Kiếm tiền khi học đại học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khi bạn học đại học, tiền bạc hầu như lúc nào cũng eo hẹp. Cho dù bạn vào học ở một trường cao đẳng cộng đồng hay trường đại học danh tiếng hàng đầu, việc vừa xoay xở cho cuộc sống trong khi vẫn nỗ lực duy trì vị trí top đầu ở trường quả là một thách thức. Hãy đọc tiếp để biết những cách hữu ích để kiếm thêm tiền mà không đặt điểm số của bạn vào nguy cơ tụt hạng.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Kiếm tiền cho việc học[sửa]

  1. Nộp đơn xin học bổng và trợ cấp. Nhiều sinh viên nghĩ họ chỉ có thể được tài trợ khi bắt đầu nộp đơn xin nhập học. Đây là một sai lầm! Thường có những cơ hội học bổng mới cho các sinh viên hai năm cuối, mặc dù không được quảng bá rộng rãi. Bạn cũng có thể xin học bổng hoặc trợ cấp bên ngoài do các tổ chức ngoài trường trao tặng.
    • Bắt đầu với việc đọc kỹ các bảng tin của trường và chú ý các thông báo qua email.
    • Bạn cũng có thể tìm kiếm trên mạng các cơ hội tài trợ mới, và có các ứng dụng mà bạn có thể tải miễn phí (hoặc phí rất thấp như ứng dụng Scholly, chỉ 99 cent) có thể giúp bạn tìm kiếm.[1]
  2. Dạy kèm. Một trong những phương pháp tốt nhất để học một môn học là dạy môn đó. Khi làm gia sư, bạn có thể mài giũa kiến thức của mình về lĩnh vực đó, thể hiện giá trị dịch vụ mà bạn cung cấp, đồng thời kiếm thêm thu nhập – đây là kịch bản đôi bên cùng có lợi cho tất cả mọi người liên quan!
    • Bạn có thể được trả lương thông qua trường khi dạy kèm cho sinh viên học các lớp mà bạn đã hoàn thành và học giỏi, hoặc bạn có thể tự giới thiệu dịch vụ của mình với các bạn học.
    • Để tìm cơ hội dạy kèm, bạn hãy gặp tư vấn viên hoặc các giáo sư, hay đến trung tâm gia sư trong trường.
  3. Kiếm tiền từ việc ghi chép. Hy vọng là bạn đã ghi chép cẩn thận, đầy đủ bài giảng trong lớp vì lợi ích của chính bạn. Sao bạn không tận dụng nỗ lực của mình để đem lại gấp đôi lợi ích?
    • Có nhiều sinh viên cần sự sắp xếp đặc biệt do không có khả năng ghi chép bài học (thường là vô danh).
    • Những vị trí này thường được trả công – thông thường bạn có thể kiếm được $10 cho mỗi giờ học. Bạn sẽ ghi chép cẩn thận, đánh máy lại và gửi email hoặc để lại chỗ dịch vụ cho người khuyết tật, sau đó những ghi chép này được chuyển cho những sinh viên cần đến.
  4. Chú ý các email về việc cần người ghi chép. Khi nhận được nhu cầu của một sinh viên không có khả năng ghi chép, dịch vụ người khuyết tật sẽ liên hệ với các giáo sư, hỏi xem những sinh viên nào tình nguyện làm công việc ghi chép, sau đó giáo sư của bạn sẽ gửi email cho lớp.
    • Nhanh chóng trả lời email trước khi các sinh viên đang kẹt tiền khác giành mất công việc!
  5. Tự giới thiệu dịch vụ của mình. Bạn cũng có thể trực tiếp liên hệ với dịch vụ người khuyết tật xem họ có cần người ghi chép về những môn bạn đang học không, hoặc bạn có thể tự giới thiệu dịch vụ của mình với các bạn học.
    • Nếu tự giới thiệu, bạn cần đảm bảo không vi phạm quy định của lớp hay của trường.
  6. Đọc và sửa bài luận của các bạn học. Nếu giỏi viết lách và biên tập, bạn có thể mài giũa kỹ năng của mình đồng thời kiếm tiền từ việc này bằng cách đề nghị sửa bài cho các bạn học với giá hợp lý.
    • Loan truyền trong bạn bè và cân nhắc phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ.
  7. Nghiên cứu kỹ về điều lệ danh dự của trường. Nếu thực sự làm công việc sửa bài, bạn cần cẩn thận khi gửi phản hồi và đưa ra đề nghị xem lại bài. Bạn phải biết rõ về điều lệ danh dự và quy định của trường liên quan đến việc đạo văn.
    • Kiểm tra lại quy định riêng của giáo sư về việc chia sẻ bài viết giữa các sinh viên. Một số giáo sư giao bài tập ở nhà cũng gần như những bài kiểm tra, và họ cấm sinh viên trao đổi với nhau trong quá trình làm bài.
    • Nếu bạn viết lại bài thay vì chỉ đọc và sửa cho ai đó, cả hai bạn có thể bị buộc tội gian lận học thuật và phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là bị đuổi học.
  8. Tận dụng kỹ năng đánh máy tốt và trình độ tin học của bạn. Nếu bạn đánh máy nhanh và chính xác, nếu bạn có khả năng tạo ra các phần trình bày thú vị với các biểu đồ phức tạp, hoặc giỏi tạo bảng và đồ thị để thể hiện các dữ liệu, bạn có thể được trả công để dạy và giúp đỡ các bạn sinh viên khác làm bài tập, đồng thời mài giũa kỹ năng của mình.
  9. Nhờ dịch vụ việc làm. Đa số các trường đại học đều có văn phòng dịch vụ việc làm, qua đó các sinh viên được tư vấn về các khả năng của thị trường việc làm, được giúp đỡ chuẩn bị nộp hồ sơ xin việc làm và dự phỏng vấn khi sắp tốt nghiệp. Tuy nhiên, đừng cho rằng bạn chỉ tận dụng nguồn này khi là sinh viên năm cuối.
    • Bạn thường có thể tìm thấy các quảng cáo tuyển vị trí thực tập có lương và các việc làm bán thời gian liên quan đến ngành học của bạn tại văn phòng dịch vụ việc làm.
    • Việc sớm tìm các cơ hội như vậy ngay từ khi mới vào học không chỉ giúp bạn giỏi trong lĩnh vực của mình và thêm điểm cộng cho hồ sơ xin việc của bạn mà còn đem lại một số tiền mà bạn cần khi còn đang đi học.
  10. Tham dự các cuộc thi học thuật. Có thể bạn thường tìm được các cuộc thi viết luận và cuộc thi trí tuệ (như trong lĩnh vực khoa học hay kỹ thuật), trong đó có thưởng tiền cho những người đoạt thứ hạng cao.
    • Lưu ý đến các cơ hội này bằng cách thường xuyên đọc bảng tin của trường (bắt đầu bằng việc tìm kiếm ở các phòng đào tạo và thư viện), kiểm tra kỹ email và trực tiếp gặp tư vấn viên và/ hoặc các giáo sư để hỏi xem họ có biết những cuộc thi nào có thể thích hợp với bạn.
    • Ngay cả khi không thắng cuộc, bạn cũng sẽ có thêm kinh nghiệm trong ngành học của mình, tạo sự kết nối và đóng góp cho hồ sơ xin việc của bạn.

Tìm các hình thức khác để kiếm tiền trong trường[sửa]

  1. Đăng ký vào chương trình việc làm cho sinh viên. Cho dù không được nhận khi lần đầu nộp hồ sơ nhập học, bây giờ bạn vẫn có thể nộp đơn. Đến văn phòng trợ giúp tài chính để xem liệu bạn vẫn có thể nộp đơn không (hoặc nộp đơn lại nếu điều kiện tài chính của bạn gần đây đã thay đổi).
    • Có đủ loại việc làm trong trường, từ công việc trong khu nhà ăn cho đến công việc hành chính ở khoa đào tạo, thậm chí làm việc ở nhà hát của trường, nơi bạn sẽ được xem phim và các buổi trình diễn miễn phí!
  2. Tìm hiểu xem trường của bạn có tham gia chương trình việc làm dành cho sinh viên của chính quyền liên bang không. Chương trình này cung cấp các cơ hội việc làm bán thời gian cho sinh viên với sự hỗ trợ tài chính, và đảm bảo bạn sẽ được trả công ít nhất là với mức lương tối thiểu của liên bang.[2]
    • Các vị trí có sẵn thường liên quan đến ngành học của bạn và có tinh thần công dân, hướng đến lợi ích của công chúng.[2]
  3. Trở thành RA (quản lý ký túc xá). Nếu bạn sống trong ký túc xá, bạn tham gia tích cực vào các hoạt động ở ký túc xá và trường học, có điểm trung bình cao và thích làm công việc tư vấn cho người khác, vậy thì việc trở thành RA có thể là một cơ hội tuyệt vời cho bạn.
    • Mặc dù có thể không kiếm thêm được tiền từ việc làm RA, bạn thường được miễn phí hoặc được giảm đáng kể tiền phòng và tiền ăn, giúp bạn để dành tiền cho các chi phí khác. Tuy nhiên, một vài trường có trả thù lao cho RA.[3]
  4. Làm chuột bạch thí nghiệm. Đọc kỹ bảng tin của trường để tìm các thông báo tuyển người tình nguyện cho các nghiên cứu tâm lý hoặc thử nghiệm thuốc.[4]
    • Những công việc này thường trả số tiền cố định, tuy ở một số trường, bạn có thể kiếm đến $20 một giờ khi làm những công việc đơn giản (và có thể lý thú) như trả lời các câu hỏi trắc nghiệm.[5]
  5. Kiểm tra để chắc rằng cuộc thử nghiệm là an toàn. Trước khi đồng ý tham gia, bạn cần đảm bảo rằng cuộc thử nghiệm đã được phê chuẩn bởi Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh hoặc Chương trình Đối tượng Con người. Việc này nhằm bảo vệ các quyền lợi cũng như sức khỏe thể chất và tâm thần của bạn.[6]
  6. Tìm kiếm các nghiên cứu thử nghiệm ngoài trường. Nếu không tìm được cơ hội tham gia trong chương trình nghiên cứu ở trường, bạn hãy lên website thử nghiệm y khoa chính thức của chính phủ Hoa Kỳ để tìm các thử nghiệm hợp pháp trong khu vực. Bạn cũng có thể ghé website của các bệnh viện ở địa phương để tìm nhu cầu tuyển người tham gia.[7]
  7. Bán sách giáo khoa vào cuối học kỳ. Một trong những chi phí lớn nhất của bạn có lẽ là tiền mua sách. Bạn thường có thể lấy lại một số lớn tiền vào cuối học kỳ bằng cách bán lại sách.
    • Đôi khi các nhà sách trong trường mua lại sách, nhưng nhiều trường cũng cho phép các công ty độc lập mở các hiệu sách vào cuối học kỳ. Bạn cũng có thể khảo sát các hiệu sách cũ ở địa phương để xem họ có mua sách cũ không.
    • Để tăng cơ hội bán sách (hoặc bán với giá tốt), bạn cần giữ gìn sách trong suốt thời gian học, tránh làm bẩn sách bằng các ghi chú và tô màu.
  8. Trở thành chuyên gia sắp xếp. Thật khó mà thành công trong học tập (hoặc trong bất cứ việc gì) nếu tài liệu làm việc của bạn là một đống hỗn độn. Hãy dành thời gian phát triển kỹ năng sắp xếp và giới thiệu dịch vụ của bạn với các bạn học, thậm chí với cả các giáo sư của bạn.
    • Đề nghị giúp khách hàng xem xét các tập tài liệu (cả giấy và điện tử), đồng thời giúp họ học cách phân loại và sắp xếp công việc để họ có thể tự quản lý.
  9. Quảng cáo dịch vụ dọn dẹp và giặt ủi. Sinh viên đại học thường không được tiếng là giữ gìn phòng ở sạch sẽ hay chăm chỉ giặt giũ. Nếu không ngại làm hai công việc này và nếu chịu được sự bừa bộn và mùi hôi, bạn có thể suy nghĩ kiếm tiền bằng việc dọn phòng trong ký túc xá hoặc giặt giũ cho những bạn học lười biếng hơn.
  10. Mở tiệm chăm sóc sắc đẹp trong phòng ký túc xá (hoặc đến tận nơi). Nếu có tài làm móng, làm tóc hay trang điểm, bạn hãy suy nghĩ quảng cáo dịch vụ này đến các bạn học, đặc biệt là trước các sự kiện lớn như ngày hội nữ sinh hay lễ Valentine.
    • Khảo sát giá cả dịch vụ ở các salon địa phương và giảm đến mức giá mà bạn vẫn có lợi nhuận và các bạn học của bạn có thể trả được.
  11. Mở tiệm bán đồ ăn vặt. Sinh viên đại học hay ăn vặt thì chẳng phải là chuyện lạ! Nếu bạn khéo tay nướng bánh (hoặc thậm chí chỉ cần khảo sát kỹ về các món ăn vặt đóng gói sẵn), bạn hãy lợi dụng cái đói liên miên của các bạn học!
    • Phát tờ rơi với những tấm ảnh chụp các món nướng hấp dẫn, hoặc đến thư viện và các điểm học tập khác vào những thời điểm quan trọng như giữa học kỳ hay trong tuần thi tốt nghiệp.
    • Nếu bạn là cú đêm, chắc hẳn bạn sẽ thấy các sinh viên đi vơ vẩn tìm đồ ăn vặt từ nửa đêm đến gần sáng vào thứ sáu và thứ bảy (thậm chí cả thứ năm ở một số trường đại học “ăn chơi”). Tuy nhiên, nếu quyết định bán cho dân ăn đêm thì việc hợp tác với một người khác là khôn ngoan và an toàn hơn cả.
  12. Lập trung tâm tái chế trong phòng ký túc xá của bạn. Nếu bạn đang ở một bang nhận thu mua lại lon và vỏ chai, bạn có thể dễ dàng kiếm tiền bằng cách thu thập và mang trả các lon soda.[7]
    • Suy nghĩ đầu tư món tiền nhỏ mua một thùng rác nhựa lớn, lót bao ni lông dày bên trong và trang trí với tấm biển ghi: “Xin hãy bỏ vỏ lon soda vào đây!”. Đặt thùng bên ngoài phòng của bạn, và sau đó mọi việc bạn cần làm chỉ là phân loại trước khi đem tới trung tâm thu mua.
    • Đảm bảo rằng việc này không vi phạm nội quy ký túc xá. Nếu được phép, bạn cũng có thể đi kiểm tra các thùng rác tái chế khác đặt trong trường.

Tìm việc bên ngoài trường[sửa]

  1. Tìm kiếm các công việc được nhận tiền bo. Đối với sinh viên đại học, việc có tiền nhanh là cực kỳ cần thiết. Bạn hãy tìm các cơ hội việc làm bán thời gian có thể giúp bạn có tiền trong tay khi hết ca.
    • Phục vụ hay pha chế rượu ở quầy bar trong nhà hàng, đậu xe cho khách ở khách sạn hoặc nhà hàng, giao thức ăn (thường yêu cầu bạn phải có xe riêng và bảo hiểm), hoặc biểu diễn ngoài đường phố là các lựa chọn tốt.[8]
  2. Tìm việc bán thời gian ở các cửa hiệu. Đi xuống phố và khảo sát các doanh nghiệp quanh vùng bạn ở. Bạn có thể tìm được việc làm bán thời gian phù hợp với lịch học ở trường.
    • Mặc dù nên kiểm tra thường xuyên các mẩu quảng cáo tuyển nhân viên, bạn cũng nên biết là không phải doanh nghiệp nào cũng dùng cách này, và bạn có thể có cơ hội tốt hơn nếu trực tiếp hỏi thăm về các cơ hội việc làm.
    • Chuẩn bị sẵn bản hồ sơ xin việc và ăn mặc chỉnh tề khi lần đầu tiên đến cửa hiệu. Đừng tạt vào trên đường về từ phòng tập gym! Hình ảnh đó sẽ không để lại ấn tượng tốt!
  3. Nhờ dịch vụ môi giới việc làm tạm thời. Bạn có thể đơn giản hóa quá trình tìm việc làm bằng cách tận dụng sự giúp đỡ của dịch vụ môi giới việc làm tạm thời. Họ có thể phân loại mọi tin quảng cáo giúp bạn và họ cũng có mối quan hệ với các doanh nghiệp địa phương.[9]
    • Mặc dù dịch vụ môi giới sẽ lấy một phần lương của bạn, nhưng những công việc tạm thời thường được trả lương khá tốt, và bạn có thể biết rõ thời gian rảnh rỗi bên cạnh lịch học của bạn.
    • Một lợi thế khi tìm việc thông qua môi giới là bạn có thể từ chối công việc nếu bạn có một tuần hoặc một tháng đặc biệt bận rộn ở trường.
  4. Làm người trông trẻ hoặc bảo mẫu cho các gia đình trong vùng. Nếu là người có trách nhiệm hoặc giỏi chăm sóc trẻ em, bạn có thể tìm được công việc ổn định là trông trẻ.
    • Tìm hiểu mức lương hiện tại trong vùng; là sinh viên, bạn có thể đòi mức lương cao hơn; đặc biệt nếu bạn học ngành sư phạm (hoặc sinh viên ngành tâm lý, điều dưỡng hay dự bị y khoa, có chứng nhận về thủ thuật hồi sức tim phổi và/hoặc sơ cứu, v.v…). Ở một số thành phố, bạn có thể được trả đến $15 một giờ.[10]
  5. Cân nhắc đăng ký dịch vụ trông trẻ chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp này sàng lọc và kiểm tra lý lịch của những người trông trẻ. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn khi giao con cho người trông trẻ đã được chọn lựa.
  6. Quảng cáo công việc trông trẻ trong trường. Bạn cũng có thể cân nhắc giới thiệu dịch vụ của bạn với các giáo sư. Nếu đang trực tiếp dạy bạn, có thể họ không thấy thoải mái (hoặc không được phép) thuê bạn, nhưng họ có thể giới thiệu bạn với bạn bè và đồng nghiệp.
  7. Thương lượng làm thêm việc để được trả thêm lương. Nếu bạn đã dành thời gian ở trong nhà để chăm sóc trẻ, bạn có thể kiếm thêm tiền bằng cách làm thêm việc nhà.
    • Ví dụ, bạn có thể đề nghị giúp chủ nhà giặt giũ hoặc rửa chén bát với phí phụ trội (có thể đến $10) thêm vào mức lương trông trẻ bình thường.[7]
  8. Làm việc với trẻ em dưới các hình thức khác. Nếu thấy không thích hợp với công việc trông trẻ, bạn có thể tìm được một công việc như ý và có thu nhập bằng cách dạy kèm hoặc phụ trách thiếu nhi ở các trường tiểu học hoặc trung học.
    • Liên hệ với các trường học ở địa phương để xem họ cần dịch vụ của bạn hoặc có các vị trí phụ trách thiếu nhi bán thời gian nào đang cần người không.
    • Bạn cũng có thể tìm được những công việc tương tự bằng cách đến các tổ chức địa phương như YMCA hoặc YWCA.
  9. Làm việc với động vật. Nếu giỏi tương tác với động vật hơn, bạn có thể tìm công việc tiếp xúc với những người bạn động vật này, công việc đem lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần cũng như “sức khỏe” tài chính của bạn.
    • Quảng cáo dịch vụ dắt chó đi dạo hoặc chăm sóc thú cưng. Bạn có thể phát các tờ rơi (công viên dành cho chó và các phòng thú y địa phương là những nơi tuyệt vời để bắt đầu), hoặc quảng cáo trên mạng, nhưng đừng bỏ qua tầm quan trọng của mạng lưới những người quen biết.
    • Thậm chí bạn có thể suy nghĩ đến việc mở dịch vụ dọn vệ sinh cho chó. Chẳng ai thích việc dọn vệ sinh cho chó, nhưng đó là một công việc khá dễ dàng khi được trang bị găng tay và các dụng cụ thích hợp. Hơn nữa bạn cũng sẽ có một công việc ổn định![8]
  10. Kiếm tiền bằng công việc ở ngoài trời. Nếu bạn trẻ, khỏe mạnh và thích ở ngoài trời, vậy thì làm việc trong sân vườn và công viên có lẽ là thích hợp nhất với bạn.
    • Sẵn sàng chuyển đổi dịch vụ khi các mùa thay đổi: bạn có thể cắt xén cỏ vào những tháng ấm áp, rồi chuyển sang mặc quần áo ấm và cầm xẻng khi trời trở lạnh.
    • Nếu khu vực bạn ở có nhiều tuyết thì việc mua máy thổi tuyết có thể là một sự đầu tư chắc chắn. Nếu là người thích dậy sớm, bạn có thể kiếm tiền bằng cách dọn tuyết bám trên xe hơi vào sáng sớm trước khi mọi người phải đi làm. Bạn có thể tìm được nhiều khách hàng xung quanh hàng xóm hoặc trong khu chung cư.
  11. Tận dụng lợi thế về xe hơi. Nếu có xe hơi riêng, có bảo hiểm và hồ sơ lái xe tốt, vậy thì có nhiều cách để khiến chiếc xe làm việc cho bạn.
    • Bạn có thể tìm công việc giao báo, chở bạn học (đến sân bay, chạy việc vặt hoặc đến các cuộc hẹn bên ngoài trường học), hoặc bạn còn có thể mở dịch vụ giao hàng của riêng mình. Chẳng hạn như bạn có thể được trả công mua thực phẩm cho những người không thể ra khỏi nhà trong khi đi mua đồ dự trữ cho tủ thức ăn của mình.
    • Nếu có xe tải, có lẽ bạn đã biết là bạn (hay nói đúng hơn là xe của bạn) đang có nhu cầu cao, nhất là vào ngày dọn đến/ đi khỏi trường: Hãy giới thiệu dịch vụ dọn nhà – có thu phí, tất nhiên!
  12. Trông nhà. Bạn có biết ai đang có kế hoạch đi nghỉ dài ngày, hay giáo sư của bạn có nói đến kế hoạch đi du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ phép? Nếu thế, có thể bạn là ứng viên hoàn hảo cho vị trí trông nhà.
    • Đây đúng là một công việc tuyệt vời: thông thường bạn không phải làm gì hơn là trông nhà, nhận thư, tưới cây, dọn sân nếu cần, và có thể chăm sóc thú cưng. Ngoài ra bạn còn được ở trong căn nhà có lẽ đẹp đẽ hơn nhiều so với chỗ ở của bạn trong vài ngày hoặc thậm chí nhiều tuần.
  13. Tìm cơ hội trông nhà qua mạng lưới những người quen biết. Cho gia đình, bạn bè và các giáo sư biết rằng bạn sẵn sàng làm công việc trông nhà. Thông thường tốt nhất là tìm người quen của bạn bè (hoặc đồng nghiệp, hoặc chủ của người bạn hoặc của cha mẹ, v.v…)
    • Bạn bè trực tiếp và người trong gia đình có thể mong bạn giúp không công và sẽ cảm thấy phật lòng trước yêu cầu trả công của bạn.[10]
  14. Bán máu và/hoặc huyết tương. Tại sao bạn không cung cấp dịch vụ giá trị cho những người khác, đồng thời còn được trả tiền? Tuy vào việc hiến máu hay hiến huyết tương, thông thường bạn sẽ được trả $20-45 cho mỗi lần “hiến” máu.
    • Tuy nhiên bạn phải đạt một số tiêu chuẩn trước khi được phép hiến máu, và có giới hạn tần suất hiến máu.
    • Đọc kỹ những hướng dẫn của hội Chữ Thập Đỏ trước khi kiểm tra ở bệnh việc hoặc cơ sở y khoa nơi bạn sẽ hiến máu.[7]

Làm việc tại nhà[sửa]

  1. Bán quần áo đã dùng nhưng vẫn còn tốt cho các shop ký gửi. Xem xét kỹ tủ quần áo của bạn. Bạn thường xuyên mặc bao nhiêu cái trong số đó? Bao nhiêu cái còn vừa với bạn? Bao nhiêu cái vẫn còn hợp thời trang? Có lẽ bạn sẽ có một số tiền kha khá khi dọn lại tủ quần áo của bạn.
    • Chọn ra những món nào vẫn còn tốt, đảm bảo phải sạch sẽ và không nhăn nhúm, sau đó đem đến các shop bán hàng ký gửi trong vùng.[7] Bạn phải rời khỏi shop với tiền trong tay. Cố gắng đừng tiêu hết số tiền đó vào quần áo mới khi ở đó – tất nhiên trừ khi đó chính là lý do mà bạn muốn có thêm tiền!
  2. Bán các vật dụng trên mạng. Nếu gần đó không có shop ký gửi nào tốt (hoặc nếu bạn nghĩ có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi tự bán vật dụng của mình), hãy cân nhắc bán trên mạng các món đồ mà bạn không cần hoặc không thích nữa. Craigslist và eBay là hai website nổi tiếng mà bạn có thể thử.[11]
    • Nghĩ đến các vật dụng như quần áo, giày dép, túi xách, dụng cụ tập thể dục và/hoặc thiết bị điện tử. Miễn là chúng còn tốt, hầu như món nào bạn cũng có thể tìm được người mua.
    • Bạn cần chụp ảnh các vật dụng sao cho rõ nét, và nhớ miêu tả đầy đủ, chi tiết món đồ đó. Nếu bạn còn các thông tin về bảo hành, sách hướng dẫn kèm theo món đồ, có thể bạn sẽ dễ bán hơn.
  3. Bán hàng trong sân. Bạn cũng có thể mở shop hàng ngay trong sân nhà mình (hoặc lối đi vào nhà, hay garage xe). Nhiều khu vực có không khí mua bán khá tấp nập, và bạn không cần phải làm gì nhiều mà vẫn tiếp cận được với những người đang đi tìm những món hời.
    • Phát tờ rơi xung quanh hàng xóm, và nhớ đăng một mẩu quảng cáo trên báo địa phương nếu họ quảng cáo bán đồ cũ trong sân.
    • Chấp nhận mặc cả với người mua, và đừng đặt giá cao quá. Nhiều nhất thì bạn cũng chỉ có thể thu lại được 25% giá gốc mà bạn đã phải trả để mua món đồ đó.[12]
  4. Viết bài trên mạng. Nếu giỏi viết lách, bạn có thể có nhiều cơ hội để viết (hoặc biên tập lại các bài viết của người khác) trên mạng.
    • Tìm công việc viết bài và biên tập tự do. Mức lương cho các công việc này rất khác nhau: bạn có thể được trả theo số chữ, hoặc hưởng lương cố định cho một dự án, hoặc trong một số trường hợp có thể được trả lương theo giờ. Tuy nhiên, thông thường bạn không được giữ bản quyền cho các bài viết của mình hoặc được hưởng hoa hồng. Nhưng ngay cả là vậy, công việc tự do này cũng sẽ đóng góp vào hồ sơ của bạn và tạo những kết nối giá trị mà sau này bạn có thể được đền đáp với những cơ hội nghề nghiệp ổn định hơn.
  5. Mở một blog hoặc website của riêng bạn. Nếu muốn giữ các bài viết riêng cho mình, và nếu muốn tự do viết về những đề tài mình thích, bạn có thể nghĩ đến việc tạo một website hoặc blog riêng. Nếu có đủ số lượng người theo dõi, bạn có thể bắt đầu có thu nhập nhờ quảng cáo.
    • Bạn sẽ không chỉ kiếm được vài xu với mỗi cú click chuột vào các mẩu quảng cáo trên trang của bạn, mà với đủ số lượng người theo dõi, công việc này theo thời gian sẽ đem lại lợi ích cho bạn.
  6. Mở một kênh YouTube. Nếu bạn thích truyền thông thị giác hơn và giỏi về việc làm video hài hước hoặc đem lại thông tin bổ ích, bạn có thể kiếm tiền bằng cách tạo một kênh YouTube có quảng cáo.
  7. Biến những sở thích của bạn thành công việc kinh doanh. Bạn yêu thích các dự án tự - tay - làm - lấy? Bạn biết đan, móc, làm đồ gỗ hoặc đồ trang sức thủ công? Nếu là như vậy, bạn có thể tìm được nền tảng khách hàng tốt bằng cách mở shop trên các website như eBay hoặc Etsy.
    • Bạn cần một tài khoản PayPal, một máy ảnh tốt để chụp những bức ảnh có chất lượng cao về các món đồ thủ công của bạn, và một phương thức sắp xếp các đơn đặt hàng.
  8. Làm việc hành chính được trả công. Nếu bạn có kỹ năng tin học căn bản và không ngại làm những công việc lặp đi lặp lại, bạn có thể tìm các công việc như nhồi phong bì (stuffing envelopes), nhập dữ liệu, hoặc nhân viên tiếp thị tại nhà.
    • Những công việc này thường có thể làm trong thời gian rảnh rỗi và công ty tuyển dụng cũng không đòi hỏi phải được đào tạo nhiều.
  9. Tận dụng tối đa thời gian lên mạng. Nếu đã dành quá nhiều thời gian lướt web hoặc mua sắm trên mạng, bạn có thể tìm cách biến thời gian lãng phí thành việc làm có lợi nhuận. Có nhiều doanh nghiệp trả cho bạn các món tiền nhỏ để tham gia khảo sát (như iPoll.com), tải ứng dụng hoặc nghe nhạc.
    • Số tiền mà bạn nhận được có lẽ chỉ là tiền lẻ - bạn sẽ được trả vài cent đến vài đô la cho mỗi nhiệm vụ - nhưng kiến tha lâu cũng đầy tổ, và chắc chắn nó sẽ giúp bạn bớt áy náy hơn khi thỉnh thoảng tiêu tiền cho ly cà phê latte “hoành tráng”.
  10. Thiết kế ứng dụng. Có nhiều cách kiếm tiền tiềm năng trong ngành thiết kế ứng dụng điện thoại. Nếu bạn có ý tưởng về một ứng dụng tuyệt vời và có thể cung cấp cho mọi người các trò tiêu khiển thú vị hoặc giúp họ tổ chức cuộc sống hay học tập theo các phương pháp mới và sáng tạo, bạn có thể ngồi với ý tưởng sinh lợi tiềm năng.
    • Nhiều hướng dẫn có thể cho bạn lời khuyên hữu ích, và bạn có thể tạo một ứng dụng ngay cả khi không có kinh nghiệm. Xem các bài viết liên quan của wikiHow về cách tạo một ứng dụng.

Kiếm tiền bằng cách tiết kiệm tiền[sửa]

  1. Thuê phòng. Nếu thuê phòng riêng bên ngoài khuôn viên trường, bạn có thể tiết kiệm được một số tiền lớn bằng cách tìm bạn chung phòng để chia sẻ tiền thuê phòng và phí sinh hoạt.[13]
    • Cẩn thận chọn lựa bạn chung phòng – một ý tưởng tốt là tìm kiếm trong bạn bè và các bạn học. Nhớ làm bản thỏa thuận giữa hai bên, nêu rõ cách trả tiền các hóa đơn, và đảm bảo không vi phạm hợp đồng thuê hiện tại nếu bạn đưa thêm một người nữa về sống cùng nhà.
  2. Tiết kiệm tiền mua sách. Sách là khoản chi lớn đối với bất cứ sinh viên nào, nhưng mua trước toàn bộ sách không phải là ý tưởng khôn ngoan. Có nhiều cách để tiết kiệm hàng trăm đô la cho việc mua sách trong những năm học.[5]
    • Khi đã có danh sách tài liệu cần đọc, hãy bắt đầu với việc xem giá ở hiệu sách trong trường, nhưng có thể bạn sẽ tìm được ở đâu đó với giá rẻ hơn.
  3. Tìm sách đã qua sử dụng. Thông thường bạn có thể có các lựa chọn ít tốn tiền hơn (sách mới hoặc đã dùng) trên mạng hoặc đến các hiệu sách cũ, nơi họ thường mua sách của sinh viên vào cuối học kỳ.
    • Nếu các giáo sư thường dùng một cuốn sách giáo khoa cho nhiều học kỳ, bạn có thể mua được những phiên bản rẻ hơn. Thậm chí bạn có thể tìm được miễn phí ở thư viện trong trường hoặc thư viện địa phương.
  4. Nghiên cứu xem liệu bạn có thể dùng ấn bản cũ hơn không. Nếu được giao một bài trong ấn bản mới, bạn có thể mua một ấn bản cũ hơn (rẻ hơn) của bài đó. Các nhà xuất bản thường thay đổi rất ít mỗi lần xuất bản ấn phẩm mới, và cái duy nhất thay đổi có thể chỉ là số trang, hoặc thi thoảng có bổ sung thêm phần đọc mới.
    • Kiểm tra lại với giáo sư để biết ấn bản cũ có còn phù hợp không trước khi quyết định mua.
  5. Thuê hoặc dùng chung sách. Bạn cũng có thể thuê sách giáo khoa với giá rẻ hơn nhiều, hoặc có thể góp chung với bạn học cùng khóa mua một cuốn sách đắt tiền.
    • Nếu mua chung sách, bạn nhớ phân chia lịch dùng sách một cách rõ ràng.
  6. Chỉ đem theo tiền mặt. Bạn có thể tiêu ít tiền hơn bằng cách chỉ trả tiền mặt cho các món hàng. Cất thẻ nợ và thẻ tín dụng đi, hoặc nhét vào góc ví để chỉ rút ra trong trường hợp khẩn cấp.
    • Khi rút tiền, bạn nên rút đủ số tiền dùng trong một tháng nếu có thể. Như vậy bạn không phải đi nhiều lần đến cây ATM. Với phí $3 một lần rút, số tiền này cộng lại cũng tốn khá nhiều.[5]
    • Tuy nhiên, tránh đem theo tất cả số tiền mặt khi ra ngoài. Chỉ đem theo số tiền mà bạn nghĩ là cần.
  7. Tiết kiệm tiền ăn ở trường. Nếu sống trong trường, bạn có thể phải mua gói ăn. Nếu vậy, bạn nên chọn gói tiết kiệm nhất (thành thực xét về số lần bạn đến căng tin).
    • Sau đó, bạn hãy tận dụng tối đa, cho dù chọn gói nào: tránh bỏ bữa để sau đó khỏi phải đi mua thức ăn; và nếu được phép, hãy đem hoa quả hay thức ăn thừa về để có sẵn món ăn vặt cả ngày.
    • Ngoài ra, bạn hãy xem xét các dịp cung cấp thức ăn miễn phí trong trường.
    • Nếu có môn thực hành về dịch vụ ăn uống hoặc bàn tiệc, bạn có thể đem về các thức ăn miễn phí.[5]
  8. Không mua gói ăn. Nếu có khả năng, bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách không mua gói ăn mà tự mua thực phẩm.
    • Mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm giảm giá hoặc mua sỉ ở các cửa hàng như Costo. Khi mua số lượng lớn, có thể trong một lúc bạn tốn khá nhiều tiền. Bạn có thể xử lý bằng cách rủ bạn bè mua chung.
  9. Tiết kiệm tiền quần áo. Bạn muốn đẹp, hẳn rồi, nhưng bạn không cần phải tốn nhiều tiền mới có thể ăn mặc hợp thời trang. Hãy suy nghĩ đến việc đơn giản hóa tủ quần áo của bạn: xây dựng một nền tảng vững chắc với những kiểu cổ điển mà bạn có thể dễ dàng pha trộn và phối hợp.
    • Mua quần áo đã sử dụng hoặc dứt khoát chỉ mua khi được giảm giá. Bạn cũng có thể trao đổi quần áo với bạn bè để luôn có sự mới mẻ.
  10. Trao đổi các dịch vụ với bạn bè. Có phải bạn đang tiêu nhiều tiền hơn mong muốn trong việc làm móng và tóc mỗi tháng? Bạn có người bạn không thể cưỡng lại món bánh ngọt trong tiệm cà phê, hoặc đang trả tiền thuê người huấn luyện riêng? Nghĩ về những thứ mà bạn và bạn của bạn đang phải trả tiền, sau đó nghĩ cách để các bạn trao đổi dịch vụ với nhau để tiết kiệm.
    • Ví dụ, để trao đổi công làm tóc cho một cuộc hẹn quan trọng, bạn có thể đề nghị cung cấp cho bạn mình món bánh nướng mới ra lò.
  11. Giảm chi phí đi lại. Chi phí đi đến trường học (hoặc đi làm các việc linh tinh trong thành phố) có thể khá cao. Để tiết kiệm tiền xăng, tiền bảo hiểm và chỗ đậu xe, bạn nên cố gắng đi xe công cộng mọi lúc có thể.
    • Trường học có thể dành cho sinh viên gói cước xe buýt giảm giá, hoặc bạn có thể thỏa thuận đi chung xe với các bạn học đến lớp hoặc đi công việc.
  12. Cắt giảm những thứ xa xỉ. Có thể bạn nghĩ rằng mình không thể sống thiếu truyền hình cáp hoặc cà phê Starbucks, tuy nhiên bạn hãy trung thực với chính mình. Có lẽ bạn chỉ cần caffeine chứ không phải ly latte $4.
    • Pha cà phê ở nhà, cân nhắc cắt truyền hình cáp và chuyển sang các gói miễn phí hoặc rẻ hơn (như NetFlix hoặc Hulu), và hoãn mua sắm các thiết bị điện tử mới nhất, nổi bật nhất.[5]
    • Khi không còn dùng các món xa xỉ, tất nhiên bạn sẽ tiết kiệm được tiền, nhưng bạn cũng sẽ thích thú và trân trọng những món đó hơn một khi bạn thực sự có khả năng lại đáp ứng được các món đó.
  13. Tận dụng các hình thức giảm giá cho sinh viên. Trước khi đến nhà hàng hay viện bảo tàng, bạn hãy tìm kiếm nhanh xem ở đó có giảm giá cho sinh viên không. Thông thường bạn có thể được vào cửa miễn phí hoặc được giảm giá đáng kể với thẻ sinh viên.
  14. Tìm các hoạt động giải trí miễn phí. Bạn đang tốn bao nhiêu tiền đi xem phim, đến các bar hoặc câu lạc bộ? Mặc dù đời sống xã hội và hoạt động thư giãn vào những lúc không bận học là quan trọng, nhưng bạn cũng không cần tiêu nhiều tiền (hoặc không cần bỏ đồng nào!) để tận hưởng trong thời gian rảnh rỗi.
    • Lưu ý đọc các tờ rơi và áp phích trong trường có đăng quảng cáo về các hoạt động và các buổi diễn thuyết lý thú. Bạn có thể xem kịch và hòa nhạc trong trường, tham dự các buổi diễn thuyết của các nhà tư tưởng lớn, hoặc dự các buổi tiệc được tài trợ hoàn toàn miễn phí cho sinh viên.
  15. Suy nghĩ đến việc tham gia vào một hoặc nhiều câu lạc bộ trong trường. Ngoài việc có thể gặp gỡ những nhân vật mới và thú vị, một số câu lạc bộ còn có các hoạt động thường kỳ (như đêm chiếu phim), hoặc thậm chí cả những chuyến đi trong kỳ nghỉ.
    • Những hoạt động này thường được tài trợ một phần, đôi khi toàn bộ, thông qua việc hiến tặng hoặc những hoạt động gây quỹ.[5]

Cảnh báo[sửa]

  • Nhớ ưu tiên việc học. Thông thường mục đích chính của việc học tập là để có đủ năng lực đáp ứng được một công việc tốt, do đó bạn đừng đi ra ngoài lề với những hoạt động hiện tại.
  • Không quảng cáo bản thân với kỹ năng mà bạn thực sự không có. Đừng bao giờ thổi phồng năng lực của mình trong hồ sơ xin việc.
  • Tôn trọng pháp luật. Đừng đánh liều tương lai vì sự cám dỗ của đồng tiền dễ dãi và chớp nhoáng, ngay cả khi bạn cho rằng mình có thể làm tốt hơn cả Walter White!
  • Nếu một giao dịch nghe có vẻ tốt đến mức không thể là thật, có lẽ nó đúng là như vậy!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này