Khoa học cần tách khỏi thế quyền!

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Thật là sai lầm khi kêu gọi các nhà khoa học phải trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là tạo ra tri thức.
 
— GS. TSKH, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam Ngô Việt Trung
GS. TSKH, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam Ngô Việt Trung

Là viện sĩ viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba – một địa chỉ khoa học được đánh giá có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm các thành viên tiêu biểu từ 63 nước đang phát triển và 14 nước phát triển – GS.TSKH, viện trưởng viện Toán học Việt Nam Ngô Việt Trung dường như vẫn chưa cất được gánh nặng dự cảm về đường đi và tương lai của ngành toán trong nước…

Ông nói: Hãy nhìn những nền khoa học của các nước xung quanh xem họ đã phát triển như thế nào dù mỗi nước có một nền văn hoá riêng, một truyền thống riêng. Nếu Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với mình nhất về dân số, về lịch sử, thì Trung Quốc khác ở suy nghĩ của một nước lớn và cách thức tổ chức bài bản; còn Singapore, tuy là một nước nhỏ nhưng lại biết chọn hướng đi rất hiệu quả… Tại sao chúng ta không phát triển như họ được? Bây giờ người ta hay đổ lỗi cho cơ chế. Dân thường có thể nói như vậy được, nhưng nếu một nhà lãnh đạo nói như vậy thì thật vô trách nhiệm vì họ là những người tạo ra cơ chế. Ví dụ như thang bậc lương dành cho các nhà khoa học giống hệt thang bậc áp dụng cho công chức các bộ. Điều đó nếu không xoá bỏ sẽ giết chết động lực lao động sáng tạo và sự tận tâm vì khoa học.

Nhưng thưa ông, đây đó vẫn có nhiều người cho rằng ngày nay phải thay đổi cách làm nghiên cứu khoa học thuần tuý?

Thật là sai lầm khi kêu gọi các nhà khoa học phải trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là tạo ra tri thức. Đòi hỏi công trình của họ phải có ứng dụng là ấu trĩ. Xã hội ngày nay có sự phân công lao động sâu sắc, và các nhà khoa học phải đảm đương những nhiệm vụ riêng trong lãnh vực của mình. Vậy các nhà toán học đóng góp gì cho đất nước? Có lẽ cái quý nhất chúng tôi làm được là giữ được trình độ toán học của nước ta ở một mức nào đó – tức là giữ một mặt bằng về kiến thức toán để từ đó đảm bảo sự phát triển của xã hội. Toán học xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống và mỗi người chúng ta đều cần có những kiến thức toán học nhất định để làm tốt công việc của mình.

Ông bình luận thế nào về các bảng xếp hạng cho toán học Việt Nam?

Người ta hay nói vậy nhưng thực ra không có xếp hạng chính thức. Vấn đề ở đây không phải là xếp hạng mà là nền toán học Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hay chưa? Câu trả lời là chưa. Chỉ xét khía cạnh giáo dục thôi thì chúng ta có thể thấy hầu hết các trường đại học hiện nay đều không có cán bộ giảng dạy toán có trình độ.

Thay vì học toán, làm khoa học cơ bản, ngày nay các ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính… được xã hội ưa chuộng hơn nhiều, ông có cho rằng toán học một lúc nào đó sẽ lỗi thời?

Tôi thấy có nhiều người xuất chúng ở Việt Nam đều có nền tảng toán học tốt trước khi chuyển sang các ngành khác. Đó là một xu thế. Tôi nhớ những năm ta mới mở cửa, có một quỹ học bổng của Mỹ sang Việt Nam tuyển sinh trong lĩnh vực luật và kinh tế. Việc đầu tiên của họ khi đến đây là tìm các người trẻ ở viện Toán và viện Vật lý để tuyển. Con một anh bạn tôi làm tiến sĩ kinh tế ở đại học Columbia nổi tiếng về lĩnh vực kinh tế được yêu cầu chuẩn bị kiến thức toán học cao hơn rất nhiều người được đào tạo cử nhân toán của Việt Nam hiện nay.

Toán học đã và sẽ phát huy thế mạnh của mình ra sao trong phát triển, điều hành đất nước ta hiện nay, theo ông?

Phần lớn các nhà khoa học hiện nay có thu nhập thực tế vào loại thấp ở các thành phố. Thiết nghĩ phải có những ứng xử thích đáng với những người là nguyên khí, tinh hoa khoa học của đất nước.

Chỉ riêng lĩnh vực quốc phòng đã có những đòi hỏi cao về toán. Ví dụ chiến tranh điện tử chỉ cần một – hai phút đã có thể làm tê liệt toàn bộ hệ thống truyền thông của một quốc gia hay của một phần thế giới. Để bảo đảm an ninh mạng, luôn cần có sự tham gia của những nhà toán học thực sự. Hay để thoát khỏi nền kinh tế trung bình thì chúng ta cần có những sản phẩm công nghệ cạnh tranh được trên thế giới, mà để phát triển những sản phẩm này phải áp dụng các kiến thức toán học để có thể tối ưu hoá khâu thiết kế hay quy trình sản xuất.

Đánh giá của ông về cách ứng xử và đãi ngộ người làm khoa học hiện nay?

Gần đây, nhân dịp phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, tôi có phát biểu rằng Nhà nước xây nhà cho người nghèo, sinh viên, công nhân… thế thì tại sao lại không xây nhà cho các nhà khoa học? Phần lớn các nhà khoa học hiện nay có thu nhập thực tế vào loại thấp ở các thành phố. Thiết nghĩ phải có những ứng xử thích đáng với những người là nguyên khí, tinh hoa khoa học của đất nước. Có một thực tế đau lòng là những học sinh giỏi nhất của chúng ta hiện nay đều tìm đường đi học ở nước ngoài và không trở về nước làm việc. Họ không nhìn thấy tương lai trên quê hương mình.

Ông có nghĩ: chúng ta đang bước vào thời đại kinh tế tri thức, nhưng dường như vai trò của trí thức Việt Nam ngày càng mờ nhạt?

Tôi nghĩ là do sự đánh giá bằng cấp thiên về hình thức mà không trên cơ sở chất lượng đã dẫn người ta đến chỗ coi thường mọi chức danh. Mặt khác, bộ máy nhà nước cũng chưa thực sự coi trọng vai trò tư vấn và phản biện của trí thức. Chúng ta không có những cơ chế để đảm bảo vai trò của trí thức trong các hoạt động kinh tế và xã hội.

Có thể có một tiêu chí “chính xác như toán học” trong việc khai thác nguồn lực con người không, thưa ông?

Trong chiến tranh, chúng ta đều đánh giá được ai giỏi, ai tài thực sự, tại sao bây giờ lại không làm được? Lý do là chuyên môn hiện nay không đóng vai trò chính khi làm công tác nhân sự. Các bằng cấp về chính trị và hành chính chẳng giúp ích gì cho công tác chuyên môn? Quan điểm của tôi là những việc gì liên quan đến khoa học hãy để cho các hội đồng khoa học quyết định. Khoa học cần phải tách khỏi thế quyền!

Đội ngũ những nhà toán học Việt Nam hiện nay có còn đứng trước nguy cơ phân tán bởi những lý do ngoài toán học?

Ngành toán đang đứng trước nguy cơ thụt lùi. Hy vọng ngành toán sẽ giữ được những người say mê toán. Xã hội nhiều biến động nên muốn làm khoa học thực sự phải rất kiên trì, nhất là trong khi Nhà nước ta chưa hỗ trợ nhiều cho khoa học.

Ở cương vị viện trưởng, kinh nghiệm quản lý nào của người đi trước mà ông tâm đắc? “Làm sao để các cơ quan nghiên cứu đều có thể có một cơ chế thoáng và hiện đại như viện Toán nhỉ” – có một ý kiến như vậy trên diễn đàn mạng…

Viện tôi có cái may là các đời viện trưởng đều coi chuyên môn làm đầu. Mọi công việc, đánh giá đều dựa theo các chuẩn mực quốc tế. Phần lớn cán bộ đều được đào tạo ở nước ngoài về nên chúng tôi sớm tạo ra được cung cách làm việc hiện đại. Tâm niệm của chúng tôi: lơi là chuyên môn là tự giết mình, vai trò của viện sẽ đi xuống ngay.

Bí quyết giữ người ở cơ quan ông?

Chỉ có một cách duy nhất là tạo môi trường phát triển chuyên môn tốt. Ưu điểm của viện là không khí khoa học không bị ảnh hưởng bởi bộ máy hành chính. Chúng tôi hay đùa với nhau: người làm toán học thường có tính cách đặc biệt (mạnh), thậm chí không bình thường, ra cơ quan ngoài khó sống nhưng ở lại viện thì lại có thể phát triển được!

Ra nước ngoài làm việc là cách của “công dân toàn cầu”, với các nhà khoa học, đó là đóng góp cho sự nghiệp khoa học chung, trong đó có Việt Nam. Ý kiến của ông?

Các đồng nghiệp của tôi, ai cũng yêu nước. Có người đi ra nước ngoài rồi vẫn quan tâm đến đời sống và các hoạt động trong nước. Chỉ tiếc những người ra đi không phải vì tiền mà vì không nhìn thấy tương lai phát triển về mặt chuyên môn. Thế nên có tình trạng những học sinh giỏi nhất đều đi du học rất sớm, mà đã đi thì hầu như không về, có về cũng khó sống… Nhưng nếu những người giỏi đều là công dân toàn cầu cả thì ai sẽ làm cho khoa học trong nước phát triển đây?

Ông đang nghĩ gì về thời cuộc và cơ hội phát triển của đất nước?

Chúng ta tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc. Nhưng Việt Nam hiện là một nước nghèo. Một câu hỏi: Tại sao một đất nước cần cù như Việt Nam mình mà không phát triển được như Singapore, Trung Quốc và ngày càng cách xa họ? Không thể đổ lỗi cho người dân hay hoàn cảnh. So với mình, Hàn Quốc tài nguyên không có gì, mà sao phát triển rất nhanh? Về mặt hiếu học, mình không thua họ, vậy có phải mình thua là do lãnh đạo cao nhất của mình chưa tìm được quyết sách phát triển cho đất nước?

Ngoài ý thức kém, thói tư lợi có phải là nguyên nhân sâu xa, là dấu trừ của tiến bộ xã hội?

Tư lợi cũng có thể được xem như một động lực phát triển, nhưng phải được đặt trong một luật chơi minh bạch, công khai, công bằng để mọi người cùng tham gia…

Qua lăng kính nhà nghiên cứu, ông có cho rằng trả giá cho sự phát triển bằng việc đánh mất những cơ hội đang là một mâu thuẫn thời đại?

Thì phải có đối sách, phải nhìn xa. Không thể để xã hội tự thân vận động mà không nhìn thấy trách nhiệm của các nhà chính trị… Singapore là một ví dụ rất tốt về sự phát triển bền vững.

Vậy, dấu cộng nhân văn của toán học, theo ông?

Bản thân toán học là nhân văn. Vì toán học làm ra tri thức giúp cho sự phát triển và hoàn thiện của con người. Nhân nói đến chuyện nhân văn, tôi thấy không đâu vô vị như truyền thông ở ta, toàn khai thác chuyện xấu. Nhiều lúc tôi tự hỏi người ta đưa ra những chuyện đó để làm gì? Có cảm giác các giá trị nhân văn đang bị bỏ rơi. Giáo dục cũng vậy. Không còn thấy nữa những bài học vỡ lòng đơn sơ mà in đậm đến tận bây giờ…

Có vẻ, nhà toán học trong ông vẫn thường hay ngoái lại ngày xưa…À, điều đó là thể hiện của một người có tuổi…

Một áp đặt có lẽ từ tiểu thuyết, phim ảnh hay những giai thoại gây nên: các nhà khoa học cũng đôi khi… ngây thơ ! Ông sẽ phản biện chứ?

Không ngây thơ đâu. Có những người rất bặt thiệp, linh hoạt. Vì làm khoa học, nên họ cũng là người rất tôn trọng chân lý, trong công việc hay lý sự, hay nhắm tới cái hoàn mỹ. Họ cũng hay mắc lỗi đó trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, người thân. Nhà khoa học lại hay logic hình thức, cái gì cũng phải hoàn hảo, không quan tâm xã hội phức tạp hơn thế nhiều… Có lẽ, họ cần biết thoả hiệp, nhất là khi đi vào cuộc sống.

Khi nào và điều gì khiến ông tin vào những giá trị mà mình đang theo đuổi là đúng? Ngoài toán học, đâu là điểm tựa tinh thần của ông?

Người làm khoa học thực sự chắc chắn được xã hội coi trọng thông qua những trách nhiệm xã hội như được mời giảng dạy, nói chuyện, tham gia các hoạt động khoa học của đất nước... Qua đó tôi có cảm giác cuộc sống của mình có ý nghĩa. Ở nước ngoài, khó có cảm giác đó vì chỉ là làm thuê mà thôi… Tôi luôn tự nhủ mình phải đóng góp cho xã hội bằng cách làm chuyên môn cho tốt. Nhưng nhìn ra xã hội nhiều khi cũng nản lòng và đôi khi phải biết chấp nhận những gì không thay đổi được.

Sinh ra trong một gia đình có xuất phát điểm cao, điều gì giữ ông lại với công việc hiện nay trước những cơ hội, những lời mời, những ngả rẽ số phận?

Như những người bình thường, tôi cũng có những lúc cân nhắc về nghề nghiệp. Có lẽ, để theo nghề toán đến cùng, hơn 35 năm qua với tôi là lòng say mê. Hạnh phúc là được làm khoa học và có được những thành công. Ông có thể chấm phá vài nét về chính mình: quê hương, tuổi thơ, người cha, những đứa con…

Quê tôi ở Quảng Nam và tôi chịu ít nhiều ảnh hưởng của quê hương qua cha mình mặc dù không sinh sống ở đó. Tuổi thơ của tôi chủ yếu gắn với các vùng thôn quê, các thị trấn nhỏ ở Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tây vì cha mẹ tôi hay đi công tác xa và gửi tôi sống ở những nơi đó. Tôi từng cấy gặt, tát nước, bắt cá và nói chung là rất hiếu động dù bị liệt một chân từ bé. Thi thoảng tôi vẫn kể lại những chuyện đó cho trẻ con nhà tôi và chúng gọi đó là chuyện cổ tích…

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này