Hồi phục sau phẫu thuật răng khôn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hầu hết mọi người đều bắt đầu mọc răng khôn trong độ tuổi từ 17-24. Tuy nhiên ở một số người, răng khôn không thể nứt ra khỏi lợi và có thể gây đau, sưng hoặc viêm loét lợi. Những chiếc răng khôn còn có thể ảnh hưởng lên các răng khác hoặc làm tổn thương xương hàm.[1] Nếu răng khôn của bạn không thể đâm ra khỏi lợi thì phẫu thuật nhổ răng khôn là phù hợp. Với sự chuẩn bị và điều trị đúng cách, bạn sẽ phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật răng khôn.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật[sửa]

  1. Lên lịch hẹn với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng. Nhớ hẹn vào ngày nào cho phép bạn có thời gian hồi phục sau phẫu thuật. Ví dụ, bạn có thể hẹn vào ngày thứ năm hoặc thứ sáu để có thể nghỉ qua tuần.[2] Nếu là phụ nữ và đang uống thuốc tránh thai, bạn hãy đặt lịch phẫu thuật sau kỳ kinh nguyệt để tránh tình trạng ổ răng khô.
    • Chu kỳ kinh nguyệt có thể tác động đến khả năng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật.[3] Phụ nữ uống thuốc tránh thai có nhiều khả năng buồn nôn và nôn từ ngày 9-15 của chu kỳ.[4]
  2. Đến cửa hàng thực phẩm vào tối hôm trước. Mua các thức ăn mềm như sốt táo, súp gà, sữa chua, hoa quả đóng hộp, thạch, bánh pudding hoặc phô mai gạn kem.[5] Một thời gian sau phẫu thuật nên tránh các loại thực phẩm phải nhai, phải ăn thật nóng hoặc thật lạnh.[6]
    • Bạn cũng không nên uống bia rượu, soda, cà phê hoặc các thức uống nóng trong vài ngày đầu sau phẫu thuật.[7]
  3. Chuẩn bị các bộ phim, trò chơi và sách. Có thể bạn sẽ rất đau, do đó bạn cần có nhiều nguồn tiêu khiển để quên đi sự khó chịu. Bạn cần thư giãn vài ngày.[7]
  4. Nhờ ai đó đưa bạn đến bệnh viện. Bạn sẽ đi đứng không vững sau phẫu thuật, do đó bạn cần một người đưa bạn về nhà và giúp bạn mua thuốc giảm đau.[5]

Chăm sóc sau phẫu thuật[sửa]

  1. Giữ nguyên gạc tại vết thương ít nhất 30 phút. Không cố gắng thay gạc, vì điều này sẽ làm gián đoạn quá trình đông máu. Khi lấy miếng gạc đầu tiên ra, bạn cần giữ sạch vết thương và để yên. Không cố gắng nhổ máu ra thường xuyên, vì sự thay đổi áp suất trong miệng sẽ ngăn cản quá trình đông máu. Thay vào đó, bạn hãy dùng gạc sạch để thấm máu.
  2. Sử dụng các túi trà. Nếu vết thương vẫn chảy máu không ngớt sau 12 giờ, bạn nên dừng cắn vào gạc và chuyển sang cắn vào túi trà ẩm. Chất tannin trong lá trà hỗ trợ quá trình đông máu, và với một số người, chất caffeine giúp lưu thông máu. Quá trình này giúp tập kết tiểu cầu có chức năng làm đông máu ở vết thương, đẩy nhanh quá trình chữa lành và hồi phục.[2]
  3. Ngậm nước muối. Hòa 1 thìa cà phê muối biển với 240 ml nước ấm. Ngậm dung dịch trong miệng, nhẹ nhàng để cho ngấm một lúc, sau đó từ từ nhổ vào bồn rửa. Không súc ùng ục hoặc nhổ mạnh vì như vậy có thể sẽ khiến cục máu đông tại vết thương bật ra. Nước muối sẽ giúp mau lành và giảm kích ứng.[6]
    • Đảm bảo súc miệng thật nhẹ nhàng trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật.
    • Chỉ dùng nước muối làm sạch miệng trong 24 giờ đầu sau khi phẫu thuật. Chờ cho đến khi bác sĩ khuyên nên bắt đầu đánh răng lại (thông thường đánh răng vào ngày thứ hai sau phẫu thuật là an toàn).[6]
  4. Dùng đá viên để giảm đau và sưng. Bạn có thể chườm đá lên má để ngăn ngừa tình trạng sưng tấy trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật.[7]
    • Sau 24 đến 72 tiếng, đá lạnh có thể tiếp tục giúp bạn giảm đau nhưng sẽ không có tác dụng ngăn ngừa sưng tấy.[2] Nếu không có túi đá, bạn có thể dùng túi rau củ đông lạnh.
    • Sau một thời gian thích hợp, bạn hãy chườm nhiệt lên má theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật. Nếu tiếp tục chườm đá, phản ứng tự nhiên của cơ thể sẽ khiến vết thương sưng thêm.
  5. Kê cao đầu. Dù ngủ trên ghế xô-pha hay trên giường, bạn cũng nên kê hai chiếc gối hoặc nhiều hơn dưới đầu để nâng cao miệng. Việc nâng cao vết thương sẽ giúp giảm sưng.[5]
  6. Để sẵn các vật dụng cần thiết bên cạnh. Bạn sẽ cần nước, gạc, thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh để không phải đứng dậy đi lấy các thứ.[5]
  7. Tránh dùng ống hút để uống nước. Sức hút tạo ra trong miệng có thể đánh bật các cục máu đông và làm chậm quá trình chữa lành.[5]
  8. Tránh thuốc lá và bia rượu. Cả hai thứ này có thể ngăn cản quá trình hồi phục. Bạn nên chờ ít nhất 72 tiếng sau phẫu thuật mới sử dụng các sản phẩm thuốc lá (nhưng lâu hơn càng tốt).[5]
  9. Kiểm soát cơn đau. Bạn có thể uống thuốc giảm đau do bác sĩ kê toa, hoặc có thể uống thuốc ibuprofen không kê toa để ngăn ngừa tình trạng đau, viêm và sưng. Không dùng aspirin vì thuốc này có thể khiến bạn chảy máu và lâu lành.[5]
    • Nhớ uống thuốc giảm đau ngay sau khi rời bệnh viện. Uống thuốc khi ăn nhẹ để ngăn ngừa buồn nôn và nôn. Có thể bạn vẫn còn tê vì thuốc tê và bạn cho rằng không cần thuốc giảm đau. Tuy nhiên, sau khi thuốc tê hết tác dụng, bạn có thể thấy rất khó chịu.
    • Tránh lái xe hoặc vận hành máy móc trong ít nhất 24 tiếng. Thuốc tê và thuốc giảm đau có thể khiến các hoạt động này trở nên nguy hiểm.
    • Nói chuyện với bác sĩ nếu tình trạng buồn nôn hoặc nôn trở nên nghiêm trọng. Bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc giảm đau khác không gây buồn nôn.[8]
  10. Nhờ mọi người giúp đỡ. Nhờ cậy vợ/chồng, bạn bè hoặc gia đình chăm sóc trong thời gian hồi phục. Nhờ họ nghe điện thoại, giúp việc trong nhà, đem thức ăn đến và giúp bạn dễ chịu trong thời gian chờ vết thương lành.[6]

Lời khuyên[sửa]

  • Giữ ẩm cho môi, vì môi của bạn sẽ rất khô.
  • Ăn thức ăn mềm trong một tuần sau phẫu thuật.
  • Đặt một chiếc khăn lên gối khi ngủ ban đêm để đề phòng máu chảy xuống gối.
  • Tiếp tục đánh răng và làm vệ sinh lưỡi sau khi phẫu thuật. Chỉ có điều là nên cẩn thận, và tránh súc miệng bằng nước súc miệng.
  • Dùng túi đậu đông lạnh để chườm lên chỗ đau vì nó dễ uốn theo khuôn mặt.
  • Cài chuông báo giờ trong điện thoại để nhớ uống thuốc đúng giờ.
  • Dùng dầu ô liu súc miệng. Nó sẽ làm tan mảng bám – vốn xuất hiện nhiều hơn vì bạn cần đánh răng nhẹ nhàng hơn bình thường.
  • Thức ăn của em bé có thể là sự thay thế tốt. Đừng quên nêm thêm gia vị nếu thích!
  • Thông thường thuốc gây tê tại chỗ (được tiêm) không làm hại cảm giác của bạn như chất gây mê dạng khí. Hỏi nha sĩ về các lựa chọn khác nhau và tác dụng phụ của chúng.
  • Dùng nước súc miệng diệt khuẩn!
  • Cố gắng tránh các thức ăn giòn (như khoai tây chiên, ngũ cốc) và cay trong ít nhất một tuần. Các thức ăn này sẽ gây kích ứng vết thương. Thức ăn cứng có thể gây tổn thương, do đó bạn cần tránh cả các thức ăn này (cũng với thời gian kiêng thức ăn giòn và cay).
  • Cố gắng tránh các thức ăn dễ giắt vào kẽ răng như táo và ngô. Chúng có thể kẹt trong hốc răng đã bị nhổ đi và gây biến chứng và nhiễm trùng.

Cảnh báo[sửa]

  • Liên lạc với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật nếu bạn vẫn chảy máu sau 24 tiếng; nếu bạn thấy đau dữ dội hoặc khó khăn khi mở hàm; nếu các răng bên cạnh bị hư hại mão răng, cầu răng hoặc chân răng; nếu xuất hiện ổ răng khô, hoặc nếu miệng và môi vẫn còn tê sau khi phẫu thuật 24 tiếng.
  • Đảm bảo uống thuốc kháng sinh do bác sĩ kê toa nếu bạn có miễn dịch suy yếu hoặc khó khăn trong việc đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng. Cân nhắc dùng thuốc kháng sinh nếu bạn có van tim nhân tạo hoặc có dị tật tim bẩm sinh.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Thức ăn mềm, dễ ăn
  • Phim, trò chơi và sách
  • Gạc
  • Túi trà
  • Muối
  • Nước
  • Túi đá
  • Túi chườm nhiệt
  • Gối
  • Thuốc giảm đau

Nguồn và Trích dẫn[sửa]