Giữ miệng sạch sẽ sau khi nhổ răng khôn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Quá trình nhổ răng khôn được thực hiện bởi nha sĩ hay bác sĩ phẫu thuật răng miệng cần được chăm sóc hậu phẫu thuật một cách tỉ mỉ và cẩn trọng để đảm bảo sự hồi phục nhanh chóng và toàn vẹn. Nếu bạn không làm sạch răng miệng đúng cách, bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm sưng tấy, hay còn gọi là "viêm ổ răng khô".[1] Viêm ổ răng khô thường xảy ra khoảng 20% khu vực nhổ răng khôn hàm dưới, do đó bạn cần đề phòng cẩn thận sau quá trình phẫu thuật. Tốt hơn hết là bạn nên chăm sóc miệng ít nhất là một tuần sau khi răng khôn được nhổ bỏ bằng một vài tiến trình đơn giản mà không cần tốn quá nhiều thời gian hay công sức.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Làm sạch Răng[sửa]

  1. Thay bông gạc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn, bác sĩ sẽ đặt gạc vô trùng vào vùng mới nhổ răng. Thông thường, bạn nên thay bông gạc sau 1 giờ hoặc hơn nếu thấy cần thiết. Nếu ổ răng vẫn tiếp tục chảy máu, bạn nên thay gạc vô trùng cứ sau 30 - 45 phút một lần và cắn nhẹ lên băng gạc.[2] Tình trạng chảy máu không nên kéo dài hơn vài tiếng đồng hồ sau phẫu thuật. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy nhiều hơn, gọi ngay cho nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng.[3]
    • Việc thấy một ít máu rỉ ra từ vùng mới nhổ răng trong vòng 24 - 48 giờ đồng hồ sau phẫu thuật là hoàn toàn bình thường. Chất rỉ này chủ yếu là nước bọt đi kèm với một chút máu. Nếu bạn thấy tình trạng rỉ nhiều hơn bình thường, điều này có nghĩa là máu chảy quá nhiều và bạn nên gọi ngay cho bác sĩ.[2]
  2. Tránh chải răng vào ngày đầu tiên sau khi nhổ răng. Không nên chải răng, khạc nhổ, hay súc miệng bằng dung dịch súc miệng trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Hành động này có thể gây cản trở tiến trình bình phục và làm mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn viêm ổ răng khô hoặc nhiễm trùng.[3]
    • 24 giờ đầu tiên sau phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn rất quan trọng cho quá trình hồi phục. Vì vậy, chải răng hay áp dụng một số biện pháp làm sạch răng miệng khác có thể gây ảnh hưởng đến mũi khâu theo chiều hướng xấu hay cản trở đến việc máu đông, từ đó sẽ kéo dài thêm quá trình hồi phục hay là nguyên nhân gây nhiễm trùng.[3]
  3. Không nên chải ở khu vực vừa mới nhổ răng trong vòng 3 ngày. Sau quá trình phẫu thuật, điều quan trọng là bạn nên tránh chải răng ở khu vực nhổ bỏ răng khôn trong vòng 3 ngày. Thay vào đó, hãy bắt đầu một ngày mới bằng việc súc miệng với ½ cốc nước ấm và một ít muối.[3]
    • Không uống nước muối. Tốt hơn hết là nghiêng nhẹ đầu từ bên này sang bên kia để nước muối có thể rửa sạch vùng nhổ răng khôn, và sau đó nghiêng đầu sang một bên để nước muối tự chảy ra ngoài cho đến khi cạn.
  4. Chải răng một cách chậm rãi và cẩn thận. Vào ngày nhổ răng, tiếp tục đánh răng thật nhẹ nhàng. Tránh xa khu vực mới nhổ răng khôn để không làm viêm ổ răng hay ngăn cản quá trình đông máu, từ đó giúp bảo vệ khu vực này hiệu quả hơn.[2]
    • Sử dụng bàn chải lông mềm và nhẹ nhàng và chậm rãi đánh răng theo chuyển động từng vòng tròn nhỏ.[3]
    • Không nên khạc nhổ bọt kem đánh răng trong vài ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Việc này có thể tác động đến quá trình đông máu vì máu cần được đông lại trên vùng nướu răng bị thương. Thay vào đó, nhẹ nhàng súc miệng bằng dung dịch nước muối hay nước súc miệng khử trùng, và sau đó để dung dịch nước súc tự chảy ra ngoài cho đến khi cạn bằng cách nghiêng đầu sang một bên.
  5. Tiếp tục thói quen chải răng và dùng chỉ nha khoa như thường ngày vào ngày thứ 3 sau phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn. Khi đến ngày thứ 3 kể từ sau phẫu thuật, bạn có thể tiếp tục đánh và làm sạch răng với chỉ nha khoa như thường lệ. Tất nhiên là vẫn phải chải nhẹ nhàng với khu vực nhổ răng khôn để tránh tình trạng viêm ổ răng.[4]
    • Khi đánh răng, nên nhớ là chải sạch lưỡi để loại bỏ vụn thức ăn và vi khuẩn, vì chúng có thể xâm nhập vào vùng nướu răng bị thương và gây viêm nhiễm.
  6. Để ý xem có dấu hiệu nhiễm trùng nào hay không. Nếu bạn làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và giữ răng miệng sạch sẽ, thì nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ rất thấp. Điều quan trọng là đến khám bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào để tránh biến chứng sau phẫu thuật.
    • Đến gặp nha sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp một số vấn đề liên quan đến nuốt và thở, sốt cao, thấy mủ gần khu vực nhổ răng khôn hay trong mũi, hay nơi nhổ răng bị sưng lên nghiêm trọng.[5]

Vệ sinh Miệng[sửa]

  1. Súc miệng với nước muối. Ngày kế tiếp hậu phẫu thuật, bạn nên bắt đầu sử dụng dung dịch đơn giản, như nước muối, để giúp răng miệng sạch sẽ vào ngày không chải răng. Việc này không chỉ giữ miệng luôn sạch sẽ mà còn giảm nguy cơ bị viêm ổ răng.[3]
    • Tự làm dung dịch nước muối bằng cách hòa tan 1/2 thìa cà phê muối trong 235 ml nước ấm.
    • Nhẹ nhàng súc miệng bằng dung dịch nước muối khoảng 30 giây. Không uống nước muối; thay vào đó, nghiêng đầu sang một bên để nước muối từ từ chảy ra cho đến khi cạn. Điều này sẽ tránh gây ảnh hưởng đến ổ răng trống.
    • Súc miệng với nước muối sau mỗi bữa ăn sẽ giúp tống khứ vụn thức ăn dư thừa còn sót lại trong miệng.[3]
    • Bạn cũng có thể dùng thuốc súc miệng đề làm sạch miệng nếu chúng không chứa nồng độ cồn, vì đây là thành phần có thể làm viêm nhiễm khu vực nhổ bỏ răng khôn.
  2. Xem xét việc sử dụng máy xịt nước làm sạch răng miệng. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn dụng cụ xịt nước hay ống tiêm nhỏ bằng nhựa, để bạn có thể tự làm sạch miệng. Hãy dùng dụng cụ này sau mỗi bữa ăn và trước giờ đi ngủ nếu đây là lời khuyên từ bác sĩ.[4]
    • Bác sĩ cũng có thể chỉ kê cho bạn máy xịt nước để làm sạch khu vực nhổ răng bên dưới. Nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
    • Bạn cũng có thể bơm dung dịch nước muối vào máy xịt.
    • Cố gắng giữ đầu máy xịt gần nơi vừa nhổ bỏ răng khôn để làm sạch. Bạn cũng có thể sử dụng máy này để giúp răng sạch sẽ. Quá trình này có thể hơi tê và đau, nhưng việc giữ miệng và khu vực nhổ răng được sạch sẽ có thể giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng hay bị viêm ổ răng.[6]
  3. Không nên dùng máy tăm nước. Áp lực nước từ dụng cụ này thường quá mạnh; do đó, bạn không nên sử dụng chúng ngay sau khi phẫu thuật vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến ổ răng và làm chậm quá trình hồi phục. Trừ phi nha sĩ đặc biệt khuyên bạn nên dùng, nếu không bạn nên tránh xa máy tăm nước trong khoảng 1 tuần sau khi nhổ bỏ răng khôn.[7]

Chăm sóc Miệng sau khi Nhổ bỏ Răng khôn[sửa]

  1. Không sử dụng ống hút. Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, bạn không nên dùng ống hút để uống nước giải khát hay thực phẩm nhẹ, như sinh tố. Việc này có thể gây cản trở đến quá trình hồi phục.[2]
  2. Uống nhiều nước. Điều quan trọng là bạn nên uống nhiều nước sau quá trình phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn. Thói quen này sẽ giữ miệng ẩm ướt và giúp tránh được tình trạng viêm ổ răng khô và nhiễm trùng.[3]
    • Nói không với đồ uống có ga và đồ uống chứa thành phần caffein trong những ngày đầu tiên.[3]
    • Tránh xa rượu ít nhất là một tuần sau khi phẫu thuật.[4]
  3. Không uống nước nóng. Nước nóng, như trà, cà phê, hay cocoa có thể làm vỡ máu đông hình thành trong ổ răng trống nơi mà răng khôn đã từng mọc. Những cục máu đông này rất cần thiết cho quá trình bình phục.[8]
  4. Nhai thức ăn mềm hoặc chất lỏng. Không nên ăn bất cứ thứ gì có thể bị vướng vào ổ răng trống hay làm rối loạn tình trạng đông máu. Nhai bằng răng khác nếu bạn bắt buộc phải nhai đồ ăn.[8] Điều này sẽ làm giảm thiểu nguy cơ thức ăn có thể bị mắc kẹt giữa khe răng và là nguyên nhân tiềm ẩn gây nhiễm trùng.[3]
    • Trong ngày đầu hậu phẫu thuật, ăn sữa chua và dùng nước sốt táo sẽ không gây kích thích vùng miệng hoặc không bị mắc kẹt vào răng và gây nhiễm trùng. Bột yến mạch mềm hay ngũ cốc cream of wheat cũng được xem là sự lựa chọn sáng suốt.[3]
    • Tránh xa đồ ăn cứng, nhai nhiều, giòn, nóng, và cay vì chúng có thể làm viêm nhiễm khu vực nhổ răng khôn hay dính vào kẽ răng, từ đó sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.[3]
    • Súc miệng với nước muối ấm sau mỗi bữa ăn trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật.[3]
  5. Không hút thuốc. Nếu bạn hút hoặc dùng thuốc lá nhai, hãy tạm biệt chúng càng lâu càng tốt. Điều này sẽ giúp đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra trọn vẹn và đúng thời gian, đồng thời ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng và viêm ổ răng.[3]
    • Nhai thuốc sau phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn có thể làm trì hoãn tiến độ hồi phục, cũng như tăng nguy cơ để lại biến chứng, ví dụ như bị nhiễm trùng.[3]
    • Nếu bạn muốn hút thuốc, hãy chờ ít nhất sau 72 tiếng đồng hồ.[3]
    • Nếu bạn sử dụng thuốc lá nhai, không nên tiếp tục thói quen này trong vòng ít nhất là một tuần.[3]
  6. Dùng thuốc giảm đau. Việc bị đau buốt trong vòng vài ngày sau khi nhổ bỏ răng khôn là hoàn toàn bình thường. Sử dụng thuốc giảm đau bán tự do ngoài tiệm hoặc được kê đơn từ bác sĩ có thể giúp xoa dịu cơn đau và sưng tấy.
    • Uống thuốc chống viêm không steroid (hay còn gọi là NSAIDs) như ibuprofen hay naproxen. Loại này có thể giúp giảm sưng do phẫu thuật. Bạn cũng có thể cân nhắc đến việc dùng acetaminophen, nhưng loại thuốc này không có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm.
    • Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc giảm đau nếu loại thuốc ngoài quầy không có hiệu quả đối với bạn.[6]
  7. Sử dụng túi giữ lạnh để làm giảm đau và giảm sưng. Bạn có thể trải qua tình trạng sưng trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Điều này hoàn toàn bình thường, và áp túi giữ lạnh lên má sẽ giúp giảm sưng phồng và đau buốt xung quanh hàm răng.[3]
    • Tình trạng sưng phồng thường biến mất sau từ 2 - 3 ngày.[5]
    • Bệnh nhân nên nghỉ ngơi và tránh vận động hay luyện tập mạnh cho đến khi vết sưng được hồi phục.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này