Dùng ô trên bãi biển vẫn có thể bị cháy nắng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nếu bạn nghĩ rằng ngồi dưới ô trên bãi biển thì không cần phải bôi kem chống nắng, nhưng nghiên cứu mới đăng trên tạp chí JAMA Dermatology vào tháng 3/2017 cho thấy suy nghĩ này là không chính xác, theo Mother Nature Network.

Trong nghiên cứu, 81 tình nguyện viên đã trải qua hơn 3 giờ đồng hồ trên bãi biển ở tiểu bang Texas, Mỹ, vào buổi trưa. Họ ngồi dưới bóng râm của chiếc ô, hoặc bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) bằng 100.

Ô không có tác dụng che chắn tia UV có hại phản chiếu từ cát hoặc bọt biển. Ảnh: iStock.

Kết quả cho thấy, chiếc ô gần như không có hiệu quả trong việc ngăn chặn tia cực tím UVB gây ra cháy nắng. Khoảng 78% những người ngồi dưới ô có dấu hiệu da phát triển cháy nắng. Trong khi đó con số này ở những người bôi kem chống nắng là 25%.

Các bác sĩ khuyên chúng ta nên mặc quần áo, đội mũ hoặc sử dụng ô có chỉ số bảo vệ tia cực tím (UPF) từ 50 trở lên. Sản phẩm có sợi vải dệt càng khít và sẫm màu thì chỉ số UPF càng cao.

"Nếu giả định ô sử dụng trong nghiên cứu có chỉ số UPF ít nhất là 50, thì mức độ bảo vệ của ô tương đương với kem chống nắng có SPF bằng 100. Tuy nhiên, sự khác biệt đến từ các tia UV phản xạ từ cát, nước ở góc thấp hơn tầm che chắn của ô vào những thời điểm khác nhau trong ngày", Russel Glaun, bác sĩ da liễu tại Đại học Florida, Mỹ, cho biết.

Theo Glaun, lượng tia UV thực tế mà bạn nhận được thông qua quá trình phản xạ là đáng ngạc nhiên. "Khoảng 25% tia UV bị phản xạ thông qua cát hoặc bọt biển. Do tiếp xúc gián tiếp với tia UV bằng cách phản chiếu, bạn có thể chịu tác động của 80% lượng bức xạ Mặt Trời khi đang đứng dưới ô", Glaun nói.

Glaun khuyến cáo mọi người nên sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để bảo vệ mình khỏi bức xạ có hại từ ánh sáng Mặt Trời như: ngồi trong bóng râm, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF thấp nhất là 30, sử dụng ô che nắng có chỉ số UPF bằng 50 hoặc cao hơn, tránh đi dưới trời nắng trong giờ cao điểm.

Nguồn[sửa]

  • Lê Hùng, VnExpress
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này