Huấn luyện thỏ đi vệ sinh

Từ VLOS
(đổi hướng từ Huấn luyện Thỏ Đi vệ sinh)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn muốn con thỏ mà mình mới nhận nuôi có thể tự do chạy nhảy quanh nhà, nhưng lo lắng về việc chúng đi bậy khắp nơi? Không cần phải lo. Thỏ là loài động vật có bản năng tự làm sạch, và việc huấn luyện chúng sử dụng khay vệ sinh không khó như bạn nghĩ. Chỉ cần thu thập đầy đủ dụng cụ, chuẩn bị khay vệ sinh, và huấn luyện thỏ cưng đi vệ sinh đúng chỗ. Đây là bài học rất dễ tiếp thu đối với hầu hết thỏ nhà.

Các bước[sửa]

Thu thập Dụng cụ[sửa]

  1. Mua khay vệ sinh. Đĩa/khay/hộp vệ sinh thiết kế dành cho thỏ có cạnh sau được nâng cao (nhằm tránh đất rơi vãi ra ngoài khi thỏ đào bới đất) và cạnh trước thấp hơn (để thỏ dễ dàng nhảy vào).[1] Bạn có thể mua vài khay để xung quanh nhà cũng như thay đổi dễ dàng khi dọn dẹp và tẩy uế khay vệ sinh.
    • Bạn không cần phải sử dụng khay vệ sinh dành cho thỏ đặc biệt. Khay dành cho mèo thông thường với cạnh thấp vẫn phù hợp, hoặc thậm chí là hộp giấy cứng có cạnh thấp (nhưng bạn nên chuẩn bị thay mới thường xuyên vì hộp giấy thường bị thỏ gặm nhấm).
  2. Chuẩn bị giấy báo. Dùng giấy báo lót lên khay để dọn dẹp khay vệ sinh dễ dàng hơn.[1]
    • Hầu hết giấy báo hiện nay được in bằng mực làm từ đậu nành không gây độc hại cho thỏ, nhưng bạn vẫn nên kiểm tra trước khi sử dụng. Mực in giấy báo cũng có thể dính lên bộ lông của thỏ và chuyển thành màu đen hoặc xám.
  3. Chọn đất vệ sinh phù hợp. Bạn nên mua sản phẩm an toàn cho thỏ, ví dụ như đất làm từ giấy hoặc vỏ cây dương chưa qua xử lý. Không nên sử dụng vỏ thông hoặc tuyết tùng, vì những loại này đã qua xử lý bằng dầu có thể gây kích ứng phổi của thỏ .[1]
    • Không sử dụng đất vệ sinh dành cho mèo có thành phần đất sét hoặc đất vón cục. Nếu thỏ ăn phải, những loại đất này có thể gây nên tắc nghẽn đường ruột.
  4. Mua chuồng thỏ. Chiều dài của chuồng nên gấp ba đến sáu lần chiều dài cơ thể thỏ. Bước đầu tiên trong quá trình huấn luyện đó là nhốt thỏ trong chuồng kèm theo thức ăn, nước và nơi trú ẩn ở một bên, và khay vệ sinh ở bên kia. Khu vực giới hạn khuyến khích thỏ không làm vươn vãi đất ra chỗ sinh hoạt, cũng như đi vệ sinh ở trong khay.[1]
  5. Mua cỏ khô chất lượng cao. Sử dụng cỏ khô để thu hút thỏ vào trong khay vệ sinh.[1] Thỏ thường thích gặm nhấm trong khi đi vệ sinh, vì vậy bước này sẽ kích thích chúng sử dụng khay.
  6. Mua xẻng xúc đất và chất tẩy uế. Bạn sẽ xúc đất bẩn chứa chất thải hằng ngày. Toàn bộ khay vệ sinh cần được tẩy uế ít nhất một tuần một lần.[1] Bạn có thể dùng chất tẩy uế công nghiệp thiết kế đặc biệt dành riêng cho động vật nhỏ.[2]

Chuẩn bị Khay vệ sinh và Chuồng[sửa]

  1. Đặt phân vào trong khay. Bạn có thể nhặt vài cục phân của thỏ và rải vào khay vệ sinh.
  2. Chuẩn bị khay vệ sinh. Gấp đôi giấy báo lại và lót lên khay. Đổ đất vệ sinh với độ dày khoảng 3 cm lên mặt giấy. Thỏ không có thói quen chôn vùi đất trong khay. Điều này khiến cho khay có mùi đặc trưng của thỏ và cho chúng biết rằng đây là địa điểm thích hợp để giải quyết nỗi buồn .[1]
  3. Đặt khay vệ sinh vào trong chuồng. Bạn nên để khay ở một góc chuồng và rải ít cỏ khô lên khay, hoặc gắn thêm máng cỏ khô tại vị trí đặt khay vệ sinh. Thỏ thích vừa ăn vừa đi vệ sinh, vì vậy cỏ khô ngon lành sẽ thu hút và khuyến khích chúng đi vệ sinh đúng chỗ.[1]
  4. Chuẩn bị chỗ nghỉ và thức ăn trong chuồng. Đặt nệm ngủ ở phía bên cạnh chuồng và để sẵn thức ăn, nước uống và nơi ngủ nghỉ.[1] Điều này giúp thỏ có chỗ để ẩn nấp và cảm thấy an toàn.
  5. Đặt nhiều khay vệ sinh rải rác khắp nhà. Bạn nên chuẩn bị khay ở những khu vực mà thỏ hay sinh hoạt hay chơi đùa. Bạn càng đặt nhiều khay vệ sinh, thì thỏ càng có khả năng sử dụng một trong số chúng.
    • Trước khi cho thỏ làm quen với khay vệ sinh trong lần đầu tiên, bạn nên quan sát và chú ý đến khu vực mà chúng giải quyết nỗi buồn. Vị trí điển hình đó là góc khuất phía sau. Sau khi xác định khu vực ưa thích của thỏ, bạn có thể đặt khay ở vị trí đó.

Huấn luyện Thỏ[sửa]

  1. Bắt đầu huấn luyện thỏ mới ngay khi bạn mang chúng về nhà. Thỏ trưởng thành học hỏi nhanh hơn thỏ con (dưới 4 tháng tuổi). Tuy nhiên, việc bắt đầu huấn luyện thỏ đi vệ sinh không bao giờ là quá sớm. Bạn nên chuẩn bị sẵn khay vệ sinh ngay khi mang thỏ về nhà, và bắt đầu dạy chúng cách sử dụng. Chỉ cần kiên trì và rồi thỏ sẽ tiếp thu bài học của mình.[3]
    • Trong giai đoạn đầu tiên, khi thỏ đi vệ sinh bên ngoài khay, bạn nên xúc phân và rải vào khay như là gợi ý để hướng dẫn chúng cần đi vệ sinh ở đâu.
  2. Cân nhắc triệt sản cho thỏ. Thỏ trưởng thành chưa triệt sản thường có bản tính đánh dấu lãnh thổ và chúng sử dụng mùi chất thải cho mục đích này. Quá trình này bao gồm để lại nước tiểu và phân xung quanh nhà, sử dụng mùi để đánh dấu lãnh thổ. Việc cho thỏ triệt sản sẽ giúp huấn luyện chúng dễ dàng hơn, bởi vì nhu cầu đánh dấu lãnh thổ của chúng sẽ giảm đi đáng kể.[4]
  3. Hướng dẫn thỏ sử dụng khay vệ sinh trong chuồng. Đầu tiên, bước này giúp hạn chế thỏ ở trong chuồng cùng với khay, vì vậy chúng sẽ học cách không đào bới đất ra khu vực ăn uống và nghỉ ngơi. Quá trình này chỉ mất vài ngày – một khi thỏ đã hiểu được bài học, bạn có thể bắt đầu cho thỏ ra ngoài.
  4. Cho thỏ ra ngoài chuồng trong khoảng thời gian ngắn. Khi bạn cho phép thỏ ra ngoài chơi đùa, nếu chúng ngồi xổm đi vệ sinh, bạn nên nhẹ nhàng nhấc chúng lên và đặt vào khay vệ sinh trong chuồng. Dấu hiệu cho thấy thỏ sắp đi vệ sinh đó là chúng giơ cao đôi tai lên. Bạn cần thận trọng với hành động này, nhưng điều này lại giúp bạn có thể bắt gặp thỏ đúng thời điểm.[1]
    • Trong các giai đoạn đầu khi huấn luyện, bạn không nên cho thỏ ra ngoài hơn mười phút liên tục, và cần phải quan sát liên tục khi chúng ở trong phòng (bạn muốn bắt lấy thỏ trước khi chúng giải quyết nỗi buồn). Một khi thỏ sử dụng khay thường xuyên, bạn có thể bớt cảnh giác cao độ và để chúng được tự do hơn.
  5. Chúc mừng thỏ vì đã học được cách sử dụng khay vệ sinh. Bạn không nên la mắng hoặc nổi giận với thỏ nếu chúng không sử dụng khay vệ sinh. Thỏ không tiếp thu theo cách này. Sự củng cố tích cực sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
    • Thưởng cho thỏ bằng miếng táo hoặc cà rốt, ngay sau khi chúng sử dụng khay vệ sinh. Hành động này sẽ tăng cường kết nối khả quan giữa việc giải quyết nỗi buồn và khay vệ sinh.
  6. Điều chỉnh số lượng khay vệ sinh. Sau khi thỏ bắt đầu sử dụng khay một cách chắc chắn, bạn có thể thay đổi số lượng hoặc chuyển vị trí các khay nếu cần.
    • Ví dụ như trong trường hợp thỏ chỉ dùng hai khay vệ sinh và phớt lờ những cái khác, thì bạn có thể dẹp bớt số khay dư thừa. Nếu thỏ không quan tâm đến khay vệ sinh, nhưng lại phóng uế ở góc phòng cách đó 1 m, thì bạn có thể dịch chuyển khay đến góc đó.

Dọn dẹp Khay vệ sinh và Khắc phục Sự cố[sửa]

  1. Vệ sinh khay cục bộ. Bạn nên xúc đất dính nước tiểu ra ngoài một lần một ngày. Bạn có thể để lại phân trong một ngày hoặc hơn để lưu lại mùi thu hút thỏ quay trở lại.[4]
  2. Không nên xúc hết phân ra ngoài khay. Khi dọn dẹp khay vệ sinh, bạn nên chú ý những cục phân lớn ẩm ướt tạo thành bởi thức ăn được tiêu hóa một nửa. Bạn nên để nguyên trong khay để thỏ ăn lại và hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu không có những cục phân này, thỏ có nguy cơ bị rối loạn dạ dày và tiêu chảy, nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.[5]
  3. Dọn sạch khay vệ sinh. Bạn nên đổ đất trong khay và rửa sạch một lần một tuần. Chỉ cần cho hết đất vào túi nhựa, buộc chặt và vứt vào thùng rác. Dùng chất tẩy uế để rửa khay, xả sạch bằng nước rồi để khô ráo. Sau đó sửa soạn lại khay vệ sinh bằng giấy báo và đất mới.[4]
    • Phòng khám thú y hoặc cửa hàng vật nuôi có bán chất tẩy uế an toàn đối với động vật.
  4. Dọn dẹp sạch sẽ nếu xảy ra sự cố. Bạn nên chấp nhận điều này, và rồi chùi rửa khu vực bẩn để thỏ không tiếp tục đi bậy. Sử dụng nước giặt sinh học và dùng giẻ hoặc miếng xốp sạch đểu tẩy rửa. Sau đó xả sạch với nước.[4]
    • Không nên la mắng hoặc trừng phạt thỏ. Chúng không thể học được điều gì khi bị phạt, hoặc là trở nên sợ hãi người đang phạt chúng.
    • Khi dọn dẹp chất thải, bạn cần kiểm tra độ bền màu của thảm.
  5. Khử triệt để mùi hôi còn sót lại. Bạn có thể dùng dung dịch bột nở lên tấm thảm, sau đó xả sạch với nước. Nếu bề mặt chất liệu mịn, như là gạch hoa hoặc vải sơn lót sàn nhà, thì bạn chỉ cần lau chùi sạch bằng cồn phẫu thuật.[4]
    • Không dùng sản phẩm vệ sinh có chứa thuốc tẩy. Loại này chứa a-mô-ni-ắc, một thành phần trong nước tiểu, và trên thực tế có thể làm cho mùi nước tiểu nồng hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Cạnh bên của khay vệ sinh nên đủ thấp để thỏ có thể nhảy ra nhảy vào dễ dàng.
  • Mua khay vệ sinh có màu sáng vì thỏ bị thu hút bởi màu sắc tươi sáng.
  • Nói chuyện nhẹ nhàng với thỏ.
  • Trong trường hợp thỏ quên mất thói quen sử dụng khay vệ sinh, bạn nên hạn chế khu vực tự do của chúng. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề tốt hơn. Hàng rào lưới thường phát huy tác dụng trong trường hợp này nhằm mục đích giảm bớt không gian cho đến khi thỏ bắt đầu lại thói quen sử dụng khay.
  • Nếu thỏ đi vệ sinh ở góc nhà và không dùng khay vệ sinh, bạn nên chuyển khay đến vị trí mà thỏ hay đi tiểu hoặc ị.
  • Một vài con thỏ thích loại đất hoặc khay khác. Nếu thỏ quen dùng kiểu khay vệ sinh nào đó khi còn ở nhà cũ, bạn nên chuẩn bị loại khay tương tự cho chúng.
  • Bạn cần đảm bảo chuồng vững chắc không bị hư hại.
  • Không cho thỏ chạy nhảy tự do cho đến khi chúng được huấn luyện. Khi cho thỏ ra ngoài, bạn nên mang theo khay vệ sinh.
  • Lấy một mẩu cỏ giả và đặt vào trong khay vệ sinh và cho thỏ thấy điều này. Chúng sẽ tiến lại gần trong vài ngày tiếp theo. Bạn có thể dùng giấm rửa sạch khu vực sàn nhà dính nước tiểu hoặc phân thỏ.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh sử dụng loại đất gỗ mềm, cùi bắp, đất sét và vón cục. Đất gỗ mềm thơm làm từ thông hoặc tuyết tùng thải ra chất khí gây tổn thương gan cũng như đường hô hấp của thỏ.
    • Việc hít phải bụi đất sét có thể gây kích ứng mũi và mắt thỏ và hình thành khối bụi trong phổi khiến cho chúng dễ mắc phải các bệnh liên quan đến hô hấp. Trong trường hợp thỏ ăn phải đất vón cục hoặc cùi bắp, thì hệ thống tiêu hóa của chúng có nguy cơ hình thành khối đặc dẫn đến ngừng hoạt động và thường gây tai hại nghiêm trọng.
    • Ngay cả khi bạn không thấy thỏ ăn đất, thì cũng không nên cho rằng chúng được an toàn tuyệt đối. Thỏ là loài động vật vệ sinh tỉ mỉ và chúng có thể ăn sạch những cục đất dính trên bộ lông của mình.[6]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 1,8 1,9 Tại sao Con thỏ của Tôi..? Anne McBride. Nhà xuất bản:Souvenir Press
  2. http://www.petco.com/Content/ArticleList/Article/0/-1/1430/Eliminating-Rabbit-Stains-and-Odors.aspx
  3. Sổ tay Y khoa Loài gặm nhấm và Thỏ. Laber-Laird, Swindle, & Flecknell. Nhà xuất bản: Pergamon
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 BSAVA Sổ tay Y khoa Loài thỏ. Meredith và Lord. Nhà xuất bản: BSAVA publications.
  5. Sổ tay Y khoa Loài gặm nhấm và Thỏ. Laber-Laird, Swindle, & Flecknell. Nhà xuất bản: Pergamon
  6. http://www.rabbit.org/journal/1/liver-disease.html

Liên kết đến đây