Làm gạc nóng đơn giản để chữa đau cơ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có thể làm gạc nóng để xoa dịu các cơ đau nhức. Đây có thể là cách hữu hiệu để giảm đau ở tổn thương lâu ngày hoặc diễn ra quá một hoặc hai ngày.[1] Nếu muốn điều trị tổn thương cơ cấp tính (mới xảy ra trong vòng 24 – 48 tiếng), bạn nên xử lý bằng đá lạnh. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng tổn thương nghiêm trọng luôn phải được chuyên viên y tế hoặc chuyên gia vật lý trị liệu đánh giá.

Các bước[sửa]

Làm gạc nóng[sửa]

  1. Mở vòi nước nóng. Bạn có thể muốn đun nước nóng trên bếp hoặc lò vi sóng, nhưng bạn có thể có rủi ro bị bỏng nếu đun nước theo cách này. Thay vì thế, bạn nên mở vòi nước nóng ở bồn rửa đến độ nóng có thể chịu được.
  2. Tìm một chiếc khăn rộng đủ để che phủ vết thương. Gấp khăn hoặc mảnh vải sao cho vừa đủ để phủ lên vùng da muốn đắp gạc.
  3. Đặt khăn dưới vòi nước đang chảy đến đẫm nước. Kiểm tra để đảm bảo khăn không quá nóng khi đắp lên da. Sau đó đắp lên vùng tổn thương.
    • Đắp khăn khoảng 20 phút, tối đa 3 lần một ngày cho đến khi bớt đau.
  4. Làm nóng toàn bộ cơ thể.[2] Thay vì làm gạc nóng cho một vùng cơ thể, nếu bạn có nhiều cơ bị đau hoặc toàn bộ cơ thể đều đau sau khi lao động cật lực thì làm nóng toàn bộ cơ thể sẽ là một cách hiệu quả để giảm đau (và còn có thể đẩy nhanh thời gian hồi phục sau đó). Các lựa chọn bao gồm:
    • Tắm bồn nước nóng.
    • Tắm vòi sen nước nóng.
    • Đi ngâm bồn nước nóng.
    • Đi phòng tắm hơi.
    • Đi xông hơi.
  5. Cần thận trọng. Nếu bạn dùng nhiệt để chữa đau cơ thường xuyên, điều quan trọng là phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau đây:
    • Giữ đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước (ít nhất 8 ly mỗi ngày). Việc tiếp xúc lâu với nhiệt có thể khiến mất nước, do đó điều quan trọng là uống nhiều nước.[2]
    • Cẩn thận kẻo bỏng. Kiểm tra nhiệt độ khăn trước khi dùng, hoặc nếu dùng túi chườm nóng hoặc chai nước nóng, bạn nên bọc trong khăn hoặc mảnh vải trước khi đắp để đảm bảo khỏi làm bỏng da.[1]
    • Kiểm tra xem da có quá nóng không. Nếu có, hoặc nếu thấy đau, bạn hãy bỏ gạc ra khỏi da. Nói chung cơ thể sẽ báo cho bạn biết khi nhiệt độ trở nên quá nóng.
  6. Hiểu tại sao sức nóng có thể xoa dịu và giúp giảm đau cơ. Sức nóng giúp các cơ thư giãn bằng cách kích thích dòng máu lưu thông đến những cơ bị co thắt.[1]
    • Hiện tượng đau cơ thường xảy ra do các cơ làm việc quá mức do sự tích tụ của một chất gọi là a-xít lactic.[1]
    • A-xít lactic sinh ra trong quá trình trao đổi chất khi lao động nặng (hoặc các môn thể thao mạnh), và bạn cần tăng cường máu lưu thông đến các cơ đau để đánh tan a-xít lactic.[1]
    • Lưu ý rằng nếu bạn bị đau cơ kinh niên thì việc dùng nhiệt trước khi làm việc (hoặc trước khi tập thể thao) có thể giúp giảm đau trong quá trình hoạt động.[1]
  7. Thử các lựa chọn khác. Nếu có túi chườm nóng tại nhà hoặc chai nước nóng, thì đây có thể là "các liệu pháp tại nhà" nhanh và hiệu quả trong việc chữa trị các cơ bị đau.[2] Nếu thường xuyên bị đau cơ, có lẽ bạn cần mua túi chườm nóng hoặc chai nước nóng để khỏi phải tự làm gạc nóng bằng khăn và nước nóng mỗi lần sử dụng.

Thử các liệu pháp thay thế[sửa]

  1. Dùng kem hoặc gel kháng viêm.[3] Xoa kem kháng viêm lên các cơ bị đau sau khi tập luyện. Một số ví dụ có thể kể đến là Bengay hoặc Voltaren. Tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ để được giới thiệu các loại khác.
    • Chú ý liều lượng. Mặc dù được dùng ngoài da nhưng thuốc bôi ngấm vào cơ thể, do đó bạn cần phải biết và sử dụng đúng liều lượng.
    • Cẩn thận không bôi kem chứa thuốc lên vùng da bị rách hoặc tổn thương.
    • Đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau kéo dài hơn vài tuần sau khi đã thử dùng các thuốc bôi ngoài da.
  2. Thử bôi kem capsaicin. Kem này được bào chế từ ớt cay, và có thể dùng như một chất giảm đau hữu hiệu.[3] Khi mới bôi capsaicin lên da, bạn có thể có cảm giác kim châm hoặc hơi bỏng rát. [3] Đừng lo lắng vì điều này là tự nhiên.
    • Lưu ý rằng capsaicin có thể cần dùng từ vài ngày đến vài tuần (bôi mỗi ngày một lần) để có hiệu quả giảm đau.[3] Nếu dùng liệu pháp này, bạn nên chú ý đến khoảng thời gian trên trước khi kết luận nó có hiệu quả với bạn hay không.
  3. Đến gặp bác sĩ. Nếu bạn nhận thấy tình trạng đau cơ không được cải thiện sau một hoặc hai tuần từ khi bắt đầu xuất hiện, bạn cần phải đến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu (người có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán các chấn thương thể thao nghiêm trọng) để khám và chẩn đoán chính xác.
    • Nếu xảy ra vấn đề nào nghiêm trọng hơn, bạn cần phải biết sớm để điều trị tổn thương trước khi tình trạng trở nên xấu đi.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]