Làm cha mẹ "ích kỷ lành mạnh"

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

“Làm cha mẹ" và “sự ích kỷ" là hai khái niệm dường như không thuộc về nhau. Chúng ta đã quá quen với việc làm cha mẹ yêu thương, âu yếm, chu đáo, tận tuỵ, hy sinh cho con… Bạn thường xuyên nói có với con dù rất mệt và cho rằng đó là việc đương nhiên. Bạn dành tất cả thời gian cho con dù thật ra con không cần nhiều thời gian đến vậy và đôi khi phung phí thời gian của bạn. Bạn có nghĩ nếu mình ích kỷ một chút, chăm lo cho bản thân mình hơn một chút, bạn có thể hạnh phúc hơn và cho con thấy một tấm gương hay hơn?

Con được gì khi cha mẹ ích kỷ lành mạnh?[sửa]

Không phải lúc nào ích kỷ cũng có nghĩa là tranh giành phần hơn với người khác. Sự ích kỷ lành mạnh đến từ suy nghĩ và ước muốn “tôi có ổn thì tôi mới có thể săn sóc và chăm lo cho người khác. Chỉ khi tôi ổn, tôi mới hoàn toàn hiện diện bên những người thân yêu khi họ cần đến tôi.” Để có được sự an ổn này, bạn phải cho phép mình nghĩ đến bản thân khi quyết định. Mỗi quyết định bạn đưa ra ngoài nghĩ đến người thân, đến con, còn có một phần quan trọng là nghĩ đến bản thân bạn.

Ảnh minh họa

Ba mẹ “ích kỷ lành mạnh" có nhiều tác động tốt đến con hơn bạn nghĩ. Đầu tiên, khi ba mẹ biết ích kỷ, chăm sóc và dành thời gian cho bản thân mình đúng mực, con sẽ có ba mẹ khoẻ mạnh, hạnh phúc, sáng suốt và thường xuyên có tâm trạng tốt. Không khí gia đình sẽ hoà nhã vui tươi hơn rất nhiều so với khi ba mẹ bỏ bê bản thân, trở nên kiệt sức và cáu gắt. Lợi ích thứ hai quan trọng hơn, đó là nếu lúc nào bạn cũng hy sinh và nhường nhịn thái quá, bạn đang dạy con bài học hãy luôn đặt bản thân mình sau cùng. Ba mẹ biết ích kỷ lành mạnh là đang dạy cho con cách yêu thương và chăm sóc bản thân mình, cách nói không khi cần thiết, cách tạo ra ranh giới cá nhân lành mạnh nhưng cương quyết.

Những cách “ích kỷ lành mạnh"[sửa]

Nói “không" khi cần thiết[sửa]

Nói không với đồng nghiệp khó một, nói không với người thân khó mười nhưng nói không với con hẳn khó đến một trăm. Cũng dễ hiểu thôi, khi đã làm cha mẹ, bạn rất khó cầm lòng trước lời yêu cầu, xin xỏ, ánh mắt buồn hay vẻ mặt phụng phịu của con, và cũng khó có niềm hạnh phúc nào sánh bằng nhìn thấy con vui. Nhưng có những khi, bạn rất cần từ chối yêu cầu của con và nếu bạn từ chối, con vẫn có rất nhiều lựa chọn khác. Đó là khi bạn phải làm việc tối thứ 6 rất khuya, nhưng sáng sớm thứ 7 con lại muốn bạn chở đến chỗ nhóm bạn. Hãy nói không. Con thích đổi điện thoại mới cho bằng bạn bằng bè, nhưng đó là khoản tiền khá lớn cho chi tiêu tháng này của gia đình. Hãy nói không. Con bỏ quên sách ở nhà lần thứ mười trong tháng và nhờ bạn từ công ty chạy về nhà lấy sách và đem đến trường cho con. Hãy nói không. Nói không từ tốn nhưng cương quyết, giải thích lý do và có thể suy nghĩ giải pháp thay thế cùng con. Đây là những lúc bạn cho con thấy cách nói không, cách tôn trọng bản thân mình và có khi là để con tự chịu trách nhiệm với những việc làm của mình.

Tôn trọng sở thích của mình[sửa]

Có bao giờ bạn xem hoặc không xem một bộ phim, bật hoặc không bật một bài nhạc, ăn hoặc không ăn một món ăn (đặc biệt là với các bà mẹ) chỉ vì con thích hoặc không thích những thứ đó chưa? Hãy tôn trọng sở thích của mình trước mặt con cái, bởi vì đó là một phần của bạn và đó là những thứ làm bạn hạnh phúc. Sao phải giấu mình trước con? Nếu con nhăn nhó khi bạn làm theo ý thích của mình, hoặc trêu chọc sở thích của bạn, hãy dạy con về sự quan trọng của việc chia sẻ trong gia đình, và yêu cầu con tôn trọng sở thích của ba mẹ như ba mẹ đã tôn trọng sở thích của con.

Tôn trọng cảm xúc của mình, thể hiện cảm xúc tiêu cực đúng cách[sửa]

Nếu con làm bạn buồn, giận… hãy nói cho con biết. Nếu hôm nay bạn về nhà với tâm trạng không vui, bạn cần con giúp một số việc để mình nghỉ ngơi, cần con chú ý đến sự mệt mỏi của mình mà đừng mở nhạc quá to, cần một cái ôm… hãy nói cho con biết điều đó. Bạn không cần phải “nhịn" như một người lớn để không ảnh hưởng đến con. Ngược lại, nếu được chia sẻ, con sẽ cảm thấy được tin tưởng như một thành viên có ích, sẽ học được từ bạn cách thành thật với cảm xúc của mình và biết yêu cầu sự giúp đỡ.

Sau bài viết này, hy vọng rằng ít nhất bạn sẽ không phản đối sự ích kỷ lành mạnh khi làm cha mẹ nữa. Tốt hơn một chút, là bạn bắt đầu nghĩ đến khái niệm này, nghĩ đến bản thân mình. Tuyệt vời nhất là bạn bắt đầu thực hành sự ích kỷ lành mạnh, thực hành cách yêu thương chăm sóc bản thân, vì bạn, vì con, vì một gia đình có hạnh phúc cả chung và riêng.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • RMIT & Cha Mẹ
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này