Học ngôn ngữ mới nhanh chóng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Bạn muốn tìm cách học một ngôn ngữ mới nhanh chóng mà không cần tốn kém cho các lớp học đắt tiền hoặc phần mềm dạy ngôn ngữ? Thật ra thì không có bí quyết hoặc con đường tắt nào cả – bạn chỉ cần tập trung vào ngôn ngữ đó, chịu khó học hỏi và không ngại mắc lỗi sai. Hãy xem hướng dẫn bên dưới để biết thêm chi tiết.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Đắm mình trong ngôn ngữ[sửa]

  1. Trò chuyện với người bản xứ. Rõ ràng cách tốt nhất để học một ngôn ngữ mới là nói chuyện bằng ngôn ngữ đó. Thường thì mọi người dành nhiều thời gian để học ngữ pháp và nhớ danh sách từ mới thay vì đi ra ngoài để thực hành những gì họ đã học. Việc trò chuyện với một người bản xứ nào đó sẽ giúp bạn cảm thấy có động lực để học ngôn ngữ đó hơn là chỉ nhìn chằm chằm vào sách hoặc màn hình máy tính.
    • Tìm một người bạn hoặc đồng nghiệp nói ngôn ngữ mà bạn muốn học và họ cũng sẵn sàng ngồi cùng để giúp bạn thực hành. Hoặc bạn có thể ghi thông tin trên mạng xã hội để tìm ai đó có thể giúp bạn học hoặc trao đổi ngôn ngữ.
    • Nếu không thể tìm được người ở quanh bạn, hãy thử kết nối với ai đó trên Skype. Người ở nước ngoài thường sẽ sẵn lòng dành nửa tiếng nói ngôn ngữ của họ để được cùng bạn nói thêm nửa tiếng bằng ngôn ngữ của bạn. Tài khoản Hellotalk là một lựa chọn khác.
  2. Học ngôn ngữ đó mỗi ngày. Nhiều người cho biết họ học một ngôn ngữ "suốt 5 năm" và vẫn không thành thạo. Tuy nhiên, khi họ nói 5 năm cũng có thể là họ chỉ học ngôn ngữ đó vài giờ mỗi tuần trong suốt khoảng thời gian đó. Hãy làm rõ điều này – nếu bạn muốn học một ngôn ngữ mới nhanh chóng thì có nghĩa là trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, bạn sẽ chú tâm học ngôn ngữ đó vài giờ mỗi ngày.
    • Học ngôn ngữ sẽ dựa trên sự lặp lại – “nhồi nhét” kiến thức vào đầu nhiều lần đến khi nhớ. Nếu nghỉ quá lâu trong quá trình học, bạn sẽ quên những gì đã học trước đó và lãng phí thời gian quý báu để ôn lại kiến thức.
    • Bạn có thể giảm bớt việc phí phạm thời gian bằng cách học mỗi ngày. Không có con đường tắt thần kỳ nào trong việc học ngôn ngữ - bạn phải quyết tâm.
  3. Luôn mang theo từ điển. Mang theo từ điển sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và không trở nên cáu bẳn khi cần tìm từ nào đó; do đó, bạn nên đầu tư mua một quyển từ điển chất lượng !
    • Bạn có thể dùng một quyển từ điển thông thường hoặc ứng dụng từ điển trên điện thoại – chỉ cần bạn có thể tra từ nhanh chóng khi cần là được.
    • Mang theo từ điển sẽ giúp bạn tìm từ cần thiết để sử dụng trong khoảng thời gian nào đó. Việc này cực kỳ quan trọng khi bạn trò chuyện với người bản xứ và không muốn cắt ngang cuộc trò chuyện vì không nhớ từ. Bên cạnh đó, tra nghĩa của từ nào đó và áp dụng ngay vào câu nói sẽ giúp bạn nhớ từ đó lâu hơn.
    • Bạn cũng có thể xem từ điển vào lúc nào đó trong ngày – khi bạn xếp hàng ở siêu thị, trong giờ nghỉ hoặc khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Bạn có thể học thêm từ 20 đến 30 từ mỗi ngày với cách này!
  4. Xem, lắng nghe, đọc và viết bằng ngôn ngữ mà bạn học. Đắm mình vào ngôn ngữ tức là bạn sẽ nói ngôn ngữ mới trong mọi hoạt động thường ngày – bất kể là đọc, viết hay nghe.
    • Có lẽ việc đơn giản nhất là xem tivi hoặc phim bằng ngôn ngữ mà bạn muốn học. Không nên dùng phụ đề vì bạn sẽ phụ thuộc vào nó. Để mọi thứ dễ dàng hơn, hãy xem chương trình và phim mà bạn quen thuộc với bối cảnh như phim hoạt hình của trẻ em hoặc xem trước phim có thuyết minh – khi quen với nội dung, bạn sẽ dễ dàng đoán được nghĩa của từ và câu.
    • Bạn cũng nên đọc và viết bằng ngôn ngữ mới. Cố gắng đọc một bài viết trên báo hoặc tạp chí mỗi ngày – tra từ mà bạn không hiểu bằng từ điển. Bạn cũng nên viết vài thứ đơn giản bằng ngôn ngữ mới, chẳng hạn như bưu thiếp hoặc danh sách mua sắm.
    • Tải podcast hoặc nghe radio bằng ngôn ngữ mới. Đây là một cách hay để đắm mình trong ngôn ngữ khi di chuyển. Việc này không chỉ giúp bạn cải thiện kỹ nắng nghe hiểu mà còn cho bạn nghe phát âm đúng của những từ và câu phổ biến.
    • Thay đổi thiết lập ngôn ngữ trên các thiết bị điện tử để bạn có thể học thêm những từ quen thuộc bằng ngôn ngữ mới.
    • Nghe nhạc bằng ngôn ngữ mà bạn muốn học. Thử học lời bài hát, sau đó kiểm tra nghĩa. Với cách này, nếu bạn nghe một lần nữa thì có thể hiểu nội dung của từng câu trong lời bài hát.
  5. Đến đất nước mà bạn muốn học ngôn ngữ ở đó. Tất nhiên đây sẽ là một sự cải thiện tuyệt vời trong việc học ngôn ngữ nếu bạn có thể đến thăm và dành thời gian ở nơi nói ngôn ngữ mà bạn đang học.
    • Buộc bản thân giao tiếp với người địa phương – cho dù là hỏi đường, mua sắm ở cửa hàng hoặc chỉ là chào hỏi thì bạn sẽ hiểu hơn về ngôn ngữ và người bản xứ.
    • Bất kể trình độ giao tiếp của bạn ở mức nào, hãy ép bản thân nói và bạn sẽ sớm nhận thấy sự tiến bộ lớn trong từ vựng, ngữ pháp và phát âm.

Tập trung vào những thứ quan trọng nhất[sửa]

  1. Học một vài từ để chào hỏi bằng ngôn ngữ mới trước khi học bảng chữ cái. Với cách này, khi bạn học bảng chữ cái của ngôn ngữ đó thì đã biết một số từ cơ bản. Chẳng hạn, Xin chào, Tạm biệt, Bạn khỏe không? Tôi khỏe, Bạn tên gì?, Tôi tên là____, và một số câu khác.
  2. Học bảng chữ cái của ngôn ngữ mới, nếu cần. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đọc và phát âm từ cũng như nhớ từ nhanh hơn. Bên cạnh đó, đọc phát âm từ vẫn tốt hơn là chỉ nhìn ký tự phiên âm của các từ.
  3. Học từ vựng. Nắm vững từ vựng cơ bản là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm khi học một ngôn ngữ mới. Kể cả khi bạn không thể hiểu cả câu nhưng khả năng nắm được từ khóa sẽ giúp bạn hiểu ý nghĩa chung của câu nói hoặc bài viết.
    • Tập trung vào 100 từ phổ biến nhất. Chọn ra 100 từ phổ biến nhất trong ngôn ngữ mới là một cách hay để bắt đầu học. Từ đó, bạn có thể mở rộng lên đến 1000 từ. Ước tính rằng học 1000 từ phổ biến nhất trong một ngôn ngữ sẽ giúp bạn hiểu 70% nội dung của bất kỳ ngữ cảnh nào.
    • Tập trung vào từ vựng thích hợp với bạn nhất – chọn từ vựng về thương mại nếu bạn học ngôn ngữ vì mục đích đó, đừng phí thời gian học từ vựng về các loài cá (bạn chỉ cần đến khi đi lặn biển!)
    • Bạn cũng nên học từ liên quan đến bản thận để có thể giới thiệu về cuộc sống và thông tin cá nhân của bạn khi gặp ai đó.
  4. Học đếm bằng ngôn ngữ mới. Bắt đầu bằng việc đếm đến 10 vì đây thường là điều dễ nhớ nhất khi bắt đầu học. Mỗi ngày học 10 số đến khi bạn hài lòng với những con số mà bạn biết. Bạn có thể đặt thử thách nhớ 100 số mỗi ngày.
  5. Đừng quá lo lắng về ngữ pháp. Lý do nhiều người không thể nhớ ngôn ngữ mà họ đã học trong nhiều năm ở trường là chương trình thường tập trung nhiều thời gian để học ngữ pháp thay vì giao tiếp. Đây là một phương pháp ngược – nếu muốn học một ngôn ngữ nhanh chóng thì bạn nên học cách giao tiếp trước và dần dần bạn sẽ hiểu về cách sử dụng ngữ pháp.
    • Tất nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngữ pháp – bạn cần học cách ghép các từ vựng cơ bản mỗi ngày và biết cách sắp xếp từ trong câu.
    • Điều quan trọng là bạn không nên dành nhiều thời gian học thuộc bảng từ vựng hoặc lo lắng về việc dùng giới từ trong những tình huống cụ thể như thế nào. Bạn sẽ học được điều đó trong quá trình sử dụng ngôn ngữ!
  6. Chú ý phát âm. Phát âm là vấn đề mà bạn nên tập trung đầu tư nhiều thời gian. Cho dù bạn nhớ rất nhiều từ và câu nhưng nếu phát âm sai thì người khác sẽ không hiểu. Vì vậy, khi học một từ, bạn nên học luôn cả cách phát âm của từ đó.
    • Phát âm có thể khó học từ sách vở nên việc trò chuyện với người bản xứ (hoặc dùng phần mềm và ứng dụng tương tác) sẽ rất tiện lợi. Bạn cần phải nói to từ đó để phát âm đúng cách.
    • Nếu bạn tập nói với ai đó thì đảm bảo là họ không ngại giúp bạn sửa khi phát âm sai, nếu không bạn sẽ không bao giờ phát âm hoàn chỉnh. Nên nhớ rằng việc phát âm có thể sẽ khác nhau giữa người nói tốt và người nói lưu loát.
  7. Đừng ngại mắc lỗi sai. Khi học một ngôn ngữ mới, nếu bạn sợ sai thì sẽ không học nhanh được.
    • Bạn sẽ gặp phải những tình huống xấu hổ nhưng có gì to tát đâu? Người bản xứ có thể sẽ cười nhưng họ đánh giá cao nỗ lực học hỏi của bạn và sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn.
    • Bạn không nhắm đến sự hoàn hảo mà sẽ nhắm đến sự tiến bộ. Mắc lỗi sai (và học hỏi từ điều đó) sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn.

Dùng phần mềm và ứng dụng học ngôn ngữ[sửa]

  1. Dùng Anki. Anki là một phần mềm và ứng dụng điện thoại giúp bạn nhớ từ và câu một cách hiệu quả bằng hình ảnh. Bạn có thể cập nhật hình ảnh với từ vựng cụ thể mà bạn muốn học hoặc tải các hình ảnh có sẵn để học.
  2. Dùng Doulingo. Doulingo là một công cụ học ngôn ngữ miễn phí trên Internet và trên hệ điều hành Android lẫn iOS. Thay vì tập trung nhớ từ, nó giúp người dùng đọc và nói ngôn ngữ mới bằng cách nhìn, nghe và áp dụng như người bản xứ. Người dùng nhận được điểm khi họ hoàn thành bài học, làm cho Doulingo trở thành một trò chơi thú vị.
  3. Dùng Memrise. Memrise là một chương trình học kiểu hình ảnh cho phép người dùng nhớ từ và câu bằng mẹo, hình ảnh và công cụ hữu ích khác. Memrise cho người dùng thi đua với nhau khi họ hoàn thành các hoạt động học ngôn ngữ, giúp cho việc học trở nên thú vị, mới mẻ.
  4. Dùng Babbel. Babbel là một công cụ học ngôn ngữ tương tác, vui nhộn, dùng được trên Internet và qua ứng dụng điện thoại. Nó giúp người dùng cải thiện vốn từ vựng, ngữ pháp và phát âm. Ngoài ra, nó còn giúp xác định vấn đề bạn gặp phải và đưa ra bài tập thích hợp dựa trên nhu cầu của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Dùng nhãn dán để học từ vựng. Dán những tờ giấy khắp nơi trong nhà. Việc này cho phép bạn nhìn thấy các từ đó vào mọi để quá trình học diễn ra nhanh hơn.
  • Đừng quá lo lắng về việc nói nhanh và chính xác ngay khi bắt đầu. Bạn không thể đạt đến trình độ đó ngay ở giai đoạn đầu, hãy kiên nhẫn.
  • Nên nhớ đừng bỏ cuộc!
  • Đặt mục tiêu tiếp xúc với ngôn ngữ (qua tivi, radio, báo chí hoặc giao tiếp) mỗi ngày và kiên quyết thực hiện.
  • Viết từ vựng trong ngôn ngữ mới cùng với ý nghĩa và luôn giữ bên mình để bạn có thể dễ dàng nhớ.
  • Cách tốt nhất để học một ngôn ngữ là đắm mình vào nó nhưng thường thì bạn không thể bỏ mọi thứ và đi đến đất nước nói ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, có rất nhiều trang web cho phép bạn trò chuyện với người bản xứ để tập luyện.
  • Google Translate là một nguồn hữu ích giúp bạn phát âm. Mặc dù vậy, việc dịch từng từ của công cụ này thì không chính xác 100%.
  • Hãy bắt đầu học với 10 từ (động từ hoặc tính từ) mỗi ngày trong suốt 3 tháng. Nghe có vẻ khó nhưng rất đơn giản vì bạn học một ít từ mỗi ngày để cải thiện vốn từ vựng. Bạn biết càng nhiều từ thì sẽ càng đặt được nhiều câu.
  • Khi đã hiểu những phần cơ bản, tốt nhất bạn nên xem lại phim đã từng xem hoặc phim bạn thích bằng ngôn ngữ đó. Phụ đề cũng phải là ngôn ngữ đó. Nếu quá khó thì có thể bắt đầu xem phim với phụ đề bằng ngôn ngữ của bạn.
  • Đọc những quyển sách vui nhộn bằng ngôn ngữ mới, tốt nhất nên chọn truyện cười và truyện tranh. Chẳng hạn như anime, truyện tranh, tạp chí, truyện cười hoặc thứ gì làm bạn cảm thấy thú vị. Việc này sẽ tạo động lực để bạn tiếp tục đọc/tìm hiểu đến khi biết nội dung được viết trong sách, đặc biệt là những mẫu truyện cười. Bạn cũng có thể đọc sách thiếu nhi vì đã biết nội dung câu chuyện và từ ngữ cùng khá đơn giản.
  • Tương tự như với âm nhạc. Hãy tìm bài hát mà bạn thích và nghe nhiều lần. Một lúc nào đó, bạn sẽ hiểu lời bài hát và nội dung liên quan.
  • Rất nhiều người cho rằng âm nhạc có ích trong việc học; bạn hãy thử nghe những bài hát bằng ngôn ngữ đó và cố gắng hiểu các từ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này