nơi dễ xuất hiện nấm mốc và để 15-30 phút trước khi lau sạch. Bạn có thể pha dầu cây trà với hóa chất giặt thảm theo tỉ lệ 30 ml dầu cây trà và 3800 ml hóa chất.
  7. Dọn sạch tủ đựng tách chén và tủ quần áo. Tủ đựng tách chén và tủ quần áo là nơi trú ẩn lý tưởng cho nấm mốc. Bạn nên kiểm tra dưới bồn rửa xem có nước rỉ và nấm mốc bám ở dưới không. Dọn dẹp sạch sẽ và lọc không khí ở những khu vực này.
    • Giặt sạch quần áo trong tủ đồ. Nên sấy khô quần áo bằng máy thay vì phơi ngoài dây. Dùng khăn giấy ướt lau sạch cả giày dép.

Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên ngoài trời[sửa]

  1. Đăng ký thư điện tử cảnh báo dị ứng hoặc tìm để xác định lượng phấn hoa trong khu vực. Bạn có thể đăng ký email cảnh báo hoặc sử dụng công cụ tính lượng phấn hoa trong khu vực để biết khi nào không nên ra ngoài. Cách này giúp bạn xác định được ngày nào là tốt nhất cho các hoạt động ngoài trời.[8]
  2. Ở trong nhà vào khoảng thời gian 5-10 giờ sáng. Đây là thời điểm lượng phấn hoa đạt mực cao nhất. Vì phấn hoa gây ra nhiều loại dị ứng khác nhau nên tránh ra ngoài trời vào thời gian từ 5 đến 10 giờ sáng sẽ giúp giảm triệu chứng.[8]
    • Ở trong nhà vào những ngày buổi sáng ấm, khô và những ngày gió. Lượng phấn hoa cũng tăng cao trong những ngày này.
    • Ra ngoài trời sau khi trời mưa. Thời điểm tốt nhất để ra ngoài là sau cơn mưa. Trời mưa giúp “rửa trôi” phấn hoa nên nguy cơ xuất hiện phản ứng dị ứng cũng thấp hơn.
  3. Cẩn trọng để hạn chế tiếp xúc với dị nguyên khi bắt buộc phải ở ngoài trời. Trong một số tình huống, bạn không thể tránh khỏi việc phải ở ngoài trời trong mùa dị ứng. Có nhiều cách giúp hạn chế tiếp xúc với dị nguyên khi phải ở ngoài trời. [8]
    • Nếu dị ứng nghiêm trọng, bạn nên đeo khẩu trang y tế để tránh hít phải dị nguyên.
    • Đeo kính mát để bảo vệ mắt khỏi dị nguyên.
    • Đội mũ để tránh dị nguyên bám vào tóc.
  4. Thay quần áo trước khi vào nhà. Sau thời gian ở ngoài trời, bạn nên thay và giặt sạch quần áo ngay để giảm lượng dị nguyên mang vào nhà. Sau đó, tắm lại thật sạch và mặc quần áo mới, sạch.[8]

Điều chỉnh chế độ ăn và lối sống[sửa]

  1. Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu flavonoid. Thực phẩm giàu flavonoid có đặc tính kháng viêm nên rất có ích trong trường hợp dị ứng.[9] Ngoài ra, chúng còn giàu quercetin và rutin - những chất kháng histamin tự nhiên. Thực phẩm giàu flavonoid gồm có:
    • Quả mọng
    • Ớt chuông đỏ
    • Hoa quả họ Cam
    • Chuối
    • Táo
    • Hành tây
    • Hạnh nhân
    • Rau xanh
    • Dầu ô liu
    • Hạnh nhân
    • Trà xanh
    • Trà thảo mộc như trà lá ngò tây, xô thơm và tầm ma
  2. Uống thực phẩm chức năng tăng cường hệ miễn dịch. Một số chuyên gia liệu pháp thiên nhiên tin rằng hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể dễ bị ảnh hưởng bởi dị nguyên. Vì vậy, bạn nên kết hợp thực phẩm chức năng hàng ngày vào chế độ ăn để tăng cường hệ miễn dịch.
    • Sử dụng vitamin tổng hợp. Tìm mua và sử dụng sản phẩm vitamin tổng hợp để uống hàng ngày, cùng bữa ăn.
    • Bổ sung probiotic vào chế độ ăn. Bạn có thể ăn một hộp sữa chua (chứa men sống) mỗi ngày hoặc uống thực phẩm chức năng bổ sung probiotic.
    • Bổ sung vitamin C. Vitamin C là một chất chống oxi hóa khác giúp giảm phản ứng dị ứng với dị nguyên.[10]
    • Bổ sung axit béo omega-3. Axit béo omega-3 là chất kháng viêm có thể giúp giảm triệu chứng dị ứng.
  3. Cân nhắc việc dùng thảo mộc dạng trà hoặc thực phẩm chức năng. [10] Có nhiều loại thảo mộc khác nhau có thể giúp bạn chuẩn bị cho mùa dị ứng và giảm triệu chứng khi bị dị ứng. Trước hết, bạn cần trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe chuyên về thảo mộc, đặc biệt là trong trường hợp đang uống thuốc chữa bệnh, bao gồm thuốc kháng histamin. Thảo mộc có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của một số thuốc nên tốt nhất bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
    • Đương quy (Angelica sinensis)
    • Cây Eyebright (cỏ rận hay Euphrasia officinalis) - đặc biệt là đối với phản ứng dị ứng ảnh hưởng đến mắt
    • Tầm ma (Urtica dioica)
    • Quercetin và rutin có thể uống ở dạng thực phẩm chức năng, thường uống 6-8 tuần trước mùa dị ứng. Không sử dụng quercetin hoặc rutin nếu bị bệnh gan.[11]
  4. Tập thể dục điều độ. Tập thể dục 30 phút, 3-4 lần mỗi tuần được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm dị ứng. Tập thể dục trong nhà vào những ngày lượng phấn hoa nhiều và cẩn thận để hạn chế tiếp xúc với dị nguyên vào những ngày tập thể dục ngoài trời.
    • Bơi trong nước hồ bơi chứa clo có thể khiến dị ứng trầm trọng thêm. [12]
    • “Lắng nghe” cơ thể và cảnh giác với triệu chứng dị ứng. Trong một số trường hợp, tập thể dục có thể gây dị ứng và hen suyễn.[13]

Lời khuyên[sửa]

  • Dùng bình neti để vệ sinh mũi. Bình neti chứa dung dịch nước muối giúp giảm chất nhầy tích tụ do dị ứng.
  • Dị ứng theo mùa thường gặp ở trẻ nhỏ và xuất hiện sau khi trẻ được 2 tuổi.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]