Nhận biết dấu hiệu mọc răng khôn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Răng khôn là 4 chiếc răng hàm mọc đằng sau cả hai bên hàm trên và hàm dưới.[1] Chúng là những chiếc răng mọc sau cùng, thường xuất hiện vào cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu độ tuổi 20.[2] Răng khôn thường nhô lên xuyên qua lợi mà không gây ra triệu chứng gì, nhưng đôi khi quá trình mọc răng gây đau hoặc nhức – đặc biệt là khi chúng không đủ chỗ mọc hoặc mọc lệch. Nếu cảm thấy răng khôn sắp mọc, bạn có thể đến nha sĩ để đảm bảo không tiềm ẩn các vấn đề nghiêm trọng.

Các bước[sửa]

Nhận biết các triệu chứng sớm[sửa]

  1. Biết rằng không phải lúc nào cũng xảy ra triệu chứng. Nếu răng khôn mọc lên hoàn chỉnh, xuyên thẳng qua lợi, đủ chỗ và đúng vị trí so với các răng khác, chúng sẽ không gây đau hoặc viêm và không cần nhổ.[3] Răng khôn chỉ gây rắc rối và cần chú ý khi chỉ nhô lên một phần, thiếu chỗ mọc, mọc lệch và/hoặc viêm nhiễm.
    • Không phải ai cũng có răng khôn mọc lên hoàn chỉnh. Đôi khi răng khôn bị che lấp hoàn toàn trong lợi và xương, hoặc có thể chúng chỉ nhô lên một phần.
    • Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ khuyến nghị những người từ 16-19 tuổi cần đến nha sĩ để kiểm tra răng khôn.[2]
    • Răng khôn để càng lâu sau 18 tuổi thì chân răng càng phát triển và sẽ khó nhổ hơn nếu nảy sinh vấn đề.
  2. Lưu ý hiện tượng đau lợi và hàm. Ngay cả những chiếc răng khôn mọc lên bình thường cũng có thể gây các triệu chứng nhẹ. Để ý hiện tượng đau nhẹ, cảm giác căng tức hoặc nhức âm ỉ trong lợi gần cổ họng hoặc trong xương hàm gần đó.[1] Răng khôn đang nhú lên có thể gây kích ứng các mô nhạy cảm của lợi. Tình trạng đau tăng lên khi răng khôn mọc chen chúc và xiêu vẹo – chúng có thể làm đứt các mô lợi mềm. Mức độ đau có thể khác nhau tùy từng trường hợp – một số người chỉ đau nhẹ, nhưng một số lại đau dữ dội. Tuy nhiên hiện tượng đau có thể là hoàn toàn bình thường khi răng khôn đang mọc, vì vậy bạn nên chờ một thời gian (ít nhất là vài ngày) trước khi đến nha sĩ.
    • Quá trình mọc răng khôn không diễn ra liên tục; có thể cách 3-5 tháng bạn lại trải qua cơn đau như vậy trong vài ngày. Quá trình mọc răng khôn tác động đến vị trí xương của các răng khác, do đó bạn có thể thấy hàm răng bắt đầu dịch chuyển.
    • Nếu răng khôn không mọc lên được bình thường, chúng có thể bị kẹt hoặc bị lèn chặt trong xương hàm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (xem bên dưới).
    • Cơn đau khi mọc răng khôn có thể tăng lên vào ban đêm nếu bạn có tật nghiến răng.
    • Việc nhai kẹo cao su cũng có thể làm tăng cơn đau do mọc răng khôn.
  3. Quan sát hiện tượng đỏ và sưng. Răng khôn cũng có thể làm đỏ và sưng (viêm) trong lợi.[4] Bạn cũng có thể dùng lưỡi cảm nhận các lợi bị sưng. Việc nhai thức ăn sẽ khó khăn hơn hoặc không thoải mái khi lợi bị viêm. Bạn có thể nhìn vào gương và dùng đèn pin dạng bút soi trong miệng. Răng khôn là răng cuối cùng (sau cùng) ở mỗi hàm. Nhìn vào mặt trên răng đang xuyên qua lợi và quan sát xem mô lợi có đỏ hoặc sưng (gọi là viêm lợi) hơn các chỗ khác không. Hiện tượng sưng thường khỏi sau khoảng một tuần.
    • Khi nhìn vào miệng, bạn có thể thấy chút máu xung quanh chiếc răng khôn đang mọc, hoặc nước bọt có màu hơi đỏ. Hiện tượng này không phổ biến lắm nhưng cũng không hiếm gặp. Các nguyên nhân khác gây chảy máu có thể bao gồm các bệnh về lợi, viêm loét hoặc chấn thương miệng.
    • Bạn có thể nhìn thấy một mảnh “vạt lợi” bên trên chiếc răng khôn đang mọc, còn gọi là vạt quanh thân răng. Hiện tượng này là tự nhiên và thường không gây ra vấn đề.
    • Mô lợi ở phía sau bị sưng có thế khiến bạn khó mở miệng ra.[5] Có lẽ bạn phải uống nước bằng ống hút trong vài ngày.
    • Có khả năng bạn sẽ thấy khó nuốt. Nha sĩ có thể kê toa thuốc kháng viêm cho bạn uống trong vài ngày.
    • Các răng khôn hàm dưới gần với hạch hạnh nhân có thể sưng lên, khiến bạn có cảm giác như bị cảm hoặc viêm họng.

Nhận biết các triệu chứng muộn[sửa]

  1. Cảnh giác với hiện tượng nhiễm trùng. Răng khôn mọc một phần (còn gọi là răng mọc kẹt) và mọc vẹo làm tăng đáng kể rủi ro nhiễm trùng. Răng khôn mọc vẹo hoặc mọc kẹt có thể tạo ra các túi nhỏ bên dưới vạt quanh thân răng, nơi vi khuẩn khu trú và sinh sôi. Các dấu hiệu nhiễm trùng thường thấy bao gồm: sưng nhiều, đau dữ dội, sốt nhẹ, sưng hạch ở cổ và dọc xương hàm, có mủ quanh mô bị viêm, hơi thở hôi và có vị khó chịu trong miệng.[4]
    • Răng khôn bị nhiễm trùng thường đau theo kiểu âm ỉ, thỉnh thoảng kèm những cơn đau buốt và nhói.
    • Mủ có màu xám trắng và hình thành từ các tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch. Các tế bào chuyên biệt này đổ dồn tới nơi nhiễm trùng để tiêu diệt vi khuẩn và tạo thành mủ khi chúng chết đi.
    • Hơi thở hôi cũng có thể do thức ăn bị kẹt lại và thối rữa bên dưới vạt quanh thân răng gây ra.
  2. Kiểm tra các răng cửa xem có bị xô lệch không. Ngay cả khi các răng khôn mọc vẹo và kẹt trong xương hàm, có thể chúng cũng không đau và gây ra các triệu chứng đáng kể; tuy nhiên trong một khoảng thời gian nào đó (thậm chí chỉ vài tuần) răng khôn có thể bắt đầu chen chúc và đẩy các răng khác ra khỏi hàng.[4] "Hiệu ứng domino" này cuối cùng có thể ảnh hưởng đến cả hàm răng và thấy rõ các răng bị xô lệch và xiên xẹo. Nếu thấy những chiếc răng cửa của mình đột nhiên mọc xô lệch, bạn hãy so sánh với nụ cười của mình trong những tấm ảnh cũ.
    • Nếu răng khôn của bạn đẩy các răng khác ra khỏi vị trí bình thường quá xa, nha sĩ có thể sẽ đề nghị bạn nhổ răng khôn.
    • Khi răng khôn đã được nhổ, những chiếc răng khác có thể dần dần thẳng hàng lại sau vài tuần hoặc vài tháng.
  3. Tình trạng đau và sưng lâu ngày là không bình thường. Mặc dù hiện tượng đau vừa phải và viêm trong thời gian ngắn là bình thường khi răng khôn đang mọc, nhưng đau mạn tính là điều bất thường. Răng khôn mọc hoàn chỉnh thường không gây đau nhiều hoặc sưng quá vài tuần. Tình trạng đau dữ dội và viêm kéo dài hơn vài tuần thường xảy ra ở các răng khôn mọc kẹt trong xương hàm.[4] Răng khôn mọc kẹt dẫn đến các triệu chứng nặng/mãn tính cần phải nhổ.
    • Người có miệng và hàm nhỏ thường có nhiều khả năng có răng khôn mọc kẹt, có thể gây sưng và đau.
    • Răng khôn mọc kẹt có thể không trực tiếp gây ra các triệu chứng, tuy nhiên chúng có thể làm tăng khả năng sâu răng ở các răng khác hoặc ở mô lợi xung quanh, và điều này dẫn đến tình trạng đau dài ngày.
    • Việc đến nha sĩ tùy thuộc vào ngưỡng chịu đau và khả năng chịu đựng của bạn. Nguyên tắc chung là, nếu cơn đau làm bạn thức giấc khi đang ngủ (không dùng thuốc) quá 3-5 ngày, bạn nên đến nha sĩ để kiểm tra.

Điều trị triệu chứng[sửa]

  1. Dùng ngón tay hoặc nước đá mát-xa lợi. Dùng một ngón tay sạch (đã rửa) mát-xa trên lợi bị đau bằng động tác tới lui hoặc xoay những vòng tròn nhỏ để tạm thời làm dịu cơn đau. Cẩn thận, đừng xoa quá mạnh vì bạn có thể làm tổn thương vạt quanh thân răng và gây thêm kích ứng, sưng và/hoặc chảy máu. Dùng một viên đá nhỏ để chống viêm và giảm cơn đau âm ỉ. Nhiệt độ lạnh có thể gây sốc lúc ban đầu, nhưng các mô xung quanh chiếc răng khôn đang mọc sẽ tê đi trong vòng khoảng 5 phút. Bạn có thể sử dụng đá viên 3-5 lần mỗi ngày hoặc khi cần để chống lại cơn đau.
    • Nhớ cắt móng tay và sát trùng ngón tay bằng cồn để đề phòng vi khuẩn lây lan vào lợi. Chiếc răng khôn đang nhiễm trùng có thể sẽ trở nặng hơn nếu bạn không giữ vệ sinh tốt.
    • Hỏi nha sĩ về kem hoặc thuốc mỡ có tác dụng giảm nhạy cảm để mát-xa trên lợi bị viêm.
    • Chườm lạnh hoặc mút các món ăn đông lạnh (kem que, kem hoa quả) cũng có thể giúp xoa dịu cơn đau lợi.[6]
  2. Uống thuốc giảm đau hoặc kháng viêm không kê toa. Ibuprofen (Advil, Motrin) là loại thuốc kháng viêm hiệu quả, có thể giúp giảm đau và sưng liên quan đến triệu chứng mọc răng khôn. Acetaminophen (Tylenol) là thuốc giảm đau và hạ sốt công hiệu, tuy nhiên không có tác dụng chống viêm.[7] Liều dùng tối đa của thuốc ibuprofen và acetaminophen là khoảng 3.000 mg/ngày cho người lớn, nhưng bạn luôn luôn nên đọc hướng dẫn trên nhãn thuốc.
    • Việc uống quá liều ibuprofen (hoặc uống lâu ngày) có thể gây kích ứng, tổn thương dạ dày và thận, do đó bạn cần uống khi no.
    • Acetaminophen khi uống quá nhiều sẽ gây ngộ độc và tổn hại cho gan. Không bao giờ được uống rượu kèm với acetaminophen.[8]
  3. Dùng nước súc miệng diệt khuẩn. Nước súc miệng diệt khuẩn hoặc diệt vi trùng có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm đau trong lợi và răng.[7] Ví dụ như các loại nước súc miệng có chứa chlorhexidine có thể giảm sưng và đau, đồng thời ngăn ngừa viêm nhiễm trong miệng. Tham khảo ý kiến nha sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc không kê toa. Dù chọn nhãn hiệu nào, bạn cũng nên ngậm nước súc miệng ít nhất 30 giây và cố gắng súc sâu bên trong miệng, nơi răng khôn đang mọc.
    • Việc súc miệng xung quanh vạt quanh thân răng cũng có thể giúp loại bỏ các mẩu thức ăn, mảng bám hoặc mảnh vụn trong miệng.
    • Pha chế nước súc miệng diệt khuẩn tự nhiên và không tốn kém bằng cách hòa tan nửa thìa cà phê muối ăn hoặc muối biển với một cốc nước ấm.[4] Súc miệng trong 30 giây và nhổ ra. Lặp lại 3-5 lần mỗi ngày hoặc khi cần.
    • Giấm pha loãng, nước cốt chanh tươi, ô-xy già pha loãng hoặc vài giọt i-ốt pha với nước để súc miệng đều có tác dụng chống viêm nhiễm trong miệng.
    • Trà ngải cứu cũng rất hữu ích trong việc chống viêm lợi.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rằng răng khôn không có tác dụng nhai. Các răng hàm và răng tiền hàm khác là đủ để nhai nát thức ăn.
  • Răng khôn mới mọc có thể khiến bạn cắn phải má hoặc lưỡi nhiều hơn vì chúng gây chật chội trong miệng.
  • Lưu ý rằng các cơn đau đầu liên tục có thể liên quan đến hiện tượng mọc răng khôn, vì răng khôn có thể làm lệch khớp cắn, gây đau hàm và hộp sọ.
  • Nếu răng khôn gây ra các triệu chứng, bạn nên đến nha sĩ để được chụp X-quang. Hình ảnh chụp X-quang sẽ cho thấy răng khôn có bị lèn quá chặt không, có chèn ép dây thần kinh hoặc ảnh hưởng đến các răng khác không.

Cảnh báo[sửa]

  • Có thể bạn cần nhổ răng khôn nếu có biểu hiện: tình trạng đau gia tăng, nhiễm trùng tái đi tái lại, mắc bệnh về lợi, sâu răng, làm các răng khác tổn thương hoặc mọc xiêu vẹo và/hoặc gây ra khối u lành tính.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]