Ký họa và màu sắc với sinh viên điêu khắc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Từ trước đến nay, ta vẫn theo một quan niệm bất thành văn là ký họa thực tế được coi như một môn phụ của chuyên môn. Mục đích của những ngày thực tế nhằm thu thập tài liệu phục vụ cho một một ý đồ sáng tác đã được vạch sẵn từ trước. Nhưng ít ai trong chúng ta truyền đạt lại cho học sinh biết những bức ký họa nói riêng và môn Ký họa thực tế nói chung lại có một giá trị hết sức riêng biệt, không phụ thuộc vào bất cứ chuyên ngành nghệ thuật nào. Trong lịch sử hội họa của nước nhà, có biết bao bức ký họa đã trở thành những tác phẩm có giá trị to lớn không hề thua kém những tác phẩm nghệ thuật được làm trên những chất liệu truyền thống. Một ví dụ, trong kháng chiến chống Mỹ, những bức ký họa do tác giả Huỳnh Phương Đông thực hiện miêu tả cuộc sống chiến đấu của các chiến sĩ giải phóng quân, đã không còn mang ý nghĩa phác thảo và ký họa phục vụ cho ý đồ sáng tác của tác giả nữa, mà ngay chính bản thân chúng đã là những tác phẩm thực sự mang đầy đủ giá trị xã hội và giá trị nghệ thuật to lớn...

Tôi muốn nêu một vấn đề về môn Ký họa thực tế trong môi trường đào tạo của chúng ta khi có hai ngành học song song đều cần dùng đến chúng (Đó là Điêu khắc và Hội họa) . Phải chăng trong mỗi ngành đều có Ký họa mang tính chuyên môn riêng? Mà không hề có một sợi dây liên hệ nào giữa chúng và dẫn đến một hệ quả tất yếu: Ký họa thực tế chuyên ngành hội họa được phép dùng màu sắc còn Ký họa thực tế chuyên ngành Điêu khắc chỉ được phép dùng mực xạ với những sắc độ đen trắng ( Đây là một giải pháp đã được áp dụng vào kỳ thâm nhập thực tế năm học 2000 - 2001) . Nếu với lý do ngôn ngữ Hội họa là màu sắc với hình thức thể hiện trên mặt phẳng hai chiều còn Điêu khắc chỉ cần khối và thể hiện với hình thức khối ba chiều nên dẫn đến sự phân biệt trên thì không được thuyết phục lắm, bởi trong lúc ký họa, cảm xúc và nhu cầu thể hiện của học sinh hai khoa là như nhau. Thậm chí trong lúc ký họa, trước cảnh, vật và đối tượng học sinh không thể ý thức được mình đang là người của Điêu khắc hay đang là người của Hội họa. Vấn đề chuyên ngành chỉ nảy sinh khi học sinh chuyên khoa xử lý chúng để làm bài chuyên môn. Nếu chúng ta ép học sinh Điêu khắc phải ký họa sao cho thật rõ khối càng gần giống tượng càng tốt thì sẽ làm thui chột cảm xúc trước vẻ đẹp muôn vàn của tạo hóa và tước đi khả năng ham muốn diễn tả với nhiều hình thức khác nhau của các em. Sẽ gây nên một ức chế về tâm lý khiến cảm xúc bị tổn thương dẫn đến kết quả Thực tế càng yếu kém hơn. Kết quả dễ thấy nhất là hàng loạt ký họa của Điêu khắc không còn mang được chất “Lửa” của cuộc sống nữa, mà chỉ còn là cái bóng bởi nhác trông cái nào cũng gần giống như một phác thảo còn đang dang dở. Bởi lẽ trong thực tế, Cảm xúc và Tư duy là hai trạng thái tâm lý đối nghịch không thể cùng lúc tồn tại một thời điểm (Theo ý kiến hết sức cá nhân). Trong lúc tiếp xúc với thực tế đòi hỏi cảm xúc nhiều hơn nên không thể tư duy một cách sâu sắc được. Vì vậy ý đồ sáng tác chỉ thực hiện được sau đợt thực tế với một thời gian suy nghĩ và thai nghén, chắt lọc, sáng tạo phức tạp với sự tìm tòi hình thức thể hiện hợp với ý tưởng sáng tác, nên không thể có ngay được trong lúc ký họa được. Mặc dù, trước khi đi thực tế các em đều có những chủ đề riêng, nhưng những chủ đề này cũng hết sức khái quát và rộng lớn và không ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của các em.

Còn một lý do nữa khiến chủ trương này được áp dụng vì Hội họa sử dụng màu sắc thuần thục hơn, còn Điêu khắc trong mảng đào tạo không hề có chương trình về màu cơ bản nào. Vì vậy, sự lo sợ học sinh Điêu khắc không thuần thục về màu, nếu ký họa cho vẽ màu sẽ gây ra cho các em một sự lộn xộn về màu một cách không đáng có được nảy sinh trong lịch trình giảng dạy, (như màu sẽ bị lòe loẹt, không đúng gam sắc). Nhưng nếu chúng ta đặt ngược vấn đề, ta không cho các em học sinh Điêu khắc dùng màu ngay từ trong nhà trường thì liệu chắc chắn khi ra trường các em sẽ không đụng đến màu sắc không? Nếu các em có dùng màu thì chắc chắn sẽ là một mối lo ngại thực sự cho sự giáo dục thẩm mỹ trong xã hội (Vì các em sẽ là những nhà nghệ thuật tương lai với tấm bằng Cử nhân nghệ thuật) . Và trong công việc của Điêu khắc sẽ có tới mười phần trăm là có dính tới màu sắc (như màu gỗ, đá, đồng, phục chế tượng, giả màu chất liệu. .. và còn nhiều công việc tái tạo liên quan đến màu sắc của các chất liệu điêu khắc trong thiên nhiên) . Sự yếu kém trong nhà trường, thì người thầy giáo sẽ có cơ sở để uốn nắn, dạy dỗ, chỉ bảo cho các em, vì các em đang ở trong môi trường đào tạo cần tiếp thu kiến thức. Không vì sợ các em không làm được mà phủ nhận luôn nhu cầu chính đáng. Chế độ và cơ chế đào tạo ngày nay đã khác xưa nhiều. Chương trình đã bị cắt xén đi nhiều ( Với khoa Điêu khắc) do không còn đội ngũ dự trữ cho tuyển sinh Đại học (Trung cấp Điêu khắc không hiểu vì lý do gì mà không còn tồn tại nữa). Trong khi qui chế vào đại học ngành nghệ thuật phải có trình độ tương đương Trung cấp chuyên ngành. Hội họa còn có biên chế Trung cấp, bên Điêu khắc thì không còn đội ngũ này nữa (ngày trước, trung cấp Điêu khắc có năm đầu là có học Hội họa nên vấn đề về màu sắc không có vấn đề gì vì qua năm đầu tiên học về màu sắc các em cũng đã có một số vốn kiến thức về màu cơ bản).

Còn hiện nay trong 5 năm Đại học, Điêu khắc phải cân đối và dồn nén chương trình trong 8 năm (bậc học ngày xưa) vào trong 5 năm hiện nay và thiếu hẳn đi mảng năm thứ nhất trung cấp Hội họa. Và Điêu khắc đứng trước nguy cơ mù màu trong những thế hệ tới là một điều hiện thực không thể bàn cãi. Một sự thiệt thòi cho các thế hệ Điêu khắc sắp tới. Nếu Hội họa hiện giờ vẫn còn giữ những bài học Điêu khắc luân phiên truyền thống từ ngày xưa thì tại sao Điêu khắc không phát huy cách học đó nhằm bổ xung cho các em những kiến thức thiếu hụt do khách quan đưa lại nên không thể có được trình độ của năm trung cấp 1 hội họa. Các em học sinh Điêu khắc không phải vì các em dốt, hoặc kém màu mè nên mới thi Điêu khắc, mà ngược lại các em rất thích tiếp xúc với màu sắc. Chỉ cách đây ít lâu, ta không thể chấp nhận được một học sinh Mỹ thuật nói chung lại có tình trạng mù màu (bên học sinh Điêu khắc) , mù khối (bên học sinh Hội họa) , thì bây giờ hơn bao giờ hết cần phải lập lại sự cân bằng cần thiết trong lịch trình giảng dạy để tạo một sự hài hòa không thể thiếu giữa khối và màu sắc.

Theo nhu cầu thực tế hiện nay, quyền được hiểu biết thêm về màu sắc của sinh viên Điêu khắc là chính đáng. Sinh viên các khóa trước đã từng được học tập về màu sắc thì nay không có lý gì sinh viên các khóa sau phải chịu thiệt thòi. Nó góp phần nâng cao chất lượng ký họa thực tế và sự cảm nhận màu sắc trong những đợt thâm nhập thực tế hiện tại và sau khi ra trường của các em. Cũng như thế, sinh viên Hội họa đã và đang được học Điêu Khắc Luân Phiên để nâng cao khả năng cảm nhận về khối 3 chiều thực - lãnh vực không phải chuyên môn chính của các em.

Một điều cuối cùng là chúng ta không xem xét lại chương trình giảng dạy bổ trợ màu sắc cho Điêu khắc thì chắc chắn chúng ta còn phải chịu đựng trước mắt và hàng ngày, những bức tượng tốt nghiệp với chất liệu xi- măng cùng những màu sắc các em sơn phết trên đó hoàn toàn không tương xứng với tấm bằng CỬ NHÂN NGHỆ THUẬT mà với bất cứ sinh viên nào cũng đều tự hào khi nhận chúng trong lễ phát bằng tốt nghiệp với đầy đủ mũ áo cùng các nghi lễ Trang trọng và Tôn nghiêm.

Tác giả[sửa]

  • Phan xuân Hòa, Đại học nghệ thuật Huế (Ngày 4-11/2001)