Gia đình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tập tin:Family Portrait.jpg
Một gia đình gồm cha, mẹ và 3 con

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống,[1] quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.

Khái niệm Gia đình[sửa]

Ngay từ thời nguyên thủy cho tới hiện nay, không phụ thuộc vào cách kiếm sống, gia đình luôn tồn tại và là nơi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho các thành viên trong gia đình. Song để đưa ra được một cách xác định phù hợp với khái niệm gia đình, một số nhà nghiên cứu xã hội học đã đưa ra sự so sánh giữa gia đình loài người với cuộc sống lứa đôi của động vật, gia đình loài người luôn luôn bị ràng buộc theo các điều kiện văn hóa xã hội của đời sống gia đình ở con người. Gia đình ở loài người luôn bị ràng buộc bởi các quy định, các chuẩn mực giá trị, sự kiểm tra và sự tác động của xã hội; vì thế theo các nhà xã hội học, thuật ngữ gia đình chỉ nên dùng để nói về gia đình loài người.

Thực tế, gia đình là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế,... khiến cho nó không giống với bất kỳ một nhóm xã hội nào. Từ mỗi một góc độ nghiên cứu hay mỗi một khoa học khi xem xét về gia đình đều có thể đưa ra một khái niệm gia đình cụ thể, phù hợp với nội dung nghiên cứu phù hợp và chỉ có như vậy mới có cách tiếp cận phù hợp đến với gia đình.

Đối với xã hội học, gia đình thuộc về phạm trù cộng đồng xã hội. Vì vậy, có thể xem xét gia đình như một nhóm xã hội nhỏ, đồng thời như một thiết chế xã hội mà có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hóa con người. Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.[2]

Phân loại[sửa]

Tập tin:US-hoosier-family.jpg
Một đại gia đình ở Hoa Kỳ

Có nhiều cơ sở để phân loại gia đình thành các loại khác nhau.

Xét về quy mô, gia đình có thể phân loại thành:

  • Gia đình hai thế hệ (hay gia đình hạt nhân): là gia đình bao gồm cha mẹ và con.
  • Gia đình ba thế hệ (hay gia đình truyền thống): là gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ và con còn được gọi là tam đại đồng đường.[2]
  • Gia đình bốn thế hệ trở lên: là gia đình nhiều hơn ba thế hệ. Gia đình bốn thế hệ còn gọi là tứ đại đồng đường.

Dưới khía cạnh xã hội học và về quy mô các thế hệ trong gia đình, cũng có thể phân chia gia đình thành hai loại:

  • Gia đình lớn (gia đình ba thế hệ hoặc gia đình mở rộng) thường được coi là gia đình truyền thống liên quan tới dạng gia đình trong quá khứ. Đó là một nhóm người ruột thịt của một vài thế hệ sống chung với nhau dưới một mái nhà, thường từ ba thệ hệ trở lên, tất nhiên trong phạm vi của nó còn có cả những người ruột thịt từ tuyến phụ. Dạng cổ điển của gia đình lớn là gia đình trưởng lớn, có đặc tính tổ chức chặt chẽ. Nó liên kết ít nhất là vài gia đình nhỏ và những người lẻ loi. Các thành viên trong gia đình được xếp đặt trật tự theo ý muốn của người lãnh đạo gia đình mà thường là người đàn ông cao tuổi nhất trong gia đình. Ngày nay, gia đình lớn thường gồm cặp vợ chồng, con cái của họ và bố mẹ của họ nữa. Trong gia đình này, quyền hành không ở trong tay của người lớn tuổi nhất.
  • Gia đình nhỏ (gia đình hai thế hệ hoặc gia đình hạt nhân) là nhóm người thể hiện mối quan hệ của chồng và vợ với các con, hay cũng là mối quan hệ của một người vợ hoặc một người chồng với các con. Do vậy, cũng có thể có gia đình nhỏ đầy đủ và gia đình nhỏ không đầy đủ. Gia đình nhỏ đầy đủ là loại gia đình chứa trong nó đầy đủ các mối quan hệ (chồng, vợ, các con); ngược lại, gia đình nhỏ không đầy đủ là loại gia đình trong nó không đầy đủ các mối quan hệ đó, nghĩa là trong đó chỉ tồn tại quan hệ của chỉ người vợ với người chồng hoặc chỉ của người cha hoặc người mẹ với các con. Gia đình nhỏ là dạng gia đình đặc biệt quan trọng trong đời sống gia đình. Nó là kiểu gia đình của tương lai và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại và công nghiệp phát triển.

Kế hoạch hóa gia đình[sửa]

Ở các nước đang phát triển, vì tỉ lệ sinh cao làm dân số tăng cao, chính phủ thực hiện các chính sách để người dân giảm số con trong gia đình. Ở Trung Quốc, chính sách một con làm giảm đáng kể tốc độ tăng dân số của nước này. Ở Việt Nam, chính quyền khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên có một đến hai con. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển như nhiều nước châu Âu Hàn Quốc, Nhật Bản, chính phủ có biện pháp khuyến khích gia đình có thêm con nhằm tránh giảm dân số. Mặc dù đã có những chính sách nhất định về Kế hoạch hóa sinh con, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn có tâm lý khác nhau:
- Một mặt do gia đình có điều kiện, sinh cho vui cửa vui nhà
- Mặt khác do sinh con 1 bề & muốn có người nối dõi

Chức năng cơ bản[sửa]

  1. Tái tạo ra một thế hệ mới bao gồm cả việc sinh đẻ và giáo dục đào tạo:
    • Chức năng sinh sản - tái sản xuất ra con người về mặt sinh và hoặc về mặt xã hội;
    • Chức năng giáo dục của gia đình.
  2. Nuôi dưỡng, chăm sóc các thành viên trong gia đình:
    • Chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình;
    • Chức năng thoả mãn những nhu cầu tâm - sinh lý tình cảm.

Hai chức năng cơ bản này chi phối toàn bộ các chức năng khác của gia đình như:

  • Chức năng kinh tế;
  • Chức năng giao tiếp tinh thần;
  • Chức năng tổ chức thời gian rỗi;
  • Chức năng thu nhận các phương tiện;
  • Chức năng giáo dục bảo trợ;
  • Chức năng đại diện;
  • Chức năng tình dục;
  • Chức năng nghỉ ngơi, giải trí;
  • V.v...[2]

Gia đình Việt Nam[sửa]

Xem chi tiết: Gia đình Việt Nam
Một gia đình đang gói bánh chưng cho ngày Tết

Theo phong tục tập quán người Việt, các thành viên trong gia đình thường về tụ hội đông đủ vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm. Ngoài ra các dịp đám cưới, đám tang, đám giỗ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình tập hợp lại.Gia đình Việt Nam có đặc điểm là nhiều thế hệ sống chung trong cùng một mái nhà. Mỗi gia đình thường có ba thế hệ sống chung với nhau: ông bà - cha mẹ - con cái. Đối với gia đình Việt Nam thì người trụ cột là người chồng (hoặc người cha).

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28 tháng 6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam.

Thuật ngữ quan hệ trong gia đình[sửa]

Ngoài hai từ chính thống cha và mẹ, các vùng khác nhau có những từ khác nhau như bố, ba, thầy để chỉ cha và má, u, mạ để chỉ mẹ.

Một số từ để chỉ mối quan hệ nếu có trong gia đình như: ông nội là cha của cha, bà nội là mẹ của cha, ông ngoại là cha của mẹ, bà ngoại là mẹ của mẹ.

  • Miền Nam:

Bác (trai) là anh của cha, Bác gái là vợ của bác.

Chú là em trai của cha, Thím là vợ của chú.

Cô là chị hoặc em gái của cha, Dượng là chồng của cô.

Cậu là anh hoặc em trai của mẹ, Mợ là vợ của cậu.

Dì là chị hoặc em gái của mẹ. Dượng là chồng của dì.

Thông thường để gọi một người trong gia đình người ta dùng từ chỉ mối quan hệ kết hợp với thứ của người đó (nếu có quan hệ huyết thống) hoặc thứ của chồng hoặc vợ người đó (nếu không có quan hệ huyết thống) chẳng hạn như chú tư, vợ của chú tư được gọi là thím tư. Con trong gia đình được gọi từ thứ hai (con đầu) trở đi, không có con cả.

  • Miền Bắc:

Bác (trai) là anh của cha, Bác gái là vợ của bác.

Chú là em trai của cha, Thím là vợ của chú.

Cô là em gái của cha, Chú là chồng của cô.

Bác là anh hoặc chị của mẹ, vợ hoặc chồng của bác cũng được gọi là Bác (một số nơi địa phương Bác sẽ được gọi là Bá).

Cậu là em trai của mẹ, Mợ là vợ của cậu.

Dì là em gái của mẹ. Chú là chồng của dì.

Thông thường để gọi một người trong gia đình người ta dùng từ chỉ mối quan hệ kết hợp với tên của người đó. Con trong gia đình được gọi theo thứ tự cả, hai, ba, tư.

Anh em bà con (họ hàng): con của chú bác gọi là anh chị em chú bác (anh chị em con chú con bác), con của dì gọi là anh chị em bạn dì (anh chị em con dì), con của cô cậu gọi là anh chị em cô cậu (anh chị em con cô con cậu).

Dâu rể: gọi theo vợ hoặc chồng là người có quan hệ huyết thống với mình kết hợp với từ dâu hoặc rể ví dụ như con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu. Hai người chồng của hai chị em gái miền Nam gọi là anh em cột chèo, miền Bắc gọi là anh em đồng hao hoặc đứng nắng. Hai người vợ của hai anh em trai gọi là chị em bạn dâu.

Xem thêm[sửa]

Tham khảo[sửa]

Chú thích[sửa]

  1. Sách giáo khoa môn Giáo dục công dân lớp 10 của Việt Nam, nhà xuất bản Giáo dục, năm 1995
  2. 2,0 2,1 2,2 Trung tâm Thông tin (tổng hợp), “MẸ KỂ CON NGHE”, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 21/08/2006. Truy cập 5/10/2010. Bản chính được lưu trữ ngày 21/08/2006. (Viết bằng tiếng Việt.)

Liên kết đến đây