Giảm ngứa do sợi thủy tinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sợi thủy tinh được sử dụng dưới nhiều dạng như một loại vật liệu cách ly hoặc vật liệu xây dựng nhẹ dùng trong công nghiệp và cả trong nhà. Việc xử lý các vật liệu đó có thể để lại các mảnh sợi thủy tinh nằm dưới da, gây kích ứng và ngứa dữ dội (viêm da do tiếp xúc).[1] Nếu thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tiếp xúc với sợi thủy tinh, bạn có thể gặp phải vấn đề này. Tuy nhiên, nếu làm theo các bước thích hợp, bạn có thể làm dịu ngứa và kích ứng do sợi thủy tinh gây ra.

Các bước[sửa]

Điều trị triệu chứng tiếp xúc với sợi thủy tinh[sửa]

  1. Không chà xát hoặc gãi vùng da kích ứng. Sợi thủy tinh có thể gây ngứa dữ dội trên da và thôi thúc cảm giác muốn gãi. Tuy nhiên, động tác này có thể đẩy các sợi thủy tinh gây ngứa vào sâu dưới da, khiến tình trạng kích ứng càng nặng hơn.[2][3]
  2. Nhanh chóng và cẩn thận cởi bỏ quần áo mặc khi tiếp xúc với sợi thủy tinh.[4] Tách khỏi quần áo và vật dụng cá nhân khác để giặt riêng. Như vậy sợi thủy tinh sẽ không lan ra và gây kích ứng nhiều hơn.
  3. Rửa vùng da tiếp xúc với sợi thủy tinh. Nếu bạn nhìn thấy, cảm thấy hoặc nghi ngờ da của bạn tiếp xúc với sợi thủy tinh, bạn nên rửa vùng da càng sớm càng tốt. Nếu đã bị ngứa và kích ứng, bạn cần rửa bằng xà phòng dưới vòi nước ấm.[2][5][3]
    • Bạn có thể dùng khăn để loại bỏ sợi thủy tinh thật nhẹ nhàng.
    • Nếu sợi thủy tinh vào mắt, bạn cần rửa mắt dưới nước chảy ít nhất 15 phút.[6]
  4. Loại bỏ tất cả các sợi nhìn thấy được. Nếu nhìn thấy từng sợi thủy tinh thò ra hoặc ngay bên dưới da, bạn có thể thử tự lấy chúng ra một cách cẩn thận.[7] Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự kích ứng.
    • Đầu tiên, rửa tay và làm sạch vùng da bằng xà phòng và nước (nếu chưa sẵn sàng).
    • Lau nhíp bằng cồn để sát trùng và dùng nhíp nhặt các sợi thủy tinh ra.[8]
    • Kính lúp có thể giúp bạn nhìn được các sợi nhỏ.
    • Nếu nhìn thấy các sợi thủy tinh nhưng không lấy ra được bằng nhíp, bạn có thể sử dụng một chiếc kim nhọn, sát trùng bằng cách lau cồn.[8] Dùng kim để khơi lên hoặc rạch vùng da bên trên sợi thủy tinh. Sau đó dùng nhíp vô trùng để nhặt ra.
    • Nhẹ nhàng nặn cho máu chảy ra để rửa trôi vi trùng. Rửa lại vùng da lần nữa và bôi kem kháng sinh.
    • Nếu nhìn thấy sợi thủy tinh nằm sâu dưới da, bạn cần liên hệ với bác sĩ và đừng cố gắng tự lấy ra.
  5. Dùng kem để làm dịu da. Sau khi rửa vùng da tổn thương, bôi loại kem chất lượng tốt lên da.[3] Kem có thể xoa dịu và giữ ẩm cho da, giúp da bớt kích ứng. Bạn cũng có thể bôi kem chống ngứa mua không cần toa để giúp giảm kích ứng.

Theo dõi và ngăn chặn lây nhiễm chéo[sửa]

  1. Giặt quần áo và các vật liệu khác có thể đã tiếp xúc với sợi thủy tinh. Cởi bỏ hết quần áo mặc khi tiếp xúc với sợi thủy tinh và tách khỏi các quần áo khác. Giặt riêng và càng sớm càng tốt. Như vậy sẽ giúp ngăn chặn các sợi thủy tinh còn vương lại lan ra và gây kích ứng.[3]
    • Nếu có quá nhiều sợi thủy tinh trên quần áo, bạn cần ngâm nước trước khi giặt. Như vậy các sợi thủy tinh có thể long ra và được rửa trôi.
    • Sau khi giặt quần áo có dính các sợi thủy tinh, bạn cần xả sạch máy giặt trước khi giặt quần áo khác. Việc này giúp rửa sạch mọi sợi thủy tinh có thể kẹt lại trong máy giặt, đề phòng các sợi thủy tinh lan sang quần áo khác.
  2. Dọn sạch nơi làm việc. Nếu đang làm việc với sợi thủy tinh khi bị dính vào da, bạn nhớ dọn sạch những mảnh sợi thủy tinh còn lại khỏi chỗ làm việc càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa các phản ứng khác với vật liệu này.
    • Dùng máy hút bụi để dọn sạch các mảnh vụn sợi thủy tinh thay vì dùng chổi khô để quét (vì các hạt nhỏ có thể bay vào không khí).
    • Mặc quần áo bảo hộ, đeo kính và khẩu trang khi dọn dẹp có thể giúp các mảnh nhỏ của sợi thủy tinh không dính vào da, mắt hoặc phổi.[4]
  3. Chú ý quan sát vùng da bị tổn thương. Sự tiếp xúc với sợi thủy tinh có thể gây đau và ngứa, nhưng các triệu chứng có thể nhanh chóng thuyên giảm nếu bạn tuân theo các bước điều trị. Tuy nhiên nếu tình trạng ngứa và kích ứng kéo dài dai dẳng, bạn phải tìm sự chăm sóc y tế.[2]

Ngăn ngừa kích ứng do sợi thủy tinh[sửa]

  1. Mặc trang phục thích hợp khi làm việc với sợi thủy tinh. Bất cứ khi nào xử lý sợi thủy tinh hoặc biết mình tiếp xúc với sợi thủy tinh, bạn cần mặc trang phục bảo hộ. Quần dài, áo dài tay, giày bít và găng tay sẽ giúp bạn bảo vệ da khỏi bị dính sợi thủy tinh.[9][10] Cố gắng che đậy càng kín càng tốt.
    • Đeo khẩu trang hoặc mặt nạ sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi hít phải các hạt nhỏ của sợi thủy tinh bay trong không khí.[11]
  2. Giữ cho nơi làm việc sạch sẽ và thông gió. Nếu bạn đang làm việc với sợi thủy tinh, nơi làm việc của bạn cần phải thông khí tốt để các mảnh vật liệu nhỏ không lơ lửng trong không khí và rớt xuống da hay quần áo của bạn và bạn không hít phải chúng.[11]
    • Để riêng trang phục làm việc và quần áo mặc thường ngày.
    • Không ăn, uống hoặc hút thuốc khi đang xử lý sợi thủy tinh. Điều này là để đề phòng bạn không nuốt hoặc hít phải các hạt nhỏ của sợi thủy tinh.
    • Nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng kích ứng nào, bạn cần dừng lại và xử lý trước khi quay trở lại làm việc.
  3. Tắm sau khi làm việc với sợi thủy tinh. Tắm vòi sen ngay sau khi xử lý hoặc tiếp xúc với sợi thủy tinh – cho dù bạn không thấy ngứa hoặc kích ứng. Việc này sẽ giúp xả sạch mọi sợi thủy tinh có thể còn dính trên da mặc dù chưa gây phản ứng.[12]
    • Tắm bằng nước lạnh khi chưa thấy xuất hiện phản ứng nào. Nước lạnh giúp xả sạch mọi mảnh nhỏ của sợi thủy tinh khỏi da, đồng thời đóng lỗ chân lông để ngăn chúng xâm nhập vào da.[13]
  4. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn lo lắng bị phơi nhiễm với sợi thủy tinh. Nếu không chắc chắn về các triệu chứng hoặc về tình trạng tiếp xúc với sợi thủy tinh, bạn hãy tham khảo bác sĩ.
    • Một số người có thể phát triển mức chịu đựng sợi thủy tinh qua thời gian, do đó họ không bị kích ứng như từng bị trước kia. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là không có vấn đề tiềm ẩn về da hoặc phổi, do đó bạn cần luôn luôn cẩn thận khi làm việc với sợi thủy tinh.[11]

Cảnh báo[sửa]

  • Sợi thủy tinh không bị quy là nguyên nhân gây ung thư. Tuy nhiên, như thế cũng không có nghĩa nó không gây ra các vấn đề về phổi hoặc da.[5] Luôn phải cẩn thận khi xử lý vật liệu này.
  • Các triệu chứng phơi nhiễm sợi thủy tinh thường không kéo dài, và hầu hết mọi người đều không phải lo lắng nếu thỉnh thoảng tiếp xúc với sợi thủy tinh. Tuy nhiên, nếu thường xuyên làm việc hoặc phơi nhiễm với sợi thủy tinh, bạn nên cẩn thận hơn khi tiếp xúc, đọc bảng hướng dẫn an toàn gắn kèm với vật liệu sợi thủy tinh và tham khảo bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc lo lắng nào.[14]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]