Hạ thấp mức creatinine

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Creatinine là một chất thải có trong máu của chúng ta, trong điều kiện bình thường thận có thể lọc và loại bỏ chất này ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, một số vấn đề về sức khỏe có khả năng cản trở chức năng lọc của thận và khiến lượng creatinine vốn có hại tích lũy dần trong cơ thể. Có nhiều cách để bạn giảm creatinine, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn, điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày, uống thuốc và áp dụng liệu pháp điều trị y khoa.

Các bước[sửa]

Hiểu về Creatinine[sửa]

  1. Biết creatinine là gì. Creatinine là sản phẩm chất thải do cơ thể sinh ra khi creatine phân rã, creatine là hợp chất giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.[1]
    • Bình thường thận có chức năng lọc creatinine ra khỏi máu. Sản phẩm chất thải này sau đó được đẩy ra ngoài cơ thể qua nước tiểu.
    • Hàm lượng creatinine cao là dấu hiệu bạn có vấn đề về thận.
  2. Hiểu nguyên tắc xét nghiệm. Mục đích xét nghiệm creatinine là để xác định hàm lượng creatinine có trong máu.
    • Bác sĩ tiến hành xét nghiệm độ thanh thải creatinine, mục đích để đo lượng creatinine trong nước tiểu. Nếu creatinine trong máu thấp thì ngược lại trong nước tiểu sẽ cao.
    • Xét nghiệm này chỉ cung cấp "kết quả tức thời" về tình hình sức khỏe của thận. Nó chỉ đo lượng creatinine có trong máu và nước tiểu thông qua mẫu nước tiểu lấy một lần duy nhất trong 24 giờ trước đó.
  3. Giải nghĩa kết quả. Phạm vi bình thường của creatinine thay đổi tùy theo bạn là đàn ông hay phụ nữ, là thiếu niên hay trẻ nhỏ. Ngoài ra giá trị này còn thay đổi theo tuổi tác và kích cỡ cơ thể, nhưng cũng có những giới hạn chung chung mà bạn nên nhắm tới.
    • Mức creatinine bình thường trong máu là:[2]
      • Đàn ông: 0,6 tới 1,2 mg/dL; 53 tới 106 mcmol/L
      • Phụ nữ: 0,5 tới 1,1 mg/dL; 44 tới 97 mcmol/L
      • Thiếu niên: 0,5 tới 1,0 mg/dL
      • Trẻ em: 0,3 tới 0,7 mg/dL
    • Mức creatinine bình thường trong nước tiểu là:
      • Đàn ông: 107 tới 139 mL/phút; 1,8 tới 2,3 mL/giây
      • Phụ nữ: 87 tới 107 mL/phút; 1,5 tới 1,8 mL/giây
      • Bất kì ai bước qua tuổi 40: mức creatinine nên thấp hơn 6,5 mL/phút đối với mỗi 10 năm tuổi
  4. Hiểu vì sao mức creatinine tăng cao. Có nhiều lý do khác nhau dẫn tới hàm lượng creatinine tăng cao, mức độ ảnh hưởng của các nguyên nhân này cũng khác nhau. Nhưng dù thế nào bạn cũng phải có biện pháp để đưa mức creatinine của mình về giới hạn bình thường.
    • Suy thận hay tổn thương thận: Nếu thận bị tổn thương chúng không thể lọc creatinine ra khỏi cơ thể như chức năng vốn có của nó, phản ánh qua mức lọc cầu thận. Mức lọc cầu thận chính là lưu lượng chất lỏng được lọc qua thận.
    • Hoại tử cơ bắp: Nếu bạn mắc căn bệnh nào đó khiến cơ bắp bị hoại tử, tế bào bị phân rã từ các mô cơ này đi vào máu và gây tổn thương thận.
    • Ăn nhiều thịt: Chế độ ăn có nhiều thịt nấu chín có thể làm tăng lượng creatinine trong cơ thể.
    • Bệnh nhược giáp: Suy giảm chức năng tuyến giáp cũng ảnh hưởng tới chức năng thận. Bệnh nhược giáp có thể làm giảm khả năng lọc chất thải của thận ra khỏi cơ thể.

Điều trị bằng Thảo dược (Chưa được công nhận)[sửa]

  1. Uống trà thảo mộc hay trà xanh. Người ta cho rằng một số loại trà thảo mộc giúp làm giảm lượng creatinine trong máu. Không có nhiều nghiên cứu chứng nhận về nhận định này, song lý thuyết đó cũng không bị bác bỏ.
    • Uống một cốc khoảng 250 ml trà thảo mộc, mỗi ngày uống hai lần.
    • Các loại trà thảo mộc đáng để bạn thử là lá cây tầm ma và rễ cây bồ công anh.
    • Có ý kiến cho rằng các loại trà này kích thích hoạt động của thận, từ đó làm tăng lượng nước tiểu, cũng như lọc được nhiều creatinine hơn ra khỏi cơ thể.
  2. Cân nhắc dùng viên bổ sung chiết xuất từ lá tầm ma. Lá tầm ma giúp tăng bài tiết thận và do đó có thể loại trừ lượng creatinine dư thừa.[3] Cây tầm ma chứa chất histamine và flavonoid, hai chất này giúp tăng lượng máu đi tới thận, vì vậy tăng khả năng lọc nước tiểu của thận.
    • Chiết xuất lá tầm ma được bào chế dưới dạng viên thực phẩm chức năng, hoặc sản xuất thành trà uống.
  3. Nhờ bác sĩ tư vấn về đan sâm. Đan sâm là loại thảo mộc làm tăng tỷ lệ lọc cầu thận, tạo thuận lợi cho quá trình lọc creatinine. [4] Đan sâm chứa lithospermate B là chất thúc đẩy chức năng thận.[5]
    • Hẹn gặp bác sĩ để thảo luận về khả năng sử dụng đan sâm, bạn không nên tự ý dùng đan sâm trước khi hỏi ý kiến bác sĩ.

Thay đổi Thói quen Sinh hoạt hằng ngày[sửa]

  1. Kiểm soát lượng chất lỏng đưa vào cơ thể. Theo nguyên tắc chung thì bạn nên uống từ sáu tới tám cốc nước (250 ml) mỗi ngày. Cơ thể thiếu nước thực sự làm tăng mức creatinine, do đó điều quan trọng là bạn phải giữ cơ thể đủ nước.
    • Khi cơ thể thiếu nước bạn sẽ đi tiểu ít hơn, mà creatinine bài tiết ra bên ngoài thông qua nước tiểu, vì vậy tiểu ít hơn đồng nghĩa với việc cơ thể khó bài tiết độc tố này hơn.
    • Ngược lại, tiêu thụ quá nhiều chất lỏng cũng có tác động tiêu cực với chức năng thận. Vì lượng chất lỏng quá nhiều có thể làm tăng huyết áp, mà huyết áp cao lại tăng áp lực đè lên thận.
    • Trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ, tốt nhất bạn nên giữ cơ thể đủ nước nhưng không nên uống nhiều một cách bất thường.
  2. Hạn chế cường độ hoạt động. Cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng nhanh hơn khi bạn vận động với cường độ cao. Kết quả là lượng creatinine sinh ra nhiều hơn và làm tăng lượng độc tố này trong máu.
    • Nhìn chung tập thể dục tạo nhiều lợi ích cho sức khỏe nên có lẽ bạn không muốn loại bỏ thói quen này trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy bạn nên tập các bài tập có cường độ nhẹ thay cho các bài tập đòi hỏi vận động nhiều. Ví dụ, thay vì chạy bộ hay chơi bóng rổ, bạn nên đi bộ hay tập yoga.
  3. Ngủ đủ giấc. Khi ngủ các chức năng của cơ thể giảm cường độ làm việc, bao gồm cả quá trình trao đổi chất. Khi trao đổi chất giảm, sự chuyển hóa creatine thành creatinine cũng diễn ra chậm hơn, tạo điều kiện để creatinine tích lũy trong máu trước đó được lọc ra trước khi cơ thể sản sinh lượng độc tố mới.
    • Bạn nên ngủ từ sáu tới chín tiếng mỗi ngày, nhưng lý tưởng nhất là từ bảy tới tám tiếng.
    • Bên cạnh đó, thiếu ngủ làm tăng áp lực lên toàn bộ cơ thể và buộc tất cả các cơ quan làm việc nhiều hơn để thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày. Đó là nguyên nhân khiến thận làm việc quá sức, từ đó giảm khả năng lọc creatinine.

Uống Thuốc[sửa]

  1. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dừng uống một số loại thuốc. Có một số thuốc có liên quan tới tình trạng mức creatinine trong máu cao. Những loại thuốc có thể gây tổn thương thận cũng tiềm ẩn rủi ro làm tăng creatinine, nhưng thuốc trị bệnh thận cũng gây ra vấn đề.
    • Nếu trước đó bạn đã mắc bệnh về thận thì phải cẩn thận khi dùng thuốc, chẳng hạn như thuốc ibuprofen có thể gây tổn thương thận khi dùng thường xuyên.
    • Thuốc ức chế ACE và cyclosporine đều được dùng để trị bệnh thận nhưng chúng có thể làm tăng mức creatinine.[6]
    • Một số thuốc bổ như thuốc bổ sung vanadi cũng làm tăng mức creatinine, do đó bạn không nên dùng.
    • Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dừng uống bất kì loại thuốc nào. Cho dù một trong những thuốc đó có khả năng làm tăng creatinine, nhưng lợi ích nó mang lại có thể lớn hơn ảnh hưởng tiêu cực do nó gây ra, vì còn phụ thuộc vào lý do vì sao bạn phải uống chúng.
  2. Cân nhắc dùng thuốc hay thực phẩm chức năng giúp giảm creatinine. Căn cứ vào nguyên nhân ban đầu khiến lượng creatinine tăng cao và tình hình sức khỏe tổng quát của bạn, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn dùng một loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào đó để giảm mức creatinine.
    • Hầu hết các thuốc giảm creatinine đều hướng tới điều trị nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này, vì vậy bác sĩ sẽ chẩn đoán lý do bên trong khiến creatinine tăng cao trước khi họ quyết định kê thuốc cho bạn.
  3. Dùng thuốc hạ đường huyết. Bệnh tiểu đường là một nguyên nhân phổ biến làm tổn thương thận và làm tăng mức creatinine. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường thì điều quan trọng là phải giữ insulin ở mức bình thường để ngăn ngừa thận bị tổn thương thêm. Bạn nên uống một số thuốc giúp giữ insulin ở mức bình thường.
    • Repaglinide là thuốc hạ đường huyết hay được sử dụng. Bình thường liều dùng ban đầu là 0,5 mg, uống thuốc trước mỗi bữa ăn. Liều tối đa là 4 mg và bạn cũng phải uống trước mỗi bữa ăn. Cho dù bỏ bữa thì bạn vẫn phải uống thuốc.
  4. Uống thuốc hạ huyết áp. Ngoài bệnh tiểu đường thì cao huyết áp cũng là một yếu tố khác làm tổn thương thận. Bạn phải khống chế huyết áp ở mức bình thường để ngăn ngừa tổn thương thận, nhờ đó hạ thấp mức creatinine.
    • Bác sĩ sẽ kê thuốc benazepril và hydrochlorothiazide. Liều dùng benazepril bình thường vào khoảng 10 tới 80 mg một ngày.[7] Trong khi đó liều dùng hydrochlorothiazide là 12,5 tới 50 mg một ngày.[7]
  5. Uống thuốc chuyên trị mức creatinine cao. Thuốc ketosteril thường được dùng để hạ thấp hàm lượng creatinine trong máu. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc này để xem nó có hợp với mình không. Liều dùng phổ biến của thuốc ketosteril là 4 tới 8 viên, uống làm ba lần mỗi ngày vào các bữa ăn.[8] Các loại thuốc giảm creatinine khác bao gồm:
    • Dùng thuốc bổ sung axít alpha lipoic (chất chống ôxi hóa) để cung cấp năng lượng cho thận và trung hòa các độc tố, mà creatinine là một trong số đó. Bạn nên uống khoảng 300 mg mỗi ngày.[9]
    • Chitosan là loại thực phẩm chức năng giúp kiểm soát khối lượng cơ thể và cũng có tác dụng giảm creatinine trong máu. Bạn nên dùng từ 1000 tới 4000 mg một ngày để thấy được công dụng của chitosan.

Áp dụng Liệu pháp Điều trị Y khoa[sửa]

  1. Tiếp cận và xử lý tận gốc vấn đề. Tình trạng creatinine cao hiếm khi là vấn đề riêng rẽ, mà thường là triệu chứng của một căn bệnh khác nghiêm trọng hơn. Để giảm hàm lượng creatinine lâu dài và cải thiện sức khỏe nói chung, bạn phải làm việc với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân bên trong và biện pháp chữa trị.
    • Tổn thương thận và bệnh thận mãn tính là các nguyên nhân phổ biến nhất. Tổn thương thận thường xảy ra khi bạn mắc một căn bệnh khác, bị nhiễm trùng nặng, sốc thuốc, ung thư hay lưu lượng máu thấp.
    • Bệnh tiểu đường loại 2 cũng có liên quan tới mức creatinine cao.
    • Các nguyên nhân khác có khả năng làm tăng creatinine bao gồm đột quỵ, mất nước, mất máu nhiều dẫn đến sốc, bệnh gút, luyện tập với cường độ quá cao, chấn thương cơ, bệnh lý về cơ và bị phỏng.
  2. Nghiên cứu liệu pháp laser lạnh. Có bằng chứng cho thấy liệu pháp laser lạnh hay laser cường độ thấp có thể tái phục hồi thận và cải thiện chức năng hoạt động chung của nó. Liệu pháp này giúp thận phục hồi khả năng lọc creatinine về trạng thái bình thường.[10]
    • Khi chiếu vào tuyến thượng thận, các tia laser lạnh còn giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
    • Nếu chiếu vào dây thần kinh phế vị, các tia laser lạnh giúp cải thiện tuần hoàn máu tới nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm cả thận.
  3. Mát xa. Liệu pháp mát xá giúp kích thích tuần hoàn máu và giảm căng thẳng, hai yếu tố này dẫn tới cải thiện giấc ngủ và tạo tâm trạng thư giãn.
  4. Tìm hiểu về liệu pháp lọc máu. Phương pháp này không phổ biến lắm, nhưng những người bị tổn thương thận nặng và thường xuyên có mức creatinine cao có thể phải cân nhắc áp dụng liệu pháp lọc máu, hay còn có tên gọi là phương pháp thẩm tách máu. Phương pháp này có vẻ hơi quá mức cần thiết nhưng nó cực kỳ hiệu quả.
    • Trong quá trình lọc, máu được rút ra và lọc thông qua một chiếc máy. Chiếc máy này có công dụng loại bỏ creatinine và các độc tố khác có trong máu. Sau khi lọc sạch, máu sẽ tuần hoàn quay trở về cơ thể.[11]
  5. Sử dụng thuốc thay thế. Cụ thể bạn nên tìm hiểu về liệu pháp thẩm thấu dung dịch thuốc của Trung Quốc. Liệu pháp này sử dụng một loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc, có khả năng đảo ngược các trường hợp tổn thương thận nhẹ. Tắm trong bồn nước có pha thuốc cũng có thể hữu ích, và phương pháp này cũng bắt nguồn từ thuốc cổ truyền của Trung Quốc.
    • Với liệu pháp thẩm thấu bằng dung dịch thuốc của Trung Quốc, loại thuốc sử dụng sẽ được kê tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Một vài loại chỉ được bôi bên ngoài, trong khi những thuốc khác được đưa vào trong cơ thể bằng thiết bị giúp thẩm thấu.[12]
    • Tắm trong bồn nước có pha thuốc giúp cải thiện tuần hoàn máu. Phương pháp này làm ấm cơ thể và tiết mồ hôi, khi đó creatinine và các độc tố khác cũng theo mồ hôi đi ra ngoài cơ thể.
  6. Thẩm tách máu chỉ là lựa chọn cuối cùng. Nếu thay đổi chế độ ăn và uống thuốc cũng không thể giảm creatinine thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp thẩm tách máu. Có hai cách lọc máu, nhưng cách lọc dùng để giảm creatinine có tên là lọc máu bằng thận nhân tạo.[13]
    • Với phương pháp này họ phải dùng máy để lọc chất thải, chất lỏng và muối ra khỏi máu để thận không còn phải làm nhiệm vụ đó.

Thay đổi Chế độ ăn[sửa]

  1. Hạn chế tiêu thụ natri. Khi dư natri cơ thể sẽ lưu lại một lượng chất lỏng có hại và dẫn tới cao huyết áp. Cả hai yếu tố này đều làm tăng lượng creatinine.
    • Duy trì chế độ ăn ít natri. Tránh xa thực phẩm và thức uống mặn, đồng thời chọn các thực phẩm phổ biến có hàm lượng natri thấp (súp đóng lon, nước sốt đóng hộp v.v…) bất kì khi nào bạn có sự lựa chọn.
    • Lượng natri trung bình tiêu thụ mỗi ngày vào khoảng 2 tới 3 gam, thậm chí thấp hơn.[14]
  2. Chú ý tới lượng protein.[15] Bạn nên tránh ăn các thực phẩm giàu protein tối đa có thể. Thịt đỏ và sản phẩm làm từ sữa đặc biệt có hại đối với bạn.
    • Nguồn thực phẩm chứa creatine chủ yếu là các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Mặc dù lượng creatine có trong thực phẩm không gây hại cho người có sức khỏe bình thường, nhưng chúng có thể gây rắc rối cho những ai đang có mức creatinine cao bất thường.
    • Lưu ý rằng bạn thật sự phải ăn thực phẩm chứa protein để duy trì lượng năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, do đó bạn không được loại bỏ chúng hoàn toàn ra khỏi chế độ ăn.
    • Khi cần cung cấp protein bạn nên tận dụng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như hạt và các loại đậu.
  3. Tránh ăn thực phẩm giàu phốt pho. Thận phải làm việc cực nhọc hơn khi xử lý thực phẩm giàu phốt pho, đặc biệt khi bạn đang gặp tình trạng creatinine cao.[16] Vì vậy bạn nên tránh ăn các thực phẩm như:
    • Bí ngô và bí, phô mai, cá, sò, các loại hạt, thịt heo, sản phẩm sữa ít béo, đậu nành.
  4. Hạn chế tiêu thụ kali. Khi xử lý các vấn đề về thận bạn nên tránh ăn thực phẩm có nhiều kali vì kali sẽ tích lũy trong cơ thể nếu thận không thể lọc nó đúng với chức năng bình thường.[17] Thực phẩm giàu kali bao gồm:
    • Hoa quả sấy khô, chuối, rau chân vịt, khoai tây, đậu, đậu Hà Lan.
  5. Tránh xa thực phẩm chức năng bổ sung creatine. Vì creatinine là sản phẩm phế thải của creatine nên uống thuốc bổ sung creatine sẽ làm tích lũy creatinine trong máu.
    • Đối với người bình thường đây không phải là vấn đề lớn. Mặc dù vậy, nếu bạn là một vận động viên hay vận động viên thể hình cần uống viên bổ sung chất dinh dưỡng để tăng hiệu quả tập luyện, creatine có thể đã được bổ sung vào các viên thực phẩm chức năng đó nên bạn cũng không nên uống.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kì quá trình điều trị nào, vì mỗi cá nhân đều có nhu cầu cơ thể khác nhau nên các hướng dẫn trong đây có thể không phù hợp cho tất cả. Thậm chí một số phương pháp có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nói chung, tùy theo tình trạng của riêng mỗi người.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây