Hành Trang Khoa Học/Lời mở
Các bạn SV/HS cùng các cựu đồng nghiệp kính/thân mến, (viết tắt nhưng hy vọng ai cũng nom hiểu được --)
Cách nay hơn một năm, tình cờ tôi đọc được câu hỏi lý thú (được gõ trên bàn phím không có chương trình hổ trợ tiếng Việt) về một sự khởi đầu. Câu hỏi đó, sau khi được bỏ dấu lại thì nó có dạng:
- Tôi rất đam mê khoa học nhưng lại không biết về phương pháp nghiên cứu khoa học. Tôi rất mong được các nhà khoa học cho tôi biết phương pháp nghiên cứu một đề tài khoa học như thế nào? Cho tôi một vài ví dụ về nghiên cứu một đề tài nào đó để tôi có thể học tập? (kí tên A) 1
Quả thật câu hỏi này lại cũng chính là câu hỏi mà tôi đã tự đặt ra cho mình nhiều chục năm trước khi mà vừa tốt nghiệp trung học. Suốt thời gian mài đũng quần ở trung học và đại học trong nước, đôi khi tôi được nghe kể hay thu tóm về ở đâu đó trong vài cuốn sách mỏng hay vài bài viết được dịch lại từ tiếng nước ngoài ít nhiều có đề cập tới các mẩu chuyện, các gương thành công cũng như những thất bại chua cay của các nhà khoa học đi trước. Tuy vậy, dù là một con mọt sách hạng nặng, tôi vẫn không thể tìm ra một cuốn sách hay một bài giảng nào bằng Việt ngữ khả dĩ ít nhiều trực tiếp động đến cái đề tài mà anh bạn A trên đã dạn dĩ viết nhưng không bỏ dấu. Có phải chăng đây là cái gì đó thật bí hiểm ... bí hiểm đến nỗi các nhà định hướng và chỉ đạo về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không dám đề cập tới hay phải chăng đây là thứ mà mọi người đều đã biết hết cả nên chả cần phải dạy dỗ mà người bắt đầu tập tành yêu khoa học và muốn làm nghiên cứu khoa học tự phải biết ? (Hì hì nói một cách "ẩn dụ" thì bạn có thể so sánh chuyện này với việc giáo dục về tính dục cho trẻ em ở tuổi dậy thì. Đa số các bậc phụ huynh thời đó (hay thời nay ?!!) đều nghiểm nhiên lặng lẽ quan sát con trẻ mình tự sinh tự hiểu!)
Suốt thời gian học ở đại học trong nước, tôi đã tự nguyện tham gia khá nhiều hoạt động phụ trợ về kiến thức của nhà trường từ việc tham gia các semina, dự các kì sinh viên giỏi, cho đến việc tham gia làm các khóa luận. Vậy mà đến khi trình bày bản tiểu luận ra trường tôi vẩn cảm thấy không an tâm. Không an tâm không phải vì cái đề tài nhận về là khó so với sức lực mà là vì những câu hỏi đeo theo tôi suốt mấy năm ròng chẳng những không có gì sáng tỏ mà tôi còn vác thêm trên lưng hàng tá câu hỏi nảy sinh từ việc nhỏ như là cách trình bày một nguồn tham khảo sao cho đúng, cách viết một luận án sao cho hay,..., cho đến việc lớn như là làm sao để tạo ra được các ý tưởng mới giúp ích trong lúc tìm cách giải quyết một nan đề.
Có thể tôi là một trong số ít người may mắn (hay xúi quẩy) trở thành một giáo chức của một trường sư phạm ở tỉnh lẻ và rồi sau đó, lại được tiếp tục vừa đi dạy ở một lớp cho học sinh chuyên toán vừa theo đào tạo trong một khóa cao học cũng trong ngành này tại Sài gòn, một ngành mà người ta cho là "hẻo nhất" (thế mà nó vẫn được nhà nước tâng bốc miệng rằng đây là nghề cao quí nhất trong các nghề mới lạ chứ :^); nhờ vậy tôi lại càng có dịp hiểu thấu hơn cái bản chất vốn thiếu thốn của cơ chế bao cấp, cái cứng ngắt về đường lối và cái lạc hậu về tổ chức của ngành giáo dục nước nhà đã vô tình (hay cố ý ?) hủy hoại không biết bao nhiêu nhân tài trong nước vì đã trấn nghẹt các tư tưởng sáng tạo để dành chỗ cho các chế độ ưu đãi của con em có lí lịch cao quí sạch đẹp và để chỗ nương náu cho những khuôn thức giảng dạy vừa khô cứng vừa lạnh lùng hơn cả thành đồng đất thép!
Nay, với các kinh nghiệm học hỏi được từ các trường Đại hoc ở Hoa Kì, Đức, từ các lớp đào tạo chuyên về sở hữu trí tuệ và từ các cách thức khai phóng lề lối suy nghĩ, tôi xin phép ghi ra ở đây như một chia sẻ với các bạn cũng như các giáo chức, hy vọng nó sẽ trở thành một tài liệu khác với cách sách vở thông thường vì nó sẽ chỉ đề cập đến những gì nhà trường Việt Nam không dạy tới và những kiến thức tối cần thiết để làm hành trang cho một người yêu khoa học thực sự muốn nỗ lực để làm công tác này cho có hiệu quả.
Tập sách này sẽ bao gồm sự tổng hợp, hiệu chỉnh, và viết mới các bài viết bài giảng trước đây mà tác giả đã có dịp trình bày trong các trang WEB, cũng như trong các báo cáo, các diễn đàn ...
Dĩ nhiên trong một tài liệu dài sẽ có thể chứa nhiều ý kiến không hợp hay trái ngược với ý kiến bạn đọc. Tác giả xin trân trọng và chân thành cảm ơn tất cả mọi phê bình đóng góp hay ý kiến bàn thảo chân tình và thẳng thắn của người đọc.
Kính bút
Làng Đậu
1: Các trả lời của tác giả trong forum liên hệ đến câu hỏi này được nêu trong Phụ lục