Giúp đỡ bạn bè vượt qua nỗi đau tinh thần

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hay tin cô bạn vừa trải qua cuộc chia tay đầy đau khổ, mới mất đi ai đó hay đang vật lộn với khó khăn nào khác, có lẽ bạn ước mình có thể giúp được gì đó. Nỗi đau chẳng thể được xóa nhòa bởi bất kỳ lời nói hay hành động nào. Thế nhưng, bạn vẫn có thể ở bên và cho cô ấy thật nhiều hỗ trợ. Trong mọi trường hợp, hãy là người bạn tốt và góp phần làm lành trái tim bị tổn thương của họ.

Các bước[sửa]

Ở bên họ[sửa]

  1. Khuyến khích họ bộc lộ cảm xúc. Để vượt qua thời điểm khó khăn, người bạn ấy cần đối mặt với cảm xúc của chính mình. Vì vậy, hãy khuyến khích họ thể hiện nỗi đau của mình. Nhắc người bạn nhớ rằng chối bỏ sự thật hay phớt lờ cảm giác của bản thân sẽ không thể giúp cảm thấy tốt hơn.[1]
    • Để họ biết rằng khóc không có gì là sai trái. Nước mắt sẽ chữa lành vết thương!
    • Nếu cảm thấy dường như người bạn ấy đang thu mình hay giấu giếm cảm xúc trong lòng, hãy giải thích rằng càng làm vậy, nỗi đau sẽ càng trở nên khó có thể vượt qua hơn.
    • Các giai đoạn đau khổ thường bao gồm buồn bã, sốc, hối hận và phai nhạt. Đừng quá lo lắng khi người bạn ấy trải qua tất cả những giai đoạn này.[2]
    • Mỗi người đều đau khổ theo những cách rất khác nhau. Vì vậy, đừng phán xét quá trình đau khổ của họ. Dù vậy, nếu dường như nỗi đau khiến họ tê dại, đờ đẫn và không trở nên khá hơn, hãy xem xét đề nghị họ gặp chuyên gia tâm lý cho vấn đề này.[2]
    • Nếu người thân của người bạn vừa mới qua đời, giúp lên kế hoạch tổ chức một buổi tưởng niệm có thể sẽ hữu ích.[2]
  2. Lắng nghe. Chia sẻ cảm xúc sẽ giúp làm lành nỗi đau, do đó hãy cho họ biết bạn sẽ luôn ở bên và sẵn sàng lắng nghe mỗi khi họ cần. Hãy là người biết lắng nghe và để người bạn ấy trút bỏ nỗi lòng lâu bao nhiêu tùy thích.[3]
    • Đừng quên nói bạn sẵn lòng lắng nghe. Có thể họ thật sự muốn nói nhưng lại lo là sẽ làm phiền bạn.
    • Tìm cách trò chuyện cùng họ ngay khi nghe tin và để họ biết rằng bạn đang lo lắng về họ. Đồng thời, đừng cảm thấy bị xúc phạm khi chờ đợi và họ chưa muốn mở lời.
    • Trừ khi được hỏi, đừng đưa ra bất kỳ lời khuyên nào. Có thể người bạn ấy chỉ muốn tâm sự nỗi lòng mà thôi. [4]
    • Nếu họ không muốn nói, hãy khuyến khích họ viết ra suy nghĩ vào nhật ký.
    • Hỏi về chuyện đã xảy ra là hoàn toàn ổn, đặc biệt, khi là bạn thân của nhau. Làm vậy sẽ giúp bạn hiểu người bạn ấy đang trải qua điều gì và phải làm thế nào để có thể giúp được họ.[2]
  3. Biết cảm thông. Để người bạn ấy biết rằng bạn quan tâm đến cảm xúc của họ, bạn muốn giúp họ vượt qua quãng thời gian khó khăn này. Thay vì phán xét, bạn chỉ cần đơn giản ghi nhận nỗi đau của họ và nói rằng bạn rất lấy làm tiếc khi họ phải gánh chịu nỗi đau đó.
    • Luôn ngỏ lời chia buồn đơn giản, chẳng hạn như: "Mình rất lấy làm tiếc vì nỗi mất mát của cậu".[2]
    • Nếu họ vừa mới chia tay, đừng cho rằng bạn cần nói xấu về người kia để họ cảm thấy khá hơn. Thay vì những câu như: "Hắn ta là một tên khốn và không có hắn sẽ tốt hơn", chỉ cần ghi nhận cảm giác mất mát của họ như: "Đánh mất người cậu quan tâm đến vậy chắc hẳn phải rất khó khăn".[5]
    • Chỉ ra mặt tích cực của tình huống không thôi sẽ không đủ giúp ích. Thay vì nói "Mọi thứ đều có lý do của nó", chỉ đơn giản nói rằng: "Mình thật sự lấy làm tiếc vì những gì mà cậu đang phải trải qua. Mình có thể giúp được gì cho cậu?".[4]
    • Đừng nói với người bạn ấy rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Có khả năng bạn sẽ hạ thấp nỗi đau của họ khi nói những điều như vậy. [2]
  4. Xem xét tình hình của họ. Nỗi đau có thể sẽ mãi quẩn quanh và do đó, đừng trông chờ người bạn ấy sẽ ổn cả chỉ sau một hay hai ngày. Thường xuyên kiểm tra và hỏi han về cảm giác của họ. Luôn để họ biết rằng bạn ở đó và muốn giúp đỡ mỗi khi họ cần. [4]
    • Đừng chờ họ tự tìm đến bạn. Có thể họ thật sự cần bạn nhưng lại không đủ dũng khí tìm đến bạn.[2]
    • Gọi điện hay nhắn tin để họ biết rằng bạn nghĩ về cô ấy. Tùy mức độ thân thiết giữa hai người, có thể bạn sẽ muốn làm điều đó mỗi ngày hay vài ngày một lần cho đến khi họ cảm thấy khá hơn.
    • Gọi vào thời điểm thích hợp để họ biết rằng bạn đang nghĩ về họ. Ví dụ, nếu người thân của họ vừa mới qua đời, bạn không nên gọi điện khi tang lễ đang diễn ra. Hãy gọi vào buổi tối hay ngày hôm sau để hỏi thăm họ như thế nào.
    • Khi hỏi thăm họ, đừng quên nói rằng nếu họ muốn trò chuyện, bạn sẽ luôn ở đó.
  5. Giúp đỡ từ những việc nhỏ. Nếu tâm trạng của họ tồi tệ đến mức không màng đến các vấn đề sinh hoạt hàng ngày, hãy giúp họ. Ví dụ, đưa đồ dùng, thực phẩm hay đến nhà giúp họ với công việc nhà. [6]
    • Nếu đề nghị bị từ chối, hãy để họ biết bạn luôn giữ lời đề nghị và nó luôn có hiệu lực khi cần.
    • Nếu là bạn thân, hãy xem xét việc đem đến bất ngờ bằng điều gì đó mà họ không biết trước, chẳng hạn như gọi pizza đến nhà cho họ.
    • Cân nhắc mời họ đến nhà dùng bữa tối. Điều này sẽ giúp họ được bồi dưỡng sức khỏe và đồng thời giúp họ ra khỏi nhà hít thở bầu không khí, điều có lẽ sẽ tốt cho họ.[2]
  6. Đừng nóng vội. Thật tuyệt khi bạn muốn giúp đỡ, thế nhưng, những gì mà bạn có thể làm là hạn hữu. Cần để họ có không gian đau khổ theo cách riêng của mình và cho họ thời gian cần thiết để vượt qua nỗi đau ấy. Đừng kỳ vọng rằng họ sẽ phục hồi ngay lập tức hay cố ép họ vượt qua nỗi đau. [6]
    • Nhớ rằng trong khoảng thời gian này, có thể họ sẽ có đôi chút ích kỷ và chẳng còn là bạn tốt của bạn nữa. Hãy thông cảm cho họ. Khi mọi chuyện qua đi, họ sẽ trở lại với con người vốn có của mình.
    • Kiên nhẫn, tiến từng bước khi động viên họ trở nên hoạt bát hơn. Nếu họ không thoải mái với tiệc tùng, hãy hỏi liệu họ có muốn đến nhà và xem phim cùng bạn.

Giúp họ vượt qua[sửa]

  1. Hãy để họ biết rằng họ mạnh mẽ đến thế nào. Hiện giờ, có lẽ họ chẳng thể hài lòng cho lắm về bản thân. Vì vậy, nhắc họ nhớ rằng họ mạnh mẽ và tuyệt vời đến thế nào sẽ giúp ích rất nhiều. Nói về những điều mà bạn ngưỡng mộ ở họ và rằng những phẩm chất này cũng chính là những gì mà họ cần để vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại. [1]
    • Cân nhắc lên danh sách những phẩm chất tốt nhất của họ. Đây có thể là những gì hộ cần để cảm thấy khá hơn.
    • Đưa ra ví dụ cụ thể cho thấy lý do bạn nghĩ rằng họ thật mạnh mẽ. Nhắc họ nhớ lại những khó khăn mà họ đã trải qua và nói rằng bạn thật tự hào về cách họ đã trải qua chúng.
  2. Giúp họ trở nên độc lập. Nếu họ đã thường làm mọi điều với người nay không còn là một phần của cuộc đời họ, như người yêu, có thể họ sẽ cảm thấy cần ai đó để tiếp tục sống. Hãy giúp họ nhận ra họ hoàn toàn có thể sống một cuộc đời viên mãn dù không có người đó bằng cách khuyến khích họ làm mọi thứ một mình hay với bạn bè. [1]
    • Điều này có thể bao gồm giúp họ tìm những sở thích mới - những hoạt động không gợi nhớ về người cũ, hay thậm chí là làm quen với vài bạn bè mới. Nếu hầu hết những người mà họ dành thời gian cùng cũng là bạn của người cũ, hãy thử giới thiệu họ với một vài người bạn mới, những người không quen biết trước đó.
    • Nếu họ có những sở thích hay từng cảm thấy thích thú với hoạt động nào đó, hãy để họ thực hiện chúng. Qua đó, đưa tâm trí họ thoát khỏi suy nghĩ không ngừng về chuyện tình cảm tan vỡ.[5]
  3. Cùng nhau tham gia các hoạt động. Hoạt động thể chất có tác động tuyệt vời về mặt tinh thần và sẽ giúp họ vượt qua nỗi đau. Mọi loại hình luyện tập, dù là môn thể thao có tổ chức đến đơn giản chỉ là chơi đùa đều sẽ tốt cho họ. [1]
    • Cân nhắc rủ họ đến lớp thể dục cùng bạn.
    • Nếu không thể động viên họ tham gia bất kỳ hoạt động nào, hãy xem liệu họ có sẵn lòng đi dạo cùng bạn hay không.
  4. Khuyến khích họ tìm đến hỗ trợ chuyên nghiệp. Nếu người bạn này đang vô cùng khủng hoảng và gặp khó khăn trong việc đối mặt với nỗi đau hiện hữu, hãy động viên họ trao đổi với bác sĩ tâm lý. Có thể chuyên gia sẽ có các hỗ trợ và động viên chuyên biệt – điều mà người thân không thể làm. [7]
    • Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bạn ấy có cảm giác muốn tự tử hoặc hành vi tự hủy hoại chính mình, chẳng hạn như tìm đến chất gây nghiện hay tự làm bị thương. Họ cần được giúp đỡ và vì vậy, hãy đảm bảo họ sẽ nhận được sự giúp đỡ cần thiết!
    • Nhóm hỗ trợ cũng có thể là một lựa chọn đáng cân nhắc, tùy thuộc vào nỗi đau mà họ đang phải đối mặt. Nhờ đó, họ sẽ có cơ hội trò chuyện với những người hiểu chính xác những gì mà họ đang trải qua.

Ngăn ngừa hành vi tự hủy hoại[sửa]

  1. Đề nghị cách li với thế giới công nghệ một thời gian. Nếu vừa mới chia tay, có thể họ sẽ có xu hướng muốn kể xấu về người cũ hay rêu rao trên mạng xã hội. Thế nhưng, việc này thật sự sẽ không đem lại lợi ích gì. Cố thuyết phục họ tạm rời xa mạng xã hội và duy trì sự riêng tư của mối quan hệ. Nhờ đó, họ cũng sẽ không phải nhìn thấy bất kỳ điều gì mà người cũ hay bạn bè đăng về cuộc chia tay này.[5]
    • Tạm rời xa công nghệ cũng có thể phù hợp với những dạng nỗi đau tinh thần khác, đặc biệt là khi họ bị bủa vây và choáng ngợp bởi sự cảm thông và chia sẻ từ những người xung quanh.
  2. Ngăn cản hành vi mang tính ám ảnh. Một số hoạt động sẽ chỉ làm trầm trọng thêm nỗi đau và vì vậy, hãy cố nhận diện thói quen có tính hủy hoại, những thói quen sẽ khiến họ cảm thấy phiền muộn và khuyên can họ không nên tiếp tục với chúng. Hãy để họ biết bạn cảm thấy thế nào về điều này và động viên họ từ bỏ chúng.[1]
    • Chắc chắn rằng họ không quấy rối bạn trai cũ sau khi chia tay. Nếu họ không ngừng gọi điện cho bạn trai cũ hay dò hỏi bất kỳ ai quen biết về anh ta đang làm gì, hãy để họ biết hành vi đó khiến bạn lo lắng.
    • Nếu chỉ đơn giản là họ vừa mất việc, hãy ngăn cản họ đọc (hay đăng) lên mạng các bình luận tiêu cực về công ty cũ.
  3. Cẩn trọng với thói quen không lành mạnh. Chúng ta vẫn thường hay bỏ quên sức khỏe khi phải đối mặt với những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Do đó, hãy chắc chắn là điều này không xảy ra với bạn của bạn. Nếu nhận thấy họ không ngủ đủ giấc, không ăn uống hay bắt đầu uống rượu hoặc dùng thuốc, hãy bày tỏ sự lo lắng và hướng họ đến những lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe. [8]
    • Khi nhận thấy bất kỳ hành vi nào trên đây, hãy để họ ngồi xuống và trao đổi trực tiếp. Có thể chính họ không nhận ra bản thân đang làm gì.
    • Nếu thật sự lo lắng cho người bạn của mình, hãy nói chuyện với những người có thể giúp bạn hỗ trợ họ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bạn này chưa đến tuổi trưởng thành. Bố mẹ họ cần biết về hành vi tự hủy hoại của họ.
  4. Xem xét mối quan hệ thay thế một cách thận trọng. Có những quan điểm không đồng nhất về việc liệu bắt đầu ngay một mối quan hệ mới sau khi chia tay là tốt hay không. Nếu bạn của bạn lao ngay vào một mối quan hệ mới sau khi chia tay với ai đó, có lẽ bạn nên trò chuyện, tìm hiểu lý do đằng sau mong muốn này của họ.
    • Nếu cố lấp đầy khoảng trống mà người cũ để lại bằng cách làm quen ai đó mà thông thường họ không hứng thú, có thể mối quan hệ thay thế này sẽ hại nhiều hơn lợi. [7]
    • Mặt khác, nếu cảm thấy đã sẵn sàng cho việc hẹn hò và dường như hiểu rõ bản thân tìm kiếm điều gì ở một người bạn trai, một mối quan hệ mới có thể chính là điều mà họ cần.[9]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu họ muốn tâm sự, hãy để họ làm như vậy. Chắc chắn rằng thay vì chỉ nghe đơn thuần, bạn đã thực sự lắng nghe. Không nên ngắt lời họ.
  • Có thể bạn sẽ rơi vào tình thế khó xử khi bạn trai cũ của họ cũng là bạn của bạn. Khi đó, việc trao đổi với cả hai người về những kỳ vọng của họ nhằm tránh bị giận dỗi khi trò chuyện với một trong hai người trong tương lai là vô cùng quan trọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây