Hỏi đáp về bệnh cúm A

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dưới đây là những tài liệu của Bộ Y tế liên quan đến bệnh cúm A (cúm gia cầm, Avian influenza)

Mục lục

Hỏi và trả lời[sửa]

Tại sao có tên bệnh cúm A, cúm B, cúm C và cúm gia cầm?[sửa]

Dựa trên cơ sở căn nguyên virus gây bệnh mà ta gọi tên bệnh là cúm A, cúm B, cúm C. Phổ biến nhất là type A và B; type C chỉ gây bệnh nhẹ, tản mát. Type A là thủ phạm chính hay gây bệnh dịch cho người (như H3N2, H1N1) cũng như gia cầm. Type B có thể gây ra các dịch bệnh nhẹ cho người.

Do sự thích nghi loài, một số phân type virus cúm A có thể bệnh cho gia cầm như H5N1, H7N7... Đặc biệt, virus cúm A H5N1 rất độc đối với loài gà. Trong một số điều kiện nhất định, các virus cúm A thường gây bệnh cho gia cầm cũng có thể gây bệnh cho người.

Những tác nhân gây bệnh cúm A cho người từ trước tới nay là gì?[sửa]

Các phân type virus cúm A được ghi nhận đã gây dịch hoặc đại dịch ở người trong các thời kỳ lịch sử là: H2N8 (1889-1890), H3N8 (1900-1903), H1N1 (1918-1919 và 1946-1947; 1977-1978), H2N2 (1957-1958), H3N2 (1968-1969).

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới thì hiện nay có 2 phân type virus cúm A chiếm ưu thế, lưu hành rộng rãi nhiều nơi trên thế giới, đó là H1N1 và A H3N2. Ngoài ra, từ năm 1997, đã có thông báo virus cúm gà H5N1 đã lây sang 18 người; và virus H7N7 cũng từ gà lây sang 2 người.

Tên virus gây bệnh cúm A như H1N1, H3N2, H5N1 có ý nghĩa như thế nào?[sửa]

Tên của các phân type virus cúm A như H1N1, H3N2, H5N1 bao hàm ý nghĩa đặc thù cấu trúc kháng nguyên vỏ ngoài virus. Chữ H (hemaglutinin – chất ngưng kết hồng cầu) và N (Neuraminidase – enzim tan nhầy) là ký hiệu của 2 kháng nguyên gây nhiễm trên vỏ của hạt virus cúm A, giúp virus gắn vào thành tế bào và sau đó đột nhập vào tế bào hô hấp.

Chữ số 1, 2, 3, 5... là chỉ số thứ tự của kháng nguyên H và N đã biến đổi.

Tại sao chủng H5N1 có thể gây bệnh cúm gà nguy hiểm ở người?[sửa]

H5N1 có ổ chứa thiên nhiên là các loài chim hoang dã và một số loài thủy cầm, nó chủ yếu gây bệnh cho một số loài gia cầm như gà. Đối với cơ thể của người, H5N1 hoàn toàn xa lạ, con người bình thường không có hàng rào miễn dịch để chống lại nó. Chính vì thế, khi có điều kiện xâm nhập vào cơ thể người (do người tiếp xúc rất gần gũi, ăn thịt hay trứng gia cầm có mang H5N1...), virus này có khả năng gây bệnh rất nặng cho người, nguy cơ tử vong rất cao.

Nghe nói lợn và một số gia súc cũng có thể mắc cúm gà và làm lây sang người, có đúng không?[sửa]

Lợn có thể nhiễm nhiều loại virus cúm của cả người và gia cầm, có thể phát triển thành dịch bệnh. Trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918 ở người, người ta phát hiện trước đó kháng nguyên của chủng này đã gây dịch ở lợn.

Ở châu Âu cũng có nghiên cứu phát hiện thấy ở ngựa có virus cúm, nhưng có ghi nhận nào về việc virus cúm ở ngựa hoặc súc vật khác (trâu bò, chó, mèo, dê) gây bệnh cho người.

Nghe nói gene của virus cúm gia cầm có thể tái tổ hợp với virus của lợn. Sự pha trộn này xảy ra như thế nào?[sửa]

Hiện tượng pha trộn gene (thường gọi là tái tổ hợp) giữa virus cúm gia cầm và virus cúm của các loài có vú, trước hết là lợn, được coi là nguyên nhân của sự bùng phát đại dịch cúm ở người, nếu không được khống chế sớm và hiệu quả. Cơ chế tái tổ hợp còn nhiều bí ẩn. Hiện có 2 giải thiết:

  • Virus cúm gia cầm H5N1 và virus cúm của người H3N2 cùng lan truyền sang lợn và tái tổ hợp ở cơ thể lợn, tạo ra chủng cúm A mới có thể gây dịch lớn cho người.
  • Virus cúm gia cầm và virus của người cùng song song tồn tại trên người và tái tổ hợp ở đây, tạo ra chủng mới gây đại dịch.

Tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại cảnh báo rằng virus cúm A có thể biến đổi và trở nên hung hãn hơn?[sửa]

Virus cúm A thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên nên dễ gây dịch nguy hiểm. Thay đổi nhỏ về kháng nguyên bề mặt (trôi dạt) sẽ gây dịch nhỏ và vừa; thay đổi lớn đột ngột (di chuyển) có thể gây ra dịch lớn. Sự thay đổi lớn này thường là kết quả của hiện tượng lai tạo gene (tái tổ hợp) giữa các phân type của virus cúm A. WHO lo ngại về sự tái tổ hợp giữa H5N1 với virus H3N2, H1N1 (gây bệnh cúm thông thường ở người), hay với virus cúm ở lợn để tạo ta type mới mãnh độc và lan truyền mạnh hơn trên người hay động vật có vú.

Nếu H5N1 trực tiếp lây từ người sang người thì sẽ có đại dịch cúm rất nghiêm trọng?[sửa]

Đúng vậy. Điều đó chứng tỏ H5N1 đã có cấu trúc phân tử và cơ chế thích ứng để lây được từ người sang người trong khi chúng ta hoàn toàn chưa có khả năng miễn dịch chống lại sự lan tràn của nó.

Nguy cơ mắc bệnh cúm gà có như nhau với mọi người không?[sửa]

Về lý thuyết, nguy cơ là gần như nhau vì đây là tác nhân gây bệnh mới mà mọi người chưa có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên trên thực tế, khả năng cảm nhiễm virus H5N1 của mỗi người có thể khác nhau do cơ địa không giống nhau. Trong các vụ dịch vừa qua, tuy cùng tiếp xúc như nhau với gia cầm ốm nhưng có người mắc bệnh, có người không. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ quy luật và mức độ cảm nhiễm nên mọi người đều phải cảnh giác.

Bệnh cúm H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người như thế nào?[sửa]

Hiện nay, kết quả phân tích mã gene của virus H5N1 gây bệnh ở người và ở gia cầm là hoàn toàn giống nhau (98,5-99,7%). Vì vậy, có thể khẳng định virus H5N1 trong dịch cúm ở người hiện nay là lây từ gia cầm. Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng về cơ chế lây truyền. Những khả năng có thể xảy ra là:

  • Lây qua đường hô hấp bởi các giọt nhỏ dớt dãi, dịch tiết đường hô hấp và tiêu hóa của gà ốm (khi trực rtiếp chăm sóc, giết mổ, tiêu hủy) hoặc do người hít phải không khí có bụi từ phân gà, phân chim, dịch tiết khô mang virus còn sống.
  • Lây qua đường tiếp xúc, virus cúm trong bàn tay bẩn, thức ăn nước uống ô nhiễm... đi vào miệng và qua đó thâm nhập đường hô hấp.

Tại sao bệnh cúm A lại nặng và tỷ lệ tử vong cao?[sửa]

Bệnh cúm A thường có diễn biến nặng, nhất là ở người già, trẻ em những người bị bệnh mạn tính như tim mạch, phổi, thận, rối loạn chuyển hóa, thiểu năng miễn dịch. Nguyên nhân là virus cúm A có độc lực cao, lại có khả năng nhân lên rất mạnh trong các tế bào biểu mô của toàn bộ đường hô hấp. Nó còn có thể gây viêm phổi tiên phát hoặc biến chứng viêm phổi do bội nhiễm. Virus H5N1 xa lạ với cơ thể người nên gây tổn thương rất nhanh, phá hủy nhu mô phổi và nhiều phủ tạng, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn các type virus cúm A khác.

Làm thế nào để phân biệt một ca nghi ngờ và một ca được xác định mắc cúm gà trên người?[sửa]

Một người được coi là nghi ngờ nhiễm cúm A khi: Sốt cao liên tục, kèm ho, đau ngực, khó thở thở nông; từng tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc bệnh nhân cúm A trước khi phát bệnh trong vòng 7 ngày; hoặc đang có mặt trong vùng dịch cúm gia cầm. Các trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân, có tiền sử tiếp xúc dịch tễ với nguồn lây cúm gà cũng được coi là nghi nhiễm.

Một ca bệnh được xác định mắc cúm gà ngoài các triệu chứng nêu trên còn cần thêm các xét nghiệm khẳng định sự có mặt của H5N1 trên bệnh nhân: thử nghiệm RT-PCR xác định type H5 và N1 dương tính; nuôi cấy virus trên tế bào dương tính, thử nghiệm Elisa phát hiện kháng thể kháng H5N1 dương tính...

Người nghi ngờ mắc cúm A phải làm gì?[sửa]

Những việc cần làm là đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, đầu và chân; giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng, mắt và bàn tay. Nên ăn uống nóng, đủ chất, giàu vitamin, nhất là vitamin C. Đi khám bệnh ngay, nên đến phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm hoặc nhi (nếu là trẻ em).

Chim cảnh có làm lây cúm A sang người? Liệu muỗi hút máu gà hay động vật rồi lại đốt người thì có làm lây cúm không?[sửa]

Hầu hết các loài chim đều có thể nhiễm virus cúm A, trong đó có một số loài phát bệnh, một số khác chỉ là ổ chứa virus. Như vậy, các loài chim cảnh có khả năng nhiễm virus cúm A từ các loài chim hoang dã hoặc gia cầm ốm rồi lây nhiễm cho người, vì chim cảnh thường được nuôi gần người.

Người ta chưa chứng minh được đường lây truyền bệnh cúm qua vật trung gian là muỗi cũng như các côn trùng hút máu khác.

Liệu virus cúm A có dễ lây truyền ở nơi đông đúc?[sửa]

Bệnh cúm thông thường lây truyền qua đường hô hấp trong quần thể người đông đúc bằng giọt nhỏ nước bọt nhỏ hay dịch tiết mũi họng. Sự lây lan diễn ra nhanh hơn trong thời tiết lạnh và ẩm thấp. Ở những nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ khi có người mắc cúm, tỷ lệ lây lan rất cao, dễ gây thành dịch.

Cúm A H5N1 hiện chưa lây từ người sang người nên bệnh mang tính tản phát, chỉ xuất hiện trên những cá thể tiếp xúc chặt chẽ với gà ốm và có sự mẫn cảm cao với virus cúm gà. Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng nhiễm virus cúm gà khi tiếp xúc đông người.

Tại sao ta dễ bị cúm trong mùa lạnh?[sửa]

Bệnh cúm là bệnh của đường hô hấp. Vị trí đột nhập đầu tiên của virus cúm là các tế bào đường hô hấp. Trong điều kiện lạnh và ẩm thấp, các tế bào hô hấp của người dễ bị tổn thương, tạo điều kiện tốt cho bệnh cúm phát triển. Ngoài ra, virus cúm dễ bị diệt ở nhiệt độ cao (bị diệt trong vài chục phút ở 56 độ C) nhưng lại có thể tồn tại lâu trong cái lạnh. Vì vậy, dịch bệnh thường bùng phát vào cuối thu, đầu đông ở Việt Nam.

Riêng với virus cúm H5N1, do có thể sống sót bền hơn trong điều kiện môi trường lạnh khô và cả nóng ẩm (trong phân gà, chúng có thể tồn tại hàng tháng) nên chúng ta phải đề phòng sự kéo dài của dịch cúm gà trên người cả khi ngoài mùa lạnh.

Tại sao các tỉnh miền Nam khí hậu khô nóng mà vẫn bị dịch cúm?[sửa]

Các nghiên cứu cho thấy, bệnh cúm thường xuất hiện trong các giai đoạn chuyển mùa thu đông, đông xuân, tức là vào mùa lạnh. Một khi bệnh xuất hiện tại một khu vực có khí hậu nóng hơn có nghĩa là virus đã thích nghi với điều kiện khí hậu đó và có thể gây ra dịch.

Tại sao khi bị bệnh cúm lại phải cách ly? Việc cách ly diễn ra như thế nào?[sửa]

Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lan truyền rất nhanh, có thể gây dịch và đại dịch, nhất là các chủng cúm mới. Vì vậy, các ca nghi cúm đầu tiên cần được chẩn đoán xác định sớm, sau đó cách ly điều trị tại cơ sở y tế

Tại bệnh viện, cần có các buồng cách ly riêng dành cho bệnh lây nhiễm cao như cúm. Trong điều kiện bệnh xá và gia đình, bệnh nhân và người tiếp xúc phải đeo khẩu trang kín, kính mắt, găng tay, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Thời gian cách ly khoảng 5 ngày từ khi khởi bệnh. Riêng với cúm A - H5N1, có các hướng dẫn cách ly riêng với mức độ an toàn cao hơn.

Trong thời gian có dịch cúm, có cần cho trẻ em tạm nghỉ học không?[sửa]

Tỷ lệ mắc bệnh cúm có biểu hiện lâm sàng là 50% trong các trường học, nhà trẻ. Vì vậy, khi ở địa phương có công bố dịch cúm trên người, cần cho trẻ tạm nghỉ học. Tốt nhất là phát hiện sớm các ca bệnh nghi cúm trong số trẻ đến trường từ những ngày đầu để cách ly và điều trị, ngăn chặn dịch bùng phát.

Cách đây nửa tháng, gia đình tôi có thịt và ăn gà rù, sau đó nhiều con trong đàn đã chết. Vậy chúng tôi phải theo dõi bao lâu để biết chắc mình không bị nhiễm virus cúm A?[sửa]

Trường hợp của bạn đã có tiếp xúc chặt chẽ với gà nhiễm dịch. Tuy nhiên, không phải người nào có tiếp xúc với nguồn nhiễm đều sẽ bị bệnh, bởi điều này còn tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của từng cá thể, và cả các yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu có tiếp xúc với nguồn nghi nhiễm cúm gà, nên theo dõi chặt chẽ trong 7 ngày. Trong thời gian này, nếu có sốt hoặc/và các biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, nên đến ngay y tế cơ sở hoặc bệnh viện để sớm được chẩn đoán và điều trị.

Những vùng nào được coi là có nguy cơ cao với bệnh cúm A H5N1?[sửa]

Những vùng có nguy cơ cao là: Đang có tình trạng dịch cúm gia cầm do cấp có thẩm quyền địa phương xác định; vùng lân cận nơi có ổ dịch cúm gia cầm với bán kính 3 km; vùng có sự giao lưu buôn bán gia cầm và sản phẩm của nó với mức độ lớn mà không thực hiện triệt để biện pháp phòng chống dịch.

Những người nào được coi là đối tượng nguy cơ cao với bệnh cúm H5N1?[sửa]

Đó là những người trực tiếp chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, chế biến thịt, trứng gia cầm ốm; nhân viên thú y có nhiệm vụ giám sát và phòng chống dịch cúm gia cầm tại ổ dịch; người trực tiếp thu gom, tiêu hủy hay xử lý đàn gia cầm đang có trong vùng dịch hoặc xử lý nguồn chất thải của chúng; cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cúm A và đang làm nhiemẹ vụ phòng chống dịch trong ổ dịch. Ngoài ra, trẻ em, người già, người đang mắc các bệnh mạn tính đường hô hấp, có tình trạng thiểu năng miễn dịch hiện sống trong ổ dịch cúm gia cầm... cũng có nguy cơ cao.

Đã có thuốc đặc trị cúm A chưa?[sửa]

Phác đồ điều trị của Bộ Y tế cho phép dùng 3 loại thuốc kháng virus là en:Oseltamivir (Tamiflu), en:Amantadine en:Ribavirin. Hai loại thuốc đầu tiên có tác dụng ức chế sự xâm nhập của virus vào tế bào đường hô hấp, vì thế cần được dùng sớm trong vòng 48 giờ sau khi khởi phát bệnh. Loại thuốc thứ 3 có tác dụng hạn chế sự tổng hợp hạt virus trong tế bào.

Các thuốc này chỉ góp phần hạn chế mức độ nặng của bệnh chứ không phải là thuốc đặc trị. Do đó, cần phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị tổng hợp tại các cơ sở chuyên khoa.

Bệnh cúm A có để lại di chứng gì không? Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm này thì thai nhi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?[sửa]

Các tổn thương đơn hoặc đa phủ tạng do bệnh cúm sau khi khỏi bệnh chắc chắn sẽ làm suy yếu cơ thể nói chung. Đường thở và phổi bị tổn thương cũng cần một thời gian lâu dài để hồi phục.

Tất nhiên, phụ nữ mang thai bị nhiễm virus cúm A nói chung và H5N1 nói riêng thì sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn người bình thường vì 2 cơ thể sống đều phải chống chọi lại bệnh. Cơ thể mang thai thường có phần sút giảm khả năng miễn dịch. Virus cúm lại được chứng minh có thể gây đột biến gene dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Riêng với bệnh cúm H5N1, chưa có các nghiên cứu về ảnh hưởng của virus căn nguyên tới thai nhi nhưng nếu thai phụ mắc bệnh này thì chắc chắn bệnh cảnh sẽ rất nặng nề.

Xông hơi thảo dược có chữa được bệnh cúm?[sửa]

Xông hơi nóng tinh dầu hoặc các chiết xuất của thảo dược có tinh dầu được chứng minh là giúp dự phòng hoặc làm giảm triệu chứng của một số bệnh do virus hô hấp ở giai đoạn rất sớm, khi mới nhiễm. Nó kích thích gia tăng tuần hoàn vùng mũi họng, qua đó làm nhẹ được một số triệu chứng của bệnh cúm, nhưng không thể chữa được bệnh.

Việc xông hơi này chỉ nên sử dụng sớm đối với những trường hợp có bệnh cảnh nhẹ, thể trạng tốt. Người khỏe mạnh đang sống trong ổ dịch có thể xông hơi tinh dầu thảo mộc hay nhỏ mũi nước tỏi 3-5% hằng ngày với tác dụng dự phòng cúm.

Bản quyền[sửa]

Tài liệu của Bộ Y tế. Lưu hành miễn phí.

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây