Giúp đỡ một người bạn tiêu cực

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một người bạn tiêu cực có thể trở thành thế lực đen tối trong cuộc sống của bạn. Một mặt, bạn xem trọng nhiều điều ở anh ta hay cô ấy và muốn giúp đỡ họ trở nên tích cực hơn. Mặt khác, anh ấy/cô ấy có thể làm bạn suy sụp và kéo bạn vào thế giới của họ. Hãy học cách đối phó thích hợp với một người bạn tiêu cực để bạn có thể thông cảm hơn và bài trừ sự tiêu cực trong cuộc sống của cậu ấy.

Các bước[sửa]

Đối phó với sự tiêu cực[sửa]

  1. Đừng nên chỉ trích bạn của bạn. Phê bình về những hành vi tiêu cực chỉ khiến anh ấy cảm thấy tệ hơn và có thể quay sang nhắm vào bạn. Những lời chỉ trích rất khó đón nhận với mọi người, đặc biệt là những người có suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực cứ xoay vần trong đầu.[1] Cố gắng làm anh ấy phải thông suốt về hành vi của mình chỉ càng đẩy cao tình tiết và khiến anh ta cảm thấy muốn tấn công. Hãy cho anh ấy một môi trường hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của bạn.
  2. Chịu trách nhiệm đối với niềm vui của bản thân. Nếu bạn để cho hạnh phúc của mình phụ thuộc vào một người tiêu cực thì bạn nên biết rằng tận thế đang đến rất gần. Giữ một khoảng cách nhất định giữa cảm xúc của bạn với sự tiêu cực của người bạn ấy. Tránh lún sâu vào thế giới của anh ta và mang cảm giác rằng giải quyết được những vấn đề của cậu ấy thì bạn mới vui vẻ.[1]
  3. Thể hiện sự tích cực của riêng bạn. Một trong những cách hữu hiệu nhất nhằm giúp đỡ một người tiêu cực cũng như chính bản thân bạn là duy trì sự tích cực trước sự tiêu cực của anh ấy. Điều này sẽ giữ cho bạn luôn vui vẻ, giúp anh ta thấy một cách nhìn và cách hành xử khác về cuộc sống.
    • Tạm dừng. Con người có khả năng "nắm bắt" cảm xúc; nói cách khác, tâm trạng xung quanh bạn cũng phần nào ảnh hưởng đến bạn.[2] Cho dù bạn là một người hết sức yêu đời, nếu bạn ở gần sự tiêu cực quá nhiều thì bạn cũng sẽ gặp khó khăn để duy trì vẻ ngoài tích cực của mình. Thỉnh thoảng, hãy tạm ngưng gặp gỡ người bạn tiêu cực ấy.
    • Một cách khác để duy trì sự tích cực của bạn là giữ vững nhận thức về cảm xúc cá nhân. Khi bắt đầu bị cảm xúc tiêu cực lấn át, hãy kiểm tra và nhắc nhở bản thân rằng đó không phải là điều bạn muốn. Chẳng hạn, "Mình bắt đầu cảm thấy bực về chất lượng phục vụ của nhà hàng vì hội bạn của mình cứ phàn nàn mỗi năm phút một lần về điều đó. Mình thì không có vấn đề gì. Cơn bực tức này không phải là của mình." Bạn sẽ giữ vững được vẻ tích cực của riêng mình nếu tập trung vào ý nghĩ đó.[3]
    • Sử dụng óc hài hước. Bóp méo trải nghiệm tiêu cực bằng óc hài hước có thể giúp bạn chống lại sự thôi thúc tự nhiên của não bộ để tập trung vào khía cạnh tiêu cực trong tình huống.[4] Lần tới khi bạn của bạn bắt đầu huyên thuyên, đổi chủ đề một cách hài hước rằng: "Xui là chiếc xe của cậu đột nhiên dở chứng nên cậu phải chạy bộ cho kịp chuyến xe buýt nhỉ. Nhưng hình như cậu từng bảo rằng gần đây cậu hơi béo đúng không? Xem như là cậu đang tập thể dục đi!"
    • Nhắc nhở bản thân khi sự tiêu cực của cậu ta trở nên phi lý. Bạn có thể dễ dàng duy trì sự tích cực của mình nếu không bị vướng vào sự tiêu cực vô lý. Ví dụ, nếu bạn của bạn phàn nàn rằng bạn đã làm hỏng cả buổi tối chỉ vì chọn xem phim 2D thay vì 3D, đừng tin điều đó. Bạn có quyền xem phim và thưởng thức trọn vẹn buổi tối. Tránh xa cái “bẫy” tư tưởng vô lý của cậu ta.[5]
  4. Không nên đồng tình với sự tiêu cực của người bạn. Cùng nhau trở nên tiêu cực thật sự rất lôi cuốn. Những nghiên cứu cho thấy rằng con người thích tham gia hoạt động không thú vị cùng bạn bè hơn là tự thực hiện một hành động thú vị một mình.[1] Tuy nhiên, ủng hộ sự tiêu cực chỉ làm cho nó tệ hơn. Anh ấy sẽ cho rằng điều đó là hợp lý và bạn đang đẩy bạn mình lún sâu hơn vào vũng bùn tiêu cực.
  5. Hãy biết cảm thông. Khoa học chứng minh lòng trắc ẩn là chìa khóa thành công trong đối nhân xử thế.[6] Có rất nhiều lợi ích tốt đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần liên quan đến lòng thương người, chẳng hạn như việc vượt qua căng thẳng và gia tăng quan hệ xã hội của bạn. Những quan hệ xã hội có lợi ích riêng của nó, một trong số đó là tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Lòng trắc ẩn có thể giúp được những người xung quanh. Cư xử tốt bụng với mọi người sẽ khơi dậy được lòng thương người bên trong họ. Cho đi mà không toan tính, bạn sẽ là một tấm gương sáng cho người khác noi theo. Về cơ bản, lòng trắc ẩn là thứ tuyệt vời giữ cho bạn và những người xung quanh luôn lành mạnh.
    • Ví dụ, bạn đang tìm cách giúp đỡ bạn mình. Nếu xe anh ấy bị hỏng, hãy cho cậu ấy quá giang hoặc đẩy phụ đến tiệm sửa xe gần đó. Nếu anh ấy chịu uất ức từ người thân gia đình, hãy là nơi cho cậu ta sẻ chia tâm sự. Những hành động nhỏ nhặt sẽ tạo nên tác động to lớn trong cuộc sống của cả hai.
  6. Bảo vệ bản thân. Rõ ràng việc “nghỉ chơi” với một người bạn là không mấy dễ chịu, nhưng đôi khi đó lại là lựa chọn tốt nhất. Bạn quả là người tốt khi tống khứ sự tiêu cực và thật lòng chấp nhận một người bạn mặc kệ việc anh ấy luôn có một đám mây đen ở trên đầu. Tuy nhiên, bạn cũng không phải là người xấu nếu nhận ra đám mây ấy quá lớn và cần phải nói lời tạm biệt. Trong trường hợp này, không nên cảm thấy có lỗi, bạn chỉ quan tâm đến bản thân bằng cách tránh khỏi hố sâu tiêu cực mà thôi.[7]
    • Đôi khi sự tiêu cực của người bạn có thể khơi dậy những giai đoạn khó khăn hay đau thương trong quá khứ của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn đã từng có một quá khứ nghiện ngập mà bạn của bạn cứ liên tục than phiền về việc gia đình muốn cô ta từ bỏ ma túy, điều này sẽ vực dậy những nỗi thống khổ mà bạn đã từng vượt qua. Nếu người bạn này cứ tiếp tục "đánh trúng tâm lý" hay chọc vào nỗi đau của bạn thì không nên giữ mối quan hệ đó.
  7. Cân nhắc về việc đi bác sỹ tâm lý. Điều này có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn thật sự không muốn từ bỏ người bạn ấy nhưng lại gặp khó khăn trong việc đối phó với sự tiêu cực của anh ta. Một chuyên gia tâm lý sẽ chỉ cho bạn những phương pháp đối phó hiệu quả, cách để bao bọc suy nghĩ của bản thân trong sự lành mạnh và sống tích cực hơn.
    • Nếu sự tiêu cực của người ấy trở nên nghiêm trọng, chẳng hạn như cậu ấy nói về ý định tự vẫn hay tự làm hại bản thân thì bạn nên nói chuyện ngay với những người đáng tin cậy (bố mẹ, thầy/cô giáo hay người có thẩm quyền). Vấn đề bây giờ đã nằm ngoài khả năng của bạn.

Giao tiếp hiệu quả với một người bạn tiêu cực[sửa]

  1. Suy nghĩ về từng lời bạn sẽ nói. Điều cuối cùng mà bạn muốn dành cho người bạn tiêu cực ấy là chỉ trích quá lời và tỏ ra thù địch. Nếu bạn muốn nói cho họ biết rằng bạn thấy cách họ nhìn nhận vấn đề đang trở nên tiêu cực một cách thái quá thì hãy “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.[8]
    • Xét giữa hai mệnh đề "Tôi" và "Bạn" thì "Tôi" sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, nếu bạn nói “Bạn đừng bi quan nữa” sẽ khó nghe hơn thay vì “Mình thấy tình huống này đâu đến nỗi như thế.” Mệnh đề "Tôi" nghe ít sự phán xét hơn và làm cho người nghe dễ dàng đón nhân điều bạn nói.
  2. Cẩn thận với cách thể hiện. Những gì bạn nói chưa phải là yếu tố quan trọng nhất. Tông giọng và những hành động không lời cũng không kém phần quan trọng.[8] La hét hay khua chân múa tay để thuyết phục chỉ càng khiến sự tiêu cực lớn mạnh hơn, vì thế hãy “lấy nhu chế cương”.
    • Thận trọng giao tiếp bằng mắt và gật đầu theo những điều người bạn ấy nói mà bạn đồng tình, đây là những cách hay để tạo ra tương tác tích cực.
    • Duy trì tông giọng điềm đạm. Giữ bình tĩnh mỗi khi bạn của bạn thổi phồng vấn đề nhằm giúp cô ta nhận ra rằng không chỉ có một cách để phản ứng với sự việc.
  3. Theo dõi tốc độ nói của bạn. Khoa học chứng minh rằng nói chuyện chậm rãi sẽ làm cho người khác cảm thấy bạn là người “biết quan tâm và đồng cảm.”[9] Chú ý vào tốc độ khi bạn nói nhằm giúp bạn thúc đẩy sự tích cực trong giao tiếp đối với người bạn tiêu cực và giữ cho mình không rơi vào vòng xoáy tiêu cực của người đó.
  4. Tiếp tục củng cố bản thân. Bạn muốn tiếp cận người khác một cách đầy lòng trắc ẩn và tích cực, không có nghĩa là bạn để mình bị giẫm đạp. Đôi khi một người tiêu cực sẽ cố gắng để bẻ lái quan điểm của bạn. Duy trì một lập trường vững chắc khi nói đến tự do của bạn trong vấn đề thể hiện bản thân và quyền được có quan điểm cá nhân riêng biệt. Hãy tỏ ra quyết đoán đối với nhu cầu của tất cả những người có liên quan chứ không riêng gì một cá thể cá biệt.[10]
    • Bày tỏ rõ ràng những tham vọng, mong muốn và nhu cầu của bạn. Sử dụng ngôn ngữ khẳng định để người kia không thể phản đối. Ví dụ, hãy nói rằng “Cách hành xử của bạn khiến mình thấy không thoải mái. Mình đi đây, nhưng chúng ta có thể nói chuyện sau nếu bạn muốn.”
    • Bao hàm sự thông cảm. Chẳng hạn, “Tớ biết là cậu còn muốn nói về chuyện này, nhưng mà tớ cảm thấy hơi khó chịu về điều đó, vậy nên tớ đi đây.”
    • Đặt ra ranh giới. Ví dụ như, "Mình sẵn lòng nghe bạn than thở trong năm phút, nhưng sau đó hãy nói về chuyện khác để chúng ta không bị chìm sâu vào sự ủ dột."[5]
  5. Chuyển hướng cuộc đối thoại. Nếu cậu ấy bắt đầu nhai đi nhai lại một cách tiêu cực, đổi sang chủ đề nào đó mà bạn biết rằng sẽ làm anh ta vui.[11] Đánh lạc hướng câu chuyện sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn so với việc cố gắng chống lại sự tiêu cực.
    • Ví dụ, nếu bạn của bạn rầu rĩ về chuyện mất ví, hỏi xem anh ta có muốn đi uống cà phê hay xem phim không. Bạn có thể nói, “Đi nào, tớ mời!”.

Thấu hiểu sự tiêu cực[sửa]

  1. Nhận biết chủ nghĩa bi quan. Chủ nghĩa bi quan là sự định hướng về cuộc sống mà ở đó mọi thứ đều sẽ trở nên bi ai. Những người chọn sống theo chủ nghĩa này đa số từng phải chứng kiến những thứ trong cuộc sống của họ lần lượt trở nên tồi tệ thật sự.[12] Người bi quan thường tỏ ra tiêu cực bởi vì họ có khả năng loại trừ nhanh chóng những ý tưởng và khả năng xảy ra. Bạn chỉ cần biết một điều rằng, những người này dường như đã từng có một quá khứ với toàn những điều tệ hại, vì thế thông qua lăng kính của họ, chuyện gì cũng trở nên bi quan.
    • Người có quan điểm sống tiêu cực cho rằng những người có suy nghĩ tích cực đang "tự lừa dối mình" hay không chịu nhận thức về vấn đề trong cuộc sống. Bạn có thể khuyến khích họ học cách suy nghĩ tích cực hơn bằng việc trở thành hình mẫu về sự yêu đời thông qua tương tác của bạn.[13]
    • Chẳng hạn, người bạn với cách nhìn cuộc sống bi quan nói, "Tớ không cần phải đến buổi phỏng phấn vì tớ cá rằng mình chẳng bao giờ được nhận." Một người không chấp nhận sự thật sẽ đáp rằng, "Cậu chắc chắn sẽ được nhận! Cậu chính là người giỏi nhất!" Tuy điều này nghe có vẻ tích cực, nhưng lại không hề có ích vì rõ ràng nó thiếu tính thực tế và không giải đáp được nỗi lo âu thật sự của họ.
    • Chính vì vậy, lạc quan phải đi đôi với thực tế: "Có thể là cậu không phải người giỏi nhất trong số các ứng viên... nhưng cậu sẽ không thể biết khả năng của mình tới đâu nếu không dám thử. Cậu có khá nhiều phẩm chất phù hợp với yêu cầu. Tại sao lại do dự chứ?"
  2. Tìm những dấu hiệu của sự trầm cảm. Trầm cảm là một trạng thái rối loạn tâm lý thể hiện qua những triệu chứng như cảm thấy tuyệt vọng, khó hài lòng và ngày càng mệt mỏi. Trầm cảm là nguồn gốc của nhiều sự tiêu cực; hiểu được điều này, bạn sẽ thông cảm hơn cho người bạn đang trở nên suy sụp. Có rất nhiều nhân tố khác nhau gây trầm cảm nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta như yếu tố di truyền, hoàn cảnh gia đình và tác động từ bạn bè đồng trang lứa. Người cảm thấy trầm cảm thường gặp khó khăn trong việc tập trung năng lượng để làm bất cứ điều gì. Bởi vì phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi và tâm trạng “sa sút” nên họ lúc nào cũng cảm thấy tiêu cực và không được vui.[14]
    • Những người mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng không thể "dứt ra" khỏi cảm giác tồi tệ. Tuy nhiên, trầm cảm có thể điều trị được bằng liệu pháp tâm lý và thuốc men.
    • Những dấu hiệu khác của chứng trầm cảm bao gồm: thường xuyên cảm thấy buồn bã hay đau khổ, tức giận bộc phát, mất đi sự hứng thú từ những sở thích trước đây, cân nặng, sự thèm ăn cùng với giấc ngủ có xu hướng thay đổi, cảm thấy tội lỗi hoặc không xứng đáng, hay nghĩ đến chuyện làm tổn hại bản thân, muốn tìm đến cái chết.[15]
  3. Nói chuyện với bạn của bạn về chứng trầm cảm. Hội chứng này là một yếu tố nghiêm trọng có thể khiến người đó gặp khó khăn trong việc kết nối cảm xúc và sống vui vẻ, lành mạnh. Bạn không thể "chữa được" chứng trầm cảm của cậu ta, nhưng nếu bạn nhận ra những dấu hiệu và cảm thấy lo thì nên nói chuyện với cậu ấy để thể hiện sự quan tâm và động viên họ tìm những giải pháp.[16]
    • Luôn sử dụng mệnh đề "Tôi", chẳng hạn như "Gần đây cậu cứ ở lì trong nhà. Tớ thấy hơi lo. Cậu có tâm sự à?"
    • Đặt ra những câu hỏi. Đừng cho rằng bạn biết điều gì đang diễn ra. Thay vào đó, hãy hỏi họ những câu như "Bạn có như thế này bao giờ chưa? Chuyện gì đã xảy ra khiến bạn trở nên như vậy?"
    • Sẵn sàng giúp đỡ. Cho cô ấy biết rằng bạn luôn quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ cô ấy. Thông thường, những người mắc chứng trầm cảm cho rằng bản thân rất vô dụng. Nói với cô ấy rằng bạn quan tâm và ở đây là vì cô ấy, "Tôi rất trân trọng tình bạn của chúng ta. Cho dù lúc này bà không muốn nói chuyện nhưng tôi luôn ở đây, nếu bà muốn tâm sự…"
    • Người trầm cảm thường phản ứng một cách nóng giận hay kích động trước nỗ lực giúp đỡ của người khác. Vì thế bạn đừng vội tự ái hay cố gắng thay đổi tình hình.[16]
  4. Quan sát những dấu hiệu của chứng lo âu. Lo âu có thể khiến người ta suy sụp hay dễ bị kích động. Những người này sẽ cảm thấy bất lực trong chính cuộc sống của họ, hoảng sợ trước những thứ dường như bình thường với người khác. Hầu hết thời gian họ dùng để lo lắng về nỗi sợ rằng mình có vấn đề trong suy nghĩ hay khả năng tập trung vào bất cứ điều gì.[17][18] Người thường xuyên chịu đựng sự lo lắng có thể trở nên gắt gỏng và hay đột ngột công kích người khác hơn so với người bình thường, tạo ra càng nhiều năng lượng tiêu cực hơn trong cuộc sống của họ.
    • Nếu bạn của bạn tỏ ra lo lắng về mọi thứ và thường xuyên "mất kiểm soát" trong cuộc sống của mình thì có thể là cô ấy đang gặp những vấn đề về hội chứng lo âu.
    • Cũng như trầm cảm, lo âu là một sự rối loạn tâm lý nghiêm trọng, nhưng có thể điều trị được. Bạn không thể "thay đổi" chứng lo âu của cậu ấy, nhưng có thể cho cậu ấy thấy rằng bạn quan tâm và muốn giúp đỡ.
  5. Động viên bạn ấy tìm đến những giải pháp trị liệu chứng lo âu. Những người mang nặng cảm giác lo lắng thường nghĩ rằng mình không đủ khả năng để kiểm soát điều gì đó, và họ lại càng lo lắng hơn. Họ cho rằng nhờ đến trị liệu là dấu hiệu của sự yếu đuối, rằng họ đang "suy sụp." Nhắc nhở anh ấy bằng cách động viên rằng tìm kiếm những giải pháp điều trị chỉ là một dấu hiệu cho thấy anh ấy cũng mạnh mẽ và biết quan tâm bản thân.[19]
    • Dùng mệnh đề "Tôi" khi nói chuyện với người bạn ấy về nỗi lo âu của cô ta. Đừng khiến cô ấy cảm thấy mình tệ hại bằng những câu như "Bạn nên cải thiện tình trạng này đi." Thay vào đó, trấn an và nói những điều tử tế, đại loại như "Mình thấy dạo này cậu có vẻ lo lắng và căng thẳng. Cậu có sao không?"
  6. Thấu hiểu nỗi bất an và lòng tự trọng của họ. Hầu như những người cảm thấy bất an hay khó thích nghi về tâm lý sẽ phải trải qua một thời gian khó khăn mới có thể trở nên lạc quan và phản ứng tốt với những sự kiện tích cực.[20] Cũng giống như một kiểu bản năng phòng vệ, họ luôn nghi ngờ mình sẽ bị chối từ hay bị tổn thương nhiều hơn. Trái với những quan điểm lệch lạc, bạn nên thấu hiểu nguyên nhân sâu xa của điều đó sẽ hiệu quả hơn là chống lại bản năng của họ. Bạn có thể giúp bạn ấy xây dựng lòng tự tôn theo những cách sau đây:[21]
    • Cho cô ấy những phản hồi tích cực. Mất khá lâu để người ta vượt qua được bản năng tự vệ. Bất kỳ lúc nào bạn thấy một sự tiến bộ dù nhỏ, hãy vui mừng nói cho người bạn ấy biết về điều đó. Chẳng hạn như, "Bọn tôi rất vui vì hôm nay bà chịu đi shopping cùng! Đi với bà tôi an tâm lắm vì gu thẩm mỹ của bà không chê vào đâu được."
    • Động viên cô ấy. Vượt qua tiêu cực là một việc rất khó khăn, cô ấy vẫn có thể tái phát trở lại. Hãy cứ khuyến khích cô bạn thử nhiều phương pháp mới.
    • Lắng nghe cô ấy. Nhiều người có thể cảm thấy tự ái vì người khác không lắng nghe hay quan tâm đến họ. Dành thời gian lắng nghe bạn của bạn, thấu hiểu những băn khoăn của cô ấy và chia sẻ những ý tưởng của bạn. Điều này sẽ giúp cậu ấy vững tin hơn trong cuộc sống vì biết rằng có người xem trọng mình.
  7. Nhận ra rằng tiêu cực chỉ là một phần trong tiềm thức.[22] Chúng ta có xu hướng nghĩ về hành vi tiêu cực như một lựa chọn, tuy nhiên điều này phức tạp hơn bạn nghĩ. Sự tiêu cực, cho dù bắt nguồn từ chứng trầm cảm, bi quan, lo lắng, bất an hay bất cứ điều gì khác thì cũng là điều mà không ai có thể kiểm soát hoàn toàn. Có vài điều mà chúng ta có thể làm để giảm thiểu tiêu cực trong cuộc sống, tuy nhiên phán xét ai đó vì họ trở nên tiêu cực là điều không nên làm vì đôi khi nó sẽ khiến mọi việc đi theo chiều hướng xấu.
    • Nên nhớ rằng bạn không thể "sửa chữa" vấn đề của họ. Tuy nhiên, bạn ở đây là để giúp đỡ. Chỉ cần bạn đừng quên chăm sóc bản thân mình.

Lời khuyên[sửa]

  • Gợi ý họ nên đến gặp bác sỹ tâm lý nếu bạn nghĩ người bạn đó có vấn đề về cảm xúc của mình.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng nói xấu sau lưng bạn của bạn. Đó là hành vi thiếu tử tế và vô nghĩa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 https://www.psychologytoday.com/blog/sapient-nature/201303/dealing-negative-people
  2. http://asq.sagepub.com/content/47/4/644.short
  3. http://www.helpguide.org/articles/stress/stress-at-work.htm
  4. http://psychcentral.com/blog/archives/2010/10/20/humor-neuroplasticity-and-the-power-to-change-your-mind/
  5. 5,0 5,1 http://www.forbes.com/sites/travisbradberry/2014/10/21/how-successful-people-handle-toxic-people/2/
  6. https://www.psychologicalscience.org/index.php/publications/observer/2013/may-june-13/the-compassionate-mind.html
  7. http://www.nytimes.com/2002/09/10/health/some-friends-indeed-do-more-harm-than-good.html
  8. 8,0 8,1 https://www.psychologytoday.com/blog/the-moment-youth/201303/negativity-is-second-hand-smoke
  9. https://www.psychologytoday.com/blog/words-can-change-your-brain/201207/the-8-key-elements-highly-effective-speech
  10. http://www.cci.health.wa.gov.au/docs/Assertmodule%204.pdf
  11. https://www.psychologytoday.com/blog/wander-woman/201104/what-do-about-negative-conversations
  12. http://www.thepositivepsychologypeople.com/optimism-vs-pessimism/
  13. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/positive-thinking/art-20043950
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/basics/definition/con-20032977
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/basics/symptoms/con-20032977
  16. 16,0 16,1 http://www.helpguide.org/articles/depression/helping-a-depressed-person.htm
  17. http://psychcentral.com/disorders/generalized-anxiety-disorder-symptoms/
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anxiety/basics/symptoms/con-20026282
  19. http://www.adaa.org/finding-help/helping-others/friends-and-relatives
  20. http://www.rebeccapropstphd.com/low-self-esteem-and-insecurity/
  21. https://mitalk.umich.edu/article/95
  22. https://www.psychologytoday.com/blog/happiness-in-world/201110/how-reduce-negativity