Giảm nhãn áp không cần nhỏ thuốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tăng nhãn áp là một trong những căn bệnh về mắt phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi áp lực chất lỏng trong mắt (áp lực nội nhãn cầu) cao hơn bình thường. Cườm nước hoặc thậm chí thương tổn thị lực vĩnh viễn có thể xảy ra nếu người bệnh không chữa tăng nhãn áp, vì vậy bạn phải có biện pháp đối phó vấn đề này. Áp lực nội nhãn cầu cao hoặc tăng nhãn áp không có triệu chứng, nên bệnh chỉ được phát hiện khi có bác sĩ chuyên khoa mắt chẩn đoán. Thuốc nhỏ mắt thường được sử dụng để điều trị đầu tiên nhưng tiếc là nó không hiệu quả với tất cả mọi người.[1]

Các bước[sửa]

Điều chỉnh chế độ ăn và lối sống[sửa]

  1. Giảm mức insulin trong cơ thể. Những người bị béo phì, mắc bệnh tiểu đường hay cao huyết áp thường kháng insulin, tình trạng này càng khiến cơ thể sản xuất insulin nhiều hơn. Trong khi đó người ta cho rằng insulin cao có liên quan đến việc tăng áp lực nhãn cầu.[2]
    • Để giải quyết vấn đề này bệnh nhân được khuyên nên tránh một số thực phẩm có thể làm mức insulin tăng đột biến. Điển hình là đường, hạt (nguyên hạt và hữu cơ), bánh mì, mì sợi, cơm, ngũ cốc và khoai tây.
  2. Tập thể dục thường xuyên. Thực hiện đều đặn các bài tập làm tăng nhịp tim, chạy bộ, đi bộ nhanh, chạy xe đạp và luyện cơ bắp có thể hạ thấp mức insulin và bảo vệ mắt không bị tăng áp.
    • Insulin là hóc môn giúp vận chuyển đường huyết (glucô) vào tế bào để làm nguồn cung cấp năng lượng. Nếu chúng ta sử dụng hết phần năng lượng này thông qua tập thể dục, mức đường huyết sẽ giảm, kéo theo đó là mức insulin. Mức insulin thấp cũng có nghĩa dây thần kinh giao cảm của mắt không bị kích thích quá mức, vì vậy không có hiện tượng tích áp trong nhãn cầu.
    • Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 3-5 lần mỗi tuần.
    • Tránh các bài tập và tư thế buộc phải cúi thấp đầu để không làm tăng áp lực nhãn cầu, bao gồm một số thế tập yoga, điển hình là tư thế trồng chuối.
  3. Cung cấp axít béo omega-3. Axít docosahexaenoic (DHA) là một loại axít béo omega-3 giúp duy trì chức năng võng mạc và đề phòng tăng áp nhãn cầu.[3]
    • DHA (và các axít béo omega-3 khác) có trong một số loài cá nhiều mỡ sống ở nước lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, thủy sản có vỏ và cá trích. Để cải thiện mức DHA bạn nên ăn 2-3 suất cá này mỗi tuần.
    • Thay vào đó bạn có thể tăng lượng DHA tiêu thụ bằng cách uống viên dầu cá hoặc thực phẩm chức năng bổ sung DHA có nguồn gốc từ tảo. Hàm lượng tốt nhất cần cung cấp mỗi ngày là 3.000-4.000 mg viên dầu cá tiêu chuẩn hoặc 200 mg thực phẩm chức năng bổ sung DHA.[4]
  4. Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa lutein và zeaxanthin hơn. Lutein và zeaxanthin là các carotenoid đóng vai trò như chất chống ôxi hóa bảo vệ cơ thể chống lại gốc tự do. Gốc tự do làm suy yếu hệ miễn dịch, dẫn tới nhiễm trùng và tổn thương dây thần kinh thị giác.[5]
    • Lutein và zeaxanthin cũng làm giảm áp lực nhãn cầu nhờ hạn chế tổn thương do quá trình ôxi hóa gây ra quanh dây thần kinh thị giác. Điều này rất quan trọng vì bất kì tổn thương nào ở dây thần kinh thị giác đều làm tăng áp lực nhãn cầu.
    • Thực phẩm chứa nhiều lutein và zeaxanthin bao gồm cải xoăn, bó xôi, cải rổ, cải Brussels, bông cải xanh và lòng đỏ trứng sống. Bạn nên ăn ít nhất một trong số các thực phẩm này trong mỗi bữa ăn chính hằng ngày.
  5. Tránh ăn chất béo chuyển hóa. Như đã nói, axít béo omega-3 giúp giảm áp lực nội nhãn cầu. Tuy nhiên, thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa ngăn cản khả năng vận hành của omega-3, dẫn đến tăng áp lực nhãn cầu.
    • Vì vậy bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa. Điển hình như thực phẩm đã qua chế biến hoặc thực phẩm nướng, chiên, kem, bỏng ngô và thịt bò xay.[6]
  6. Ăn nhiều chất chống ôxi hóa hơn. Các loại quả mọng tối màu như việt quất (blueberry và bilberry) và mâm xôi có thể tăng cường sức khỏe mắt nói chung, nhờ vào việc làm chắc các mao mạch dẫn chất dinh dưỡng tới dây thần kinh mắt và cơ xung quanh. Nguyên nhân vì quả mọng tối màu chứa chất chống ôxi hóa có ích cho mạch máu, giảm nguy cơ mạch máu xuất huyết và gây tổn thương.[7]
    • Cố gắng ăn ít nhất một suất quả mọng tối màu mỗi ngày.
    • Axít alpha-lipoic (ALA) là một chất chống ôxi hóa được sử dụng để ngăn ngừa một số bệnh về mắt, bao gồm cườm nước và tăng áp lực nội nhãn cầu. Liều dùng khoảng 75 mg, 2 lần mỗi ngày.[8]
    • Người ta thường ăn bilberry để tăng độ nhạy của mắt và chống thoái hóa mắt, trong đó có bệnh tăng nhãn áp. Một nghiên cứu lâm sàng trên một sản phẩm cụ thể chứa chiết xuất bilberry và pycnogenol (chiết xuất từ vỏ cây thông) cho thấy có thể giảm áp lực mắt.[9]
    • Chiết xuất hạt nho cũng là chất chống ôxi hóa, đã được sử dụng thành công vào việc giảm căng thẳng cho mắt do chói sáng. Chiết xuất hạt nho thường được dùng để chống dấu hiệu lão hóa và cải thiện thị lực nhìn ban đêm.[10]
  7. Sử dụng cần sa (gai dầu) ở nơi pháp luật cho phép. Cần sa có thể dùng dưới dạng ăn trực tiếp, ngậm dưới lưỡi, uống viên con nhộng, viên nén hoặc lấy hơi từ tinh dầu. Một trong những thành phần của cần sa là cannabidiol (CBD), nó không ảnh hưởng đến tâm thần và cho thấy có khả năng giảm áp lực mắt. Người ta đã điều trị thành công bệnh tăng nhãn áp với liều dùng 20–40 mg CBD.[11][12]

Phẫu thuật[sửa]

  1. Lý do vì sao cần phải phẫu thuật?[13] Áp lực mắt cao kéo dài có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn tới tình trạng gọi là cườm nước.[14] Theo thời gian cườm nước khiến bạn mất dần thị lực.[15] Bệnh này được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và thuốc uống. Tuy nhiên nếu các biện pháp đó không hiệu quả thì bạn phải phẫu thuật.
    • Phẫu thuật trị cườm nước nhằm mục đích cải thiện dòng chảy của dịch trong nhãn cầu, kết quả là giảm áp lực mắt. Đôi khi một lần phẫu thuật duy nhất không thể giải trừ áp lực mắt, khi đó người ta phải phẫu thuật bổ sung.
    • Tùy vào độ nặng của bệnh mà chúng ta có nhiều cách phẫu thuật điều trị cườm nước.
  2. Hỏi bác sĩ về phẫu thuật ghép ống dẫn lưu. Ghép ống dẫn lưu là kỹ thuật dùng để giảm áp lực mắt ở trẻ em và bệnh nhân bị cườm nước nặng. Thủ thuật được tiến hành bằng cách đưa một ống nhỏ vào mắt để dẫn dịch ra ngoài. Sau khi dẫn lưu xong áp lực trong mắt sẽ giảm.
  3. Cân nhắc phẫu thuật bằng laser. Phẫu thuật điều chỉnh lưới sợi mô liên kết sử dụng tia laser năng lượng cao để mở các kênh dẫn lưu bị nghẹt và dẫn dịch thừa ra ngoài. Sau khi phẫu thuật áp lực mắt được kiểm tra theo định kỳ để đảm bảo thủ thuật đã thành công.
    • Một loại phẫu thuật laser khác là phẫu thuật mống mắt. Phẫu thuật mống mắt áp dụng cho bệnh nhân có góc dẫn lưu trong mắt hẹp. Người ta tạo một lỗ nhỏ ở phần trên của mống mắt để dẫn lưu dịch trong mắt.
    • Nếu không thực hiện thành công bằng tia laser thì bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật mống mắt ngoại biên. Thủ thuật này yêu cầu phải cắt rời một phần nhỏ của mống mắt để tăng cường dẫn lưu dịch lỏng, nhưng phẫu thuật mống mắt ngoại biên tương đối hiếm khi phải thực hiện.
  4. Lưu ý có thể bạn phải phẫu thuật lọc. Phẫu thuật cắt lưới sợi mô liên kết là giải pháp cuối cùng trong điều trị bệnh áp lực mắt cao nếu thuốc nhỏ mắt và phẫu thuật laser không thành công.
    • Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một khe hở trên tròng trắng và cắt bỏ một phần mô nhỏ ở đáy giác mạc. Như vậy dịch lỏng có thể chảy ra dễ dàng và giảm áp lực mắt.
    • Thủ thuật này được thực hiện trên một mắt và lập lại với mắt còn lại nhiều tuần sau đó nếu cần thiết. Sau khi phẫu thuật có thể bạn phải điều trị bổ sung nếu khe hở tiếp tục nghẹt.

Thực hiện bài tập thả lỏng[sửa]

  1. Tập thói quen nháy mắt sau mỗi 3-4 giây. Chúng ta có khuynh hướng tránh nháy mắt khi đang làm việc trên máy vi tính, xem tivi hay chơi điện tử. Việc này khiến mắt phải chịu nhiều áp lực.
    • Bạn nên tạo điều kiện cho mắt thả lỏng và nghỉ ngơi bằng cách chủ ý nháy mắt sau mỗi 3-4 giây trong thời gian hai phút. Sử dụng đồng hồ căn giờ nếu cần.
    • Thói quen này giúp giảm bớt áp lực tác động lên mắt, lấy lại trạng thái sẵn sàng để tiếp nhận hình ảnh mới.
  2. Dùng lòng bàn tay che mắt. Mục đích để mắt và tâm trí thả lỏng, xả stress và cho phép mắt nháy thoải mái hơn.
    • Đặt bàn tay phải trên mắt phải, tựa các ngón tay lên trán và tựa gan bàn tay lên gò má, không ấn tay.
    • Giữ tay ở vị trí đó từ 30 giây tới một phút và nháy mắt tự do trong thời gian này. Mở tay bên mắt phải và lập lại tương tự với tay trái che mắt trái.
  3. Tập trung mắt nhìn theo hình số 8 tưởng tượng. Bài tập này giúp tăng cường sức khỏe cơ mắt, nâng cao sự linh hoạt, hạn chế tổn thương và ngăn ngừa tăng áp lực mắt.
    • Tưởng tượng có một số 8 lớn nằm ngang trên bức tường phía trước. Rà mắt nhìn theo hình số 8 này mà không di chuyển đầu, thực hiện liên tục 1-2 phút.
    • Nếu không thể tưởng tượng ra hình số 8 nằm ngang, bạn vẽ một hình số 8 thật vào trang giấy và dán trên tường để tập nhìn.
  4. Tập trung mắt nhìn các vật ở gần và xa nhằm tăng cường sức khỏe cơ mắt và cải thiện thị lực nói chung.
    • Tìm vị trí ngồi không có nguồn gây xao nhãng. Giữ ngón tay cái xấp xỉ 25,4 cm trước mặt và nhìn tập trung vào đó.
    • Nhìn vào ngón tay cái 5-10 giây rồi chuyển mắt nhìn tập trung vào vật khác cách bạn 3,0-6,1 m. Bạn tiếp tục luân phiên nhìn qua lại giữa ngón cái và vật ở xa đó trong 1-2 phút.
  5. Tập nhìn phóng to thu nhỏ. Bài tập này cải thiện kỹ năng tập trung và sức khỏe cơ mắt.
    • Đưa một bàn tay ra trước mặt rồi hướng ngón cái lên trên. Tập trung nhìn ngón cái, sau đó di chuyển nó về phía bạn đến khi cách mặt khoảng 8 centimet.
    • Di chuyển ngón tay ra xa dần nhưng vẫn tập trung hai mắt nhìn vào đó trong lúc di chuyển. Tiếp tục nhìn ngón tay trong lúc di chuyển tới lui 1-2 phút.
  6. Xem xét kỹ thuật phản hồi sinh học. Kỹ thuật phản hồi sinh học cũng có thể giúp bạn giảm áp lực mắt,[16] dạy bạn cách kiểm soát các quá trình bình thường của cơ thể như nhịp tim, huyết áp và thân nhiệt.[17] Chuyên gia trị liệu về phản hồi sinh học sẽ hướng dẫn bạn cách tự mình thực hiện một số kỹ thuật.

Hiểu về bệnh tăng nhãn áp[sửa]

  1. Cách chẩn đoán áp lực mắt cao. Áp lực mắt cao (còn gọi là tăng nhãn áp) rất khó chẩn đoán, vì nó không biểu hiện triệu chứng nhìn thấy được như đỏ hay đau mắt. Bạn không thể chỉ nhìn bên ngoài mà chẩn đoán bệnh, vì vậy cần phải có bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám. Họ áp dụng kết hợp nhiều phương pháp để xác định bệnh tăng nhãn áp.
    • Đo nhãn áp. Thủ thuật này dùng để đo áp lực nội nhãn cầu và đánh giá xem mức áp suất đó có nằm trong giới hạn bình thường không. Họ gây tê và lồng một dải giấy nhuộm màu cam vào mắt để xác định mức áp lực. Sau đó bác sĩ sử dụng máy để đo áp lực nội nhãn cầu bằng cách tạo lực đè lên mắt.[18]
    • Số đọc từ 21 mmHg trở lên chứng tỏ mắt bị tăng áp lực. Tuy nhiên, có một số tình trạng khác ảnh hưởng đến giá trị này, chẳng hạn chấn thương đầu hoặc mắt, hoặc máu tụ sau giác mạc.
    • Thổi khí. Phương pháp này yêu cầu bệnh nhân phải nhìn thẳng vào một thiết bị trong khi bác sĩ đang chiếu đèn vào mắt. Thiết bị sẽ phụt nhanh một luồng khí trực tiếp vào mắt. Một chiếc máy đặc biệt có chức năng đọc giá trị áp suất thông qua đánh giá những thay đổi của ánh sáng phản xạ khi luồng khí chạm vào mắt.
  2. Hiểu về nguyên nhân gây ra áp lực mắt cao. Tăng nhãn áp có liên quan đến tuổi tác và các yếu tố khác. Những yếu tố góp phần gây ra bệnh tăng nhãn áp là:[1]
    • Thủy dịch quá nhiều. Thủy dịch là dịch lỏng trong suốt hình thành trong mắt. Nó được dẫn lưu khỏi mắt nhờ vào cấu trúc lưới sợi mô. Nếu thừa thủy dịch áp lực trong mắt sẽ tăng.
    • Thủy dịch được dẫn lưu không tốt. Tình trạng dẫn lưu thủy dịch không tốt có thể dẫn tới tăng áp lực mắt.
    • Một số loại thuốc. Một số thuốc như steroid có thể làm tăng nhãn áp, đặc biệt với những người đã có sẵn yếu tố rủi ro.
    • Chấn thương mắt. Bất kì yếu tố kích ứng hay chấn thương nào ở mắt đều có thể tác động đến sự cân bằng giữa quá trình sản xuất và dẫn lưu thủy dịch, dẫn đến tăng áp lực mắt.[1]
    • Các bệnh khác về mắt. Tăng nhãn áp thường có liên quan đến một số bệnh khác ở mắt như hội chứng giả tróc bao thể thủy tinh, đục rìa giác mạc và hội chứng phân tán sắc tố.
  3. Tìm hiểu các yếu tố rủi ro của bệnh tăng nhãn áp. Bệnh này có thể xảy ra với bất kì ai, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy những nhóm người sau có nguy cơ cao:
    • Người Mỹ gốc Phi.
    • Người trên 40 tuổi.
    • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp và cườm nước.
    • Người có chiều dày trung tâm giác mạc mỏng hơn bình thường.[5]

Cảnh báo[sửa]

  • Một số loại cá chứa nhiều axít béo omega-3 có hàm lượng thủy ngân thấp, nhưng nếu tiêu thụ hạn chế sẽ không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc những người muốn thụ thai nên chú ý các cảnh báo thận trọng. Họ không nên ăn thịt cá thu vua, cá kình, cá kiếm và cá mập.
  • Nếu bạn đang nhỏ thuốc điều trị tăng nhãn áp thì không nên ngừng mà không thảo luận trước với bác sĩ nhãn khoa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.allaboutvision.com/conditions/hypertension.htm
  2. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3354923/
  3. https://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/docosahexaenoic-acid-dha
  4. http://www.iovs.org/content/48/2/756.long
  5. 5,0 5,1 http://articles.mercola.com/sites/articles/archive/2009/03/31/Six-Natural-Strategies-to-Stop-Glaucoma-from-Robbing-You-Blind.aspx
  6. http://healthyliving.msn.com/diseases/cholesterol/22-worst-foods-for-trans-fat-1?pageart=3
  7. http://www.allaboutvision.com/nutrition/vitamin_c.htm
  8. Filina A. A., Davydova N. G., Endrikhovskii S. N., Shamshinova A. M. [Lipoic acid as a means of metabolic therapy of open-angle glaucoma]. Vestn Oftalmol 1995;111(4):6-8.
  9. Steigerwalt, R. D., Gianni, B., Paolo, M., Bombardelli, E., Burki, C., and Schonlau, F. Effects of Mirtogenol on ocular blood flow and intraocular hypertension in asymptomatic subjects. Mol Vis 2008;14:1288-1292.
  10. Corbe, C., Boissin, J. P., and Siou, A. [Light vision and chorioretinal circulation. Study of the effect of procyanidolic oligomers (Endotelon)]. J Fr.Ophtalmol. 1988;11(5):453-460
  11. Tomida, I., Azuara-Blanco, A., House, H., Flint, M., Pertwee, R. G., and Robson, P. J. Effect of sublingual application of cannabinoids on intraocular pressure: a pilot study. J Glaucoma. 2006;15(5):349-353.
  12. Tomida, I., Azuara-Blanco, A., House, H., Flint, M., Pertwee, R. G., and Robson, P. J. Effect of sublingual application of cannabinoids on intraocular pressure: a pilot study. J Glaucoma. 2006;15(5):349-353
  13. http://www.ucdmc.ucdavis.edu/welcome/features/20100505_glaucoma/index.html
  14. https://nei.nih.gov/health/glaucoma/glaucoma_facts
  15. http://www.webmd.com/eye-health/glaucoma-eyes
  16. http://www.glaucoma.org/treatment/alternative-medicine.php
  17. https://umm.edu/health/medical/altmed/treatment/biofeedback
  18. ttps://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003447.htm