Giảm đầy hơi và chướng bụng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đầy hơi và chướng bụng là hiện tượng tự nhiên khi hệ tiêu hóa phân giải thức ăn. Khi không thể thoát ra khỏi cơ thể thông qua việc ợ hoặc đầy hơi, khí sẽ tích tụ trong đường tiêu hóa và dẫn đến chướng bụng. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách giảm đầy hơi và chướng bụng bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và điều trị triệu chứng bằng thuốc.

Các bước[sửa]

Giảm đầy hơi và chướng bụng tức thời[sửa]

  1. Tránh giữ khí trong người. Nhiều người thường tìm cách giữ khí trong người để tránh cảm thấy xấu hổ nhưng thực tế thì việc đẩy khí ra ngoài là chức năng cần thiết giúp đẩy sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa ra ngoài. Nhịn đẩy khí ra ngoài có thể dẫn đến đau đớn và khó chịu. Vì vậy, thay vì nhịn, bạn nên tìm nơi thoải mái để đẩy khí ra.
    • Nếu bị đầy hơi hoặc chướng bụng ở nơi công cộng, bạn nên tìm tạm nhà vệ sinh để chờ đến khi cơn đau giảm bớt.
    • Nếu khó đẩy khí ra ngoài, bạn nên thử điều chỉnh tư thế để khí được đẩy ra. Nằm xuống và thư giãn cơ đến khi áp lực trong dạ dày và đường tiêu hóa biến mất.
    • Đi lại xung quanh cũng rất có ích. Bạn có thể đi bộ nhanh quanh nơi làm việc hoặc bước lên xuống cầu thang để giúp đẩy khí ra ngoài.[1]
  2. Dùng miếng chườm nóng hoặc túi chườm nóng. Để giảm áp lực do đầy hơi hoặc chướng bụng một cách nhanh chóng, bạn nên nằm xuống rồi đặt chai nước nóng hoặc túi chườm ấm lên bụng. Hơi nóng và trọng lượng của chai nước hoặc túi chườm sẽ giúp đẩy khí ra ngoài và giảm áp lực trong bụng.
  3. Uống trà bạc hà hoặc trà hoa cúc La Mã. Cả hai loại trà này đều có đặc tính hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau bụng.[2] Bạn có thể mua túi trà bạc hà/hoa cúc, hoặc dùng lá bạc hà tươi/hoa cúc khô. Hãm trà trong nước nóng và thưởng thức để giảm đầy hơi và chướng bụng nhanh chóng.
  4. Ăn tỏi. Tỏi cũng có đặc tính kích thích hệ tiêu hóa và giảm đầy hơi, chướng bụng. Thực phẩm chức năng từ tỏi có bán ở các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, dùng tỏi tươi sẽ giúp giảm đầy hơi và chướng bụng nhanh hơn.
    • Ăn súp tỏi vì nước ấm sẽ giúp đưa tỏi vào cơ thể nhanh hơn. Nghiền nhỏ vài tép tỏi rồi đem phi cùng dầu ôliu trên bếp lửa. Cho thêm nước hầm rau hoặc nước dùng gà, đun liu rìu vài phút và thưởng thức ngay khi còn nóng.
    • Tránh ăn tỏi với các thức ăn khác có thể gây đầy hơi và chướng bụng. Tốt nhất nên ăn tỏi không hoặc súp tỏi.
  5. Uống thuốc giảm đầy hơi không kê đơn. Nếu đang bị đầy hơi và chướng bụng, việc uống thuốc phòng ngừa sẽ không có tác dụng. Thay vào đó, bạn nên chọn thuốc dùng để phá vỡ bóng khí và giảm áp lực trong ruột và dạ dày.
    • Thuốc không kê đơn chứa simethicone được dùng để giảm tình trạng khí tích tụ.[3]
    • Than hoạt tính cũng được dùng để giảm đầy hơi. Than hoạt tính được bán ở các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe.[3]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Tránh thực phẩm khiến cơ thể sản sinh quá nhiều khí. Khí hình thành khi cacbon-hydrat không được tiêu hóa trong ruột non bị vi khuẩn trong đại tràng làm cho lên men.[4] Thực phẩm khiến tình trạng này xảy ra có nguy cơ gây đầy hơi và chướng bụng cao hơn. Nếu thường bị đầy hơi và chướng bụng, bạn nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ những thực phẩm sau:
    • Các loại đậu. Đậu đen, đậu thận, đậu Lima, và các loại đậu nói chung thường tạo khí. Chúng chứa một loại đường gọi là oligosaccharide mà cơ thể không thể phân giải; đường không được tiêu hóa sẽ còn nguyên vẹn trong quá trình tiêu hóa và dẫn đến sản sinh khí trong ruột non.
    • Rau củ quả nhiều chất xơ. Chất xơ có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng không thể tiêu hóa được và là một trong những nguyên nhân chính gây đầy hơi và chướng bụng. Bạn nên xác định loại rau củ quả nhiều chất xơ nào thường gây vấn đề nhiều nhất. Bắp cải, bông cải xanh và các loại rau họ Cải thường gây sản sinh khí nhiều hơn so với các loại rau khác.
    • Chế phẩm từ sữa bò. Sữa bò chứa lactose không có lợi cho hệ tiêu hóa của nhiều người. Bạn nên tránh tiêu thụ sữa, phô mai, kem và các chế phẩm khác từ sữa bò. Sữa dê dễ tiêu hóa hơn nên bạn có thể chọn làm sản phẩm thay thế.
    • Phụ gia nhân tạo. Sorbitol, Mannitol và các chất làm ngọt nhân tạo khác khiến nhiều người bị chướng bụng.
    • Soda và thức uống có ga. Bong bóng khí trong nước uống có ga dẫn đến chướng bụng vì khí bị mắc kẹt trong dạ dày.
  2. Thay đổi thứ tự món ăn. Cơ thể sản sinh axit hydrocloric một cách tự nhiên giúp phân giải protein khi bạn bắt đầu bữa ăn. Nếu bắt đầu bữa ăn bằng một món giàu cacbon-hydrat, axit hydrocloric sẽ được sử dụng hết trước khi protein trong các món ăn sau đi vào trong cơ thể. Protein chưa được tiêu hóa sẽ lên men và dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
    • Thay vì bắt đầu bữa ăn với bánh mì và salad, bạn nên ăn vài miếng thịt, cá hoặc các loại protein trước.
    • Nếu tiêu hóa protein trở thành vấn đề, bạn nên cân nhắc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung axit hydrocloric có bán ở các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Uống thực phẩm chức năng sau bữa ăn, khi đang tiêu hóa thức ăn.
  3. Nhai kỹ. Nhai là phần đầu tiên của quá trình tiêu hóa, khi răng và nước bọt bắt đầu phân giải thức ăn. Bạn nên nhai kỹ từng miếng trước khi nuốt để giảm tải lượng công việc của dạ dày và ruột, nhờ đó giảm nguy cơ thức ăn lên men và sản sinh khí.
    • Thử nhai mỗi miếng 20 lần trước khi nuốt. Đặt đũa xuống giữa các lần ăn để tạo thời gian nhai thức ăn.
    • Giảm tốc độ ăn còn giúp ngăn tình trạng nuốt phải không khí như khi bạn ăn quá nhanh, nhờ đó giảm tần suất bị chướng bụng và ợ.
  4. Ăn thực phẩm lên men. Để tiêu hóa được diễn ra thuận lợi sẽ cần bổ sung lợi khuẩn. Trên thực tế, từ lâu loài người đã biết cách bổ sung thực phẩm chứa lợi khuẩn cho cơ thể.
    • Sữa chua chứa probiotic là nguồn lợi khuẩn phổ biến giúp hỗ trợ tiêu hóa. Nấm sữa Kefir là một chế phẩm khác từ sữa chứa men sống giúp hỗ trợ tiêu hóa.
    • Bắp cải muối chua, kimchi và các loại rau lên men khác cũng là những lựa chọn thích hợp.
  5. Dùng men tiêu hóa. Thực phẩm chức năng men tiêu hóa giúp cơ thể phân giải các thành phần tiêu hóa được trong đậu, chất xơ và chất béo có khả năng gây đầy hơi hoặc chướng bụng. Bạn nên xác định loại thực phẩm gây vấn đề để chọn men tiêu hóa phù hợp.
    • Nếu khó tiêu hóa đậu, bạn có thể thử dùng sản phẩm Beano chứa các enzyme cần thiết giúp tiêu hóa oligosaccharides.
    • Nên uống men tiêu hóa trước bữa ăn để cơ thể sẵn sàng tiêu hóa khi thức ăn được đưa vào.

Điều trị rối loạn tiêu hóa[sửa]

  1. Cảnh giác với tần suất và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Đầy hơi và chướng bụng chỉ xảy ra sau khi ăn một trong những thực phẩm dễ gây vấn đề (như đậu hoặc kem) là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu bị đau khi chướng bụng hoặc đầy bụng quá mức xảy ra hàng ngày, thì đó có thể là vấn đề nghiêm trọng hơn không thể giải quyết bằng cách thay đổi thói quen ăn uống.
    • Hội chứng ruột kích thích (IBS) ảnh hưởng đến đại tràng và gây co thắt, tiêu chảy khi bạn tiêu thụ một số loại thực phẩm. [5]
    • Bệnh Celiac là rối loạn tiêu hóa gây ra bởi việc tiêu thụ gluten - một loại protein có trong bánh mì và các loại thực phẩm khác chứa lúa mì, lúa mạch hoặc hắc mạch.[6]
    • Bệnh Crohn là rối loạn dạ dày-ruột có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị khỏi.
  2. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Nếu bị đầy hơi và chướng bụng hàng ngày dẫn đến đau hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt, bạn nên đi khám bác sĩ để trao đổi về nguyên nhân cũng như cách điều trị. Vì đầy hơi và chướng bụng liên quan trực tiếp đến thực phẩm bạn ăn nên bạn cần chuẩn bị để trao đổi với bác sĩ về thói quen ăn uống và lối sống.

Lời khuyên[sửa]

  • Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm và phòng ngừa đầy hơi, chướng bụng. Bạn nên đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội mỗi ngày để tạo điều kiện cho cơ thể đẩy khí ra ngoài.
  • Thử ăn chuối, dưa vàng và xoài. Tránh uống soda.
  • Thử nằm xuống và đưa chân lên cao.

Cảnh báo[sửa]

  • Không tự ý loại bỏ một nhóm thực phẩm ra khỏi chế độ ăn khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]