Giảm ngứa trong giai đoạn mãn kinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trong giai đoạn mãn kinh, bạn có thể đột nhiên thấy trên da có cảm giác ngứa không dứt. Khi nồng độ estrogen bắt đầu giảm, khả năng sản sinh dầu của cơ thể cũng chậm lại, khiến da khô và ngứa. Rất may mắn là có rất nhiều cách giúp giảm ngứa trên da, bao gồm dùng thuốc, thay đổi lối sống và thử các liệu pháp tự nhiên khác nhau.

Các bước[sửa]

Giảm ngứa bằng cách thay đổi lối sống[sửa]

  1. Tắm vòi sen thật nhanh bằng nước ấm. Để giảm ngứa trên da, bạn nên tắm vòi sen hoặc tắm bồn dưới 20 phút và dùng nước ấm thay nước nóng. Thói quen này giúp kích thích độ ẩm tự nhiên trên da và giúp giảm ngứa.[1]
    • Tránh tắm nước nóng vì sẽ gây khô da và khiến tình trạng ngứa nặng thêm.
    • Ngoài ra, nên tránh dùng xà phòng, gel tắm và sản phẩm khử mùi có mùi hương để tránh gây kích ứng da. Nên chọn xà phòng chứa chất dưỡng ẩm để làm mềm và cung cấp nước cho da.
    • Thấm khô da thay vì lau mạnh để giảm kích ứng thêm.
  2. Thoa dưỡng ẩm. Nếu da ngứa là do khô, việc dưỡng ẩm cho da ngay sau khi tắm ít nhất 2 lần mỗi ngày là rất cần thiết. Dưỡng ẩm giúp giữ lại độ ẩm tự nhiên của da và kích thích làn da đàn hồi, khỏe mạnh.[2]
    • Sử dụng lotion không mùi hương, không gây kích ứng (như Eucerin và Cetaphil) hoặc dưỡng ẩm từ bột yến mạch như Aveeno. Bạn cũng có thể sử dụng sáp Vaseline để dưỡng ẩm.
    • Tránh sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm chứa hương liệu, cồn hoặc các hóa chất gây kích ứng khác vì sẽ khiến cơn ngứa trầm trọng thêm.[3]
  3. Mặc quần áo không gây kích ứng. Không mặc quần áo từ chất liệu vải cứng, thô (như len) vì sẽ khiến da kích ứng thêm. Nên mặc quần áo rộng làm từ chất liệu không kích ứng da như cotton hoặc lụa.[1]
    • Giặt quần áo bằng bột giặt không mùi hương hoặc không gây kích ứng, tránh sử dụng sản phẩm làm mềm vải. Một số sản phẩm bột giặt có thể để lại cặn trên quần áo, khiến cơn ngứa trầm trọng thêm.
    • Bạn cũng nên dùng ga giường bằng cotton để giúp giảm ngứa về đêm.
  4. Tăng cường chất béo tốt cho sức khỏe trong chế độ ăn. Omega 3 là axit béo thiết yếu giúp da sản sinh dầu và giữ ẩm. Thiếu đi các axit béo này trong chế độ ăn, da sẽ trở nên khô ngứa.[4]
    • Nguồn thực phẩm dồi dào omega 3 gồm có cá hồi, quả óc chó, trứng, cá mòi, đậu nành, dầu hoa rum và hạt lanh.
    • Bạn cũng có thể uống viên nang dầu cá hoặc dầu Omega 3 để đảm bảo cung cấp đủ axit béo này.
  5. Cung cấp đủ nước. Cơ thể cần nước để tồn tại. Thiếu nước dẫn đến mất nước, từ đó khiến da khô và ngứa.[5]
    • Viện Y học Mỹ khuyến nghị trung bình, phụ nữ nên uống tối thiểu 9 cốc nước mỗi ngày.[5]
    • Nếu tập thể dục hoặc sống ở khu vực có khí hậu nóng bức, bạn cần uống nước nhiều hơn.
  6. Giảm căng thẳng. Căng thẳng ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, bao gồm gây ra các vấn đề về da. Bên cạnh gây ngứa, căng thẳng còn khiến nhiều vấn đề về da khác như chàm và viêm da trở nặng.[6]
  7. Tránh tiêu thụ caffeine và cồn. Cả hai chất này đều hoạt động như thuốc lợi tiểu khiến bạn đi tiểu nhiều hơn và gây mất nước. Chúng còn ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong da, khiến cơn ngứa trầm trọng hơn.[1]
    • Nếu cần thiết, chỉ nên tiêu thụ đồ uống chứa caffeine và cồn có chừng mực.
  8. Bổ sung vitamin. Bổ sung không đủ các vitamin thiết yếu thông qua chế độ ăn có thể khiến da khô và yếu đi. Vì vậy, bạn nên cân nhắc việc uống thực phẩm bổ sung vitamin C, D, E và K. Ngoài ra, có thể sử dụng kem thoa tại chỗ chứa các vitamin này để kích thích tái tạo da khỏe mạnh và giảm ngứa.[7]
    • Vitamin C là chất chống oxi hóa tham gia vào quá trình tổng hợp collagen và giảm tổn thương tế bào. Bạn có thể bổ sung vitamin C đường uống hoặc kem thoa tại chỗ.
    • Vitamin D3 (có sẵn ở dạng calcitriol tổng hợp) có trong các loại kem thoa tại chỗ rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về da (như vảy nến) bằng cách giảm viêm và kích ứng da.
    • Vitamin E giúp bảo vệ da khỏi tổn thương do ánh nắng và giảm viêm da khi thoa tại chỗ.
    • Vitamin K có trong kem thoa tại chỗ và mặc dù được khoa học chứng minh là không hiệu quả bằng vitamin C và E nhưng cũng giúp điều trị da kích ứng.

Giảm ngứa bằng thuốc[sửa]

  1. Thử dùng kem chống ngứa. Kem chống ngứa giúp dưỡng ẩm và xoa dịu cơn ngứa. Bạn có thể mua kem chống ngứa không kê đơn hoặc yêu cầu bác sĩ cho đơn thuốc mạnh hơn nếu thuốc không kê đơn không hiệu quả.[8]
    • Một số kem chống ngứa phổ biến gồm có Aveeno và Hydrocortisone 1%.
    • Nếu dùng kem corticosteroid, bạn nên thoa kem lên vùng da bị ngứa. Sau đó, dùng khăn hoặc vải cotton đã ngâm nước để quấn quanh vùng da. Độ ẩm từ khăn sẽ giúp da thấm kem.[9]
    • Cần nhớ rằng kem chống ngứa chỉ giúp giảm ngứa tạm thời và chỉ nên dùng trong thời gian ngắn (thường không quá một tuần).
    • Bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc dùng kem chống ngứa kê đơn, loại dùng trong thời gian dài hơn một tuần.
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc ức chế calcineurin. Đây là kem thoa tại chỗ giúp giảm viêm da và có thể dùng thay thế kem chống ngứa, đặc biệt là nếu vùng da bị ngứa không quá rộng.[9]
    • Một số loại kem ức chế calcineurin có sẵn gồm có Tacrolimus (Protopic) và Pimecrolimus (Elidel).
    • Lưu ý thuốc có thể làm suy yếu hệ miễn dịch nên bạn phải dùng theo hướng dẫn và không dùng quá liều khuyến nghị.
  3. Uống thuốc kháng histamin. Thuốc kháng histamin giúp chống lại cơn ngứa bằng cách ngăn chặn sản sinh histamin - hóa chất gây phản ứng dị ứng và gây ngứa. Bạn có thể mua thuốc dạng thoa tại chỗ hoặc thuốc uống không kê đơn ở hiệu thuốc.[9]
    • Thuốc kháng histamin có thể nạp bằng đường uống (viên nén và dạng lỏng) hoặc dạng thoa tại chỗ (kem và lotion). Nếu vùng da ngứa lan rộng, bạn nên sử dụng thuốc kháng histamin đường uống để giảm ngứa từ bên trong. Ngược lại, nếu vùng da ngứa chỉ nhỏ và kín, bạn có thể dùng kem thoa tại chỗ để điều trị cục bộ.
    • Nên nhớ uống thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ vào ban ngày (như Claritin) và để thuốc kháng histamin gây buồn ngủ (như Benadryl) uống buổi tối.
    • Một số thuốc kháng histamin phổ biến gồm có Allegra, Claritin, Benadryl và Chlor-Trimeton.
    • Luôn tuân theo hướng dẫn trên nhãn thuốc và không tự ý tăng liều hoặc uống nhiều hơn chỉ dẫn.
  4. Trao đổi với bác sĩ về thuốc kiểm soát hormone. Liệu pháp thay thế hormone giúp thay thế lượng hormone suy giảm (như estrogen và progesterone) trong thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp này được chứng minh là giúp giảm cảm giác nóng bừng, khô âm đạo và giúp giảm tình trạng mất khoáng chất trong xương. Ngoài ra, dù không được nhắc đến nhưng thay thế hormone cũng giúp giảm ngứa trên da.[10]
    • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc miếng dán estrongen liều thấp để giúp giảm triệu chứng mãn kinh.
    • Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị áp dụng liệu pháp kết hợp (estrogen/progesterone/progestin). Liệu pháp kết hợp này áp dụng cho trường hợp phụ nữ vẫn còn tử cung và được kê đơn ở dạng thuốc viên hoặc miếng dán liều thấp.[10]
    • Tác dụng phụ của liệu pháp thay thế hormone là cảm giác đầy bụng, sưng và căng ngực, đau đầu, thay đổi tâm trạng, buồn nôn và chảy máu “vùng kín”.
  5. Hỏi bác sĩ về thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm để điều trị cơn ngứa. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc được chứng minh là giúp giảm nhiều loại ngứa trên da.[11]
    • Một trong những thuốc bác sĩ có thể khuyến nghị là Busprione. Đây là thuốc chống lo âu giúp điều trị ngứa trên da bằng cách chặn dopamine - chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát trung tâm cảm giác của não.[12]
    • Bác sĩ có thể khuyến nghị thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc như Fluoxetine (Prozac) và Sertraline (Zoloft).[9]

Sử dụng nguyên liệu tự nhiên[sửa]

  1. Thử dùng lô hội (nha đam) để xoa dịu da. Lô hội có đặc tính kháng nấm và kháng sinh, được dùng làm nguyên liệu chữa lành và dưỡng ẩm da tự nhiên từ nhiều thế kỷ qua. Bạn có thể thử dùng lô hội để xem liệu cơn ngứa trên da do mãn kinh có thuyên giảm không.[13]
    • Bạn có thể mua gel lô hội ở hiệu thuốc.
    • Bạn cũng có thể mua cây lô hội tươi nếu muốn dùng gel nguyên chất. Cắt đôi lá lô hội theo chiều dài của lá. Múc lấy phần gel ở giữa và thoa trực tiếp lên vùng da bị ngứa.[14]
  2. Sử dụng hỗn hợp đất sét Bentonite để xoa dịu cơn ngứa. Từ lâu, đất sét đã được dùng để chữa lành và bảo vệ da. Mặc dù chưa được khoa học chứng minh hiệu quả giảm ngứa do mãn kinh nhưng bạn có thể thử.[15]
    • Trộn đất sét với dầu ôliu vào bát đựng nước lọc và khuấy đến khi hỗn hợp mịn. Chấm hỗn hợp lên vùng da bị ngứa và để khô. Cuối cùng, rửa sạch đất sét khô và lặp lại nếu cần thiết.[16]
    • Bạn cũng có thể đắp mặt nạ đất sét bằng cách phết đất sét lên một miếng vải. Sau đó, đặt miếng vải lên vùng da bị ngứa sao cho đất sét chạm trực tiếp vào da. Đắp mặt nạ khoảng 4 tiếng hoặc đến khi đất sét khô và cứng lại. Rửa thật sạch.
  3. Thử dùng giấm táo để giảm ngứa. Giấm táo được dùng làm nguyên liệu kháng khuẩn, kháng nấm và sát khuẩn có thể giúp điều trị da khô và ngứa.[17]
    • Nhỏ vài giọt giấm táo vào viên bông gòn hoặc khăn sạch rồi thoa lên vùng da bị ngứa.
    • Thử dùng giấm táo chưa lọc, nguyên chất, hữu cơ nếu có thể.
  4. Dùng lá bạc hà. Mặc dù công dụng trong việc giảm triệu chứng mãn kinh chưa được chứng minh nhưng bạc hà sẽ giúp xoa dịu cơn ngứa do mãn kinh và rất đáng để thử. Bên cạnh đó, bạc hà còn có tác dụng làm mát, giúp bạn bớt ngứa đi nhiều.[18]
    • Nghiền nhuyễn lá bạc hà trong bát và thoa trực tiếp lên vùng da bị ngứa.
    • Bạn có thể làm đá viên bạc hà để làm tê liệt vùng da bị ngứa và giảm viêm. Khuấy đều lá bạc hà nghiền nhuyễn với nước lọc. Sau đó, đổ hỗn hợp vào khay đá và đem đông lạnh. Quấn đá viên trong khăn mềm rồi chườm lên vùng da bị ngứa (không đặt trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh).
    • Bạn cũng có thể thử dùng tinh dầu bạc hà để giảm ngứa bằng cách thoa tinh dầu lên vùng da bị ngứa.
  5. Dùng hỗn hợp yến mạch để giảm ngứa. Yến mạch chứa các hợp chất giúp giảm viêm và xoa dịu cơn ngứa. Bạn có thể pha hỗn hợp yến mạch hoặc tắm bồn bằng nước pha yến mạch để giảm ngứa.[19]
    • Đổ nước vào một cốc yến mạch chưa nấu chín và chờ vài phút để tạo hỗn hợp. Thoa hỗn hợp lên vùng da bị ngứa.
    • Hoặc bạn có thể tắm bồn với yến mạch bằng cách pha dầu ôliu, muối nở và bột yến mạch vào nước. Ngâm vùng da bị ngứa trong bồn yến mạch khoảng 20 phút.
    • Bạn có thể mua bột yến mạch ở cửa hàng thực phẩm hoặc mua keo yến mạch ở hiệu thuốc.
  6. Chườm mát, ẩm để giảm ngứa. Chườm khăn thấm nước mát lên vùng da bị ngứa có thể giúp giảm kích ứng. Cách này đặc biệt hữu ích vào buổi tối nếu cơn ngứa khiến bạn mất ngủ.[20]
    • Quấn khăn ướt quanh vùng da bị ngứa cũng giúp bảo vệ da và ngăn bạn khỏi gãi ngứa trong suốt cả đêm.
    • Bạn có thể tìm đọc các bài viết về cách giảm ngứa buổi tối bằng những nguyên liệu khác.
  7. Thử dùng kem thảo mộc. Kem thoa tại chỗ chứa hoa cúc (Matricaria recutita), cây tràng sao (Stellaria media), cúc vạn thọ (Calendula officinalis), hạt phỉ (Hamamelis virginiana) và/hoặc cam thảo (Glycyrrhiza glabra) cũng có thể giúp giảm ngứa trên da.[21]
    • Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn dùng các kem này và ngưng sử dụng nếu bị kích ứng hoặc triệu chứng trở nặng.
    • Một thảo mộc khác có thể giúp giảm ngứa là St. John's wort (Hypericum perforatum). Theo một nghiên cứu lâm sàng, triệu chứng ở người bị bệnh chàm sử dụng kem thoa tại chỗ chứa St. John's wort có sự thuyên giảm so với người dùng kem giả dược.[21]
  8. Thử châm cứu và thuốc vi lượng đồng căn. Phương pháp châm cứu được chứng minh là giúp giảm triệu chứng bệnh chàm và do đó, bạn có thể thử châm cứu để giảm ngứa do mãn kinh. Tuy nhiên, cần nhớ rằng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này đối với tình trạng ngứa trên da.[21]
    • Bạn cũng có thể thử các thuốc vi lượng đồng căn để giảm ngứa. Cúc Calendula, sul-phua, tầm ma (Urtica urens) và cây sơn (Rhus toxicodendron) được một số chuyên gia vi lượng đồng căn dùng để điều trị chàm. Bạn nên hỏi chuyên gia xem liệu những phương thuốc này có thể dùng điều trị ngứa do mãn kinh hay không. [21]

Lời khuyên[sửa]

  • Cắt ngắn, dũa và giữ sạch móng tay để tránh gãi phải chỗ ngứa.
  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử nguyên liệu tự nhiên hoặc thuốc không kê đơn, đặc biệt là nếu đang uống các thuốc chữa bệnh khác.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.nhs.uk/Conditions/Itching/Pages/Treatment.aspx
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-skin/basics/lifestyle-home-remedies/con-20030009
  3. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/health-and-beauty/general-skin-care/dry-skin-tips
  4. http://www.webmd.com/beauty/skin/menopause-dry-skin-hormone-connection?page=1
  5. 5,0 5,1 http://www.mayoclinic.org/healthy-living/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  6. http://www.health.harvard.edu/newsletter_article/Recognizing_the_mind-skin_connection
  7. http://www.healthline.com/health/4-best-vitamins-for-skin#Overview1
  8. http://allergies.answers.com/treatments/choosing-the-best-anti-itch-cream
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/itchy-skin/basics/treatment/con-20028460
  10. 10,0 10,1 http://www.webmd.com/menopause/guide/menopause-hormone-therapy
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/itchy-skin/basics/treatment/con-20028460
  12. http://cutaneouslymphoma.stanford.edu/community/itch.html
  13. https://umm.edu/health/medical/altmed/herb/aloe
  14. http://www.thegardenhelper.com/aloe~vera.html
  15. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2895274/
  16. http://everydayroots.com/bentonite-clay-poultice
  17. https://www.psoriasis.org/treating-psoriasis/complementary-and-alternative/herbal-remedies/
  18. http://health.howstuffworks.com/wellness/natural-medicine/herbal-remedies/peppermint-herbal-remedies.htm
  19. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003217.htm
  20. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/itchy-skin/basics/lifestyle-home-remedies/con-20028460
  21. 21,0 21,1 21,2 21,3 https://umm.edu/health/medical/altmed/condition/eczema