Giảm đau họng

Từ VLOS
(đổi hướng từ Giảm Đau họng)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau họng thường không phải là biểu hiện của một bệnh nặng nhưng điều đó không có nghĩa là có thể dễ dàng điều trị. Cách tốt nhất để không phải chịu cảm giác khô rát, khó chịu ở cổ họng là uống liên tục một loại chất lỏng nào đó. Nước là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, các lựa chọn khác như trà cayenne với mật ong, súp tỏi hay trà hoa cúc cũng rất hữu ích vì chúng có chứa các thành phần có tác dụng làm giảm đau và khiến cảm giác ngứa rát ở cổ họng nhanh chóng tan biến. Chai xịt họng và nhiều loại viên ngậm có tác dụng giảm đau hiệu quả; và xông hơi là biện pháp tốt để giảm cảm giác ngứa trong cổ, giúp bạn thư giãn để có thể ngủ ngon hơn. Nếu bạn đã sẵn sàng để thử bất cứ biện pháp nào nhằm thoát khỏi cơn đau họng, hãy tiếp tục đọc bài viết này.

Các bước[sửa]

Thứ Áp dụng Biện pháp Xúc miệng, Xoa ngực/họng và Xịt họng[sửa]

  1. Xúc miệng bằng nước muối ấm. Đây là một trong những biện pháp giảm viêm họng cổ điển nhất và có hiệu quả khá cao. Khi bị viêm họng, các lớp màng nhầy bị sưng và viêm, gây ra cảm giác đau và ngứa rát. Muối có tác dụng hút bớt nước từ màng nhầy, giảm sưng và khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy pha nước muối súc miệng bằng cách cho ½ thìa cà phê muối ăn vào một cốc nước ấm.
    • Không chỉ dừng lại ở việc xúc nước muối ở khoang miệng, hãy xúc miệng sâu bằng cách ngửa đầu ra đằng sau để nước muối có thể đi xuống họng. Xúc miệng với nước muối như vậy trong khoảng 30 giây rồi nhổ ra.
    • Bạn có thể xúc miệng nước muối 3 lần mỗi ngày. Xúc miệng nước muối quá nhiều có thể khiến lớp màng nhầy trong họng bị quá khô và sẽ làm tình trạng viêm càng nghiêm trọng hơn.
  2. Dùng nước xúc miệng có chứa oxy già. Oxy già là một hợp chất hóa học có tác dụng kháng khuẩn nhẹ. Nước oxy già đều có bán tại các hiệu thuốc. Để làm nước xúc miệng, hãy làm theo chỉ dẫn ghi trên bao bì. Thông thường, hòa tan một nắp chai nước oxy già vào một cốc nước, sau đó xúc miệng để dung dịch chảy xuống họng và nhổ đi sau 1 phút.
    • Dùng dung dịch oxy già 3%. Nồng độ oxy già được ghi rõ trên nhãn mác. Vì vậy, hãy đọc kỹ trước khi mua và sử dụng.
    • Dung dịch oxy già có vị hơi đắng. Bạn có thể cho thêm một ít mật ong vào nước xúc miệng nếu thích.[1]
  3. Sử dụng thuốc mỡ. Loại thuốc mỡ này có chứa các thành phần có khả năng làm thông mũi như tinh dầu bạc hà hay bạc hà. Những thành phần này sẽ giúp xoa dịu cổ họng và giảm ho. Người ta thường trộn các thành phần này với một loại mỡ để tạo thành thuốc mỡ. Hãy mua một lọ ở hiệu thuốc, xoa lên vùng da ở ngực và ở cổ. Bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn và ho ít hơn.[2]. Bạn có thể tự làm cho mình một lọ thuốc mỡ như vậy bằng cách:
    • Dùng nồi đun cách thủy để làm tan một thìa cà phê sáp ong.
    • Cho ½ cốc dầu dừa vào cùng sáp ong rồi trộn đều.
    • Cho thêm 10 giọt tinh dầu bạc hà.
    • Đổ hỗn hợp vào lọ thủy tỉnh, đợi cho nguội là có thể sử dụng.
  4. Làm cao mù tạc. Sử dụng cao mù tạc để xoa dịu cổ họng và thông mũi là một phương pháp lâu đời. Phương pháp này đặc biệt hữu ích nếu bạn ho sâu và cảm giác đau rát lan gần xuống đến ngực. Bột mù tạc được cho là có thể làm ấm và thúc đẩy tuần hoàn ở ngực và cổ họng.[3]
    • Trộn ½ thìa bột hạt mù tạc và 1 thìa bột mỳ. Sau đó cho thêm nước vừa đủ để tạo thành hỗn hợp đặc sệt.
    • Phết hỗn hợp vào tờ khăn giấy, sau đó kẹp tờ khăn giấy vào giữa 2 miếng vải cotton sạch theo kiểu bánh mỳ kẹp.
    • Đặt chiếc “bánh mỳ” của bạn lên cổ và ngực. Lưu ý không để hỗn hợp cao mù tạc dính vào da.
    • Để nguyên như vậy trong vòng 15 phút hoặc cho đến khi bạn thấy vùng da cổ/ngực ấm lên và hơi ửng đỏ.
  5. Dùng nước xịt họng hoặc viên ngậm. Các loại xịt họng hoặc viêm ngậm trị viêm họng đều có chứa thành phần giúp xoa dịu họng và mở rộng đường mũi. Hãy tìm viêm ngậm có chứa mật ong và tinh dầu bạc hà. Bạn cũng có thể dùng thuốc xịt hoặc viêm ngậm có khả năng kháng khuẩn nhẹ để làm tê vùng họng và giảm đau.[4]
  6. Uống thuốc giảm đau. Các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp giảm viêm – nguyên nhân dẫn đến đau họng. Lưu ý, uống đúng liều lượng theo hướng dẫn.
    • Aspirin có liên quan đến một bệnh hiếm gặp là hội chứng Reye's (rối loạn chuyển hóa ở trẻ em, có thể gây ra viêm não hoặc suy gan).
    • Không dùng aspirin cho trẻ em và trẻ vị thành niên sau khi bị cúm hoặc thủy đậu.

Uống Đồ uống Dịu nhẹ[sửa]

  1. Hãy pha một cốc nước với mật ong và ớt cayenne (loại ớt có xuất xứ từ thành phố Cayenne ở Guiana, thuộc Pháp). Khi bị viêm họng, hãy pha mật ong vào các loại trà và đồ uống của bạn. Kinh nghiệm dân gian qua nhiều thế kỷ và các nghiên cứu đều cho rằng mật ong tạo ra lớp bảo vệ cổ họng và giúp giảm viêm, giảm ho hiệu quả.[5] Ớt cayenne cũng là nguyên liệu chống viêm họng hiệu quả khác: nó có chứa capxaixin (capsaicin), chất được tìm thấy nhiều trong các loại ớt có tác dụng giảm đau. [6]
    • Tự pha cho mình loại đồ uống lành mạnh, dịu nhẹ bằng cách cho ½ thìa cà phê bột ớt cayenne và 1 thìa mật ong vào cốc nước sôi. Để nguội và uống từ từ.
    • Nếu bạn quá nhạy cảm và không chịu được vị cay của ớt, hãy giảm lượng bột ớt cayenne xuống còn 1/8 thìa hoặc ít hơn.
    • Không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể khiến trẻ bị ngộ độc.[5]
    • Nếu bạn thay bột ớt cayenne bằng 60 ml rượu whiskey và chút nước cốt chanh, bạn sẽ có một ly cốc tai (cocktail) Hot Toddy.
  2. Pha trà hoa cúc. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, hoa cúc chamomile, một loại thảo mộc ra hoa và có mùi thơm mà con người dùng để chữa viêm họng và cảm lạnh từ nhiều thế kỷ trước, có chứa chất chống viêm nhiễm và làm giãn cơ.[7] Uống vài cốc trà hoa cúc mỗi ngày khi bị viêm họng sẽ giúp bạn giảm đau và cảm thấy thư thái hơn. Trà hoa cúc đặc biệt có tác dụng tốt khi uống trước khi đi ngủ vì nó sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn.
    • Trà hoa cúc có bán rộng rãi tại các siêu thị. Hãy kiểm tra kỹ thành phần và chọn một hộp trà làm từ hoa cúc nguyên chất, hoặc có thành phần chính là hoa cúc. Làm theo chỉ dẫn khi pha trà.
    • Cho một thìa mật ong và một lát chanh (có tác dụng làm giảm sưng)[8] vào cốc trà để có tác dụng tốt hơn.
  3. Thử súp tỏi. Tỏi được cho là có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn, đồng thời có thể giúp chống viêm nhiễm và tăng cường hệ miễn dịch. Mặc dù các tác dụng của tỏi vẫn chưa được khoa học chứng minh, rất nhiều chuyên gia về sức khỏe vẫn khuyên nên dùng tỏi để làm dịu cổ họng bị đau và chống viêm nhiễm đường hô hấp.[9]
    • Nấu súp tỏi thơm ngon để giảm bớt các kích thích ở cổ họng bằng cách: bóc vỏ và nghiền 2 tép tỏi; đổ một cốc nước nóng vào trong bát tỏi. Thêm chút muối sẽ có tác dụng tốt hơn đối với cổ họng.
    • Nếu bạn thích vị tỏi, bạn có thể bóc vỏ, nghiễn nát một tép tỏi và ngậm trong miêng vài phút. Cách làm này cũng có tác dụng tương tự như ăn súp tỏi.
  4. Uống trà cam thảo quế. Cam thảo có chứa chất hóa học được cho là có thể giảm viêm họng bằng cách làm mỏng lớp màng nhầy và giảm sưng. Lượng chất hóa học này trong các loại kẹo vị cam thảo không đủ để phát huy tác dụng nhưng một cốc trà được pha với rễ cam thảo khô lại rất hữu ích.[10] Quế có tác dụng kháng khuẩn tự nhiên và rất hợp với vị cam thảo.[11]
    • Để có một cốc trà ngon, hãy cho một thìa cà phê rễ cam thảo, ½ thìa quế và 2 cốc nước lạnh vào một chiếc nồi nhỏ. Đun sôi, sau đó để nước trà sôi lăn tăn khoảng 10 phút rồi cho trà ra cốc và thưởng thức.
    • Cho thêm một chút mật ong hoặc lát chanh để có cốc trà ngon và nhiều tác dụng hơn nữa.
  5. Uống nước gừng. Bạn có thể đã biết, gừng có thể giảm đau dạ dày. Nhưng bạn có biết, loại thảo mộc hữu ích này còn có thể giảm viêm họng? Gừng giúp mở rộng xoang mũi, làm sạch mũi và họng, cũng như có tác dụng chống viêm.[1] Hãy dùng gừng tươi, không phải gừng khô hay bột gừng, để có hiệu quả tốt nhất.
    • Gọt vỏ, băm nhỏ một nhánh gừng tươi rồi cho vào cốc. Sau đó, đổ nước sôi vào cốc gừng, để khoảng 3 phút, lọc bỏ gừng và thưởng thức. Bạn có thể cho thêm mật ong, chanh hoặc một chút bột ớt cayenne nếu thích.
  6. Nấu súp gà. Nếu bạn đang tìm kiếm một món ăn hấp dẫn mà lại có tác dụng giảm viêm họng thì không gì tốt hơn là một bát súp gà cổ điển. Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng, súp gà có chứa thành phần giúp giảm viêm nhiễm và nới rộng đường mũi. Tác dụng của súp gà không hoàn toàn chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ.[12] Vì món súp gà rất giàu dinh dưỡng nên sẽ là một lựa chọn hoàn hảo cho bạn khi không cảm thấy quá đói.
    • Hãy dùng thịt gà tươi để làm món súp hoặc mua súp gà ở siêu thị hoặc cửa hàng với điều kiện súp được làm từ thịt gà tươi. Một bát súp nấu từ thịt gà đóng hộp sẽ không tốt bằng gà tươi trong việc giảm viêm họng.
    • Nếu thích, bạn có thể lọc hết phần thịt gà và chỉ uống phần nước súp.

Chăm sóc Cơ thể[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Nước giúp cơ thể bạn hồi phục và giữ ẩm cho cổ họng. Hãy uống nước ấm để giảm tình trạng viêm ở cổ họng. Nước lạnh thường có tác dụng ngược lại.
  2. Nghỉ ngơi. Nếu bạn phải dậy sớm hoặc thức khuya để làm xong công việc của mình, cơ thể bạn sẽ không có đủ thời gian để hồi phục. Nếu bạn không muốn tình trạng viêm họng của mình trở thành một trận cúm hay cảm lạnh, hãy giành thời gian để nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc mỗi đêm.
    • Khi bạn bắt đầu cảm thấy những dấu hiệu đầu tiên của viêm họng, đừng quá lo lắng. Hãy ăn nhiều hoa quả và chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời hãy ở nhà buổi tối.
    • Bạn có thể nghỉ làm hoặc nghỉ học một ngày để cơ thể được nghỉ ngơi. Nếu không thể, hãy tìm khoảng thời gian nào đó trong ngày để chợp mắt hoặc nằm yên ít nhất 15 phút.
  3. Tắm bằng nước ấm. Hơi nước tỏa ra khi tắm sẽ làm ẩm vùng cổ họng khô rát của bạn, giúp bạn bớt đau họng và nghẹt mũi. Cố gắng hít hơi ẩm bằng cả mũi và miệng để hơi ẩm đi vào họng và đường mũi của bạn.
    • Nếu tắm bằng nước ấm, hãy cho một ít thảo mộc hoặc tinh dầu vào bồn tắm. Một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc bạch đàn sẽ giúp xoa dịu cổ họng của bạn, giống như khi xông hơi vậy.
    • Nếu bạn không muốn tắm, hãy đóng cửa phòng tắm và vặn vòi nước nóng (mức nóng nhất có thể) để tạo ra hơi ẩm trong phòng. Đứng hoặc ngồi trong phòng tắm đầy hơi nước như vậy và hít thở trong vòng 5 đến 10 phút.
    • Bạn cũng có thể xông hơi mặt thật nhanh bằng cách đun sôi một ấm nước, tắt bếp, chùm khăn tắm qua đầu và để mặt ở gần ấm nước. Hít thở bằng cả mũi và miệng để hơi nước nóng làm ẩm mũi và họng. Chú ý không để hơi nước nóng làm bỏng mặt.
  4. Bật máy tạo ẩm. Không khí trong nhà quá khô có thể làm cổ họng bị đau, nhất là khi bạn đang bị viêm họng. Máy tạo ẩm sẽ cung cấp độ ẩm cho không khí, làm cho các mô mềm và lớp màng trong họng dễ chịu hơn vì các mô mềm và lớp màng này chỉ thực sự khỏe mạnh khi có đủ độ ẩm. Một chiếc máy tạo độ ẩm sẽ rất hữu ích cho các tháng mùa đông khi mà không khí có xu hướng khô hơn các tháng khác.
  5. Làm ấm cổ họng. Thỉnh thoảng, việc làm ấm cổ họng sẽ có tác dụng tốt hơn so với nhiều phương pháp điều trị khác trong việc xoa nhẹ cảm giác đau. Hãy nhúng khăn vào nước nóng, vắt kiệt, gập khăn lại và để khăn ở cổ cho đến khi nguội hoàn toàn. Nhiệt độ cao sẽ hỗ trợ sự tuần hoàn và có tác dụng giảm sưng.
    • Không làm bỏng da bạn. Không nên dùng nước quá nóng để làm ướt khăn vì như vậy có thể làm da bạn bị bỏng.
    • Bạn cũng có thể dùng một chai nước nóng để có thể dùng lâu hơn.
  6. Tránh xa các chất gây kích ứng họng. Đảm bảo môi trường trong nhà của bạn luôn sạch sẽ và không có hóa chất có thể làm tình trạng viêm của bạn nghiêm trọng hơn. Khi bạn ngửi phải các mùi khó chịu hoặc hóa chất mạnh, cổ họng sẽ sưng và ngứa. Vì vậy, hãy dọn sạch phòng để không có các chất gây kích ứng như sau:
    • Hương thơm hóa học, như chất tạo hương có trong các chất tẩy rửa, nước xịt phòng, nước xịt thơm toàn thân, nến thơm và đồ vật có mùi hương khác trong nhà.
    • Sản phẩm tẩy rửa như nước tẩy trắng, nước lau kính, bột giặt.
    • Khói thuốc lá và khói từ các nguồn khác.
    • Chất gây dị ứng như bụi, lông mèo, tóc, nấm mốc, phấn hoa hay bất cứ thứ gì khác có khả năng gây kích ứng.
  7. Biết rõ khi nào cần đến gặp bác sĩ. Nếu triệu chứng viêm họng không có dấu hiệu giảm sau vài ngày, hoặc có thêm các triệu chứng mới, hãy đi khám để biết liệu có phải bạn mắc một bệnh khác nghiêm trọng hơn. Có thể bạn đã bị nhiễm khuẩn hoặc vi rút (ở dạng viêm họng liên cầu, bệnh thủy đậu, cúm, hoặc các nhiễm trùng khác) và sẽ không thể khỏi nếu không được điều trị đúng cách. Nếu bạn có thêm những triệu chứng sau, hãy đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:[4]
    • Khó thở, khó nuốt
    • Đau khớp
    • Đau tai
    • Phát ban
    • Nổi hạch ở cổ
    • Sốt trên 38,5 độ C
    • Đờm có máu.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu họng vẫn đau sau 5 ngày, bạn nên đi khám. Có thể, bạn bị viêm họng, viêm amidan, nhiễm liên cầu khuẩn, hoặc một số nhiễm trùng khác.
  • Hãy tắm lâu một chút với nước nóng để làm giãn các cơ, tăng cường tuần hoàn máu và làm long chất nhầy ở khoang mũi và cổ họng.
  • Nếu bạn bị nghẹt mũi, bạn có thể thử xì mũi (nhẹ nhàng xì từng bên mũi một) thay vì khịt mũi. Khịt mũi sẽ khiến cho chất nhầy bị giữ lại ở bên trong cơ thể.
  • Tránh dùng đường vì đường có thể gây kích thích đối với cổ họng đang bị đau.
  • Pha một cốc trà thảo mộc thật nóng và trước khi uống, hãy để cốc trà lên gần mặt sao cho hơi nóng bốc lên mặt bạn cho đến khi trà nguội bớt.
  • Với các công thức pha chế ở trên, hãy sử dụng một lượng vừa đủ nguyên liệu. Dùng quá nhiều các nguyên liệu đó cũng có thể khiến cho họng bị kích ứng.
  • Xúc miệng với dầu dừa và nước ấm (có thể thêm mật ong, gừng hoặc chanh).
  • Khi tắm, hãy cố hít thở hơi nước nóng ẩm trong phòng tắm, sẽ có một chút tác dụng.
  • Dùng lọ xịt mũi! Sẽ rất hiệu quả nếu bạn xổ mũi.
  • Hạn chế nói!
  • Ăn một chút cháo yến mạch còn ấm. Bạn sẽ thấy cổ họng dễ chịu hơn.
  • Nếu bạn thường xuyên bị viêm họng theo kiểu định kỳ, hãy thay bàn chải đánh răng mới. Bàn chải đánh răng của bạn có thể chính là nguyên nhân khiến họng bị tái viêm. Vi trùng có thể tồn tại trong lông bàn chải và làm bạn bị tái viêm.
  • Ăn các thức ăn có tính chua như cam hoặc lựu để bổ sung thêm vitamin C cho cơ thể.
  • Trộn mật ong và chanh vào nước sôi để uống. Hãy nghỉ học và tránh căng thẳng. Nghỉ ngơi ở trên giường và hoàn thành bài tập về nhà của ngày hôm đó để bạn không phải lo lắng. Xem phim và làm mọi việc thật chậm rãi.
  • Đừng la hét. Việc đó sẽ khiến cổ họng của bạn đau rát hơn. Hãy để cổ họng được nghỉ ngơi. Uống nước ấm và ngậm viên giảm ho đều đặn.
  • Đừng làm gì khiến cố họng của bạn phải căng lên, như hát chẳng hạn. Cũng đừng lên giọng quá cao vì như thế bạn có thể làm hỏng giọng.

Cảnh báo[sửa]

  • Viêm họng, mặc dù rất khó chịu, nhưng là một bệnh thường gặp. Tuy nhiên, nếu viêm họng kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng khác. Nếu bạn cảm thấy cổ họng quá đau rát và không có dấu hiệu khỏi sau vài ngày, hãy tìm đến bác sĩ để được kiểm tra họng một cách toàn diện, trong đó bao gồm cả việc cho một miếng gạc vào sâu trong cổ họng để lấy mẫu dịch được tiết ra từ mặt sau cổ họng. Sau đó, mẫu dịch sẽ được mang đi xét nghiệm để kiểm tra có sự xuất hiện của liên cầu khuẩn hay không.
  • Nếu bạn bị cứng cổ hoặc đau mỏi cơ kèm theo viêm họng, hãy đi gặp bác sĩ ngay vì có thể bạn đã bị cúm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây