Heo đất của con
Mục lục
1. Dùng tiền trong heo đất của con: Có nên?[sửa]
Đã bao giờ bạn tự ý lấy tiền tiết kiệm của con mà không nói gì? Rất nhiều phụ huynh đã làm như thế.
- Khoảng 38% phụ huynh ở Úc từng "mượn" tiền của con để trả những khoản chi khẩn cấp. 29% thừa nhận đã từng nói dối con cái về vấn đề tiền bạc.
- Khoảng 49% các phụ huynh Mĩ thừa nhận rằng họ từng “nhúng tay” vào tiền tiết kiệm của con mình. Thậm chí, 51% trong số đó cho biết rằng họ không cảm thấy tội lỗi vì đã làm điều này.
- Tại Anh: 20% phụ huynh thừa nhận lấy tiền của con mỗi năm. Trong số đó, 34% thừa nhận không phải lúc nào cũng trả lại tiền cho con. Và 39% cho biết con của họ đã phát hiện ra rằng tiền đã biến mất.
Vấn đề lớn ở đây là, số tiền thường được bòn rút trong bí mật. Một số cha mẹ biện minh qua loa rằng chính họ là người đã đề xuất ra việc nhét tiền vào heo đất hay tài khoản ngân hàng. Và nếu lý do để lấy tiền ra đủ lớn, thì cha mẹ nghiễm nhiên chẳng phải phải trả lại. Dù bạn đưa ra lời giải thích rằng bạn có trả lại hay không, hay khi nào bạn sẽ trả lại cho con thì việc biển thủ tiền tiết kiệm của con sẽ trở thành thông điệp: “Mọi thứ con muốn, con đều có thể lấy mà không cần xin phép”. Sau này, sẽ thật khó khăn nếu chúng ta có ý định trách mắng con vì con đã lấy tiền của cha mẹ mà không thấy chút tội lỗi.
2. Làm thế nào để con biết sử dụng tiền một cách thông minh hơn?[sửa]
Dưới đây là 3 cách bạn có thể tham khảo:
- Trò chuyện với con về tiền
Cứ mỗi 10 phụ huynh thì có khoảng 7 người ngại nói chuyện tiền nong với con cái. Lý do là bởi vì họ không muốn con bị lo lắng, chứ không phải là do họ tự ti với hiểu biết tài chính của bản thân. Bạn có nằm trong số 7 người đó không? Và có thực là việc nói cho con nghe về tiền nong sẽ khiến con cảm thấy âu lo, áp lực?
Một khảo sát của T. Rowe Price năm 2015 tiết lộ rằng việc trò chuyện với trẻ em về tiền bạc là rất quan trọng để giúp trẻ hiểu biết về tài chính. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 46% trẻ em có bố mẹ thường xuyên nói chuyện với mình về tiền cảm thấy tự tin hơn về tài chính cá nhân. Con số này chỉ đạt 14% ở những trẻ có bố mẹ không thường xuyên nói chuyện với chúng.
- Cho con một khoản phụ cấp
Vẫn còn nhiều tranh luận về việc khi nào thì nên bắt đầu cho con một khoản phụ cấp, và cho bao nhiêu là đủ. Nhưng những đứa trẻ từng được nhận trợ cấp từ cha mẹ thường có nhiều lợi thế hơn so với những đứa trẻ không có trợ cấp từ cha mẹ. Những lợi thế đó bao gồm:
- Tự tin về kiến thức quản lý tài chính cá nhân (32% so với 16%).
- Cảm thấy cách mình sử dụng tiền là hợp lí (40% so với 25%).
- Cho rằng cha mẹ mình đang thực hiện rất tốt trách nhiệm dạy con về tài chính (52% so với 31%).
- Để cho con được phạm sai lầm về chuyện tiền nong
Con người học hỏi từ những sai lầm. Nếu bạn để con được mắc sai lầm từ khi con còn nhỏ, thì mức phí cho bài học này chỉ khoảng 10k-100k. Còn nếu bạn để muộn hơn, khi con bạn đã 20 tuổi, thì mức phí cho bài học về cách tiêu tiền có thể sẽ gấp 10 lần hoặc nhiều hơn nữa. Đây chỉ là những con số giả định, nhưng hẳn bạn đã nhận ra khi nào sẽ là tốt hơn cho con, phải không?
Hãy đưa con ra chợ hay siêu thị, cho con thấy cách bạn so sánh giá cả với chất lượng sản phẩm. Hãy giải thích với con về các loại thuế, phí. Hay đầu tư hơn nữa, hãy cùng con lập ra mục tiêu cho việc chi tiêu và tiết kiệm hàng tháng.
Tham khảo[sửa]
(1) https://time.com/37949/why-parents-routinely-raid-their-kids-piggy-banks/
(2) https://fpa.com.au/news/parents-lie-borrow-money-kids/#_ftn1
(3) https://www.momtrends.com/education/raise-money-smart-kids
(4) https://www.slideshare.net/TRowePrice/t-rowe-prices-11th-annual-parents-kids-money-survey
(5) https://www.express.co.uk/news/uk/810354/parents-steal-money-children-piggy-banks
Nguồn[sửa]
- EdLab Asia, Pomona tổng hợp